Bãi lầy chiến địa Afghanistan: Khi phên giậu phương Nam suy sụp

Thứ Tư, 04/01/2017, 11:00
Đất nước Afghanistan tuy đất không rộng, người không đông, xã hội nghèo nàn và lạc hậu, nhưng do vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Nam Á mà vào giai đoạn cao trào của cuộc Chiến tranh lạnh luôn nằm trên bàn cờ của nhiều nước lớn.

Cuộc chiến tranh tại Afghanistan với sự can thiệp của quân đội Liên Xô là cuộc xung đột kéo dài giữa các lực lượng quân sự Liên Xô ủng hộ chính phủ của đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) chống lại lực lượng Mujahideen được sự ủng hộ từ nhiều phía như Hoa Kỳ, Pakistan và các quốc gia Hồi giáo khác. Từ đây, các đối thủ của Liên Xô  ở  phương Tây đã lợi dụng bước đi mạo hiểm của Moscow để kích hoạt một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

Dòng thời gian hơn 35 năm soi rọi vào nhiều sự kiện giúp làm sáng tỏ nguyên nhân của việc Liên Xô phải đưa quân vào Afghanistan, và như lời đánh giá của Tổng thống V. Putin, "các mối đe dọa thực tế khi ấy đòi hỏi chúng ta phải hành động".

Sự can thiệp quân sự của nước Nga tại Afghanistan đã có từ khá lâu trong lịch sử, bắt đầu bằng những cuộc chinh phạt các bộ tộc của quân đội Nga Sa hoàng trong cái gọi là "Great Game" (Trò chơi lớn) vào thế kỷ XIX. Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười, chính quyền Bolshevik từ năm 1919 đã cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại cho Afghanistan bằng hàng triệu rúp vàng, vũ khí cầm tay, đạn dược và một số máy bay để hỗ trợ cuộc kháng chiến của người Afghanistan chống lại quân đội Anh.

Chỉ huy tình báo quân sự Liên Xô, Đại tướng Piotr Ivashutin (ngoài cùng bên phải ảnh) nói chuyện cùng các sĩ quan Afghanistan.

Đến năm 1924, ngoài các hình thức viện trợ quân sự truyền thống, chính phủ Liên bang Xôviết còn tiến hành huấn luyện các sĩ quan tham mưu quân đội Afghanistan tại Tashkent (thủ đô nước Cộng hòa Uzbekistan). Năm 1972, 100 cố vấn và chuyên gia kỹ thuật Liên Xô được gửi tới Afghanistan để huấn luyện các lực lượng vũ trang nước này.

Tháng 5-1978, hai chính phủ ký kết một thỏa thuận gửi 400 cố vấn quân sự Liên Xô. Tháng 12-1978, Moscow và Kabul ký một hiệp ước hữu nghị và hợp tác song phương cho phép quân đội Liên Xô triển khai trong trường hợp có yêu cầu từ phía chính phủ Cộng hòa Dân chủ Afghanistan. Viện trợ quân sự Liên Xô không ngừng gia tăng và chế độ PDPA dần lệ thuộc vào các thiết bị quân sự và cố vấn Liên Xô.

Thiết nghĩ cũng nên điểm qua lịch sử hình thành các thể chế và đảng phái chính trị ở đất nước Hồi giáo đa sắc tộc này. Vua Mohammad Zahir Shah cai trị Afghanistan trong gần 4 thập kỷ; từ năm 1933-1973. Người anh/em họ của Zahir là Mohammad Daoud Khan, làm Thủ tướng từ năm 1953-1963. Đảng PDPA theo đường lối Mácxít hình thành và phát triển mạnh mẽ trong quãng thời gian này.

Năm 1967, PDPA chia thành hai phe, phe Khalq (Masses) do Nur Muhammad Taraki và Hafizullah Amin lãnh đạo, còn phe Parcham (Banner) do Babrak Karmal cầm đầu. Thủ tướng Daoud tuy là người có công trong việc chấm dứt chế độ quân chủ nhưng những nỗ lực của ông nhằm cải cách kinh tế xã hội gặp nhiều trở lực và thất bại, đặc biệt khi ông chủ trương tiến hành đàn áp PDPA. Trước tình thế này, hai phe trong PDPA tái hợp nhất và đặt ra mục tiêu lật đổ Daoud.

