Vụ bắt cóc hé lộ chân dung “phu nhân Al-Qaeda”

Thứ Ba, 25/01/2022, 20:49

Vào sáng 15-1-2022 vừa mới đây, Malik Faisal Akram, 44 tuổi, đã đến tham dự buổi hành lễ tại Giáo đoàn Beth Israel ở Colleyville, Texas, Mỹ. Hắn đã sử dụng một khẩu súng ngắn để trấn áp 4 người, bao gồm cả giáo sĩ Charlie Cytron – Walker, làm con tin trong suốt 10 tiếng đồng hồ.

Kể lại cuộc chạm trán kinh hoàng ngày hôm đó với đài truyền hình CBS, Giáo sĩ Charlie Cytron-Walker cho biết kinh nghiệm nhiều năm trấn an những bệnh nhân hấp hối trong phòng bệnh đã giúp ông giữ bình tĩnh tuyệt đối suốt 10 tiếng đồng hồ cân não.

Vụ bắt cóc ngay giữa giáo đường

Theo như giáo sĩ Walker, Akram gõ cửa Giáo đoàn vào sáng thứ 7 và do nghĩ người đàn ông lạ mặt cần chỗ nghỉ chân, giáo sĩ đã mời Akram vào, mời anh ta uống trà. Khi đang hành lễ cùng các tín đồ, ông Cytron – Walker nghe thấy một tiếng động lạ và khi ông quay lại, tên Akram đã rút súng ra để đe dọa 5 con tin và tách họ ra hai nhóm.

Ông Walker đã tham gia nhiều khóa huấn luyện an ninh để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và vị giáo sĩ kiên nhẫn chờ đợi thời cơ để phối hợp với lực lượng đặc nhiệm, tự giải cứu bản thân và các con tin. Trong khi các chuyên gia đang đàm phán với Akram, hắn đã rất tức giận vì mọi chuyện không theo ý mình và chính quyền không đồng ý đáp ứng những yêu sách của hắn.

Nhận ra rằng tên Akram đang bị kích động và có khả năng sẽ sát hại các con tin, ông Walker quyết định phải chạy trốn. Nhân lúc hắn đang mất bình tĩnh, ông Walker ra hiệu cho 2 con tin chuẩn bị chạy trốn, sau đó ông quăng chiếc ghế gần đó vào tên Akram và cả 3 người cùng lao ra cửa an toàn. Ngay sau khi các con tin chạy thoát, đội đặc nhiệm xông vào hiện trường, sử dụng lựu đạn gây choáng để vô hiệu hóa hắn và bắn gục kẻ bắt cóc con tin.

Gia đình của Akram đã công khai gửi lời xin lỗi chân thành đến các nạn nhân ngay sau khi họ được giải cứu. Người thân của hắn cũng cho biết Akram có vấn đề về tâm thần nhiều năm, nhưng họ tin rằng hắn sẽ không giết hại các nạn nhân, kể cả khi chính phủ Mỹ không đáp ứng các yêu sách của hắn hoặc đội đặc nhiệm không giải cứu các con tin thành công. Một người anh trai của Akram đã chỉ trích chính phủ Mỹ vì đã cấp visa du lịch cho một người đàn ông không chỉ có tiền sử bệnh tâm thần mà có tiền án hành hung một người họ hàng từ năm 1996.

Được biết, Cơ quan An ninh MI5 đã từng điều tra Akram vào nửa cuối năm 2020 sau khi một số nguồn tin mật khẳng định hắn có thể là một phần tử khủng bố Hồi giáo. Tuy MI5 có đưa hắn vào danh sách đối tượng cần theo dõi, cơ quan này không tiếp tục điều tra hắn do họ nhận thấy Akram không phải một mối đe dọa thực sự.

anh 1.jpg -0
Thủ phạm Malik Faisal Akram tại Mỹ ngày 29-12-2021.

Cơ quan chức năng Mỹ và Anh hiện đã có thể truy xuất một lượng lớn dữ liệu điện tử về hành trình của Akram và những gì hắn đã tìm kiếm trên Internet trước khi vụ án xảy ra. 

