80 năm sự thật vụ bắn hạ chiếc DC-3 trên bầu trời Tây Ban Nha

Thứ Hai, 05/06/2023, 07:26

7 giờ 35 phút ngày 1/6/1943, chiếc máy bay dân sự 2 động cơ cánh quạt DC-3, số hiệu 777A với phi hành đoàn 4 người cùng 13 hành khách, cất cánh từ sân bay Bristol, Anh quốc đến Lisbon, Bồ Đào Nha theo hành trình thương mại bình thường. 10 giờ 54 phút, khi còn cách bờ biển Tây Ban Nha khoảng 400km, nó đã bị 8 máy bay tiêm kích Junkers Ju 88, Đức Quốc xã tấn công khiến tất cả mọi người trên chiếc DC-3 không ai sống sót. Phía Đức lúc ấy tin rằng trên chiếc DC-3 có Thủ tướng Anh quốc Winston Churchill…

Diễn tiến vụ bắn rơi chiếc DC-3

Là loại máy bay 2 động cơ cánh quạt do hãng McDonnel Douglas, Mỹ, sản xuất, chiếc DC-3 số hiệu 777A thuộc sở hữu của Hãng hàng không KLM, Hà Lan, bay thuê cho Hãng hàng không British Overseas Airways Corporation (BOAC), Anh quốc, trên tuyến đường từ Whitchurch, Bristol đến Portela, Lisbon với hàng hóa chủ yếu là thư từ, báo chí và hành khách dân sự. Thời điểm khi bị bắn rơi, phi hành đoàn 4 người đều là người Hà Lan.

80 năm sự thật vụ bắn hạ chiếc DC-3 trên bầu trời Tây Ban Nha -0
Chiếc DC-3 số hiệu 777A trong một chuyến bay trước ngày bị bắn rơi.

Thời điểm này, Thế chiến II đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất nhưng theo quy ước về hàng không dân sự được cả Đồng minh lẫn phe Trục (Đức Quốc xã, Nhật Bản, Italy) tuân thủ, máy bay vận tải dân sự không được xem là mục tiêu tấn công. Tuy nhiên, điệp viên nằm vùng của cả hai phe, hoạt động tại các sân bay thuộc các quốc gia trung lập như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ…, vẫn liên tục dò tìm danh sách hành khách nhằm phát hiện những nhân vật quan trọng sử dụng máy bay dân sự để che giấu những nhiệm vụ bí mật.

6 giờ 30 sáng ngày 1/6/1943, một điệp viên nằm vùng của Đức Quốc xã ở nước Anh gửi về Bộ chỉ huy quân đội Đức (Wehrmacht) bản tin mã hóa dưới dạng khẩn cấp, tuyệt mật, nội dung “Lô hàng thuốc lá xì gà sẽ được chuyển đến Lisbon ngay trong sáng nay lúc 7h30”. Chẳng khó khăn gì để Wehrmacht hiểu rằng “lô hàng xì gà” chính lá Thủ tướng Anh quốc Winston Churchill vì hầu như mỗi lần xuất hiện, trên môi ông đều có điếu xì gà.

Theo đánh giá của Cơ quan Tình báo quân đội Quốc xã (Abwehr), ông Churchill bí mật đến Lisbon để gặp nhà lãnh đạo Bồ Đào Nha là Thủ tướng Antonio Oliveira Salazar với mục đích thuyết phục Bồ Đào Nha từ bỏ chính sách trung lập, giúp quân Đồng minh thiết lập đầu cầu ở bờ biển quốc gia này nhằm ngăn chặn tuyến đường tiếp vận của quân đội Quốc xã cũng như đánh chặn hạm đội tàu ngầm U-Boat lúc ấy vẫn đang làm chủ Địa Trung Hải.

