Vấn nạn quấy rối tình dục khuấy đảo chính trường Australia

Thứ Hai, 06/12/2021, 22:20

Cứ 3 người làm việc trong Quốc hội Australia thì có 1 người bị quấy rối tình dục, theo kết quả một cuộc điều tra độc lập dài 7 tháng được công bố ngày 30-11. Báo cáo điều tra đã nêu chi tiết về các hành vi không đúng chuẩn mực tại Quốc hội Australia dựa trên hơn 1.700 cuộc phỏng vấn.

Báo cáo bao gồm một số người đã ẩn danh chia sẻ trải nghiệm của họ với việc bị lạm dụng tình dục và bắt nạt. Một người đã nói rằng nam giới trong tòa nhà Quốc hội coi những phụ nữ trẻ là "miếng mồi ngon và đầy thách thức".

Bản báo cáo phơi bày nhiều góc tối

Brittany Higgins cho biết cô bị một người đàn ông làm việc cho Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds, khi đó là Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng, đưa tới tòa nhà Quốc hội sau một buổi tiệc rượu hồi tháng 3-2019 rồi hãm hiếp tại đây. Higgins khi đó 24 tuổi, là nhân viên truyền thông của Quốc hội Australia.

Higgins đã báo cảnh sát hồi tháng 4-2019, song từ chối khiếu nại do lo ngại điều này ảnh hưởng đến triển vọng sự nghiệp. Cảnh sát thủ đô Canberra xác nhận đã nói chuyện với một phụ nữ nghi bị hiếp dâm vào thời điểm này, song chưa bình luận việc người này đã khiếu nại hay chưa.

Higgins cũng thông báo với nhân viên cấp cao của Bộ trưởng Reynolds về sự việc và được yêu cầu dự cuộc họp tại văn phòng nơi nghi xảy ra vụ tấn công. Bộ trưởng Reynolds xác nhận đã được thông báo về khiếu nại năm 2019, song phủ nhận Higgins chịu áp lực nên phải từ chối khiếu nại.

Đây là một vụ scandal về hành vi sai trái tại nhà Quốc hội Australia, mở ra hàng loạt cáo buộc liên quan đến hiếp dâm và các hành vi tình dục sai trái khác đối với phụ nữ liên quan đến Quốc hội Úc và các chính trị gia liên bang, khiến chính phủ của Thủ tướng Morrison phải vất vả chống đỡ.

Vấn nạn quấy rối tình dục khuấy đảo chính trường Australia -0
Brittany Higgins - một trong những nạn nhân của vấn nạn quấy rối tình dục tại Quốc hội Australia.

Tháng 4-2021, Thủ tướng Scott Morrison đã yêu cầu điều tra độc lập về vấn nạn bắt nạt, quấy rối và tấn công tình dục  trên khắp đất nước, đồng thời tìm cách bảo đảm một môi trường an toàn hơn, ổn định hơn trong tương lai ngay khi nhiều người lên tiếng về vấn nạn này sau vụ việc của Higgins. Sau 7 tháng, báo cáo của cuộc điều tra đã được công bố rộng rãi. Bản báo cáo do Ủy viên về Chống phân biệt Giới tính là bà Kate Jenkins trình bày. Báo cáo điều tra độc lập về văn hóa nơi làm việc tại Quốc hội Australia được công bố hôm 30-11 cho thấy, cứ 3 người làm việc tại đây thì có 1 người từng bị quấy rối tình dục.

Để đi đến phát hiện trên, các nhà điều tra đã phỏng vấn và khảo sát hơn 1.700 người là nhân viên và cựu nhân viên trong Quốc hội Australia. Họ nhận thấy rằng có tới 40% phụ nữ bị quấy rối tình dục, bắt nạt và tấn công tình dục, cao hơn so với chỉ 26% ở nam giới. Đặc biệt, những người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới và đa dạng giới (LGBTQ) bị quấy rối nhiều hơn những người dị tính, với tỷ lệ 53% so với 31%.