Đầu tiên, hắn hạ cánh tại bay quốc tế John F. Kennedy ở New York vào ngày 29-12-2021 và ngay lập tức mua điện thoại để liên lạc với một người quen tại đây, nhưng các điều tra viên đã xác định người này không có liên quan gì đến vụ án. Hắn chỉ ở lại New York 3 ngày, sau đó hắn đặt chuyến bay đến Texas và tạm trú ở một trung tâm dành cho người vô gia cư tên OurCalling tại Dallas, Texas. Trong một số video an ninh, các điều tra viên nhận thấy một người đàn ông đã đưa Akram đến OurCalling và thậm chí còn ôm hắn chào tạm biệt.

Trung tâm OurCalling đã tiến hành xét nghiệm COVID – 19 cho Akram, sau đó hắn ngủ lại qua đêm cùng hơn 200 người vô gia cư khác, ăn sáng rồi rời đi. Ông Wayne Walker, Giám đốc điều hành OurCalling, khẳng định Akram không có hành vi gì bất thường và họ chỉ nhớ đến hắn sau khi biết tin về vụ tấn công giáo đường Do Thái. Thêm vào đó, ông cũng nhấn mạnh rằng những người ở lại OurCalling qua đêm thường không bị khám xét, nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy Akram có mang theo vũ khí và nếu hắn có ý định manh động, lực lượng an ninh vũ trang của OurCalling sẽ can thiệp ngay lập tức.

Sau khi đến Dallas – một trong những nơi có quy định về sở hữu súng lỏng lẻo nhất ở Mỹ - Akram đã mua một khẩu súng ngắn ngay trên phố để gây án. Khẩu súng này đã được mua đi bán lại nhiều lần và gần đây nhất là vào năm 2020, tuy nhiên nhà chức trách vẫn chưa rõ tại sao Akram – một người nước ngoài, chỉ có visa du lịch – lại có thể biết địa chỉ mua vũ khí một cách nhanh chóng như vậy.

Hiện tại, FBI vẫn đang tìm hiểu xem Akram đã làm gì trong gần hai tuần còn lại hắn ẩn náu ở Dallas trước vụ tấn công giáo đường Do Thái, và các quan chức FBI tin rằng họ sẽ khám phá ra động cơ thực sự của hắn ta. Tuy nhiên, họ đã xác định được một trong những nguyên nhân gây án của Akram thông qua yêu sách của hắn: hắn muốn chính quyền Mỹ trả tự do cho Aafia Siddiqui – “phu nhân Al Qaeda” – người bị chính quyền Mỹ kết án 86 năm tù tại nhà tù Fort Worth, Dallas, Texas.

Vụ bắt cóc hé lộ chân dung “phu nhân Al-Qaeda” -0
Giáo đoàn Beth Israel ở Texas, Mỹ - nơi xảy ra vụ việc.

Aafia Siddiqui là ai?

Siddiqui sinh năm 1972 tại Pakistan trong một gia đình trí thức trung lưu, có bố là một bác sĩ thành thạo tiếng Anh và mẹ là một người bạn của cựu Tổng thống Zia ul-Haq. Cô bé Siddiqui theo chân anh trai nhập cư vào Mỹ năm 1990 và nhờ đầu óc thông minh sẵn có cùng sự chăm chỉ hiếm thấy, cô đã được nhận vào khoa Thần kinh học của trường đại học đứng đầu thế giới MIT. Chỉ 4 năm sau đó, Siddiqui đã đạt được tấm bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ Thần kinh học ở đại học Brandeis. Siddiqui kết hôn với một bác sĩ Pakistan tên Amjad Khan năm 1995 và sinh con đầu lòng năm 1996.

