Bí mật tình báo của Thung lũng Silicon

Thứ Tư, 19/02/2020, 13:40
Nằm ẩn mình ngay một góc của Khu vực vịnh San Francisco (Bắc California), thung lũng Silicon không đơn thuần là một vị trí địa lý, nó là một ý tưởng. Khu vực này là một biểu hiện của sự thôi thúc số hóa mọi thông tin trên thế giới, cùng cơ sở dữ liệu, theo dõi và lưu trữ thông tin.

Kết quả của số hóa là một thế giới không có sự riêng tư. Và các cuộc tranh luận công khai chịu sự chi phối của các tỷ phú công nghệ. Một điều ít người biết là Thung lũng Silicon có một lịch sử rất đặc biệt. Các tỷ phú công nghệ nơi đây đang giám sát và kiểm soát cuộc sống của hàng tỷ người.

Bên trong thung lũng Silicon

Từng nổi tiếng với tên gọi “Thung lũng Tâm Ái”, thung lũng Santa Clara là một khu vực nông nghiệp thuần túy với kiểu khí hậu ôn hòa và cây trái sum suê trĩu quả. Cho đến thập niên 1960, Santa Clara vẫn là vùng sản xuất và đóng gói trái cây lớn nhất thế giới.

Frederick Terman (1900-1982), giáo sư về quản lý học thuật Mỹ, được tôn vinh là “Cha đẻ của Thung lũng Silicon”. Ảnh nguồn: The Guardian.

Hôm nay vùng cây trái được khoác cái tên mới “Thung lũng Silicon”: Ngôi nhà của nhiều hãng truyền thông xã hội và công nghệ hùng mạnh nhất thế giới: Google, Facebook, Apple, Oracle, Netflix, Cisco Systems, PayPal và Hewlett-Packard. Làm thế nào mà từ vùng nông nghiệp lại có bước chuyển đổi thần tốc đến thế? Và tại sao Thung lũng Silicon lại là tâm điểm của sự chuyển đổi này?

Câu trả lời dễ ợt: Đại chiến thế giới thứ hai (ĐCTGII). Dòng nghiên cứu công nghệ cao và công nghiệp đổ đến vùng này là nhờ công lao của Frederick Terman. Ông là con trai của Lewis Terman (người tiên phong về giáo dục tâm lý tại Trường đại học Sư phạm Stanford).

Vốn là người theo thuyết ưu sinh, Lewis Terman đã sáng tạo ra bài kiểm tra trí thông minh (IQ) ở Mỹ, giúp kiểm tra tân binh Mỹ nhập ngũ trong thời kỳ Thế chiến I. Frederick Terman theo học trường Stanford và lấy bằng hóa học, thạc sĩ về kỹ thuật điện trước khi đến Viện công nghệ Massachusetts (MIT) để lấy bằng tiến sĩ về kỹ thuật điện dưới sự dìu dắt của nhà phát minh radar lừng danh Vannevar Bush.

Khi Thế chiến II nổ ra, Vannevar Bush đang là người đứng đầu của Văn phòng nghiên cứu và phát triển Hoa Kỳ (USORD, cơ quan chịu trách nhiệm cho tất cả các nghiên cứu và phát triển của quân đội Mỹ vào thời chiến) đã bổ nhiệm Frederick Terman quản lý Phòng thí nghiệm nghiên cứu vô tuyến (RRL) của Đại học Harvard. Tại RRL, Terman đã chỉ đạo 800 nhà nghiên cứu hàng đầu nước Mỹ trong lĩnh vực chiến tranh điện tử còn non trẻ.

Công việc của RRL bao gồm việc phát triển ra một số thiết bị tình báo điện tử và tình báo tín hiệu như máy dò radar, thiết bị gây nhiễu radar và vỏ nhôm… dùng để đối phó với hệ thống phòng không Đức. Frederick Terman quay lại Stanford giữ chức danh hiệu trưởng Trường kỹ thuật, ngôi trường này được mệnh danh là “MIT của phương Tây”.