Báo cáo cũng cho thấy 63% nữ nghị sĩ từng bị quấy rối tình dục, so với chỉ 24% nam nghị sĩ. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ phụ nữ bị quấy rối tình dục trung bình trên toàn quốc là 39%. Đáng lo ngại, hơn một nửa số người được hỏi trả lời từng trải qua ít nhất một lần bị quấy rối tình dục, bắt nạt hoặc tấn công tình dục.

“Những trải nghiệm như vậy để lại vết thương cho các nạn nhân, làm suy yếu hiệu quả hoạt động của Quốc hội và gây bất lợi cho quốc gia”, báo cáo cho biết.

Vấn nạn quấy rối tình dục khuấy đảo chính trường Australia -0
Người dân Australia biểu tình kêu gọi bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực tình dục.

Báo cáo cũng khám phá ra nguyên nhân sâu xa của nạn quấy rối tình dục. Theo đó, hơn một nửa nạn nhân cho biết họ bị làm phiền bởi những người có chức vụ cao hơn. Trong khi đó, hơn 75% trong số những người từng bị bắt nạt nói rằng họ bị những người cấp cao hơn “ăn hiếp”. Khi được hỏi vì sao không đem sự việc ra ánh sáng thì họ cho hay hành động này sẽ tác động trực tiếp đến sự nghiệp và cuộc sống cá nhân. “Tôi đã bị quấy rối tình dục nhiều lần, bị tấn công tình dục, bắt nạt và khủng bố. Và tôi được cho biết rằng nếu tôi tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc nói về những gì đã xảy ra với tôi, danh tiếng nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân của tôi sẽ bị hủy hoại” - một nạn nhân nói với các nhà điều tra.

Nina Funnell, nhà vận động hàng đầu đòi quyền lợi cho những nạn nhân của nạn tấn công tình dục ở Australia, cho rằng: “Hiếp dâm là tội ác thể hiện quyền lực và sự kiểm soát, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi phụ nữ trẻ cáo buộc các vụ bạo lực tình dục diễn ra ở những địa điểm đàn ông có đặc quyền và quyền lực. Những kẻ phạm tội thường đưa các nạn nhân đến những địa điểm mà họ cảm thấy sức mạnh của mình được đảm bảo".

Báo cáo đưa ra 28 khuyến nghị, bao gồm cân bằng giới tính, siết chặt kiểm soát rượu bia và thành lập văn phòng chuyên tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại quấy rối tình dục.

Ông Morrison đã thề sẽ hành động ngay lập tức đối với các khuyến nghị. Ông khẳng định "những căng thẳng ở nơi làm việc như thế này là có thật. Nhưng đây không phải là lý do để bình thường hóa hành vi không phù hợp, không lành mạnh và không chuyên nghiệp".

Vấn nạn quấy rối tình dục khuấy đảo chính trường Australia -0
Thủ tướng Australia Scott Morrison.

Văn hóa làm việc độc hại với phụ nữ ở Australia

Cáo buộc hiếp dâm, quấy rối tình dục liên tục nổ ra khiến công chúng đổ dồn sự chú ý vào văn hóa làm việc và quy trình xử lý khiếu nại về quấy rối tình dục trong Quốc hội Australia.

Higgins hy vọng từ những vụ việc "kinh khủng" này, các quy trình bảo vệ "nhân viên dễ bị tổn thương" sẽ được "cải cách về cơ bản", và văn hóa làm việc tại tòa nhà quốc hội sẽ được cải thiện. Những người ủng hộ nữ quyền gọi vụ việc của Higgins là ví dụ cực đoan cho thấy văn hóa trọng nam khinh nữ, vốn là yếu tố khiến một số nữ nhân viên phải bỏ việc trong chính phủ của Thủ tướng Morrison.

Phong trào #MeToo là một trong những động lực thúc đẩy những người phụ nữ này kiên quyết chống lại các hành vi quấy rối tình dục. Đây là phong trào phản đối việc nam giới phân biệt giới tính với phụ nữ bằng lời nói, hành động hoặc tệ hơn là quấy rối hay xâm hại tình dục. Các chính trị gia và những người ủng hộ quyền phụ nữ cho rằng những cáo buộc nói trên là bằng chứng rõ ràng thể hiện mức độ "tai tiếng" của đảng Tự do trong việc đối xử bất công với nhân viên nữ.