Không chỉ là một nhà nghiên cứu, Siddiqui còn là một nhà hoạt động xã hội, thường xuyên cộng tác với một quỹ từ thiện Hồi giáo để tổ chức các sự kiện gây quỹ và thuyết giảng tại nhà nguyện địa phương. Tuy nhiên, nhưng quỹ từ thiện mà Siddiqui cộng tác đều có liên quan đến các phần tử Hồi giáo quá khích, ví dụ như tổ chức Mercy International Relief Agency chính là những kẻ chủ mưu  chuỗi vụ đánh bom nhắm vào đại sứ quán Mỹ tại Tây Phi năm 1998, còn 3 quỹ khác về sau cũng đã bị cấm cửa tại Mỹ vì có quan hệ mật thiết với Al-Qaeda.

Vụ khủng bố 11-9 đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Siddiqui. Vào tháng 5-2002, FBI đã thẩm vấn vợ chồng cô này về một số giao dịch mua hàng bất thường trên Internet của họ: kính nhìn ban đêm, áo chống đạn trị giá khoảng 10.000 đô la và 45 cuốn sách quân sự, trong đó có sách dạy chế tạo bom “The Anarchist’s Arsenal”. Khan nói rằng anh ta đã mua những món đồ này để phục vụ cho những chuyến săn bắn và cắm trại sắp tới của gia đình. Cùng lúc này, cuộc hôn nhân của họ bắt đầu rạn nứt và vài tháng sau, cặp đôi trở về Pakistan để ly hôn vào tháng 8-2022 – chỉ 2 tuần trước khi Siddqui sinh đứa con thứ ba, Suleman.

Giáng sinh năm 2002, Siddiqui để lại ba đứa con tại Pakista cho cha mẹ mình và trở về Mỹ với ý định ứng cử vào vị trí giảng viên ở một số trường đại học. Tuy nhiên, trong chuyến đi kéo dài 10 ngày, Siddiqui đã đăng ký mở một hòm thư mang tên Majid Khan, một đặc vụ Al-Qaeda bị cáo buộc âm mưu làm nổ tung các trạm xăng dầu ở khu vực Baltimore. Các công tố viên sau đó cho biết hộp thư này là để tạo điều kiện cho hắn ta nhập cảnh vào Mỹ.

6 tháng sau khi ly hôn, Siddiqui tái hôn với Ammar al-Baluchi, cháu trai của kẻ chủ mưu vụ 11-9, Khalid Sheikh Mohammed, tại Karachi, Pakistan. Gia đình của Siddiqui phủ nhận việc con gái mình là vợ của một trùm khủng bố, nhưng tình báo Pakistan và Mỹ, những người thân của Al-Baluchi và chính Siddqui xác nhận hai bên đã kết hôn năm 2003.

anh 3.jpg -0
“Phu nhân al-Qaeda” Aafia Siddqui.

Vào tháng 3-2003, FBI đã ban hành một cảnh báo toàn cầu về Siddiqui và chồng cũ của cô ta, Amjad Khan. Vài tuần sau, cô ta biến mất và theo như gia đình của Siddiqui, cô ta lên taxi cùng ba đứa con - Ahmed 6 tuổi, Mariam 4 tuổi và Suleman 6 tháng tuổi - và đi đến sân bay Karachi, nhưng họ không bao giờ đến nơi. Văn phòng FBI tại Pakistan đã thẩm vấn chồng cũ của Siddiqui là Khan, nhưng anh sớm được trả tự do.

Ban đầu, nhiều người tin rằng Tình báo Liên quân (ISI) của Pakistan đã bắt cóc Siddqui cùng 3 con theo lệnh của CIA do Mohammed – kẻ chủ mưu vụ 11-9 – đã khai ra tên cô ta. Theo chính phủ Mỹ, Siddiqui lúc đó âm thầm lên kế hoạch một loạt vụ khủng bố sinh học dưới lệnh của Osama bin Laden và vào tháng 5-2004, Tổng chưởng lý Mỹ John Ashcroft đã liệt cô ta vào danh sách những phần tử Al-Qaeda bị truy nã gắt gao nhất, có vũ trang và rất nguy hiểm, sẵn sàng chống lại nước Mỹ. 