Tổng thống Amin (ngồi trước micro), người hai mặt trong mối quan hệ với Liên Xô và Mỹ.

Ngày 27-4-1978, PDPA lật đổ chính quyền, Daoud bị xử tử. Nur Muhammad Taraki, Tổng thư ký PDPA, trở thành Tổng thống của Hội đồng Cách mạng và Thủ tướng của nhà nước Cộng hòa Dân chủ Afghanistan. Tuy nắm giữ các vị trí tối cao nhưng Taraki vẫn không thể nào hàn gắn những bất đồng cố hữu trong đảng cầm quyền vì thế chính phủ ngày càng bị chia rẽ theo các phe phái trong đảng, với Tổng thống Taraki và Phó thủ tướng Hafizullah Amin thuộc phái Khalq chống lại các lãnh đạo Parcham như Babrak Karmal và Mohammad Najibullah. Những xung đột như thế tất yếu dẫn tới các cuộc thanh trừng khốc liệt.

Trong 18 tháng cầm quyền đầu tiên, PDPA áp dụng các biện pháp cải cách, đưa ra các sắc lệnh thay đổi trong phong tục cưới hỏi và cải cách ruộng đất nhưng lại bị dân chúng phản đối mạnh mẽ vì chúng đi ngược lại các giá trị xã hội truyền thống và Hồi giáo.

Một cuộc nổi dậy bắt đầu vào giữa năm 1978 tại vùng Nuristan phía đông Afghanistan và chẳng bao lâu sau bùng phát thành cuộc nội chiến lan tràn khắp Afghanistan. Tháng 9-1979, Phó thủ tướng Hafizullah Amin tiến hành đảo chính lật đổ Taraki. 2 tháng sau đó, Amin vẫn không thể nào vãn hồi được tình trạng hỗn loạn vì chính ông này, để củng cố quyền lực, đã quay sang chống lại các thành phần cựu thù bên trong PDPA.

Tháng 2-1979, cuộc Cách mạng Hồi giáo đã lật đổ chính quyền Shah (Quốc vương) được Mỹ hỗ trợ tại Iran, nước láng giềng phía nam của Afghanistan. Còn tại nước láng giềng phía bắc của Afghanistan là Liên Xô, trong số hơn 20% dân số là người Hồi giáo tập trung ở các nước cộng hòa trong thành phần Liên bang vùng Trung Á có rất nhiều quan hệ bộ tộc cả tại Iran và Afghanistan.

Bất an trước tình hình bạo loạn trong nội bộ chính phủ Afghanistan bao nhiêu thì giới lãnh đạo Liên bang Xôviết lại càng cảm thấy bị mối đe dọa chiến tranh giữa Mỹ và Iran lớn dần bấy nhiêu trước thực tế từ tháng 2, Mỹ đã triển khai 20 tàu chiến và 2 tàu sân bay. Tháng 3 năm đó lại diễn ra sự kiện hiệp ước hòa bình giữa Israel và Ai Cập do Mỹ hậu thuẫn được ký kết. Giới lãnh đạo Liên Xô coi "hiệp ước hòa bình" này là sự mở rộng phạm vi quyền lực của Mỹ trong khu vực. Báo chí Liên Xô bình luận về sự kiện này rằng, Israel và Ai Cập từ khi ấy đã "hình thành một liên minh quân sự" và trở thành "những tên sen đầm của Lầu Năm Góc".

Ngoài ra, tình báo Liên Xô còn khám phá việc hơn 5.000 quả tên lửa đóng mác "Made in USA" đã được bán cho Arab Saudi và nước này cũng đang hỗ trợ cho lực lượng kháng chiến Yemen trong cuộc chiến đấu chống lại các nhóm vũ trang theo đường lối cộng sản. Tương tự, những mối quan hệ vốn tốt đẹp trước kia của Liên Xô với Iraq cũng bắt đầu giảm sút. Tháng 6-1978, Iraq bắt đầu mua các vũ khí của Pháp và Italia mặc cho Liên Xô kịch liệt phản đối…

Cựu giám đốc CIA Robert Gates trong hồi ký của mình mang tựa đề "From the Shadows" (Từ những bóng tối), đã đề cập đến việc CIA bắt đầu hỗ trợ các chiến binh phiến loạn chống lại chính phủ của đảng cầm quyền PDPA từ mấy tháng trước khi các binh đoàn Liên Xô tiến vào Afghanistan.

