Quân bài lật ngửa của Iran

Thứ Năm, 07/10/2021, 20:21

“Nếu người Mỹ thực sự có thiện chí, hãy dỡ bỏ phong tỏa một số tài sản của chúng tôi, ví dụ 10 tỷ USD bị đóng băng tại các ngân hàng nước ngoài... để chúng tôi yên tâm rằng họ đã tính đến lợi ích của người dân Iran ít nhất là một lần trong những thập niên qua”, ngày 2-10, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Amir-Abdollahian tuyên bố như vậy.

Đó chính xác là một đòn ngoại giao cân não và trực diện hướng về phía Washington, khi tiến trình đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 vẫn sa lầy trong bế tắc.

Sức ép gia tăng

Chỉ hai ngày sau, ngày 4-10, Tehran thông báo kế hoạch tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Arak.

Cụ thể, theo ông Mustafa Nakhai, Người phát ngôn Ủy ban Năng lượng Quốc hội Iran: “Lò phản ứng Arak IR-20 sẽ được khởi động trong vòng một năm tới, kể từ thời điểm này”. Ông cũng cho biết, như một động thái trấn an phương Tây cũng như cộng đồng quốc tế: Lò phản ứng hạt nhân Arak sẽ được chuyển đổi từ một địa điểm sản xuất nước nặng thành một cơ sở nghiên cứu sản xuất điện.

Quân bài lật ngửa của Iran -0
Lò phản ứng hạt nhân Arak đang được tái khởi động.

Tuy vậy, thực tế, theo thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký kết với các cường quốc thế giới năm 2015, nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ phải đóng cửa lò phản ứng Arak ở tỉnh Markazi, để không thể tiếp tục sản xuất plutoni phục vụ mục đích quân sự.

Bởi vậy, ta có thể hiểu vì sao trong thông báo về việc khởi động trở lại lò phản ứng Arak, Iran cam kết sẽ thay thế lò phản ứng ban đầu bằng một lò phản ứng mới nhằm hỗ trợ “nghiên cứu hạt nhân một cách hòa bình”. Ông Nakhai cũng dẫn lời tân Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohamed Eslami cho biết lò phản ứng IR-20 mới tại Arak được thiết kế để tạo ra 8.000 MW điện hạt nhân với việc xây dựng thêm các lò phản ứng bổ sung.

Vấn đề là, khi những tranh cãi giữa Tehran với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về các công đoạn thanh sát và giám sát những hoạt động nghiên cứu phát triển hạt nhân ở Iran vẫn còn chưa chấm dứt, thì chuyện lò phản ứng Arak được lên kế hoạch tái khởi động, dù thế nào, cũng vẫn tạo nên những nghi ngờ nhất định.

Và vấn đề còn là, cho dù nỗ lực ủng hộ tiến trình tái đàm phán để hồi sinh JCPOA, ba cường quốc Châu  Âu là Anh, Pháp và Đức cũng vẫn đặt ra những giới hạn nhất định, chứ không hề sẵn sàng nhân nhượng vô điều kiện.

Cũng trong ngày 4-10 ấy, đáp trả việc Iran yêu cầu Mỹ dỡ bỏ phong tỏa đối với tài sản của nước này như là một điều kiện tiên quyết nhằm nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân, Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ: “Iran không thể đặt thêm bất kỳ điều kiện nào để nối lại các cuộc đàm phán. Chúng tôi kêu gọi Iran nối lại các cuộc đàm phán sớm nhất có thể”.

Quân bài lật ngửa của Iran -0
Washington liệu có tiếp tục gia tăng sức ép?

Liên quan vấn đề này, cùng ngày, theo hãng tin AFP của Pháp người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran - ông Saeed Khatibzadeh – hé lộ: Tehran dự kiến nối lại cuộc đàm phán hạt nhân với các cường quốc thế giới thuộc nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) không quá muộn. Ông Khatibzadeh nói: “Chính phủ của (Tổng thống Iran) Ebrahim Raisi mới cầm quyền được chưa đầy 55 ngày... Tôi không nghĩ rằng (việc quay trở lại đàm phán) sẽ phải mất đến 90 ngày”. Tuy nhiên, ông chưa đề cập thời điểm cụ thể dành cho đàm phán.

Như vậy, rõ ràng, chuyện vừa đòi hỏi Mỹ “thể hiện thiện chí” bằng cách dỡ bỏ phong tỏa các khoản ngân sách quốc gia của Iran bị đóng băng ở nước ngoài, vừa thông báo kế hoạch tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Arak là những động thái cần phải được hiểu rõ hàm ý: Tehran sẵn sàng quay trở lại đàm phán, nhưng là đàm phán với những điều kiện cụ thể mà chính phủ Tổng thống Ebrahim Raisi – với sự hậu thuẫn của thủ lĩnh tinh thần tối cao là Đại giáo chủ Ali Khamenei – đã vạch ra, nghĩa là không chấp nhận nhượng bộ.

Ở một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Amir-Abdollahian cũng cảnh báo rằng Tehran sẽ kiện Hàn Quốc, nếu nước này tiếp tục từ chối thanh toán khoản nợ gần 8 tỷ USD mua dầu mỏ của Iran - hiện đang bị đóng băng tại các ngân hàng Hàn Quốc. Ông cảnh báo: Chính phủ Iran sẽ cho phép ngân hàng Trung ương thực hiện hành động pháp lý đối với hai ngân hàng Hàn Quốc nắm giữ tài sản của Iran.

Cửa thoát hiểm nào cho JCPOA?