Theo Rolf Mowqatt-Larssen thuộc Trung tâm Chống Khủng bố tại CIA, điều khiến Siddiqui khác biệt với các nghi phạm khủng bố khác là cô ta không chỉ rất thông minh, có kiến thức khoa học mà còn rất hiểu về nước Mỹ. Rất ít phần tử khủng bố có thể nhập cư vào Mỹ, nhưng Siddiqui không chỉ trở thành một công dân xứ sở cờ hoa, mà còn học đến bậc Tiến sĩ ở những trường đại học danh giá nhất thế giới. Siddiqui còn nắm rõ thủ tục nhập cư, xin thị thực, mở tài khoản ngân hàng cũng như chuyển tiền một cách hợp pháp vậy nên Al-Qaeda chắc chắn sẽ rất trọng dụng người phụ nữ này.

FBI cho biết, Siddiqui khai nhận mình đã thu thập tài liệu về vi rút để chế tạo vũ khí sinh học và một trong những dự án của cô ta là tìm cách tiêm một loại thuốc vào hệ thống gia cầm Mỹ nhằm khiến gà truyền vi khuẩn salmonella sang người dễ dàng hơn.

Sau 5 năm biến mất và hàng loạt tranh cãi giữa Mỹ và Pakistan về tung tích của Siddiqui, cô ta đã xuất hiện ở thành phố Ghazni Afghanistan vào chiều 17-7-2008. Một chủ tiệm tạp hóa địa phương đã bắt đầu để mắt đến người phụ nữ này khi cô ta ngồi vẽ một bản đồ của khu vực xung quanh trong khi phần lớn phụ nữ ở nơi xa xôi hẻo lánh này đều không biết chữ.

Một số sĩ quan cũng nhận thấy  gần đây có tin đồn về một thiếu phụ thường xuyên xúi giục phụ nữ trong vùng đánh bom tự sát nên đã bí mật theo dõi Siddiqui. Khi Siddqui bị tạm giữ tại đồn cảnh sát, cơ quan chức năng nhận thấy cô ta mang rất nhiều vật dụng khả nghi như bản đồ vùng Ghazni, hàng trăm trang hướng dẫn cách chế tạo bom và vũ khí sinh học, ảnh nhận diện hàng loạt quan chức Pakistan, nhiều lọ và ống nghiệm chứa các chất lỏng hóa học…

Ngay chiều hôm sau, 2 đặc vụ FBI, 1 tướng quân đội Mỹ, 1 người lính và 1 thông dịch viên đã có mặt tại đồn cảnh sát để thẩm vấn Siddiqui. Người lính ngồi xuống, và do bất cẩn, đã đặt khẩu súng trường cạnh chân – có lẽ do anh không hề đề phòng người phụ nữ mảnh khảnh, chỉ nặng có 40kg đối diện.

Ngay lập tức, Siddqui giật lấy khẩu súng và dí thẳng vào đầu người lính. Người thông dịch viên lao vào nhằm ngăn cản cô ta và Siddiqui xả súng, nhưng may mắn không ai bị thương. Để trấn áp cô ta, người lính đã bắn 2 phát vào bụng và ngực Siddqui. Sau đó, cô ta được đưa đến doanh trại Bagram để phẫu thuật. Tại bệnh viện, FBI tiếp tục thẩm vấn Siddiqui 8 tiếng một ngày trong 10 ngày liên tiếp.

Ngày 23-9-2010, Siddiqui bị tuyên án 86 năm tù vì có ý định giết hại lính Mỹ trong buổi thẩm vấn ở Ghazni, Pakistan. Hiện tại, cô ta đang bị giam tại Fort Worth, Texas trong một nhà tù dành cho những nữ tù nhân cần được chăm sóc đặc biệt. Từ năm 2010 đến năm 2022, Taliban và Al-Qaeda đã nhiều lần bắt cóc  công dân các nước phương Tây để yêu sách chính quyền Mỹ trả tự do cho Siddiqui.

Huyền Thi
.
.