Khi ngân sách nghiên cứu quân sự đổ vào khu vực này, Terman đã bắt đầu biến Khu vực vịnh San Francisco thành một trung tâm nghiên cứu công nghệ cao.

Năm 1951, Terman thành lập Công viên công nghệ Stanford (bây giờ là Công viên nghiên cứu Stanford, một liên danh giữa Stanford và thành phố Palo Alto nhằm thu hút các tập đoàn công nghệ “máu mặt” vào khu vực). Công viên đã mời gọi được các tên tuổi nặng ký như Hewlett-Packard, General Electric, Kodak và đặt nền tảng cho Thung lũng Silicon thành điểm hội tụ giữa Stanford, tập đoàn công nghệ và nghiên cứu do chính phủ tài trợ.

Thung lũng Silicon bùng nổ mạnh từ chương trình nghiên cứu của Lầu Năm Góc và các kết nối của Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD). Chính DoD có một vai trò quan trọng trong việc định hình sự phát triển của Thung lũng Silicon.

Viện nghiên cứu Stanford (SRI) do Frederick Terman thành lập dưới sự ủy thác của Đại học Stanford vào năm 1946 với tôn chỉ không được dính dáng đến các vấn đề chính trị. Nhưng mới hoạt động 6 tháng, SRI đã theo đuổi các hợp đồng với Văn phòng tình báo hải quân Mỹ. SRI có liên quan đến ARPANET (mạng chuyển mạch gói do Lầu Năm Góc sáng tạo ra) khai sinh ra internet hiện đại.

Hoạt động tình báo của Google

Năm 1973, Robert Kahn được sự trợ giúp của Phó giáo sư Vint Cerf (Đại học Stanford) đã phát triển ra giao thức TCP/IP (Bộ Quốc phòng Mỹ) đưa internet thực hiện dễ dàng hơn.

Hội nghị Bilderberg được tổ chức bí mật hàng năm tại đại khách sạn Interalpen-Tyrol (Áo), nơi hiện diện của những nhân vật quyền lực nhất trên thế giới. Ảnh nguồn: Fpoe.at.

Tuy nhiên, trong khi khoản đầu tư trực tiếp tạo nên cuộc cách mạng công nghệ ở Thung lũng Silicon phù hợp các mục đích của Lầu Năm Góc, thì cộng đồng tình báo Mỹ đã bí mật nhắm khai thác các tiềm năng của khu này theo những hướng khác.

Với diễn tiến của cuộc chiến tranh lạnh cùng sự căng thẳng giữa Mỹ và Nga thì ngân sách chi cho nghiên cứu và phát triển công nghệ hiện đại đã được đặt dưới vỏ bọc “an ninh quốc gia và được phân loại”. Nhờ lớp vỏ bọc tinh vi này mà vai trò của chính phủ trong việc phát triển ra các tập đoàn công nghệ đã bị ỉm đi.

Dấu vết của các cơ quan tình báo vẫn hiển hiện tại gần như mọi công ty lớn tại Thung lũng Silicon. Lấy ví dụ về tập đoàn Oracle. Bản thân cái tên của tập đoàn phần mềm lớn thứ 3 thế giới này lại lấy từ vị khách hàng đầu tiên: CIA.

“Dự án Oracle” là mã danh do CIA đặt ra cho một cơ sở dữ liệu quan hệ khổng lồ đang được xây dựng theo hợp đồng của Ampex (một công ty ở Thung lũng Silicon). Cho đến ngày nay, Oracle vẫn nhận 25% các hợp đồng của chính phủ Mỹ. Chắc chắn một sự thật rằng các cơ quan tình báo và DoD có liên quan đến việc trao ngân sách hoạt động cho “những gã khổng lồ” của Thung lũng Silicon.

