Bí mật về đảo Useppa: Trại huấn luyện kế hoạch xâm lược Cuba của CIA

Thứ Bảy, 24/04/2021, 13:46
60 năm trước, cuộc xâm lược Cuba do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hậu thuẫn đã thất bại. Mọi nguồn cơn đều bắt đầu ngay trên tiểu đảo Useppa (tiểu bang Florida, Mỹ).

Tác giả bài viết này là Tony Perrottet (nhân vật xưng Tôi), một nhà văn chuyên viết nhiều bài đặc sắc trên các tờ báo nổi tiếng như New York Times và Wall Street Journal, cũng là tác giả của 6 đầu sách ăn khách, có thể kể đến là “Tự do Cuba: Che: Fidel và cuộc cách mạng khó tin đã thay đổi lịch sử thế giới”; “Thế vận hội trần tục: Câu chuyện chân thực về Thế vận hội cổ đại và Thú tiêu khiển của Napoleon: Viết lại lịch sử sau 2.500 năm”...

Đảo Useppa, một nơi bí mật

Trên tiểu đảo Useppa, tôi đang ngủ chung với CIA, chí ít là lối trang trí trong căn phòng ngủ của tôi mang sắc thái đó. Tôi đã chộp lấy phòng ngủ lớn ở Collier Inn, một biệt thự dành cho dân đi câu cá giải trí nằm ngay trong cánh rừng cây ngập mặn thuộc duyên hải Vịnh Florida, nơi từng dính vào âm mưu đen tối của thời Chiến tranh Lạnh.

Một trong những khúc quanh chưa từng kể về lịch sử của ngành du lịch Mỹ đã hé lộ rằng các điệp viên CIA đã tiếp quản tòa nhà Collier Inn từ một cựu triệu phú trong mùa xuân năm 1960, khi đó đảo Useppa (một khu nghỉ mát bình thường) đã được chuyển đổi thành một trại huấn luyện bí mật dùng cho kế hoạch xâm lược Cuba thời lãnh tụ Fidel Castro, một sự kiện chấn động mang tên Vịnh Con Lợn.

Cuộc tấn công đổ bộ lên bờ biển phía Nam Cuba vào ngày 17/4/1961 là một nỗ lực không tưởng nhằm hạ bệ nhà cách mạng cánh tả (Fidel), nhưng nó đã trở thành một nỗi ê chề cho Mỹ.

Sau 3 ngày giao chiến, lực lượng 1.200 lính do CIA đào tạo đã thất bại dưới chính quyền Fidel Castro. Thất bại đó khó mà tưởng tượng nổi khi lần đầu tiên CIA quyết chọn Useppa. Thời đó, tiểu đảo đã sống trong bầu không khí tĩnh lặng đáng quý. Phía bên kia đường chân trời, những hòn đảo rợp mát màu xanh các loài cây ngập mặn bừng sáng trong ánh hoàng hôn. Chính cái vẻ thanh bình đó đã nuôi dưỡng cho những âm mưu thâm độc nhắm vào hòn đảo nhỏ bé.

Tổng thống John F. Kennedy và đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy đón các cựu binh (thua trận) tại Orange Bowl (Miami, Florida) vào tháng 12 năm 1962. Ảnh nguồn: Flip Schulke/Getty Images.

Khi tôi đọc về thời kỳ Chiến tranh Lạnh ở Useppa thì các chi tiết thường rất phập phù, tôi nghiệm ra cách duy nhất để giải đố là phải tự mình đặt chân đến đó. Rõ ràng Useppa không hề mất đi bầu không khí cổ điển của nó, ôtô bị cấm sử dụng trên đảo, và chỉ có lèo tèo vài người dân (chủ yếu là người cao tuổi và có làn da rám nắng), cư dân chỉ có thể sử dụng các loại xe điện (dùng cho dân chơi golf), không gian đậm chất thân thiện.

Trên con đường rợp bóng hoa hồng chạy xuyên suốt hòn đảo với hai bên là la liệt cây dừa và nhiều bụi chuối. Bà Rona Stage, Giám đốc bảo tàng ở Useppa khẳng định: “Đây là bắt đầu mọi chuyện”. Toàn đảo Useppa chỉ dài đúng 1 dặm, rộng chưa tới 3 dặm, và căn cứ bí mật của CIA thì rộng chỉ 274,3m2. Điểm nhấn đầu tiên là 4 căn nhà gỗ nhỏ nơi từng ở của 66 tân binh, họ là người gốc Cuba và trong ngưỡng tuổi 20, một số đang ở tuổi vị thành niên. Những ngôi nhà được dựng từ lõi thông để chống mục.

Tại Collier Inn, nơi các điệp viên CIA từng dùng làm nơi ẩn náu, tôi đã qua đêm ở đây ngay trong chính phòng ăn được cải tạo lại thành đại sảnh cho các tân binh.

