Bãi lầy chiến địa Afghanistan: Nước cờ mạo hiểm và sai lầm

Thứ Ba, 10/01/2017, 15:30
Ngày 25-12-1979, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitry Ustinov chính thức ban bố sắc lệnh "Quân đoàn số 40 và Không quân sẽ vượt qua biên giới của Cộng hòa Dân chủ Afghanistan trên bộ và trên không vào lúc 15 giờ ngày 25-12". Đây được xem là bước khởi đầu chính thức cuộc can thiệp của Liên Xô tại Afghanistan.

Ngày 27-12, cả thế giới gần như bị chấn động trước thông tin Tổng thống Afghanistan Hafizullah Amin đã bị ám sát trong một chiến dịch đột kích của lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz GRU của Liên Xô. Toàn bộ lực lượng bảo vệ cung điện Tajbeg từ 100-150 lính đều bị tiêu diệt. Cung điện Tajbeg từng là đại bản doanh Quân đoàn Trung ương của quân đội quốc gia Afghanistan, có kết cấu phòng thủ vững chắc, tường có thể chịu được hỏa lực của pháo binh.

Khi Hafizullah Amin chuyển đến đây từ Phủ Chủ tịch tọa lạc ở trung tâm Kabul, người ta đã phá gần hết các tuyến đường dẫn đến cung điện, ngoại trừ một tuyến được phòng thủ bằng súng máy hạng nặng và pháo binh, 7 đồn bốt, mỗi đồn có bốn lính gác được trang bị súng máy, súng cối và súng trường tự động. Từng có nhiều tường thuật về hoàn cảnh Hafizullah Amin thiệt mạng, song các chi tiết chính xác đến nay vẫn chưa bao giờ được chứng thực.

Nguyên soái, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô D.Ustinov, người trong năm 1979 đã ra lệnh đưa quân vào Afghanistan.

Cùng khoảng thời gian trên, các phân đội lính đổ bộ đường không Liên Xô đã bao vây các đơn vị của quân đội Afghanistan tại Kabul, chiếm các mục tiêu chủ chốt của thủ đô như Bộ Tổng tham mưu, trụ sở Bộ An ninh và Bộ Nội vụ Afghanistan, các đầu mối thông tin liên lạc như Trung tâm phát thanh và truyền hình.

Nếu xét từ góc độ kỹ thuật thì những kết quả ban đầu của các đội đặc nhiệm là hoàn hảo, thậm chí là xuất sắc: rất ít đổ máu và kiểm soát được thủ đô Afghanistan, các đơn vị quân đội Afghanistan bị khóa chặt trong các doanh trại và hầu như không kháng cự, chính quyền được thay đổi bằng "người của Liên Xô tại Kabul" đi cùng các đơn vị Xôviết từ Moscow lên nắm quyền một cách êm thấm.

Bộ chỉ huy quân sự Liên Xô tại Termez, nước cộng hòa Uzbekistan, đã thông báo trên Đài truyền thanh Kabul rằng, Afghanistan đã được "giải phóng" khỏi ách thống trị của Amin. Theo Bộ Chính trị Liên Xô, họ đã hành động phù hợp với "Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Láng giềng thân thiện"  hai nước ký kết năm 1978 và rằng, Amin "đã đền tội bởi một tòa án vì các tội ác của ông ta".

Một bản tin phát đi từ Đài phát Kabul nhưng sau đó được xác định là từ một cơ sở Liên Xô tại Uzbekistan đã thông báo việc hành quyết Hafizullah Amin được tiến hành bởi Ủy ban Trung ương Cách mạng Afghanistan. Ủy ban này sau đó đã chọn cựu Phó thủ tướng trong chính phủ Babrak Karmal, người từng bị hạ cấp xuống làm đại sứ tại Tiệp Khắc sau khi Khalq lên nắm quyền lực, lên làm chủ tịch và ủy ban này đã yêu cầu sự trợ giúp quân sự từ phía Liên Xô.

Các tài liệu liên quan đến công tác chuẩn bị cho cuộc can thiệp quân sự có lẽ đã bị tiêu hủy gần hết.