Thực tế, câu chuyện dài về việc dỡ bỏ phong tỏa hoặc các biện pháp trừng phạt, ngay từ đầu, đã là một phần tất yếu của “bộ phim nhiều tập” mang tên JCPOA.

Đơn cử, mới đầu năm 2021 này, khi nhận định về khả năng nước Mỹ quay trở lại với thỏa thuận lịch sử ấy dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, người đứng đầu Hội đồng Chiến lược về quan hệ đối ngoại Iran Kamal Kharrazi đã nhận định: Nếu Mỹ quyết định tham gia trở lại JCPOA mà không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran thì điều này đồng nghĩa một hành vi “tống tiền”, bởi lẽ Washington sẽ đưa ra những yêu cầu mới để đổi lấy việc dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt.

Quân bài lật ngửa của Iran -0
Bài toán khó cho Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken.

Cũng mới ngày 22-8-2021, theo Reuters, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố về mối quan hệ Iran – Nhật Bản (một đồng minh thân cận khác của Mỹ ở Châu Á, như Hàn Quốc): “Việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản rất quan trọng đối với Iran. Song, bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc dỡ bỏ phong tỏa các tài sản của Iran tại các ngân hàng Nhật là không có lý do chính đáng”. Iran đã gửi hàng chục tỷ USD doanh thu - chủ yếu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt - ở các ngân hàng nước ngoài, kể cả 3 tỷ USD trong các quỹ ở Nhật Bản, nhưng không thể tiếp cận chúng do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực ngân hàng và năng lượng của nước này, cũng như với rất nhiều khoản tiền lớn khác.

Kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương đưa nước Mỹ rời JCPOA, các lệnh trừng phạt, cấm vận và phong tỏa như vậy đã liên tục được gia tăng, với mục tiêu không hề che giấu là ép Iran “đầu hàng” trong sự khốn quẫn, nhằm chấp nhận tái đàm phán JCPOA với các điều khoản ngặt nghèo hơn những gì đã có được trong năm 2015.

Iran, quả thật, đã phải đối diện với muôn vàn khó khăn, đặc biệt là trong thời điểm hai năm qua, khi đại dịch COVID-19 tàn phá tất cả mọi kết cấu kinh tế - xã hội toàn cầu. Họ hầu như không thể tiếp cận các thành tựu về y tế và khoa học theo “đường chính ngạch”, và Tehran thậm chí từng gọi cách hành xử của Mỹ - nghĩa là duy trì cấm vận bất chấp việc đại dịch đe dọa sinh mạng của hàng chục triệu công dân Iran – là “chủ nghĩa khủng bố y tế” (medical    terrorist).

Song, thực tế  là kể từ năm 2018 đến nay, Iran không hề sụp đổ. Họ vẫn đứng vững, với tinh thần “bài Mỹ” càng lúc càng tăng cao, đặc biệt là sau sự vụ một tướng lĩnh cấp cao của họ bị Mỹ ám sát bằng vũ khí điều khiển từ xa. Họ vẫn duy trì được sự cứng rắn, và với một tân tổng thống theo đường lối cứng rắn tiếp nhiệm, không nghi ngờ gì nữa, Tehran sẽ lại càng trở nên “ngang ngạnh”. Trong tay họ, với những ưu thế về địa chính trị (đặc biệt là trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế ở Tây Nam Á) cũng như dầu mỏ, còn quá nhiều lợi ích hứa hẹn trong các dự án hợp tác quốc tế, đủ để khiến không phải đồng minh phương Tây nào cũng đồng ý với đường lối “triệt hạ” của nước Mỹ.

Quân bài lật ngửa của Iran -0
Tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi – một đại biểu của phái cứng rắn.

Cần phải nhắc lại rằng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA và chỉ trích dữ dội thỏa thuận này “là một thỏa thuận tồi”, nước Đức cũng như nước Pháp – hai ngọn cờ lãnh đạo Châu  Âu – đã cố hết sức để thuyết phục: “Một thỏa thuận không hoàn hảo, còn hơn không có thỏa thuận nào”.

Tehran hiểu rõ bối cảnh đó, cũng hiểu rõ những ưu thế của mình trên bàn đàm phán. Và đến hiện tại, họ đang chứng minh với cả thế giới rằng cuộc chơi nằm trong tay họ. Điều ấy rất khó có thể thay đổi, đặc biệt là với nước Mỹ.

Mỹ đã không còn là thành viên của JCPOA. Mỹ chỉ có thể tham dự trở lại các vòng đàm phán từ đầu năm đến nay, theo hình thức gián tiếp, như một phái đoàn quan sát viên. Iran chưa chấp nhận gặp gỡ để thương thảo trực tiếp với Mỹ, và điều đó có nghĩa là mọi quan điểm của nước Mỹ về JCPOA hiện đều chỉ mang “giá trị tham khảo” với Tehran.

Quân bài lật ngửa của Iran -0
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Amir-Abdollahian tuyên bố: “Nếu người Mỹ thực sự có thiện chí, hãy dỡ bỏ phong tỏa một số tài sản của chúng tôi”.

Và bởi vậy, kể cả khi cả thế giới hiểu rằng JCPOA chỉ có thể hồi sinh toàn diện cũng như đích thực nếu có sự tham gia của siêu cường ấy, thì Tehran vẫn đủ tự tin để đặt ra những lựa chọn: Nước Mỹ có thực sự muốn hồi sinh thỏa thuận này và tham gia đầy đủ hay không? Nếu có, thì đầu tiên Washington cần phải chứng minh được thiện chí bằng những hành động cụ thể. Họ chẳng có gì phải vội vàng, cho dù dưới bất cứ sức ép nào.

Mây Linh
.
.