Vì thế, kế hoạch bắn hạ máy bay chở Thủ tướng Churchill được Wehrmacht cấp tốc triển khai. Cũng qua những bản tin tình báo, Wehrmacht biết trong ngày 1/6/1943, trên tuyến đường Whitchurch, Bristol đến Portela, Lisbon, chỉ có một máy bay dân sự là chiếc DC-3 số hiệu 777A hoạt động. Hồ sơ lưu trữ cho thấy chỉ nửa tiếng sau khi nhận được bản tin do điệp viên Đức ở Anh gửi về, Thống chế Hermann Goering, Tư lệnh Không quân Quốc xã (Luftwaffe) đã có một buổi họp khẩn với tư lệnh Wehrmacht và người chỉ huy Abwehr, nội dung buổi họp giao quyền cho Goering bắn hạ chiếc DC-3 “vào thời điểm và vị trí thích hợp nhất”.

80 năm sự thật vụ bắn hạ chiếc DC-3 trên bầu trời Tây Ban Nha -0
8 tiêm kích Junkers Ju 88, Đức Quốc xã xuất phát để thực hiện vụ tấn công chiếc DC-3. (ảnh của Luftwaffe).

Sáng 1/6, theo dự định chiếc DC-3 sẽ cất cánh lúc 7 giờ 30 nhưng đến 7 giờ 35, nó mới rời khỏi phi đạo vì một hành khách gặp rắc rối với hải quan khi kiểm tra gói hàng. 10 giờ 54 phút, khi còn cách bờ biển Tây Ban Nha khoảng 400km, phi công gọi cho Đài kiểm soát không lưu Whitchurch,  rằng ông phát hiện nhiều máy bay tiêm kích Đức ở bên trái ông. Vài giây sau, mọi liên lạc giữa chiếc DC-3 với Whitchurch bị cắt đứt. Một số ngư dân Tây Ban Nha trên một chiếc thuyền đánh cá ở Vịnh Biscay cho biết họ nhìn thấy máy bay Đức bắn vào chiếc máy bay màu xám bạc khiến nó bốc cháy rồi rơi xuống biển.

Ngay hôm sau, Hãng hàng không British Overseas Airways Corporation (BOAC), Anh quốc đưa ra một tuyên bố ngắn gọn: “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo rằng một chiếc máy bay dân dụng đang trên hành trình giữa Vương quốc Anh và Lisbon, Bồ Đào Nha đã mất tích.Thông tin cuối cùng nhận được từ chiếc máy bay cho biết nó bị máy bay địch tấn công. Máy bay chở 13 hành khách và phi hành đoàn 4 người.Thân nhân của những người xấu số đã được thông báo”.

Về phía Đức Quốc xã, cả Wehrmacht lẫn Luftwaffe đều im lặng. Họ chờ tin tức từ những điệp viên nằm vùng ở nước Anh và nhất là bản tin của Đài BBC về việc “Thủ tướng Winston Churchill đã từ trần sau cơn… đột quỵ!”. Thế nhưng chờ mãi vẫn chẳng thấy gì mà ngược lại, ngày 28/11/1943 hội nghị Teheran diễn ra với sự có mặt của 3 “ông lớn” Stalin, Roosevelt và Churchill để bàn về việc mở mặt trận thứ hai chống Đức Quốc xã nên với Wehrmacht và Luftwaffe, vụ “bắn hạ máy bay chở Churchill” xem như chưa hề xảy ra!

Nạn nhân là những ai?

Trong số 13 hành khách thiệt mạng trên chiếc DC-3 sáng ngày 1/6, có nam diễn viên Leslie Howard, người đã khiến máy bay khởi hành chậm 5 phút vì phải giải quyết thủ tục hải quan. Leslie Howard cũng là người đóng vai chính trong bộ phim lừng danh “Cuốn theo chiều gió” và đã đoạt giải Oscar cùng nhiều bộ phim khác nổi tiếng không kém: “The Scarlet Pimpernel”, “Pygmalion”, “The First Of The Few”… nội dung chống Đức Quốc xã.