Tuy nhiên, các sự kiện tiếp theo diễn ra sau đấy không còn trơn tru như trước nữa và tất yếu đưa đến một cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài, tàn phá không chỉ Afghanistan mà còn làm Liên Xô dần kiệt quệ. Tại sao tất cả lại thay đổi đột ngột như vậy? Tại sao thay vì hỗ trợ quân sự cho một chế độ đang sụp đổ thì ban lãnh đạo tối cao Liên Xô lại sử dụng sức mạnh của các đơn vị đặc nhiệm và đưa quân ồ ạt vào Afghanistan để lật đổ chế độ đó? Động cơ thực sự là gì, dựa trên những tin tức nào để họ ra quyết định và cơ chế nào ra quyết định này? Loạt câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có được các câu trả lời rõ ràng mặc dù 37 năm đã trôi qua, nhiều lần thay đổi chế độ và xuất hiện hàng loạt hồi ký của các nhân vật tham gia.

 Điều đáng lưu ý: những người viết hồi ký về cuộc chiến tại Afghanistan chủ yếu là các sĩ quan KGB. Các tướng lĩnh Xôviết nhận thức được rằng một chiến dịch như vậy không đem lại chút lợi ích nào về mặt quân sự - chiến lược và "tại sao chúng ta lại phải đưa quân vào cái bẫy đá khổng lồ đó - nơi không có đường sắt, đường thủy để vận chuyển vũ khí đạn dược, đảm bảo vật chất- kỹ thuật... và con cháu chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho những sai lầm này".

Nhưng khi Tổng tham mưu trưởng Ogarkov tìm cách thuyết phục Bộ trưởng Quốc phòng D.Ustinov rằng, việc đưa quân vào Afghanistan là thiếu cân nhắc, ông đã nổi nóng và nói ngắn gọn: "Nhiệm vụ duy nhất của đồng chí là chấp hành mệnh lệnh".

Cựu phó Tổng cục trưởng thứ nhất Tổng cục I KGB V. Kirpichenko viết trong hồi ký: "Sau khi thay đổi chế độ ở Kabul ngày 27-12-1979, tất cả những người tham gia chiến dịch được lệnh quên tất cả mọi chuyện và tiêu hủy toàn bộ các hồ sơ tài liệu có liên quan. Tôi cũng đã hủy toàn bộ các ghi chép, trong đó ghi tỉ mỉ đến từng phút các sự kiện xảy ra ở Afghanistan tháng 12-1979".

Còn L.Shebarshin, người lãnh đạo Cơ quan tình báo KGB những năm 1989-1991 cũng có quan điểm tương tự: "KGB hiện không còn lưu trữ một tài liệu mật nào liên quan về tiến trình ra quyết định lật đổ Tổng thống Amin, thành lập chính phủ mới do Karmal đứng đầu và đưa quân vào Afghanistan". V.Kriuchkov, lãnh đạo một ban thuộc KGB lúc đó viết: "Mỹ, Anh, Đức và một số nước khác lúc đó rất quan tâm đến Afghanistan, đặc biệt là các khu vực phía bắc (giáp Liên Xô). Họ đã ráo riết tìm mọi cách làm suy yếu ảnh hưởng và vị thế của Liên Xô tại Afghanistan…

Theo kênh của KGB và GRU (Cơ quan tình báo quân đội Liên Xô), ngày càng có nhiều tin tình báo về các mưu đồ sâu xa của Mỹ sử dụng khu vực lãnh thổ (Afghanistan) giáp phía Nam Liên Xô" và "để vô hiệu hóa các mối đe dọa từ hướng Nam như vậy, Liên Xô sẽ buộc phải bố trí bổ sung ở các nước cộng hòa Trung Á không ít hơn một tập đoàn quân, thành lập các tuyến phòng thủ bổ sung với cơ sở hạ tầng tốn kém, hầu như thành lập mới hệ thống phòng không". Khó có thể không tin vào nhận xét này của Trưởng ngành tình báo KGB; nhưng từ đó xuất hiện câu hỏi: có lẽ đây chính là những kế hoạch có chủ ý của Mỹ mà trực tiếp là CIA nhằm để Liên Xô tin vào điều này.

