Sự cần thiết của Cảnh sát vũ trụ ảo

Thứ Bảy, 03/12/2022, 13:00

Mặc dù sức hút của vũ trụ ảo (metaverse) đang có dấu hiệu giảm dần, nhưng thực tế, thế giới nhập vai này vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng xã hội tương lai. Vai trò đó đòi hỏi sự cần thiết của lực lượng an ninh trong vũ trụ ảo.

Một tương lai hứa hẹn

Theo Gartner, doanh thu toàn cầu của công nghệ nền tảng cho Metaverse là AR/VR được dự đoán sẽ tăng từ 12 tỷ USD năm 2020 lên 72,8 tỷ USD vào năm 2024. Bên cạnh đó, nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới đã và đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đua Metaverse. Điển hình vào 29/10/2021, Facebook chính thức đổi tên thành Meta theo định hướng từ một Social Media company trở thành Metaverse company. Cùng với đó là việc công ty Epic Games (công ty đứng sau tựa game Fornite) đã gọi vốn thành công 1 tỷ USD với tham vọng đưa tựa game này trở thành Metaverse. Metaverse không còn là khoa học viễn tưởng mà đã và đang dần trở nên thực tế.

1.jpg -0
Vũ trụ ảo hứa hẹn nhiều sự phát triển.

Thuật ngữ Metaverse lần đầu được biết đến vào năm 1992 trong cuốn tiểu thuyết “Snow Crash” của nhà văn Neil Stephenson. Nội dung cuốn tiểu thuyết sử dụng Metaverse để mô tả một thế giới khác (thế giới ảo cho Internet) mà tại đây có thể viết lại hệ thống giá trị, chuẩn mực xã hội và không còn sự ràng buộc, cứng nhắc về kinh tế, văn hóa của thế giới thực.

Xét về cấu tạo từ Metaverse được tạo thành từ Meta có nghĩa là “toàn diện hơn”, “siêu việt hơn” và verse trong Universe nghĩa là “vũ trụ”. Do đó, Metaverse như một bản sao của thế giới thực và tồn tại song song với thế giới thực nhưng vượt xa và ưu việt hơn so với vũ trụ thực. Tại thế giới đó, những công cụ hoặc tính năng các nhà phát triển cung cấp sẽ giúp xóa tan rào cản của sự tự do và sáng tạo.

Do đó, có thể hiểu Metaverse là một tập hợp các không gian ảo, nơi người dùng có thể tạo và khám phá với những người khác không ở trong cùng một không gian thực với nhau. Người dùng sẽ có thể đi chơi với bạn bè, làm việc, vui chơi, học hỏi, mua sắm, sáng tạo và hơn thế nữa.

Với ý nghĩa vượt lên trên vũ trụ hiện tại, Metaverse sẽ thay đổi cách người dùng tương tác với thế giới, từ đó tạo ra một thế giới hoàn toàn mới, mang lại nhiều cơ hội cho mọi người. Tương lai của Metaserve gần như là một điều chắc chắn khi hầu như tất cả các công ty công nghệ lớn đều đã và đang đầu tư rất nhiều vào nó.

Theo Gartner, ước tính đến năm 2026, cứ bốn người thì có một người sẽ dành ít nhất một giờ mỗi ngày trong Metaverse để làm việc, học tập, mua sắm và giao tiếp xã hội. Mặc dù một số công ty phải đối mặt với thua lỗ và không chắc chắn trong các khoản đầu tư Metaverse của mình, không thể phủ nhận khả năng của nền tảng này trong việc kết nối thế hệ trẻ. Ngày nay, nhiều ngành công nghiệp đã bước đầu chú ý xây dựng sự hiện diện của mình trong metaverse. Ngoài trò chơi, thời trang và bất động sản, thậm chí còn có cả các ngân hàng đang cung cấp dịch vụ trong Metaverse.

Sự cần thiết của Cảnh sát vũ trụ ảo -0
Báo cáo xu hướng tội phạm toàn cầu của Interpol.