"Một lần nữa chứng tỏ tòa nhà quốc hội là nơi làm việc không an toàn và độc hại nhất đối với phụ nữ ở Australia", Julia Banks, cựu quan chức chính phủ Australia, nói, theo New York Times.

Theo số liệu gần đây của Cục Thống kê Australia, cứ 6 phụ nữ Australia trên 15 tuổi thì có một người từng bị bạo lực tình dục. Con số này tăng lên trong thập kỷ qua, nhưng không rõ là do tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn hay do các nạn nhân muốn tố giác nhiều hơn. Tuy nhiên, nhóm ủng hộ nữ quyền cho biết chỉ một số ít phụ nữ bị tấn công đến trình diện cảnh sát. Để làm được như vậy, họ phải chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đối mặt với quy trình phức tạp, mà theo đó, tiếng nói của họ có thể sẽ không được lắng nghe. Những hành vi quấy rối mà các nạn nhân phải chịu đựng có thể là lời nói phân biệt giới tính, cho tới xúc phạm, phỉ báng và xâm hại.

Vấn nạn quấy rối tình dục khuấy đảo chính trường Australia -0
Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison nỗ lực thay đổi vấn nạn quấy rối tình dục hiện nay.

Tác động tới chính Australia

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Morrison nói rằng phát hiện trên là “kinh hoàng” và “đáng lo ngại”, qua đó nhấn mạnh Quốc hội Australia cần phải làm trong sạch bộ máy của mình. “Giống như bất kỳ ai làm việc trong tòa nhà này, các số liệu thống kê được trình bày ở đây khiến tôi rất sốc và lo lắng. Chính phủ Úc sẽ xem xét các đề xuất của báo cáo, gồm việc thành lập một cơ quan khiếu nại trung ương độc lập, đưa ra quy tắc ứng xử cũng như các chính sách về rượu”, ông Morrison tuyên bố.

Tương tự, Susan Harris Rimmer, giáo sư luật tại Đại học Griffith và từng là một nhân viên quốc hội, nói rằng những phát hiện của báo cáo là “bức tranh đáng xấu hổ nhưng lại là bức tranh chính xác”.

Chính phủ Australia thông báo sắp tới các chính trị gia nước này sẽ không còn được miễn áp dụng các quy định về chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc như luật hiện hành. Trong thông báo, chính phủ cho biết sẽ rà soát lại các luật về phân biệt giới nhằm buộc các nghị sĩ, thẩm phán và công chức phải chịu trách nhiệm về các hành vi quấy rối tại nơi làm việc. Luật hiện hành của Australia miễn áp dụng các quy định nói trên đối với các nghị sĩ, thẩm phán và công chức, song họ vẫn có thể bị truy tố hình sự về tội cưỡng dâm.

Ngoài ra, một số đề xuất sửa đổi còn yêu cầu phân loại quấy rối tình dục tại nơi làm việc như “hành vi sai trái nghiêm trọng” và coi đây là cơ sở hợp lệ cho quyết định sa thải. Thời gian để nạn nhân khiếu nại cũng được tăng từ 6 tháng lên 2 năm. Ðây là một phần nỗ lực của người đứng đầu Chính phủ Australia nhằm thực hiện cam kết “làm sạch nghị trường” sau hàng loạt bê bối về lạm dụng, quấy rối tình dục trong chính phủ và nghị viện đã xảy ra thời gian qua. Các kết quả khảo sát hồi cuối tháng 3 cho thấy, mức tín nhiệm của Thủ tướng Morrison đang rơi xuống mức thấp nhất sau nhiều tuần chịu áp lực dư luận do phản ứng lạnh nhạt trước các khiếu nại về cách hành xử sai lệch đối với phụ nữ trong giới chính trị.

Hãng tin Reuters nhận xét ông Morrison đang đứng trước nhiều áp lực trước thềm bầu cử liên bang dự kiến diễn ra vào giữa năm 2022.

Đỗ Tiến
.
.