Triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn 60.000 con dấu, tài liệu giả

Thứ Năm, 01/06/2023, 10:00

“Choang” - cú vung tay nhanh, quyết đoán của Thiếu tá Nguyễn Văn Chiển, Phó Phòng An ninh điều tra (ANĐT), Công an tỉnh Nam Định làm lớp kính dày vỡ tung, cánh cửa bật ra. Các thành viên tổ công tác nhanh chóng ập vào, chỉ trong chớp mắt, đối tượng mắt xích quan trọng Nguyễn Nhựt bị khống chế.

Từ đầu dây điện thoại liên lạc phía trung tâm chỉ huy, Đại tá Bùi Quyết Toán, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định thở phào nhẹ nhõm, vậy là các tổ công tác đã hoàn thành nhiệm vụ, đồng loạt vây bắt thành công các đối tượng, thu giữ toàn bộ tang vật vụ án gồm 5.000 con dấu của cơ quan, tổ chức, cá nhân; 9.000 tài liệu giả...

Nêu cao tinh thần chủ động đấu tranh

Với nhiệm vụ điều tra, giải quyết các vụ việc xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ án mới, án nổi về kinh tế, chức vụ, Phòng ANĐT Công an tỉnh Nam Định trong nhiều năm qua luôn nêu cao tinh thần chủ động phòng ngừa và đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm. Năm 2022, đơn vị đã nhanh chóng điều tra, giải quyết nhiều vụ án nổi, án mới về lĩnh vực kinh tế, quyết định khởi tố đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai.

Trong những vụ án mà đơn vị đã điều tra, khám phá đó, nổi bật nhất phải kể đến là chuyên án triệt phá thành công đường dây “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” xảy ra trên địa bàn tỉnh Nam Định và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Chỉ tính quá trình điều tra giai đoạn 1 của vụ án này, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh đã chuyển VKSND tỉnh đề nghị truy tố 12 bị can, thu giữ 600 kg phương tiện, hồ sơ, tài liệu gồm: 5.000 con dấu của cơ quan, tổ chức, cá nhân; 9.000 tài liệu giả...

Triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn 60.000 con dấu, tài liệu giả -0
Đại tá Bùi Quyết Toán (thứ 3, từ trái sang) kiểm tra tang vật vụ án.

Những ngày hè oi bức năm 2022, sau một thời gian các trinh sát có mặt tại một số địa phương để nắm bắt thông tin từ cơ sở phản ánh, Phòng ANĐT, Công an tỉnh Nam Định xác định một đường dây tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, liên tỉnh, hoạt động có tổ chức chặt chẽ, liên quan đến 63 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó nổi bật là địa bàn tỉnh Nam Định.

Theo Thượng tá Nguyễn Hồng Hạnh, Trưởng Phòng ANĐT, đường dây tội phạm hoạt động rất tinh vi. Mỗi đối tượng trong đó được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, các đối tượng trong cùng đường dây nhưng không biết mặt nhau, không biết tên chính xác của nhau... Các đối tượng trong đường dây này không thường trú tại tỉnh Nam Định mà ở tại các tỉnh, thành phố phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai...

“Mọi giao dịch làm, sản xuất tài liệu, con dấu giả thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook. Các đối tượng nhận làm tất cả mọi loại giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ khác... theo nhu cầu của khách hàng với thời gian nhanh “thần tốc”. Từ hồ sơ, bằng cấp về học hàm, học vị; giấy phép lái xe đến giấy đăng ký kết hôn, giấy ly hôn, sổ hồng, sổ tiết kiệm... Hình thức giao nhận giấy tờ giả thông qua dịch vụ chuyển hàng và thu tiền hộ với giá từ 1 đến 4 triệu đồng/bộ hồ sơ giả...” - Thượng tá Nguyễn Hồng Hạnh chia sẻ và cho biết, chỉ sau thời gian ngắn, các đối tượng trong đường dây đã móc nối với nhau làm giả rất nhiều con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và bán cho người có nhu cầu trong toàn quốc, thu lợi bất chính số tiền lớn...

Để nhanh chóng điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ, dưới sự chủ trì của Đại tá Bùi Quyết Toán, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo 2 đội nghiệp vụ phân công nhiều tổ công tác phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, công an các tỉnh, thành phố, thị xã, quận, huyện trong toàn quốc. Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị còn liên lạc, trao đổi với lực lượng ANĐT công an một số tỉnh phía Nam, trong đó có sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm cao của Công an TP Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Đắk Nông... để Phòng ANĐT Công an tỉnh Nam Định thu thập tài liệu chứng cứ, xác định thông tin, làm rõ vai trò của các đối tượng trong đường dây...

Với sự tập trung cao độ của các trinh sát, điều tra viên Phòng ANĐT Công an tỉnh Nam Định, chỉ sau một thời gian ngắn, đơn vị đã có đầy đủ tài liệu, chứng cứ về các đối tượng trong đường dây làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức; truy tìm được các ổ nhóm tập kết, địa điểm sản xuất con dấu, tài liệu giả.

Triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn 60.000 con dấu, tài liệu giả -0
Các đối tượng Văn, Tỉnh, Nhựt, Duy, Lý tại Cơ quan an ninh điều tra.