Năm 1998, khi trả lời các phóng viên tờ báo Pháp "Le Nouvel Observateur" về vấn đề này, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Z. Brzezinski đã thừa nhận: "Tuy theo các thông tin chính thức thì CIA bắt đầu đầu cung cấp vũ khí cho những nhóm thánh chiến tại Afghanistan sau khi Quân đội Liên Xô tiến vào nước này nhưng trên thực tế thì từ ngày 3-7-1979, Tổng thống Jimmy Carter đã ký một sắc lệnh về việc giúp đỡ những kẻ chống đối chế độ thân Xôviết ở Kabul.

Ngay ngày hôm đó tôi đã gửi Tổng thống ý kiến của mình: "Theo quan điểm của tôi, việc giúp những kẻ chống đối sẽ dẫn tới việc Liên Xô can thiệp quân sự". Khi trả lời câu hỏi của phóng viên là liệu việc quyết tâm tiến hành một chiến dịch bí mật hỗ trợ lực lượng phiến quân có phải là tính toán của Mỹ nhằm đưa Liên Xô vào "bẫy" Afghanistan hay không, Bzerzinski khôn khéo trả lời: "Chiến dịch này là một ý tưởng tuyệt vời. Chúng tôi không ép Liên Xô can thiệp, nhưng chúng tôi đã cố tình tăng khả năng để người Nga làm việc đó".

Một số nguồn thông tin khác cho rằng, chính quyền của Tổng thống Jimmy Carter đã bắt đầu xem xét khả năng thông qua các kênh bí mật giúp đỡ cho đội quân nổi dậy tại Afghanistan này ngay từ đầu năm 1979. Lúc đó, Brzezinski đã đề nghị áp dụng một loạt biện pháp nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của người Nga ngay tại "sân sau" của mình, thuyết phục Carter cho phép bí mật cung cấp cho các nhóm phiến quân lô vũ khí đầu tiên.

Thực ra, đây chỉ là lô súng trường đã rất cũ của Anh cỡ 7,7 mm. Tuy nhiên, điều quan trọng nằm ở chỗ: những kẻ chống đối chính quyền Kabul hiểu rằng, sau lưng họ là một cường quốc và điều đó làm cho các nhóm này hoạt động tích cực hơn, và còn một điều quan trọng hơn nữa: Các thông tin về việc Mỹ cung cấp vũ khí cho những kẻ muốn lật đổ chính quyền Afghanistan đương nhiệm qua các kênh tình báo đã được chuyển về Moscow; nó sẽ làm tăng "độ tin cậy" của các phân tích về "các âm mưu của Mỹ".

Trong hồi ký của mình, Robert Gates viết: Ngày 28-3-1979 nhân viên CIA, chuyên gia về Liên Xô A.Horelick đã viết báo cáo gửi giám đốc CIA Terner dự báo các kịch bản phát triển tình hình ở Afghanistan. Kết luận của Horelick là: sự phát triển của phong trào nổi dậy có thể buộc Liên Xô phải can thiệp.

2 ngày sau, cấp phó của Brzezinski là D.Aaron đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban điều phối đặc biệt về Afghanistan và đưa ra kết luận: Mỹ cần phải có các hành động nhằm đưa Liên Xô sa vào vũng lầy tại khu vực này. Ngày 6-4-1979, tại một họp khác của Ủy ban nói trên, nhưng dưới sự chủ trì của đích thân Brzezinski, các thành viên Ủy ban đã đưa ra một loạt các phương án hành động, từ cung cấp vũ khí đến giúp đỡ huấn luyện quân nổi dậy. Nhóm công tác đặc biệt khuyến nghị CIA cung cấp "sự giúp đỡ dân sự" cho những kẻ chống chính quyền.