Cửa hàng nằm gần hồ bơi của tòa nhà là nơi mà khi trước các điệp viên và bác sĩ tiến hành một loạt những bài kiểm tra cho những người tham gia chương trình huấn luyện, bao gồm cách chống lại máy phát hiện nói dối, và những bài kiểm tra bằng bút mực Rorschach nhằm xác định sự ổn định tâm lý về chính trị vững vàng của họ, các đánh giá tình báo cùng những bài kiểm tra thể lực toàn diện.

Trong bảo tàng ở Useppa có các hiện vật lịch sử như những bộ quân phục hóa trang, và những tấm ảnh kịch tính của cuộc chiến. Có một tấm ảnh về các quân nhân do CIA huấn luyện trên đảo gồm các điểm đánh dấu cho thấy những người bị tử trận, bị xử tử, bị chết trong lúc huấn luyện hoặc bị bắt làm tù binh ở Havana. Bảo tàng cũng hé lộ cốt truyện ly kỳ của Useppa, hóa ra nó được CIA chọn và ý định làm biến mất nó trên bản đồ.

Tháng 4 năm 1961, các thành viên sống sót của Lữ đoàn tấn công 2506 đã bị bắt làm tù binh trong sự kiện Vịnh Con Lợn. Ảnh nguồn: Miguel Vinas/AFP via Getty Images.

Kế hoạch thiết lập trại huấn luyện của CIA

Từ thập niên 1870, tiểu đảo Useppa đã là thiên đường của dân đánh cá, và thời hoàng kim của nó bắt đầu từ năm 1911 khi một triệu phú người Florida tên là Barron Collier đã chi số tiền 100.000 USD để mua hòn đảo để làm nơi cho ông và bạn bè cùng thư giãn, tiệc tùng tránh xa những ánh mắt tọc mạch.

Đầu thế kỷ 20, triệu phú Collier đã xây dựng các căn nhà, sân golf, dinh thự và một khách sạn sang trọng. Nhà triệu phú lãng tử đã bí mật lập thêm rất nhiều “phòng nhì” trong khách sạn, còn bản thân bà xã và các con ông thì ngủ ở những căn nhà nằm rải rác trên đảo… Triệu phú Barron Collier tạ thế vào năm 1939, và Useppa rơi vào hoang phế.

Trong suốt Chiến tranh thế giới lần thứ 2, khách sạn lớn trên đảo bị bão tố đập tơi tả và cuối cùng nó bị cháy trụi, nhưng gia đình Collier vẫn duy trì tòa dinh thự mang phong cách đồn điền và ngày nay nó mang tên Collier Inn.

Năm 1960, hòn đảo nhiệt đới đã trở thành căn cứ lý tưởng cho CIA để thực hiện một kế hoạch vô cùng tham vọng nhằm lật đổ Chính phủ Fidel Castro, mà Tổng thống Eisenhower đã ủy quyền và người kế nhiệm John F. Kennedy sẽ không thể làm lơ.

Tháng 5-1960, một doanh nhân người Miami tên là Manuel Goudie y de Monteverde đã cho CIA thuê trọn hòn đảo, và cơ quan này đã nhanh chóng chiêu mộ tân binh cho cái gọi là Lữ đoàn Brigade 2506. Kết hợp các tài liệu tham chiếu mà tôi tra cứu được trong các câu chuyện của bà Rona Stage, tôi đã xâu chuỗi các sự kiện với nhau để có một bối cảnh chung nhất về sự kiện này.

Theo đó, những thanh niên  Cuba trẻ tuổi đã được chiêu mộ từ cộng đồng người Cuba chống Fidel sống lưu vong ở Miami – cái tên là CIA chưa từng đả động tới – họ được triệu tập vào lúc trời tối tạo thành từng nhóm nhỏ từ 8 đến 10 người tập trung trong bãi đỗ xe của White Castle.

Không hề biết trước điểm đến của mình, đám người được chở đi trên một chiếc xe tải nhỏ có những khung cửa đen bịt bùng suốt 3 tiếng đồng hồ vượt qua vùng đầm lầy Everglades để đến một lán trại đánh cá, rồi cả bọn dồn đống lên một chiếc tàu cao tốc. Có 3 người Mỹ vũ trang đã đưa đám thanh niên đến một cảng tàu trên hòn đảo tối đen và chỉ cho họ nơi trú ẩn.

Trong suốt 2 tháng tiếp theo đó trong trại huấn luyện kín đáo này, các điệp viên CIA đã dày công thực hiện các bài kiểm tra, và huấn luyện tân binh về mã hóa, hoạt động vô tuyến, kỹ năng sinh tồn ngoài trời và kỹ thuật phá hủy.

Các tân binh nhận vũ khí chủ yếu là súng trường từ thời Chiến tranh thế giới 2 và súng máy Thompson để thực hành chiến tranh du kích trong rừng ngập mặn gần khu vực sân golf. Các điệp viên CIA chắc chắn rằng những khẩu súng được tặng bởi một nhà hảo tâm gốc Cuba giàu có và chắc chắn không do chính phủ Mỹ cung cấp.

