Sự thật về tổ chức khủng bố “Con đường sáng”: Chuỗi dài tội ác (kỳ 1)

Thứ Tư, 20/01/2016, 11:55
Trong loạt bài trước, chúng tôi đã nói về sự tan rã của “Phong trào cách mạng Tupac Amaru - MRTA” sau vụ tấn công bắt cóc con tin tại Đại sứ quán Nhật Bản ở thủ đô Lima, Peru ngày 17-12-1996 mà kết quả là 14 tên khủng bố bị bắn chết, trong đó có kẻ cầm đầu MRTA là Netror Cerpa Cartolini.


Tuy nhiên, đất nước Peru không chỉ có MRTA, mà còn có một tổ chức khủng bố khác dã man hơn, tàn bạo hơn. Đó là “Con đường sáng” - tiếng Tây ban Nha là Sendero Luminoso (SL)…

Lịch sử ra đời và hoạt động của “Con đường sáng”

Được thành lập năm 1967 bởi Abimael Guzman (thường được gọi là “Chủ tịch Gonzalo”), giáo sư dạy môn triết học tại Đại học San Cristobal, Peru, thoạt đầu tổ chức “Con đường sáng” (SL) chỉ gồm vài chục người, phần lớn là giới trí thức, hoạt động với chủ trương “bạo lực cách mạng”. Nhưng 6 năm sau, từ 1973 đến 1975, SL phát triển nhanh chóng qua việc các sinh viên ủng hộ họ dành được quyền kiểm soát Hội đồng sinh viên tại Đại học Huancayo và La Cantuta, cũng như tại Đại học Kỹ sư Quốc gia Lima và Đại học Quốc gia San Marcos. Đến năm 1980, lực lượng SL đã là 500 người, vũ trang khá hoàn chỉnh, sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại Chính phủ Peru.

Hiện trường sau vụ đánh bom khủng bố ở khu dân cư Tarata, quận Miraflores, thủ đô Lima.

Ngày 17-3-1980, Guzman triệu tập cuộc họp trung ương tại một khu vực hẻo lánh thuộc vùng Ayacucho. Trong cuộc họp này, ông ta chia SL thành hai nhánh rõ rệt - một phụ trách chính trị và một lo về quân sự. Bên cạnh đó, Guzman còn thành lập trường huấn luyện các chiến binh cách sử dụng vũ khí, chất nổ, kỹ thuật bắt cóc và ám sát. Để “thực tập”, các tay súng SL được phép tự do bắn giết những nông dân không chịu đi theo họ, cũng như đốt nhà và thảm sát mọi người, kể cả phụ nữ và trẻ em trong những ngôi làng dám chống lại SL. Theo báo cáo của In Sight Crime, một tổ chức độc lập điều tra tội ác khủng bố có trụ sở ở Medellin, Colombia, từ năm 1980 đến 2000, SL đã giết hại hơn 31.000 người, phần lớn là dân thường.

Tối 17-5-1980, tổ chức khủng bố SL chính thức tuyên chiến với Chính phủ Peru bằng một vụ tấn công, đốt cháy những thùng phiếu tại thị trấn Chuschi trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào sáng hôm sau. Đến cuối năm 1980, qua những trận tập kích các đồn cảnh sát, các căn cứ quân sự nhỏ lẻ ở những vị trí hẻo lánh để cướp súng đạn, SL đã kiểm soát phần lớn vùng đông nam Peru, bao gồm tỉnh Virgenccasa và cao nguyên Andean cùng thung lũng Huallaga ở phía bắc. Quân số của SL lúc ấy đã lên đến 4.500 người.

Ban đầu, Chính phủ Peru xem thường SL, coi nó như một nhóm lục lâm thảo khấu trong lúc lẽ ra, SL đã có thể bị đánh tan chỉ bằng lực lượng cảnh sát chứ chưa cần đến quân đội. Việc các tay súng SL tung hoành ngang dọc dẫn đến hệ quả là người nông dân ở những vùng SL kiểm soát cho rằng chính phủ bất lực. Để gia đình họ được sống yên ổn, họ chỉ có con đường duy nhất là gia nhập SL.