Thiên đường tội phạm mới

Cùng với sự phát triển của Metaverse, nhiều lo ngại rằng tội phạm trong Metaverse có thể đang gia tăng. Nhưng làm thế nào để định nghĩa tội phạm trên nền tảng này? Vì người tham gia chỉ giao tiếp và hiện diện bằng avatar, những gì xảy ra trên các nền tảng này có thể không dễ dàng để “luận tội”. Ví dụ, nếu một hình đại diện quyết định đánh đập hoặc nói những lời tục tĩu với một hình đại diện khác, không có luật nào ngăn cản nó làm như vậy - trừ khi chương trình được thiết kế để vô hiệu hóa các hành động trên.

Thay vào đó, tội phạm trong Metaverse, tính đến thời điểm hiện tại, sẽ được xác định bởi cách người dùng sử dụng dịch vụ để lừa đảo, bịp bợm hoặc ăn cắp tiền từ nạn nhân. Nhiều người có thể mất cả tiền và tài sản khi bị tội phạm mạng nhắm mục tiêu trong Metaverse.

"Nếu bạn bị “giết” trong Metaverse, hành động này có bị coi là tội ác cần trừng phạt theo pháp luật không?", đây là một trong những chủ đề được các chủ doanh nghiệp lớn và nhà lãnh đạo thế giới thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Theo trang tin IFLScience, phát biểu trong một cuộc thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2022 ở Davos (Thụy Sĩ) hồi tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Trí tuệ nhân tạo của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) Omar Sultan Al Olama đã hỏi về cách các chính phủ có thể phản ứng với sự ra đời của Metaverse.

Bộ trưởng Omar Sultan Al Olama cho rằng các chính phủ trên thế giới cần thảo luận và thống nhất về một loạt chính sách và tiêu chuẩn liên quan đến thế giới ảo Metaverse.

"Cần có một cuộc thảo luận ở cấp Liên hiệp quốc, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) hoặc các tổ chức phi chính phủ để thiết lập một tiêu chuẩn nhất định. Tiêu chuẩn đó cần được đặt ra ngay trên Internet ở hiện tại. Ví dụ, web đen (dark web) là nội dung bất hợp pháp ở nhiều quốc gia”, ông Olama đề nghị.

Sự cần thiết của Cảnh sát vũ trụ ảo -1
Interpol đã thành lập lực lượng an ninh trong vũ trụ ảo để đáp ứng những yêu cầu cần thiết trong việc phòng chống tội phạm.

Ông Chris Cox, Giám đốc sản phẩm tại Meta, cũng đã phát biểu trong cùng một hội đồng với ông Al Olama. Ông Cox nhấn mạnh Metaverse sẽ là một nơi với nhiều nền tảng đa dạng khác nhau, tất cả đều hoạt động với các quy tắc, chuẩn mực và văn hóa của riêng họ.  Tuy nhiên, ông Cox đồng ý về sự cần thiết của một số tiêu chuẩn phải được thống nhất trên toàn cầu. Ông đề xuất các nền tảng khác nhau cũng sẽ cần phải có một số trách nhiệm trong việc thiết lập các tiêu chuẩn cho chính họ.

Theo báo cáo Xu hướng tội phạm toàn cầu của Interpol, tội phạm tài chính và tội phạm mạng luôn có mối liên hệ với nhau, vì một lượng đáng kể gian lận tài chính diễn ra thông qua các công nghệ kỹ thuật số và tội phạm mạng cũng phụ thuộc vào gian lận tài chính để trục lợi bất hợp pháp. Tội phạm mạng như một dịch vụ (ransomware-as-a-service) chỉ là một trong những khái niệm đang phát triển trong lĩnh vực tội phạm mạng. Mã độc tống tiền (ransomware) cũng đã đẩy nhanh các công cụ rửa tiền kỹ thuật số đóng vai trò rất quan trọng đối với tội phạm mạng đang tìm cách rút tiền. Trên thực tế, ransomware là mối đe dọa cấp cao thứ hai, ở mức 66%, sau rửa tiền. Lừa đảo thương mại điện tử và gian lận đầu tư cũng đã leo thang ở hầu hết các khu vực. Các cuộc tấn công ransomware thường nhắm vào mục tiêu là tập đoàn lớn, chính phủ và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Để tối đa hóa thiệt hại và lợi nhuận bất hợp pháp, nhiều hacker đã chuyển sang chiến lược tống tiền kép, trong đó dữ liệu hoặc tệp của nạn nhân vừa được mã hóa vừa bị đe dọa tiếp xúc với công chúng, làm tăng thêm rủi ro gián đoạn kinh doanh và tổn hại danh tiếng.

