7 điểm tương đồng, 7 điểm khác biệt giữa Taliban VÀ IS

Chủ Nhật, 17/10/2021, 21:00

Taliban và IS-Khorasan, một chi nhánh của IS tại Afganistan chưa bao giờ là đồng minh giống như Taliban và al-Qaeda, ngược lại luôn là những đối thủ của nhau. Sự đối địch ngày càng cao đã dẫn tới hàng loạt vụ đánh bom khủng bố gần đây của IS làm rung chuyển đất nước Afganistan và thách thức trực tiếp quyền lực mới vừa được xác lập của Taliban ở Afganistan.

Vậy đâu là những điểm giống nhau và đâu là những sự khác biệt giữa hai nhóm Hồi giáo cực đoan này?

hình 1.jpg -0
Vụ đánh bom khủng bố mới nhất của IS vào một nhà thờ Hồi giáo dòng Shia ở Afghanistan.

7 điểm tương đồng

Thứ nhất, về diễn giải Hồi giáo. Cách giải thích Hồi giáo mà Taliban và IS đang tuân theo được gọi là “Nassi” trong tiếng Ảrập, cách giải thích được định hướng vào văn bản và đặt nhiều giá trị hơn vào “nghĩa đen” của các thuật ngữ. Nó sẽ áp đặt những giới hạn cho việc mở rộng ý nghĩa và giải thích các văn bản Hồi giáo.

Theo cách giải thích này, bất cứ điều gì được ghi chép trong các văn bản thánh, sách hoặc câu nói của Salaf-e-Saleh (các nhà đạo đức tiền bối) đều có giá trị và những gì không được trích dẫn trong các văn bản này đều không hợp lệ và không hợp pháp. Trong một phân loại lớn hơn, cách giải thích của cả hai nhóm đều thuộc giáo phái Sala của Hồi giáo.

 Thứ hai, về hình thức cầm quyền. Mô hình cầm quyền được đề xuất của IS và Taliban là giống nhau. Trong mô hình này sẽ có một người được gọi là “Amir al-Momenin” (chỉ huy của những người trung thành) ở trên đỉnh tháp quyền lực. Ông ta sở hữu quyền lực tuyệt đối và không có quyền lực nào cao hơn có thể hạn chế. Cả Taliban và IS đều giữ quan điểm rằng một nền dân chủ với một chính phủ do người dân bầu ra là không đạo đức và mọi người có nghĩa vụ tuân theo “Amir al-Momenin” ngay cả trong trường hợp khi ông ta lên nắm quyền bằng vũ lực. Trong hệ thống chính quyền này, nếu có bất kỳ Shura (cơ chế tham vấn) nào, theo các học giả Hồi giáo, sẽ chỉ đóng vai trò tư vấn mà Amir-ul-Momenin có thể chấp nhận hoặc bác bỏ.

7 điểm tương đồng, 7 điểm khác biệt giữa Taliban VÀ IS -0
Các chiến binh IS sau khi đầu hàng Taliban trong trận Darzab, tháng 4- 2018.

Thứ ba, xung đột với nền văn minh hiện đại. Cả hai đều đang xung đột với nền văn minh hiện đại. Họ chỉ chấp nhận duy nhất các khí tài chiến tranh và các thiết bị kỹ thuật của nền văn minh này. Taliban và IS  luôn công khai đối đầu với nền văn minh đương đại. Kẻ thù lớn nhất của họ là các khái niệm và giá trị hiện đại như: hệ thống pháp luật, bình đẳng nam nữ, nhân quyền, tự do ngôn luận, xã hội dân sự và các giá trị hiện đại khác.

Thứ tư, đối xử bạo lực với người khác. Cả hai nhóm đều tin rằng việc chống lại họ chính là chống lại Thượng Đế và Nhà tiên tri và thù nghịch với Hồi giáo. Theo quan điểm của họ, bất kỳ cá nhân hoặc nhóm nào không đồng ý đều phải được xử lý và loại bỏ thông qua việc sử dụng bạo lực. Khoan dung với đối thủ là thiếu quyết đoán và đạo đức giả. Việc đối xử nghiêm khắc với những kẻ đạo đức giả không phải là chiến thuật mà phải được sử dụng như một cách tiếp cận chiến lược.