Hai tay súng SL bị Đội dân quân vũ trang Rondas Campesinas bắt giữ.

Cuối tháng 12-1981,  trước sự bành trướng như vũ bão của SL, Chính phủ Peru mới nhận ra nguy cơ bằng cách tuyên bố Ayacucho, Huancavelica và Apurimac là “vùng khẩn cấp”. Tại 3 nơi này, quân đội có quyền bắt giữ tất cả những ai nghi ngờ theo SL mà không cần phía công tố phê chuẩn nên đã dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực. Hàng trăm người - kể cả SL lẫn người vô tội lũ lượt vào nhà giam. Tháng 12-1982, hai trung đoàn quân đội Peru mở cuộc tấn công vào “vùng khẩn cấp” nhưng do địa hình hiểm trở, cộng với việc áp dụng hình thái chiến tranh du kích nên lực lượng SL hầu như chẳng thiệt hại gì.

Năm 1990, khi Alberto Fujimori trở thành tổng thống Peru, cuộc chiến tranh do ông phát động nhằm tiêu diệt SL còn dữ dội hơn nữa. Bên cạnh lực lượng cảnh sát, quân đội, Fujimori cho thành lập những “Đội dân quân vũ trang - Rondas Campesinas”, huấn luyện các chiến thuật quân sự cơ bản và cung cấp vũ khí để họ chống lại SL.  Hoạt động đầu tiên của Rondas là vào tháng 1-1992, một nhóm dân quân đã giết chết 13 tay súng SL trong một cuộc tấn công ở gần thị trấn Hualla. Đến tháng 3 cùng năm, dân quân Rondas bắt được Olegario Curitomay, chỉ huy nhóm SL ở thị trấn Lucanamarca. Họ trói ông ta, dẫn ông ta diễu quanh quảng trường thành phố rồi thiêu sống.

Để trả thù, tháng 7-1992, SL đánh bom tại một khu dân cư ở đường Tarata, quận Miraflores, thủ đô Lima, nơi phần lớn là phụ nữ và trẻ em, giết chết 25 người và làm bị thương 155 người. Tháng 4-1993, SL tràn vào các thị trấn Yanaccollpa, Ataccara, Llacchua, Muylacruz, Lucanamarca thuộc tỉnh Huanca Sancos, giết 69 nông dân và đây được gọi là “vụ thảm sát Lucanamarca”. Tiếp theo, họ đột kích làng Hauyllo, quận Tambo, giết  chết 47 nông dân, trong đó có 14 trẻ em từ 4 đến 15 tuổi. Cũng trong năm 1993 và nhiều năm sau đó, SL liên tục tung ra những cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở truyền tải điện, đốt cháy một nhà máy của Hãng Bayer, CHLB Đức, đánh bom xe gần trụ sở chính phủ, đặt bom phá hủy văn phòng của đảng cầm quyền.

Tre tàn, măng mọc

Năm 1992, Guzman, người sáng lập tổ chức khủng bố “Con đường sáng” bị bắt và bị kết án tù chung thân. Trong trại giam, ông ta viết thư kêu gọi phiến quân SL tiến hành đối thoại hòa bình với Chính phủ Peru và điều này đã khiến những kẻ cực đoan trong hàng ngũ SL nổi giận, gọi Guzman là kẻ phản bội. Tại căn cứ đặt ở Vraem, nhóm cực đoan bầu Oscar Ramirez Durand, bí danh “Feliciano” làm lãnh đạo. Riêng phía ủng hộ đường lối của Guzman, căn cứ đặt tại thung lũng Huallaga, họ đưa Florindo Eleuterio Flores Hala, bí danh “Artemio” lên nắm quyền.