Do đó, ông Madan Oberoi, Giám đốc Điều hành Công nghệ và Đổi mới của Interpol tin rằng bằng cách xác định những rủi ro này ngay từ đầu, Interpol có thể làm việc với các bên liên quan để định hình các khuôn khổ quản trị cần thiết và cắt đứt thị trường tội phạm trong tương lai trước khi chúng được hình thành đầy đủ.

"Chỉ khi vào cuộc ngay bây giờ, chúng ta mới có thể xây dựng một phương pháp phòng chống hiệu quả. Nhưng để hiểu được Metaverse, chúng ta cần phải trải nghiệm nó", ông Oberoi khẳng định.

Sự cần thiết của Cảnh sát vũ trụ ảo -0
Vũ trụ ảo tạo ra thách thức mới cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc phòng chống tội phạm.

Interpol vào cuộc

Trên thực tế, Interpol hiện đang chuẩn bị cho trường hợp rủi ro rằng những môi trường nhập vai trực tuyến có thể tạo ra các loại tội phạm mạng mới và cho phép tội phạm hiện có hoạt động trên quy mô lớn hơn. TECHWIRE ASIA đưa tin, các quốc gia thành viên của Interpol đã nêu lên lo ngại về tội phạm metaverse có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Trước tình hình đó, Interpol đã giới thiệu Metaverse đầu tiên được thiết kế đặc biệt dành riêng cho việc thực thi pháp luật trên toàn thế giới. Được cung cấp thông qua Interpol Secure Cloud, Metaverse Interpol sẽ cho phép người dùng đã đăng ký tham quan bản sao ảo của trụ sở Tổng thư ký Interpol ở Lyon (Pháp), tương tác với các sĩ quan thông qua hình đại diện và thậm chí tham gia các khóa đào tạo nhập vai về điều tra pháp y và các khả năng trị an khác.

"Đối với nhiều người, Metaverse dường như báo trước một tương lai đầy hứa hẹn, nhưng những vấn đề mà nó tạo ra luôn thúc đẩy Interpol hỗ trợ các quốc gia thành viên chống lại tội phạm và làm cho thế giới, dù ảo hay thật, an toàn hơn cho những người dân sinh sống ở đó", Tổng thư ký Interpol Jürgen Stock cho biết.

Interpol cũng tuyên bố thành lập một nhóm chuyên gia về Metaverse để đại diện cho những lo ngại của cơ quan thực thi pháp luật trên trường quốc tế, đảm bảo thế giới ảo này được bảo mật theo thiết kế.

Khi số lượng người dùng Metaverse tăng lên và công nghệ phát triển hơn nữa, danh sách các loại tội phạm có thể mở rộng bao gồm tội phạm chống lại trẻ em, đánh cắp dữ liệu, rửa tiền, gian lận tài chính, giả mạo, ransomware (mã độc tống tiền), lừa đảo và tấn công, quấy rối tình dục.

Đối với các cơ quan thực thi pháp luật, một số mối đe dọa này có thể sẽ tạo ra những thách thức đáng kể, bởi vì không phải tất cả các hành vi hình sự trong thế giới vật chất đều có thể coi là tội ác khi thực hiện trong thế giới ảo.

Đỗ Tiến
.
.