Khi dữ liệu khối truyền qua internet đã tạo nên kỷ nguyên Dữ liệu lớn (Big Data), NSA, CIA và các thành viên khác của cộng đồng tình báo Mỹ đã tuyển dụng những ứng viên tươi sáng nhất, tốt nhất trong nước để giúp họ lưu trữ, nghiên cứu và phân tích thông tin này… Và như thường lệ, họ đã quay sang Đại học Stanford và Thung lũng Silicon để nhờ giúp đỡ.

Dự án ít được biết đến mang tựa đề “Các hệ thống dữ liệu số khối” được khởi xướng bởi cộng đồng tình báo Mỹ và được trao ngân sách thông qua các cơ quan được phân loại như Qũy khoa học quốc gia.

Dự án này được tạo ra nhằm giúp các cơ quan tình báo “đóng vai trò chủ động trong việc quản lý hiệu quả cơ sở dữ liệu khối và đảm chắc rằng các yêu cầu của cộng đồng tình báo có thể được tích hợp hoặc thích ứng vào những sản phẩm thương mại”.

Có một sự thật ít người biết là từ khi được thành lập và hoạt động cho đến nay, Google luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với tình báo Mỹ, các bộ máy quân sự và thực thi pháp luật. Năm 2003, Google đã ký hợp đồng 2,1 triệu USD với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nhằm thu thập, lưu trữ và phân tích tín hiệu tình báo trong các nhiệm vụ tình báo hải ngoại và phản gián. Công cụ tìm kiếm tùy chỉnh của Google được tạo ra để “tìm kiếm 15 triệu tài liệu thuộc 24 ngôn ngữ khác nhau”.

Vào năm 2005 có tin đồn rằng In-Q-Tel (một cánh tay của CIA và có quan hệ với Thung lũng Silicon) đã bán ra hơn 5000 cổ phiếu của Google, cho đến nay việc này vẫn chìm trong vòng bí mật, nhưng có tin rằng Google đã mua lại Keyhole Inc. (nhà phát triển phần mềm mà sau đó trở thành Google Earth). Keyhole, Inc. làm việc chặt chẽ với cộng đồng tình báo Mỹ và khoe khoang rằng công nghệ của họ đã được Lầu Năm Góc sử dụng để hỗ trợ cho cuộc xâm lược Iraq.

Năm 2010, rò rỉ một báo cáo cho thấy mối quan hệ giữa NSA-Google nhưng cả 2 cơ quan này đều phủ nhận việc này.

Năm 2014, thông tin chi tiết đến từ một yêu cầu chiếu theo Đạo luật tự do thông tin (FOIA) đã hé lộ một sự thật rằng Google là một phần của “một sáng kiến bí mật của chính phủ Mỹ với tên gọi “Khuôn khổ bảo mật lâu dài” và có bao gồm Thung lũng Silicon hợp tác với Lầu Năm Góc và cộng đồng tình báo Mỹ để chia sẻ thông tin “đạt tốc độ mạng”.

Trước đó vào năm 2013 rộ lên thông tin rằng những người tham gia vào chương trình PRISM (chương trình giám sát bất hợp pháp có sự tham gia của NSA nhằm tiếp cận mọi thông tin và dữ liệu người dùng của tất cả các tập đoàn công nghệ) đã hoạt động bằng nguồn ngân sách từ một cánh tay của NSA gọi là “Tác chiến nguồn đặc biệt”.

Hoạt động tình báo của Facebook

Vào tháng 6 năm 2003, thông tin rò rỉ từ Cơ quan chỉ đạo các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) đã hé lộ một dự án mới đầy tham vọng mang tên là LifeLog chuyên “thu giữ, lưu trữ và bắt kịp dòng trải nghiệm con người và tương tác với thế giới”.

Một góc Thung lũng Silicon thịnh vượng khi đêm về. Ảnh nguồn: Business Insider.