Sinh ngày 16-3-1953, là con của một vị tướng Peru đã nghỉ hưu, Oscar Ramirez Durand nổi tiếng học giỏi ngay từ khi còn nhỏ. Ở bậc đại học, ông ta  được Đại học Saint Francis of Assisi trao tặng huy chương học tập xuất sắc. Gia nhập SL năm 1980, Oscar nhanh chóng nổi lên như một nhà quân sự tài năng. Từ 1981-1989, Oscar đã trực tiếp vạch kế hoạch, chỉ huy 27 trận đánh, 15 vụ khủng bố, giết và làm bị thương gần 600 người.

Guzman, người sáng lập tổ chức khủng bố “Con đường sáng” trong nhà giam.

Năm 1999, Oscar bị bắt và bị kết án tù chung thân. Vài tháng sau, nhóm SL cực đoan bầu Jose Arcela Chiroque, bí danh “Ormeno” làm lãnh đạo nhưng chỉ đến tháng 4-2000, ông này cũng bị bắt. Thay thế Jose là Florentino Cerron Cardozo, bí danh “Marcelo”, kẻ chủ mưu đặt bom xe bên ngoài Sứ quán Mỹ ở thủ đô Lima vào ngày 21-3-2002, ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ George W. Bush khiến 9 người thiệt mạng và 30 người bị thương. Ngày 9-6-2003, Florentino vạch kế hoạch tấn công một công trình thi công đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Techint, Argentina ở Ayacucho, bắt 68 nhân viên và 3 cảnh sát làm con tin. Theo nguồn tin từ Bộ Nội vụ Peru, SL đã đòi một khoản tiền chuộc khá lớn nhưng chỉ 2 ngày sau khi bị bắt, các con tin đột nhiên được tha. Có tin đồn rằng phía Mỹ đã trả cho SL 200.000USD để đổi lấy tự do cho những người này.

Tháng 7-2003, Florentino bị bắt. Đến tháng 11, người kế vị Florentino lãnh đạo nhóm SL cực đoan là Zuniga, bí danh “Cirilo” cũng bị bắt trong một trận đụng độ với quân chính phủ. Người thay thế Zuniga là Alipio. Tháng 8-2013, Alipio bị quân đội Peru bắn chết, Antonio lên thay và nhân vật này chính là “con thú lớn”, được Cơ quan Chống khủng bố Peru lập kế hoạch tiêu diệt vào chiều ngày 2-9-2015.

Về phía Florindo Eleuterio Flores Hala, người cầm đầu nhóm SL theo chủ trương hòa hoãn của Guzman, ông ta sinh ngày 8-9-1961. Năm 18 tuổi, Florindo gia nhập quân đội Peru và phục vụ tại Tiểu đoàn 221 xe tăng. Chẳng ai biết ông ta trở thành thành viên của SL khi nào nhưng năm 1982, trong một cuốn băng video do Cơ quan An ninh Peru thu được cho thấy Florindo nhảy múa ăn mừng chiến thắng bên cạnh các chỉ huy cao cấp nhất của SL, trong đó có cả Guzman.

Ngày 26-9-2006, một nhóm phóng viên thuộc Kênh truyền hình Panorama được phép vào căn cứ Huallaga để phỏng vấn Florindo. Trong cuộc phỏng vấn, ông ta yêu cầu Chính phủ Peru phải thả ngay tất cả những chiến binh SL đang bị giam giữ trước khi nói đến chuyện đàm phán hòa bình. Ngay sau khi cuộc phỏng vấn được Panorama phát hình, quân đội Peru mở cuộc tấn công tổng lực vào Huallaga nhưng ngoài một số tay súng SL bị bắn chết, Florindo chạy thoát. Đến tháng 11-2007, cảnh sát cho biết đã bắn hạ một phó tướng của Florindo là JL. Tháng 12-2011, trả lời  phỏng vấn Đài BBC, Florindo thừa nhận tổ chức SL do ông lãnh đạo đã bị đánh bại, và ông sẵn sàng thương thảo với Chính phủ Peru mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào.