Bản thân các tân binh nói rằng họ đang làm việc cho một “Tân CIA”, hoặc “Ủy ban xâm lược Cuba”. Ngay ở Useppa, bí mật cũng vẫn bị bật mí. Trong toàn bộ lịch sử của Bảo tàng Useppa, thứ thú vị nhất đối với tôi chính là thư từ trao đổi giữa các cựu binh – những người từng đoàn tụ ở đây – và phần lớn đều sống ở Miami.

Mặt tiền tòa dinh thự Collier Inn, nơi vào năm 1960 đã được CIA tiếp quản và biến nó thành một trại huấn luyện mật dùng cho kế hoạch xâm lược Cuba. Ảnh nguồn: TripAdvisor.

Lời kể của các cựu binh

Tôi đã đặt chân đến một nơi được gọi là “Thủ đô Mỹ Latinh” để nghe các nhân chứng kể lại về chuyện đã xảy ra. Tôi dừng chân tại Thư viện Lữ đoàn 2506 (hoạt động từ thập niên 1980 trong một ngôi nhà trên đường 9 ở Tiểu Havana, Miami); bắt taxi đến Bảo tàng vườn tược Hialeah, nơi tôn vinh Lữ đoàn 2506, tận mắt nhìn thấy chiếc máy bay ném bom B-26 đang đậu trên nền đất.

Ở Useppa, các cựu binh đã hồi tưởng lại sự kiện Vịnh Con Lợn theo một cách chân thực nhất. Cuộc tấn công tham vọng đã bắt đầu vào trước lúc tảng sáng ngày 17-4-1961 và đã gặp trục trặc ngay sau đó, khi tàu đổ bộ va vào san hô và 13.000 lính Mỹ đã lội qua những con sóng để đổ bộ lên bờ biển Cuba.

Đại kế hoạch của CIA hóa ra đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Người Mỹ hy vọng rằng sau khi “Giải phóng quân” giành chỗ đứng vững chắc, một chính phủ lâm thời sẽ được tung vào, và người dân Cuba sẽ vùng dậy khởi nghĩa chống Fidel Castro. Nhưng người dân Cuba đã ủng hộ mạnh mẽ lãnh tụ Fidel, và thế là cuộc xâm lược do Mỹ hậu thuẫn đã thất bại.

Lo ngại phản ứng quân sự của Liên Xô, Tổng thống Kennedy đã từ chối sử dụng máy bay hoặc tàu khu trục để tấn công Cuba. Kennedy giới hạn các cuộc không kích vào ngày đầu tiên khởi động chiến tranh và sang ngày thứ 3 thì hủy toàn bộ không kích. Lực lượng nhỏ bé của Cuba đã phản đòn và quấy rối máy bay đổ bộ cùng lực lượng do CIA đào tạo ngay trên các bãi biển mà chính quyền Fidel đã bày binh bố trận; hoạt động chi viện của Mỹ đã không thành hiện thực.

Cuối cùng, vào ngày 20-4-1961, khoảng 1.200 lính Mỹ sống sót đã quẳng vũ khí; những người còn lại đã sớm bị tóm gọn trong đầm lầy Zapata. “Đám lính lê dương còn sống sót” (theo cách gọi của người Cuba) đã bị điệu ra xét xử ở Havana và bị tuyên 30 năm tù. Quay trở lại Bảo tàng Hialeah, tôi tình cờ gặp mặt cựu binh Vicente Blanco-Capote, năm 17 tuổi, ông đã được CIA bí mật chuyển đến đảo Useppa cùng với 8 chàng trai khác.

Ông Blanco-Capote bồi hồi nhớ lại: “Tôi chẳng biết mình đang ở đâu, có một gã Mỹ cao to, tóc vàng mà chúng tôi đã gặp trên bến tàu”. Có 3 nhà tuyển dụng của CIA mà họ chỉ được biết đến bằng những cái tên đơn giản như “Bob”, “Nick” và “Bill”. Còn với cựu binh Cuba, 82 tuổi, Mirto Collazo, thì ngờ rằng việc các ông bị chuyển đến Miami là một cái bẫy. Khi các tân binh đã ổn định chỗ ở thì họ nhận ra Useppa không phải là “Đảo Qủy” như  đã bị bêu xấu. Ông Blanco-Capote thốt lên: “Một hòn đảo toàn triệu phú. Dù trong nhà không có máy lạnh, nhưng chúng cũng có đầy đủ nước nóng, lạnh”.

Những ngày trôi qua tại cái nơi như một trại hè. Ngày 4-7-1960, và CIA đã chở 66 người Cuba đến 2 trại huấn luyện nằm trong những cánh rừng đầy muỗi mòng ở Panama và một rặng núi tại nông thôn Guatemala. Những nơi có thức ăn dở, nhà ở tồi tàn và dột nát, chế độ tập luyện kham khổ. Sau khóa huấn luyện, họ được tập hợp lại còn 1.500 người và lấy cái tên là Lữ đoàn 2506.

Lịch sử đã ghi nhớ đúng về sự kiện Vịnh Con Lợn như một nỗi thất bại cay đắng.

Thanh Hải (lược dịch)
.
.