V. Kolesnhik, sĩ quan cao cấp GRU của Bộ Tổng tham mưu (lúc đó là đại tá, sau là thiếu tướng), người chỉ huy chiến dịch tấn công dinh tổng thống Amin nhớ lại rằng, ngay trước khi chiến dịch bắt đầu, tướng KGB Iu. Deozlov, cấp phó của ông trong chiến dịch này đồng thời chỉ huy các đội đặc nhiệm KGB, khi phát biểu trước những người tham gia chiến dịch đã nói rằng "Amin chính là gián điệp của CIA".  Còn tướng Drozlov, lúc ấy cũng là lãnh đạo một cơ quan thuộc KGB vài lần đã khẳng định với tổ điệp báo (CIA) tại Afghanistan của mình "Mỹ không thể dễ dàng để mất Afghanistan vào tay người Nga như vậy được".

Ông này cũng khẳng định: "Việc Mỹ đứng chân tại Afghanistan sẽ tạo điều kiện cho nước này tiến sát đến khu quặng mỏ giá trị nhất của thế giới là Tadzikistan - nơi có tất cả các nguyên tố trong bảng tuần hoàn Mendeleev - chính vì vậy mà Liên Xô phải bảo vệ các đường biên giới phía Nam của mình, bảo vệ các các nguồn năng lượng trong tương lai và các tài nguyên thiên nhiên khác của dãy Pamir".

Năm 1998, khi trả lời các phóng viên tờ báo Pháp "Le Nouvel Observateur" về nước đi đầy toan tính trên bàn cờ quanh chiến địa Afghanistan, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Z. Brzezinski đã thừa nhận: "Theo các thông tin chính thức thì CIA bắt đầu cung cấp vũ khí cho những kẻ thánh chiến tại Afghanistan sau khi Quân đội Liên Xô tiến vào nước này nhưng trên thực tế thì từ đầu tháng 7-1979, Tổng thống Jimmy Carter đã ký một sắc lệnh về việc giúp đỡ những kẻ chống đối chế độ thân Xôviết ở Kabul. Ngay ngày hôm đó tôi đã gửi Tổng thống ý kiến của mình 'Theo quan điểm của tôi, việc giúp những kẻ chống đối sẽ dẫn tới việc Liên Xô can thiệp quân sự".

Khi trả lời câu hỏi của phóng viên là liệu việc quyết tâm tiến hành chiến dịch mật (hỗ trợ phiến quân) có phải là tính toán của Mỹ nhằm đẩy Liên Xô đưa quân vào Afghanistan hay không, Brzezinski trả lời là không hoàn toàn như vây- "Chúng tôi không ép Liên Xô can thiệp, nhưng chúng tôi đã cố tình tăng khả năng để người Nga làm việc đó. Hiệu quả của kế hoạch này là Liên Xô đã rơi vào cái bẫy Afghanistan". Chỉ có những ai ngây thơ mới nghĩ rằng, trò chơi này qua được mắt tình báo KGB, chưa kể việc CIA còn "tạo điều kiện thuận lợi" để các điệp viên của KGB tiếp cận các thông tin này (những thông tin mà CIA muốn cung cấp) dĩ nhiên, đây là nhiệm vụ hàng đầu của CIA trong chiến dịch này.

Chỉ có thể nói rằng, năm 1979, các nhà lãnh đạo Liên Xô dù nhận thức được nguy cơ cao độ đối với uy tín quốc tế của nhà nước đầu tàu trong khối xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn cố gắng ngăn nội chiến ở đất nước láng giềng. Nhưng kế hoạch can thiệp quân sự này là một bước sai lầm. Các đối thủ của Liên Xô ở phương Tây đã tận dụng bước đi mạo hiểm của Moscow, và chiến tranh đã bùng nổ. Không chỉ các lực lượng cánh tả ở Afghanistan mà còn đội quân Liên Xô đã hứng chịu đòn tấn công của các thế lực đó. Kết quả là, sự hiện diện quân sự của Liên Xô đã kéo dài gần 10 năm.