Ngày 24-4-1979, Horelick lại viết tiếp một bản báo cáo gửi giám đốc CIA liên quan đến việc hỗ trợ quân nổi dậy. "Sự hỗ trợ" đó sẽ dẫn tới sự can thiệp quân sự của Liên Xô và đây chính là mục đích quan trọng nhất chứ hoàn toàn không phải xuất phát từ "hảo ý" muốn hỗ trợ cho lực lượng phiến quân chống chính quyền thân Liên Xô.

Việc Hafizullah Amin lên nắm quyền được xác nhận vào ngày 20-9-1979 với thông cáo chính thức: Hafizullah Amin là một người Hồi giáo mộ đạo. Khi lật đổ Muhammad Taraki, Hafizullah Amin hứa hẹn "từ nay trở đi sẽ không có một chính phủ nằm trong tay một cá nhân". Nhằm "trấn an lòng dân", Hafizullah Amin cho công bố việc 18.000 người bị hành quyết đều là do Taraki ra lệnh.

Thực tế, tổng số người bị bắt trong thời kỳ Muhammad Taraki và Hafizullah Amin cùng cầm quyền là từ 17.000 đến 45.000 người. Những vùng nông thôn càng ngày càng bị mất kiểm soát, quân đội Afghanistan bị chia rẽ và "teo tóp" dần vì nạn đào ngũ: số lượng quân nhân trong quân đội Afghanistan từ con số 100.000 ngay sau Cách mạng Saur (đảo chính lật đổ Taraki) giảm xuống gần một nửa- còn khoảng từ 50.000 đến 70.000 quân. Trong chính sách đối ngoại, Hafizullah Amin cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc của Afghanistan vào Liên Xô bằng cách tăng cường quan hệ với Pakistan và Iran.

Liên Xô càng thêm lo lắng khi họ nhận được các thông tin: Hafizullah Amin gặp riêng Gulbuddin Hekmatyar- một trong các thủ lĩnh chống cộng tại Afghanistan. Đầu tháng 12-1979, Bộ Ngoại giao Afghanistan đề nghị tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh giữa Hafizullah Amin và Tổng thống Pakistan Muhammad Zia-ul-Haq. Chính phủ Pakistan chấp thuận đề xuất này, cử Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Agha Shahi đến Kabul thảo luận. Trong khi đó, Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) tiếp tục huấn luyện các phần tử phản đối chế độ cộng sản- các chiến binh Mujahideen.

Theo Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Brezhnev, "các sự kiện đã tiến triển rất nhanh tại Afghanistan đến mức về cơ bản có rất ít cơ hội để can thiệp vào đó bằng cách nào đó. Nhiệm vụ của chúng ta ngay bây giờ là quyết định các hành động của mình để duy trì vị trí của chúng ta tại Afghanistan cũng để bảo vệ ảnh hưởng của Liên bang Xôviết ở đó".

Tình hình trở nên tồi tệ khi Cơ quan Tình báo Liên Xô KGB có trong tay bản báo cáo việc Hafizullah Amin xuyên tạc vị thế của Liên Xô tại Afghanistan trong Ủy ban Trung ương đảng PDPA và Hội đồng Cách mạng. KGB cũng lưu ý về sự gia tăng các hành động sách nhiễu công dân Liên Xô từ khi Hafizullah Amin lên nắm quyền. Một nhóm các chính trị gia cấp cao báo cáo với Ủy ban Trung ương Liên Xô rằng, cần phải làm "mọi thứ có thể" để ngăn ngừa một sự thay đổi định hướng chính trị tại Afghanistan.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo Liên Xô không ủng hộ can thiệp vào thời điểm này, mà thay vào đó kêu gọi gia tăng ảnh hưởng của mình đối với ban lãnh đạo của Hafizullah Amin để vạch trần "mục đích thực sự" của ông ta. Một đánh giá của Bộ Chính trị Liên Xô gọi Hafizullah Amin là "một nhân vật thèm khát quyền lực bị điều khiển bởi tính tàn bạo và hai mặt; là người theo đuổi một chính sách gia đình trị và có khuynh hướng tiến hành một 'chính sách cân bằng' hướng về các quốc gia phát triển ở phương Tây.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.