Thứ năm, chiến lược tạo ra sự sợ hãi. Đối với cả hai nhóm, chỉ đối phó thô bạo với những người thực sự chống lại họ là chưa đủ, những đối thủ tiềm tàng hoặc những kẻ có khả năng trở thành đối thủ phải nếm mùi sợ hãi và bị đe dọa đến mức sẽ phải thay đổi cách lựa chọn. Người dân phải sống trong nỗi sợ hãi và kinh hoàng để tránh bất kỳ cuộc nổi loạn, binh biến, bạo loạn hoặc chống đối nào từ phía họ. Cả hai nhóm sử dụng cách tiếp cận này dựa trên một cuốn sách của Sahih Bukhari, người đã gán cho Nhà tiên tri  câu nói sau: "Chiến thắng của tôi là việc xua tan nỗi sợ hãi của tôi trước một tháng".

Thứ sáu, mục đích biện minh cho phương tiện. Cả hai nhóm đều tin rằng họ có nghĩa vụ chiến đấu để thực hiện mục tiêu thiêng liêng là thành lập một nhà nước Hồi giáo thuần khiết và thực hiện luật “Sharia”. Để đạt được mục tiêu này, họ được phép sử dụng bất kỳ phương tiện nào. Họ tin rằng họ đang chống lại bọn đạo đức giả và như vậy họ được phép sử dụng sự lừa dối, một phương cách có tên là “al-harb khedaa”- chiến tranh là thủ đoạn. Nếu để đạt được mục tiêu cần phải lừa dối, nói dối, tung tin đồn và vu khống đối thủ thì chúng sẽ là được phép.

7 điểm tương đồng, 7 điểm khác biệt giữa Taliban VÀ IS -0
Tù nhân IS bị chính quyền Afghanistan (trước đây) bắt giữ sau cuộc tấn công của IS vào năm ngoái ở Jalalabad.

Thứ bảy, các mối quan hệ xuyên biên giới. Theo quan điểm của họ, thế giới không thể được chia thành nhiều hơn hai hoặc ba quốc gia. Đó là một quốc gia Dar-ul-Islam, một quốc gia Dar-ul-kofr và một quốc gia Dar-ul-Ahd hoặc một quốc gia không theo đạo Hồi đã ký hiệp ước hợp tác với Dar-ul-Islam và không có chiến tranh với nó. IS thực sự có mục tiêu toàn cầu và muốn thiết lập “caliphate” (vương quốc) của mình trải khắp thế giới Hồi giáo. Với Taliban, Afghanistan là ưu tiên hàng đầu, nhưng việc hỗ trợ các nhóm cùng chí hướng ở các quốc gia khác cũng được coi là nhiệm vụ của mình. Trong trường hợp này Taliban sử dụng phương pháp “khodaa” (lừa dối), tức là không cam kết hỗ trợ một cách công khai. Tuyên bố cắt đứt quan hệ với al-Qaeda, như đã được công bố mới đây, cũng là một thủ đoạn tương tự.

7 điểm khác biệt

Thứ nhất, cơ cấu bộ lạc. Kể từ khi thành lập đến nay, Taliban tập trung chủ yếu vào yếu tố bộ lạc. Do đó, sự hiện diện nhiều nhất của Taliban chính là ở những khu vực mà cuộc sống đô thị không thịnh hành và các cư dân đang sống trong một cấu trúc bộ lạc. Taliban thường xuyên tham gia vào các cuộc đụng độ sắc tộc và tại một số vùng của Afghanistan, họ đã ra tay giết chết các thủ lĩnh bộ lạc đối thủ. Điều này thể hiện rất rõ trong các hoạt động của Taliban ở Afghanistan cũng như Pakistan.

Trái ngược với Taliban, IS đã cố gắng thể hiện các hình thức ban đầu của Hồi giáo. Các cấp bậc và chức vụ xã hội được phân chia cho một số lượng lớn các sắc tộc khác nhau. Hàng ngũ thủ lĩnh của IS có đủ loại sắc tộc: người Kurd, người Turkmen, Chechnya, Uzbek, Kazakhstan, Tajik và các quốc tịch khác.

7 điểm tương đồng, 7 điểm khác biệt giữa Taliban VÀ IS -0
Các binh lính IS-Khorasan.

Thứ hai, vai trò của phụ nữ. Taliban cực kỳ rẻ rúm phụ nữ. Giờ đây họ cũng không hề có ý định từ bỏ quan điểm này. Nếu còn nắm quyền cai trị ở Afghanistan, họ sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ khuyến nghị nào từ các học giả Hồi giáo hoặc bất kỳ áp lực nào từ các quốc gia không theo đạo Hồi. Sự nhạy cảm của họ đối với vấn đề này lớn đến mức trước đây khi chính quyền Tổng thống Clinton sẵn sàng công nhận chế độ của họ với chỉ với điều kiện là họ phải thay đổi một số chính sách đối với phụ nữ, Taliban đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất này và gọi đó là ranh giới đỏ không thể vượt qua.