Đầu tháng 5/1943, 1 tháng trước ngày bị giết, Howard đến Tây Ban Nha trong một nỗ lực nhằm thuyết phục tướng Franco, người đứng đầu Tây Ban Nha từ bỏ ý định ngả theo phe Trục. Khi đó, Hitler đã nhiều lần đề nghị Franco tấn công căn cứ của quân đội Anh tại Gibraltar cũng như không cho phép hải quân Đồng minh tiếp cận Địa Trung Hải. Việc Howard đến Tây Ban Nha đã khiến Bộ trưởng Bộ Tuyền truyền Quốc xã là Goebel nổi điên nên có giả thuyết cho rằng chính Goebel là người đã đề nghị Tư lệnh không quân Quốc xã Goering bắn hạ chiếc DC-3 để tiêu diệt Leslie Howard.

Nhân vật thứ hai chết trong chuyến bay định mệnh là Ivan Sharp, năm ấy 41 tuổi, đến Bồ Đào Nha để mua wolfram, là vật liệu rất cần thiết trong việc sản xuất vũ khí cho quân đội Anh. Tất cả các thương vụ mua bán đều được Sharp trả bằng kim cương thay vì tiền mặt. Với biệt danh “người sói”, việc làm của Sharp rất bí mật, ngay cả vợ con và gia đình Sharp cũng không biết ông ta làm gì.

Còn nếu kể thêm thì trên chiếc DC-3 có mặt Wilfred Israel, thành viên của một gia đình quý tộc người Anh gốc Do Thái. Wilfred đã thành công trong việc giải cứu 6.000 người Do Thái khỏi một trại tập trung của Đức Quốc xã ở Pháp, và Tyrrell Shervington, giám đốc Công ty dầu mỏ Shell-Mex đồng thời là cán bộ tình báo mật danh “H-100”, trực thuộc Cơ quan điều hành hoạt động đặc biệt Anh quốc Iberia, từng trực tiếp chỉ huy những vụ phá hoại các cơ sở Đức Quốc xã ở châu Âu. Đáng chú ý nhất là nhà tài chính Alfred Chenhalls với thân hình mập mạp, đầu hói, nghiện thuốc lá xì gà. Nếu chỉ nhìn thoáng qua thì rất dễ nhầm lẫn với Thủ tướng Churchill nên có thể vì sự nhầm lẫn này, điệp viên Đức đã báo cáo rằng trên chuyến bay ngày 1/6, có thủ tướng Anh.

Thế chiến II kết thúc, vụ chiếc DC-3 bị bắn rơi nhanh chóng đi vào quên lãng vì phía Đồng minh lúc ấy còn phải tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng hơn, chẳng hạn như vụ diệt chủng người Do Thái, vụ Đức Quốc xã tiến hành chế tạo bom nguyên tử, việc mở tòa án xét xử tội phạm chiến tranh Nuremberg, vụ nước Đức chia thành Tây Đức, Đông Đức…, nên chiếc DC-3 chỉ là một trong hàng chục nghìn máy bay bị bắn rơi trong suốt 7 năm 1939-1945.

80 năm sự thật vụ bắn hạ chiếc DC-3 trên bầu trời Tây Ban Nha -0
Diễn viên Leslie Howard (bên phải) trong phim “Cuốn theo chiều gió”.

Sự thật sáng tỏ

Tuy nhiên với nhà sử học Ben Rosevink, Đại học Bristol, ông quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân chiếc DC-3 bị bắn là do nhầm lẫn hay do Đức Quốc xã xác định đó là mục tiêu cụ thể. Suốt nhiều năm, Ben Rosevink tìm tòi trong các kho lưu trữ tài liệu chiến tranh của cả phía Đồng minh lẫn Đức Quốc xã.

