Vụ trốn tù lạ nhất nước Mỹ
Đầu tháng 5/2025, tạp chí Khoa học phổ thông trực tuyến Mỹ (Popular Mechanics -PM) đã cập nhật bài viết của chính tạp chí đăng cách đây 63 năm, bài viết này đã châm ngòi cho vụ trốn tù thành công duy nhất tại nhà tù khét tiếng Alcatraz.
Đi ra từ một… bài báo!
Trên 6 thập kỷ trôi qua, vụ trốn tù táo tợn, thành công duy nhất của 3 tù nhân tại nhà tù địa ngục Alcatraz đã trở thành đề tài cho phim ảnh Hollywood và những người có mối quan tâm, nhưng ít ai biết nó “đi ra” từ bài đăng của chính PM.
Chuyện bắt đầu vào cuối năm 1962 tại Chicago, Mỹ, Bayard Richard, khi ấy mới 31 tuổi, nhân viên phòng quảng cáo của PM nghĩ ra cách quảng cáo lạ. Anh ta mặc nguyên áo phông, quần jean, chân vẫn xỏ giày, cả người chìm xuống dưới nước, chỉ còn cái đầu nổi lên nhờ chiếc áo phao tự chế. Mục đích việc làm của Richard là để hút quảng cáo cho tạp chí.
Tháng 3/1962, tạp chí đã đăng bài viết hướng dẫn cách làm thiết bị nhằm “bảo đảm mạng sống khi cần đến”. Cả Richard lẫn PM đều không biết rằng khi tạp chí được chuyển đến Alcatraz, nơi được mệnh danh là nhà tù an ninh cao nhất Mỹ, không tù nhân nào có thể trốn khỏi do nằm ở Vịnh San Francisco, cách xa bờ 2 km. Điều gây ngạc nhiên, câu chuyện về chiếc áo phao và các thiết bị cứu sinh trên biển, với những bức ảnh minh họa lại không bị kiểm duyệt, cắt bỏ và cuối cùng rơi vào tay tù nhân Frank Morris, một tay anh chị có tiếng tại Alcatraz, có chỉ số IQ nằm trong top 2 người thông minh nhất Mỹ hồi đó.

Ý tưởng học theo bài báo in trên PM đã khiến Frank Morris chia sẻ với anh em nhà Anglin là John và Clarence Anglin, cả hai đều phạm tội cướp ngân hàng. Từ đây cả ba đã lên kế hoạch đào tẩu tinh vi, từ đào đường ngầm chui bằng chiếc áo mưa và rất nhiều keo dán cho đến tạo ra mạng lưới ống thông gió cho đến tự chế áo phao cứu sinh để vượt biển.
Sau nhiều thập kỷ điều tra, FBI kết luận vụ đào tẩu đã thất bại nhưng đến cuối tháng 1/2018, báo chí Mỹ loan tin FBI buộc phải mở lại cuộc điều tra sau khi nhận được lá thư từ một người tên là John Anglin, 83 tuổi gửi tới. Theo thú nhận, người này đã trốn thoát khỏi Alcatraz vào tháng 6/1962 cùng với Clarence Anglin và Frank Morris. Thư còn khẳng định, đây không phải là trò đùa mà có thật 100%. Theo FBI, lá thư được gửi tới Sở Cảnh sát San Francisco vào năm 2013. Do tính chất nguy hiểm của vụ án, cơ quan điều tra Mỹ buộc phải vào cuộc điều tra nhưng kết cục “đâu vẫn đóng đấy”.
Cách giải thích của PM
Với tiêu đề “Escape From the Rock”, bài viết của PM thừa nhận, đây là cuộc vượt ngục Alcatraz thành công duy nhất trong lịch sử nước Mỹ. Dưới đây là 4 phần vừa được PM đăng tải.
Phần I
“Giống như bảo hiểm, các thiết bị cứu sinh rất khó định giá. Nếu bạn không cần chúng, chúng vô dụng, thậm chí là phiền phức. Nếu cần đến, chúng vô giá” - Trích nội dung đăng trên PM năm 1962.
Như đề cập, màn trình diễn của Bayard Richard được thực hiện tại khách sạn Sheraton Towers. Cùng với các màn trình diễn này là những kiểu ảnh chụp kéo dài khoảng hai giờ. Sau đó là bài viết tựa đề "Thiết bị cứu sinh của bạn - Nó sẽ hoạt động ra sao nếu bạn cần?" ra mắt vào tháng 3 năm 1962. Bayard Richard thậm chí không nhận ra rằng các biên tập viên đã sử dụng (và viết sai chính tả) tên của mình.