Tổng biên tập tạp chí "Quốc phòng" Igor Korotchenko cho biết: "Chiến dịch Afghanistan là không thể tránh khỏi từ quan điểm bảo vệ lợi ích quốc gia của Liên Xô. Và nhiều người Afghanistan cho đến nay vẫn hoài niệm về 'Shuravi', cách người Afghanistan gọi lính Liên Xô thời đó, bởi vì Liên Xô chủ trương rất chân thành giúp đỡ những người Afghanistan xây dựng một tương lai tốt hơn. Chúng tôi đã xây dựng các đường hầm, bảo đảm hoạt động của các hệ thống cung cấp nước, xây dựng trường học và bệnh viện, thành lập ngành công nghiệp.

Khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan, thì ở nước này đã có chế độ Najibullah với quân đội mạnh mẽ. Đến cuối năm 1991, Najibullah đã kiểm soát tình hình trong nước. Chỉ sau những sự kiện hỗn loạn tại Moscow khi Liên Xô chấm dứt đột ngột cung cấp hỗ trợ hậu cần cho Afghanistan, thì chế độ Najibullah bị lật đổ. Nhưng phải chăng những người chiếm chính quyền ở Kabul đã làm cho cuộc sống của cư dân Afghanistan trở nên tốt hơn?".

Mỹ đã xem cuộc xung đột tại Afghanistan là một phần trong toàn bộ cuộc Chiến tranh Lạnh. Tới giữa thập niên 1980, phong trào kháng chiến Afghanistan, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ,  Anh, Trung Quốc, Arab Saudi, Pakistan và nhiều nước khác đã khiến Liên Xô phải chịu nhiều tổn thất quân sự cũng như buộc nước này rơi vào tình trạng căng thẳng trong quan hệ quốc tế. Du kích quân Afghanistan được huấn luyện chủ yếu bởi Hoa Kỳ và Pakistan. CIA đã viện trợ cho các lực lượng chống Liên Xô thông qua Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI), trong một kế hoạch mang tên "Chiến dịch gió lốc".

Một phong trào tương tự cũng xuất hiện trong thế giới Hồi giáo, với những đạo quân của cái gọi là Những người Arab Afghanistan (được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan gọi với cái tên "những chiến binh tự do"), được tuyển mộ từ Thế giới Hồi giáo để tiến hành cuộc thánh chiến (jihad) chống lại những người cộng sản.

Nổi tiếng trong số họ là một người Arab Saudi tên Osama bin Laden, nhánh Arab của ông ta sau này đã dính dáng tới Al-Qaeda. Sự trợ giúp của chính phủ Hoa Kỳ cho nhóm Mujahideed Afghanistan bản xứ không nhiều, và sự tham dự của Osama bin Laden vào cuộc xung đột không liên quan tới các chương trình của CIA. Dù vậy, chương trình của họ đã thúc đẩy những hệ thống gây quỹ tương tự trong toàn thế giới Arab.

Các chỉ huy Mujahideen rất chú trọng tới các chiến dịch phá hoại. Hành động thường thấy nhất là tấn công các đường dẫn năng lượng, ống dẫn dầu, các đài phát thanh, các trụ sở cơ quan chính phủ, sân bay, khách sạn, rạp chiếu phim... Từ năm 1985-1987, hơn 1.800 hành động khủng bố đã được ghi nhận. Tại vùng biên giới với Pakistan, quân Mujahideen thường phóng 800 quả rocket mỗi ngày.

Từ tháng 4-1985 đến tháng 1-1987, họ đã tiến hành hơn 23.500 lần bắn pháo vào các mục tiêu của chính phủ. Quân Mujahideen thường nghiên cứu kỹ các mục tiêu tấn công bởi họ luôn lởn vởn trong các ngôi làng bên trong tầm bắn của pháo binh Liên Xô và như vậy, chúng chủ ý đặt người dân vào mối nguy hiểm từ cuộc bắn pháo trả đũa của Liên Xô.

Quân Mujahideen cũng thường xuyên tập trung vào việc phá hoại cầu cống, đường sá, phục kích các đoàn xe, phá huỷ hệ thống dẫn điện và sản xuất công nghiệp, tấn công các đồn cảnh sát, các đồn lính và căn cứ không quân Liên Xô và thường xuyên nhất là ám sát các quan chức chính phủ và các thành viên PDPA…

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.