Phá án

Những ngày cuối tháng 9/2022, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định đã chủ trì, phối hợp với công an các tỉnh, thành phố phía Nam đồng loạt tiến hành truy bắt, khám xét chỗ ở của 10 đối tượng về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" gồm: Đối tượng cầm đầu Trịnh Văn Văn (SN 1983, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, có 3 tiền án và đang trốn truy nã về tội "Đánh bạc"), Trần Văn Tỉnh (SN 1986, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Nhựt (SN 1999, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), Đinh Tuấn Duy (SN 1995, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), Huỳnh Hải Lý (SN 1991, huyện Trần Đề, tỉnh Bến Tre), Trần Quang Vũ (SN 1991, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), Trần Văn Ân (SN 1991, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), Phùng Nguyễn Anh Tuấn (SN 1999, quận 1, TP Hồ Chí Minh), Lưu Hùng Phong (SN 1997, quận 1, TP Hồ Chí Minh), Đàm Văn Mỹ (SN 1991, huyện Krong Nô, tỉnh Đắk Nông). Ngoài 10 đối tượng này, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định còn triệu tập, làm rõ sai phạm của 2 đối tượng là Cồ Thị Tâm (SN 1991, phường Trần Quang Khải, TP. Nam Định) về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và Hồ Thị Thu Thảo (SN 1999, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Là người trực tiếp cùng “ăn bờ ngủ bụi” với các tổ trinh sát tại nhiều địa phương ròng rã nhiều tháng trời, sau bao nỗ lực chắp vá hàng trăm dữ liệu, mảnh ghép, Thiếu tá Nguyễn Văn Chiển và các thành viên tổ công tác cuối cùng cũng khiến đối tượng cầm đầu đường dây là Trịnh Văn Văn phải lộ diện.

Tại Cơ quan CSĐT, Trịnh Văn Văn khai nhận, nắm bắt nhu cầu cần làm giấy tờ, bằng cấp giả để xin việc của nhiều người nên hắn đã cấu kết với nhiều đối tượng ở các tỉnh phía Nam tổ chức đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Để che giấu, qua mặt cơ quan chức năng, Văn sử dụng các giấy tờ giả như CMND với các tên gọi khác nhau, sử dụng nhiều số điện thoại để tiếp cận, móc nối, chỉ đạo, điều hành các đối tượng trong đường dây tội phạm. Nhằm dễ dàng cắt đứt các mắt xích nếu bị tóm mà không sợ bị truy vết, Văn phân chia đường dây thành nhiều nhóm có vị trí, vai trò, nhiệm vụ khác nhau, như: “Nhóm công tác viên”, “Nhóm thiết kế”, “Nhóm sản xuất”, “Nhóm vận chuyển”. Thành viên ở các nhóm, các phần việc khác nhau đều không quen biết nhau, không biết tên của nhau.

Triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn 60.000 con dấu, tài liệu giả -0
Triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn 60.000 con dấu, tài liệu giả -1
Con dấu và văn bằng, giấy phép giả bị thu giữ trong vụ án.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Chiển, các nhóm có nhiệm vụ riêng biệt: “Nhóm cộng tác viên” có nhiệm vụ liên hệ thuê người chạy quảng cáo, đăng tải bài viết, hình ảnh, rao bán các loại giấy tờ giả trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Google... để đánh vào tâm lý nhiều người không muốn bỏ thời gian đi học, đi thi nhưng vẫn có bằng thật. Thời gian từ lúc đặt mua đến khi nhận giấy tờ giả khoảng 1-5 ngày, tùy thuộc nhu cầu của người mua và khoảng cách địa lý giao - nhận hàng.

Khi có nhu cầu, người mua gọi điện trực tiếp hoặc nhắn tin qua Facebook, Zalo với các “cộng tác viên”, đồng thời để lại thông tin cá nhân, thông tin giấy tờ giả cần mua. Căn cứ vào thông tin do người mua cung cấp, các “cộng tác viên” chuyển lại thông tin cho Văn để hắn trực tiếp hoặc chỉ đạo “nhóm thiết kế” xây dựng mẫu thiết kế, hoàn thiện nội dung và chuyển cho Trần Văn Tỉnh (thuộc “nhóm sản xuất”). Sau khi hoàn thiện giấy tờ giả, Văn chỉ đạo Tỉnh đóng gói chuyển cho Đinh Tuấn Duy (thuộc “nhóm vận chuyển”) để Duy giao trực tiếp hoặc thông qua các đối tượng khác trong đường dây làm giả chuyển đến người mua.

Ngoài tổ chức điều hành đường dây trên, Văn còn câu kết với nhiều đối tượng liên quan trong đường dây làm giả khác để sản xuất, tiêu thụ giấy tờ giả trên toàn quốc từ cuối năm 2018. Tổng số giấy tờ giả các đối tượng trong đường dây của Trịnh Văn Văn đã làm, sản xuất và tiêu thụ đi các tỉnh thông qua các đơn vị chuyển phát nhanh là 6.676 tài liệu giả và gần 2.000 tài liệu giả bị sai thông tin hoặc bị bưu điện hoàn trả.

Công an tỉnh Nam Định khuyến cáo người dân tuyệt đối không đặt mua, sử dụng giấy tờ giả vì nếu sử dụng các loại giấy tờ này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự vì tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Kết quả điều tra, khám xét, Cơ quan ANĐT đã thu giữ khoảng 600 kg tang vật, phương tiện, hồ sơ, tài liệu gồm: 5.000 con dấu của cơ quan, tổ chức, cá nhân; 9.000 tài liệu giả gồm bằng cấp, chứng chỉ, học bạ kèm bản photocopy công chứng, CCCD, CMND, giấy phép lái xe, đăng ký xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu... có thông tin người mua trên toàn quốc và nhiều máy móc, thiết bị phục vụ việc làm giả tài liệu của các đối tượng.

Quá trình đấu tranh, các đối tượng khai nhận, từ năm 2021 đến khi bị bắt, các đối tượng đã móc nối, sản xuất, tiêu thụ khoảng hơn 60.000 con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức cho những người có nhu cầu trong cả nước, trong đó có nhiều người đang cư trú và làm việc tại tỉnh Nam Định.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ, ngày 30/12/2022, Cơ quan ANĐT đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 12 bị can về các tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Xuân Trường
.
.