Trên thực tế, Richard không nghĩ về bài viết nhiều sau hàng chục năm sau, cho đến khi cậu con trai trưởng thành Paul của ông khi đang uống cà phê đã bật xem một bộ phim tài liệu trên History Channel về cuộc vượt ngục Alcatraz năm 1962. Người dẫn chương trình nói về vùng nước lạnh giá của Vịnh San Francisco, một rào cản lớn đối với những kẻ vượt ngục tiềm năng, đặc biệt là cách những kẻ vượt ngục khét tiếng năm 1962 đã tìm ra giải pháp từ một ấn bản của Popular Mechanics trong thư viện nhà tù. Người dẫn chương trình còn giơ cao tạp chí trước máy quay.

Phần II
“Tôi nghĩ thầm, đây là một trong những câu chuyện đáng kinh ngạc nhất trong đời mà tôi từng nghe đến”, Richard Tuggle, người viết kịch bản phim “Vượt ngục Alcatraz” (Escape From Alcatraz) nói.
Sau khi BBT hoàn thành bài viết về áo phao, câu chuyện đã được chuyển đến một cơ sở in ở trung tâm Manhattan. Chỉ có một bản được chuyển bưu điện chuyên dụng của Alcatraz tại số 7 và phố Mission ở San Francisco (không có mã bưu chính, vì những nơi này không tồn tại cho đến ngày 1 tháng 7 năm 1963). Một chiếc xe đưa thư đã đưa tạp chí đến Bến tàu Pacific Street, nơi nó được đưa lên tàu hơi nước đến Alcatraz với hai chuyến một ngày, trừ Chủ nhật.
Bên trong nhà tù, tạp chí được chuyển thẳng đến văn phòng hành chính, nơi những người kiểm duyệt sẽ xóa bất kỳ nội dung có thể tạo điều kiện cho tù nhân trốn thoát. Nhưng câu chuyện về áo phao, cùng với những bức ảnh của Richard, vẫn nguyên vẹn, và tạp chí đã đến được thư viện của nhà tù, và từ đây được đưa tới phòng giam của trại.
Giống như tất cả những tù nhân khác của Alcatraz, Frank Morris có khoảng bốn giờ rảnh rỗi sau bữa tối cho đến khi tắt đèn. Có lẽ đây là thời gian Morris nhìn thấy tạp chí này. Và rồi, khi được tiếp cận với cảnh Bayard Richard trong hồ bơi ở Chicago, Frank Morris đã nảy ra một ý tưởng dùng nó để vượt ngục. Như đề cập, Frank Morris đã hợp tác cùng hai anh em nhà Anglin và Allen West, một kẻ đồng mưu thứ tư xúc tiến kế hoạch vượt ngục. Bắt đầu bằng đục bê tông quanh lỗ thông hơi ở phía sau phòng giam, mở rộng các lỗ cho đến khi đủ lớn để qua được. Cả bốn đã chui qua lỗ vào hành lang, sau đó lập một xưởng bí mật phía trên khu nhà giam, treo chăn để ẩn mình khỏi lính canh tuần tra. Theo thời gian, nhóm đã sử dụng hơn tám mươi công cụ tự tạo hoặc đánh cắp được, chế ra những dụng cụ cần thiết để tẩu thoát vào ngày 11 tháng 6 năm 1962. Morris và anh em nhà Anglin đã trốn thành công và không bao giờ được nhìn thấy nữa.
Ngay cả những người đã nghiên cứu về cuộc vượt ngục trong nhiều năm cũng không bao giờ biết Popular Mechanics có gợi ý cho Morris ý tưởng thực hiện hay chỉ cung cấp một phương pháp. Tạp chí chắc chắn đã góp phần vào khả năng thành công của vụ đào tẩu. Ngay cả FBI và Cục Nhà tù Liên bang dường như cũng nghĩ vậy. Biên kịch Richard Tuggle đã nhận thấy các tài liệu tham khảo về ấn phẩm này trong hồ sơ của cả hai cơ quan khi nghiên cứu kịch bản để viết thành phim “Escape From Alcatraz”, trong đó Eastwood thủ vai chính. "Tôi nghĩ có thể nói chắc chắn rằng nếu những gã đó không có Popular Mechanics, họ sẽ không bao giờ cố gắng trốn thoát. Tạp chí đã cung cấp cho họ chìa khóa cuối cùng mà họ cần để có thể thử làm điều điên rồ này", Richard Tuggle cho hay.
Trong phim, Tuggle chỉ đưa vào một dòng để giải thích cách Popular Mechanics có thể truyền cảm hứng cho những người bị kết án. Trong phòng ăn trưa với Anglins, Morris (Eastwood đóng) thì thầm kế hoạch đào hầm xuyên qua bê tông ở phía sau phòng giam của mình rồi xây dựng thứ gì đó để đưa họ qua vịnh lạnh giá, và đi vào đất liền. “Chúng ta sẽ lấy trộm một số áo mưa, một ít xi măng và làm một chiếc bè cứu sinh. Tôi đã đọc cách làm được ghi tỉ mỉ tạp chí Popular Mechanics”, Eastwood trong vai Morris nói.