Tuy nhiên, Cơ quan Chống khủng bố Peru đâu dễ gì bỏ qua những tội ác của SL. Ngày 12-2-2012, Florindo trúng 2 viên đạn vào bụng trong một cuộc tấn công của quân chính phủ đồng thời các trang trại trồng cây côcain ở thung lũng Huallaga cũng bị phá tan tành. Bị bắt rồi bị kết án tù chung thân với các tội danh khủng bố, buôn bán ma túy và rửa tiền, Florindo ngậm ngùi nhìn cuộc đời oanh liệt của mình trôi qua sau song sắt nhà giam. Đây là một trong đòn giáng trả mạnh nhất của Chính phủ Peru đối với bọn khủng bố nhưng vẫn chưa thể làm cho nó chết hẳn bởi lẽ đến ngày 7-10-2012, nhóm SL của Florindo đã thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào 3 máy bay trực thăng của Tập đoàn xây dựng đường ống dẫn khí đốt Techint, Argentina ở khu vực trung tâm tỉnh Cusco. May mắn là không xảy ra  thiệt hại gì về người.

Từ đánh bom khủng bố, bắt cóc, ám sát đến sản xuất cocain

Đầu năm 2010, nhóm SL cực đoan - lúc ấy do Alipio lãnh đạo đã chuyển hướng từ đấu tranh vũ trang sang sản xuất và mua bán ma túy một cách quy mô chứ không nhỏ lẻ như những năm 2000. Trước đó, nguồn cung cocain cho con nghiện ở Mỹ và châu Âu do các tập đoàn tội phạm Colombia điều hành nhưng từ khi Chính phủ Colombia hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Mỹ, và ngầm cho phép Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA) được tiến hành thu thập thông tin, dẫn đến việc bắt giam nhiều “ông trùm” thì lượng cocain từ Colombia vào Mỹ giảm xuống thấy rõ.

Sau khi Alipio bị bắt, ý thức được món lợi này, Antonio tiến hành thành lập những trang trại trồng cây coca tại thung lũng Vraem với diện tích lên đến hơn 80.000 ha, đồng thời xây dựng nhà xưởng và thuê một số kỹ sư hóa học điều chế lá coca thành cocain. Bên cạnh đó, Antonio còn thu thuế những nhóm vận chuyển ma túy đi ngang phần đất do SL kiểm soát.

Tháng 10-2013, Cảnh sát Peru đã bắt giữ một nhóm gồm 23 người, đang vận chuyển 1.200kg cocain trên lưng những con ngựa thồ xuyên qua lối mòn trong một khu rừng gần thị trấn Llochegua. Theo lời khai của họ, để có thể đi ngang phần đất do SL kiểm soát một cách an toàn, cứ mỗi tấn côcain họ phải nộp cho Antonio 5.000USD. Một báo cáo của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) cho thấy năm 2014, Vraem vẫn là nơi sản xuất ma túy lớn thứ hai ở Nam Mỹ, chỉ đứng sau Colombia.

Theo số liệu của Cơ quan Chống khủng bố Peru, tháng 8-2015, trước ngày xảy ra cuộc đột kích tiêu diệt Antonio, khu vực trồng cây coca ở thung lũng Vraem có khoảng 300 thành viên SL, trang bị tiểu liên AK, trung liên RPD, đại liên 12,8mm cùng một số súng chống tăng B40, B41, lựu đạn và chất nổ. Gần 1/3 trong số này cộng với những tù nhân bản địa thuộc tộc người Ashaninka làm nhiệm vụ chăm sóc và thu hoạch lá coca nên số tay súng có thể sẵn sàng chiến đấu chỉ chừng 200 người. Sản phẩm làm ra được SL đưa sang nước láng giềng Bolivia rồi từ đây, các băng nhóm tội phạm chuyển nó đến Brazil, sau đó là Mexico. Đích đến cuối cùng là thành phố Miami, bang Florida, Mỹ.

(Còn tiếp)

Cao Trí (theo In Sight Crime - Shining Path)
.
.