Hiểu nôm na thì người dùng LifeLog sẽ đeo một thiết bị có thể thu giữ và ghi lại tất cả hoạt động giao dịch và tương tác của họ, các chuyển động cơ thể, email và gọi thoại, và nhiều dạng thông tin khác.

Nhưng bí mật bị che giấu ở đây là mọi dữ liệu mà LifeLog thu thập được sẽ giúp cho DARPA tạo ra một lớp mới các hệ thống nhận thức thực sự mà từ đó có thể suy luận theo nhiều cách khác nhau. Khi bị rò rỉ, dự án LifeLog đã ngay lập tức hứng chịu búa rìu dư luận rằng chính phủ đang tạo ra một công cụ đánh cắp quyền riêng tư của công dân và dự án đã bị hủy bỏ.

Dự án LifeLog bị hủy bỏ vào ngày 4 tháng 2 năm 2004, cùng ngày hôm đó một cựu sinh viên của Đại học Harvard là Mark Zuckerberg đã chính thức tung ra “TheFacebook.com”, hóa thân đầu tiên của Facebook, trong đó thu thập dữ liệu khối của người sử dụng, hứa hẹn cung cấp cho họ “một cuốn sổ nhật ký tự động đa truyền thông” nhưng trong những năm gần đây giao diện Facebook có thêm các chương trình bí mật thu thập dữ liệu người dùng nhằm phục vụ cho những động cơ bí ẩn.

Thật là trùng hợp: LifeLog vừa hủy xong là nhảy ra “The Facebook” của một sinh viên Harvard vô danh và rồi nó biến thành một tập đoàn mạng khổng lồ trị giá nhiều tỷ USD.

Năm 2004, Facebook dọn tới Palo Alto (California) với khoản đầu tư ban đầu trị giá 500.000 USD từ Peter Thiel, đồng sáng lập ra PayPal. Và cũng chả khó hiểu khi vào năm 2016, cựu giám đốc của DARPA, Regina Dugan, đã được Facebook thuê để tập trung phát triển các công nghệ thử nghiệm như cảm biến não bộ và trí tuệ nhân tạo.

Có một bí mật ít người biết là nhà đầu tư tài chính Peter Thiel đã phát minh ra Palantir (một công cụ phân tích và đào dữ liệu) đang được sử dụng bởi NSA, FBI, CIA và các cơ quan tình báo, chống khủng bố và cơ quan quân sự.

Có tin nội bộ cho hay rằng kể từ năm 1954, ông Eric Schmidt (nguyên CEO của Google và cố vấn kỹ thuật của Alphabet (công ty mẹ của Google) hiện đang là chủ tịch của Ủy ban đổi mới quốc phòng của Lầu Năm Góc, thường xuyên nhóm họp bí mật hàng năm với Ủy ban 3 Bên (Tập đoàn Bilderberg) với sự tề tựu của các nhà công nghiệp, nhà tài chính, quan chức cấp cao, chỉ huy quân sự và các thành viên hoàng gia. Và một sự thật nghiệt ngã là internet đã bị lạm dụng vào việc theo dõi, giám sát và kiểm soát dân cư.

Thung lũng Silicon được Bộ Quốc phòng Mỹ và cộng đồng tình báo Mỹ âm thầm gieo hạt trên đất California nhằm mục tiêu chống lại cuộc chiến thông tin của thế kỷ 21. DoD đã “vũ khí hóa” internet cho các dụng tâm riêng của họ.

Lầu Năm Góc còn lợi dụng các lỗ hổng của internet để phát triển nên những vũ khí mạng có sức hủy diệt ghê gớm như Stuxnet vốn do “bộ sậu” Mỹ/Israel sản xuất ra. Cho đến ngày nay các nhà khoa học của DARPA vẫn đang âm mưu sử dụng Internet vạn vật (IoT) nhằm giúp Mỹ đạt được sự thống trị trong thế giới mạng.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.