Trong khi đó, IS chỉ yêu cầu phụ nữ đeo mạng che mặt (niqab) và họ được phép tham gia các hoạt động và hiện diện ở một mức độ nào đó trong một số lĩnh vực. Do đó trong vấn đề này, hồ sơ của Taliban tăm tối hơn IS rất nhiều.

Thứ ba, giáo dục hiện đại. Taliban có quan điểm thù địch đối với nền giáo dục hiện đại. Trong thời gian cai trị trước đây, họ đóng cửa hệ thống giáo dục ở nhiều tỉnh (và đã phải đối diện với sự phẫn nộ của người dân), Taliban giảm giờ dạy các môn vật lý, hóa học, sinh học và thay vào đó, tăng giờ giảng của Kinh Qur'an, hadith và các nghiên cứu Hồi giáo. Về mặt này, IS đã tiến bộ hơn Taliban. Dẫu đã tăng cường giáo dục Hồi giáo, nhưng họ không coi thường giáo dục hiện đại, ít nhất là khoa học tự nhiên.

Thứ tư, nền tảng pháp luật. Taliban, trong khi tham gia vào một cuộc chiến tàn khốc, nơi mà những dòng máu vô tội đã đổ ra vì lý do tôn giáo, chưa bao giờ thực hiện bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào để xây dựng nền móng pháp lý hỗ trợ hay biện minh cho hành động của họ. Trái ngược với Taliban, IS đã cố gắng đưa ra các biện minh tôn giáo cho tất cả các hành vi của mình, từ việc thiêu sống các tù nhân chiến tranh cho đến các hành động bạo lực khác. Các tạp chí, sách và trang web của IS đăng tải dày đặc các lập luận pháp lý. Tất nhiên, tất cả các tuyên bố này đã bị bác bỏ bởi chính các học giả Hồi giáo. Về mặt này, Taliban chưa có nhiều thành tích.

Thứ năm, rõ ràng và mơ hồ trong lý thuyết nền tảng. Mặc dù Taliban và IS đều có cách tiếp cận cơ bản giống nhau, nhưng kể từ khi thành lập, Taliban chưa hề chú trọng nghiên cứu cơ sở lý thuyết về nhà nước của mình. Ngược lại, IS đã cố gắng hình thành hệ thống quan điểm về các vấn đề tôn giáo, xã hội, chính trị và kinh tế và chương trình nghị sự mở rộng ra toàn cầu kể từ khi họ tuyên bố hiện diện. Về mặt lý thuyết, Taliban đang ở trong tình thế mơ hồ, do đó, những đặc trưng trí tuệ của họ hoàn toàn là dấu hỏi đối với thế giới. Để hiểu được các cơ sở lý luận của Taliban, người ta cần xem xét các hành động cụ thể trong suốt chiều dài lịch sử của họ thay vì đọc các văn bản tài liệu mà họ đã công bố.

Thứ sáu, hỗ trợ khu vực. Các nhóm địa phương thường được sử dụng để phục vụ các chiến lược lớn. Nhưng khi xem xét kỹ hơn, sẽ thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa Taliban và IS. IS không được bất cứ cường quốc khu vực hoặc quốc tế nào bảo trợ chính thức. Nếu có một số cơ quan tình báo đã sử dụng IS để chống lại các đối thủ của họ thì điều đó rất mơ hồ và chỉ mang tính nhất thời. Ngược lại, Taliban là một nhóm chiến binh do Pakistan chủ động tạo ra, và thực tế này đến nay chưa thay đổi. Điều này đã được Pervez Musharraf và những nhà lãnh đạo khác của Pakistan công khai thừa nhận.

Thứ bảy, sự phân loại đồng minh/đối thủ. Tất cả các nhóm ý thức hệ luôn vạch ra một biên giới phân cách giữa họ và những người khác. Taliban và IS rất khác nhau về vấn đề này. Phạm vi của IS rất hạn chế và chỉ bao gồm các thành viên của chính nó. Có nghĩa là tất cả các nhóm khác, bao gồm cả Taliban và al-Qaeda đều là những kẻ không cùng phe cánh và nếu cần thiết, có thể bị tiêu diệt. Còn theo quan điểm của Taliban, tập hợp những đồng minh là rộng hơn và bao trùm tất cả các nhóm Hồi giáo cực đoan khác, ngoại trừ IS. Do đó, họ có thể hợp tác với Mujahedeen ở Chechen, Philippines, Boko Haram, al-Qaeda và những nhóm khác.

Dương Thắng
.
.