Phần III
“Khi bạn có thời gian, giống như những tù nhân này, thì thật đáng kinh ngạc về những gì một người có thể làm.” - Don Eberie, đặc vụ FBI phụ trách cuộc điều tra vượt ngục Alcatraz năm 1962 nói.
Thực sự có hai ấn bản của Popular Mechanics trong hồ sơ Alcatraz tại Trung tâm Lưu trữ và Hồ sơ Công viên ở Công viên Quốc gia Presidio ở San Francisco. Cả hai đều ở trong tình trạng đáng kinh ngạc khi xem xét có bao nhiêu tù nhân, nhân viên thực thi pháp luật và nhà sử học đã lục lọi chúng trong nhiều năm. Các góc bị nhăn và giấy đã mềm, như thể nó đã được gió biển làm nhàu. Nhưng bìa vẫn sáng - tiêu đề hứa hẹn như “Thuyền có thể đi bất cứ đâu”, “Tất cả những chiếc xe có màu sắc ra đời năm 1961” kèm những bức ảnh chụp xe Chevy và tàu cao tốc màu ngọc lam, đỏ và vàng đã phai. Nếu chúng không bị làm hỏng bởi chữ ký của các đặc vụ FBI, thì người ta có thể đóng khung bìa và treo chúng lên tường.
Số ra khác ra tháng 11 năm 1960. Trong đó có bài viết về một thợ săn tự chế tạo mồi nhử ngỗng từ cao su được chế bằng kỹ thuật có tên lưu hóa (tức phản ứng hóa học). Đối với những người không có chuyên môn thì chẳng hiểu lưu hóa là gì. Đây là một quá trình nhàm chán, trong đó lưu huỳnh hoặc các chất chữa bệnh khác tạo ra các liên kết chống nước giữa các phân tử cao su. Tuy nhiên, đối với Morris và Anglins, đây là thông tin có giá trị giúp hoàn thành các bước sau.
"Bước một - cắt mẫu từ một chiếc săm cao su cũ": Người ta tin rằng nếu trốn thoát, chính phủ sẽ đóng cửa cơ sở này. Vì vậy, khi Morris và Anglins đến xin áo mưa, rất nhiều tù nhân đã đồng ý, vui vẻ đóng góp dù chỉ một phần nhỏ giúp đóng cửa nhà tù này hay còn gọi là Rock. Họ mặc áo khoác cao su của mình ra sân rồi thả chúng xuống để những kẻ trốn thoát có thể tùy tiện gom nhặt và mang về xưởng bí mật chế tác. Morris, Anglins và West đã tích lũy được ít nhất năm mươi chiếc áo mưa theo cách nói trên.
"Bước hai - các mép đường may được đánh bóng và trải bằng dung môi, sau đó lưu hóa bằng các dải cao su thô mỏng": Trong nhiều tháng, bốn tù nhân đã lấy xi măng cao su (nhiều loại trong số đó bao gồm chất lưu hóa) từ các xưởng đóng giày và làm găng tay của Alcatraz, sau đó trải nó lên các đường may của áo mưa để ghép chúng thành một chiếc bè.
"Việc lưu hóa mất khoảng 15 phút và hàn chín phần cắt ra thành một hình dạng kín khí": Đến tháng 3 năm 1962, chiếc bè đã gần hoàn thành, nhưng các tù nhân vẫn chưa sẵn sàng để rời đi. BBT Popular Mechanics tiếp tục ra đời những ấn phẩm mới, nhưng họ không hề biết trong tù, một nhóm khởi nghiệp cũng đang âm thầm thực hiện dự án chế tạo áo phao theo bài báo hướng dẫn và chờ thời cơ để trình diễn.
Phần IV
"Alcatraz khiến mọi người ngẫm nghĩ" - John Cantwell, cựu gác tù Alcatraz cho hay.
Có một người dành nhiều thời gian gắn bó với Alcatraz hơn bất kỳ tội phạm nào, đó là gác tù John Cantwell đến từ Cục Công viên quốc gia. Vào một ngày gió lớn năm 2021, gần cuối hơn 30 năm trên đảo, anh ta ra mở cổng phòng giam để giới báo chí, truyền hình vào tác nghiệp. Cùng đó là những cơn sóng khách du lịch thập phương đổ về. Nhiều người tò mò muốn tận mắt, tận tay xem những gì đã giúp 3 tù nhân vượt ngục thành công. Đồng thời muốn kiểm chứng xem có đúng như phim đã công chiếu hay không.
Ngày nay, khoảng 1,5 triệu người đến thăm nhà tù mỗi năm, nhìn vào các phòng giam chứa đầy tài liệu, trong đó có nhiều ấn phẩm của tạp chí Life, Sports Illustrated và của Popular Mechanics. Mọi người bị mê hoặc bởi sự rùng rợn và khi tham quan chiếc phao nổi cô đơn này giữa Vịnh San Francisco. Nhìn chiếc phao này, có người cho rằng, Morris và Anglins đã giành được tự do, thậm chí xứng đáng.