Một trong những tài liệu mà ông tìm được là bản báo cáo công tác của 4 trong số 8 phi công đã trực tiếp bắn rơi chiếc DC-3, nội dung cho thấy cấp trên của họ ra lệnh vì “DC-3 là máy bay quân sự giả danh dân sự” nhưng họ không biết cụ thể danh tính của những người trên máy bay. Chứng cứ tiếp theo được Ben Rosevink tìm thấy là hồ sơ cá nhân của diễn viên Leslie Howard, thương gia Ivan Sharp, Wilfred Israel và Shell-Mex, lưu trữ ở Tổng hành dinh Wehrmacht,  Bộ Tư lệnh Luftwaffe, Cơ quan Tình báo quân đội Abwehr, Bộ Tuyên truyền…, trong đó những nhân vật này đều bị liệt vào danh sách “những kẻ thù của nước Đức”.

Tiếp tục tìm kiếm, Ben Rosevink đọc bản báo cáo của điệp viên Đức gửi về từ Anh quốc, nội dung chỉ vỏn vẹn 1 dòng: “Lô hàng thuốc lá xì gà sẽ được chuyển đến Lisbon sáng nay lúc 7 giờ 30”. Tuy nhiên điều khiến Ben Rosevink phân vân là có thể  điệp viên này đã không lấy được danh sách những người sẽ lên máy bay ngày 1/6 mà chỉ dựa vào hình dạng của nhà tài chính Alfred Chenhalls lúc ông này ra sân bay?

Trong cuốn sách “Bloody Biscay - Vịnh Biscay đẫm máu”, Ben Rosevink viết: “Phải chăng khi nhìn thấy Alfred Chenhalls, điệp viên Đức tin rằng Thủ tướng Chrchill đã cải trang để không ai nhận ra ông khi ông thực hiện chuyến đi bí mật đến Bồ Đào Nha. Và vì chẳng có điều kiện để xác minh cụ thế nên điệp viên Đức dựa vào suy luận của mình rồi báo cáo về Berlin. Từ đó dẫn đến buổi họp của những lãnh đạo chóp bu Đức Quốc xã và kết thúc bằng việc bắn hạ chiếc DC-3?”.

Tuy nhiên, tiết lộ gây sốc nhất trong cuốn “Vịnh Biscay đẫm máu” của nhà sử học Ben Rosevink là thời điểm chiếc DC-3 bị bắn hạ, Cơ quan Tình báo Anh quốc đã giải mã được toàn bộ các bức điện của quân đội Quốc xã truyền đi qua máy Enigma. Khi biết chiếc DC-3 sẽ bị tấn công vì phía Đức tin rằng có Thủ tướng Chrchill trên máy bay, Cơ quan Tình báo Anh quốc đã không thông báo cho Hãng hàng không British Overseas Airways Corporation (BOAC). Họ chấp nhận sự hy sinh của phi hành đoàn và 13 hành khách để có thể tiếp tục khai thác những ý đồ chiến thuật, chiến lược của quân đội Quốc xã qua những bản tin thu được.

Ben Rosevink viết: “Trước đây, khi hoàng đế Pháp Napoleon giao chiến với người Anh trong trận Waterloo, ông ấy đã nói một câu, đại ý “chiến thắng ngày mai sẽ đặt tên cho những hành động chúng ta làm ngày hôm nay” nên phải chăng, việc Cơ quan tình báo Anh quốc im lặng trước lúc xảy ra vụ DC-3 là cần thiết?”.

80 năm đã trôi qua. Hai tấm bảng tưởng nhớ 17 người thiệt mạng đặt ở sân bay Bristol, Anh quốc và sân bay Lisbon, Bồ Đào Nha vẫn còn đó. Nhà sử học Ben Rosevink viết: “Tôi tin rằng sau 80 năm, chúng ta đã biết câu trả lời cho bí ẩn thời chiến này. Thông qua những gì tôi đã tìm hiểu, Đức Quốc xã tiếc vì trên máy bay không có Churchil nhưng bù lại, họ cũng giết được những nhân vật mà họ cho là “đáng giá”…

Vũ Cao  (Theo Sceret Wars)
.
.