Chuyện “tai vách - mạch dừng” và thách thức với Tổng thống Joe Biden

Thứ Bảy, 05/06/2021, 21:01
Những tín hiệu hòa giải giữa hai bờ Đại Tây Dương xem như mới chỉ vừa kịp lóe lên, kể từ khi đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đắc cử cuối năm ngoái, giờ đã lại kịp đối diện với nguy cơ tắt ngấm.

Washington sẽ phải xử lý câu chuyện về cáo buộc đang làm chấn động châu Âu - rằng Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã lợi dụng quan hệ đối tác với Cơ quan Tình báo quân sự và đối ngoại Đan Mạch (FE) để tiến hành do thám các đồng minh cựu lục địa của mình – một cách cực kỳ khéo léo và tế nhị, nếu không muốn đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm Donald Trump.

 “Cực kỳ nghiêm trọng”! “Không thể chấp nhận” !

Bởi vì, câu chuyện lần này thậm chí còn gây tổn hại đến mối quan hệ giữa “những người bạn cũ” ấy nhiều hơn cả việc ông chủ cũ của Nhà Trắng đòi hỏi các thành viên châu Âu phải đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động bảo vệ an ninh quốc phòng chung của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hay công khai đấu khẩu với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đều xem hành vi nghe lén của NSA là “không thể chấp nhận”.

Phát biểu trên Đài Phát thanh Quốc gia Pháp (FranceInfo), Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu - Clement Beaune nhận định: "Đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng. Chúng tôi cần phải đánh giá liệu các đối tác của chúng tôi tại Liên hiệp châu Âu (EU) có vi phạm hay mắc sai sót gì trong quá trình hợp tác với các cơ quan của Mỹ hay không". 

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Chính phủ Đức – Steffen Seibert - tuyên bố rằng Berlin chưa muốn đánh giá công khai về vụ việc, nhưng cũng đã "liên hệ với tất cả những bên liên quan trong nước và quốc tế để có được lời giải thích rõ ràng".

Dĩ nhiên, Đan Mạch phủ nhận những cáo buộc ấy, nhưng chính Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trine Bramsen cũng phải cho rằng: Việc nghe lén một cách có hệ thống các đồng minh thân cận là điều "không thể chấp nhận".

Đó là những gì diễn ra trong ngày 30-5, ngày đầu tiên khi sự việc chính thức “vỡ lở” trên các mặt báo. Trong vòng 24 giờ sau, bầu không khí trở nên căng thẳng gấp bội.

Sau cuộc họp Hội đồng bộ trưởng Đức - Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không buồn tỏ ra “ngoại giao” nữa: "Tôi muốn nói rằng đây là điều không thể chấp nhận giữa các đồng minh. Điều đó là rõ ràng". Nhà lãnh đạo Pháp yêu cầu các đối tác Đan Mạch và Mỹ phải “làm rõ tất cả” và có giải pháp cho vụ việc này.

Sau 8 năm, những gì Edward Snowden tiết lộ lại được thực tế chứng minh.

Cùng lúc, Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá cao quan điểm của giới chức Đan Mạch cũng như những bình luận của nhà lãnh đạo Pháp, bày tỏ kỳ vọng về mối quan hệ tin tưởng giữa các đối tác. 

Song, bà cũng nhấn mạnh: Thời điểm hiện tại cũng như trong quá khứ, cần phải làm rõ thêm về các hoạt động nghe lén của các cơ quan mật vụ nước ngoài ở Đức. Hiện tại, nhiều nghị sỹ Đức đang yêu cầu làm rõ vụ việc và gắn với những hậu quả rõ ràng khi các đối tác phương Tây, nhất là các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), theo dõi lẫn nhau.

Nói như ông Clement Beaune, “đây không phải là điều có thể cho qua”. Và nói như ông Seibert: “Về chính trị, tôi coi đây là một vụ bê bối”. Hai quốc gia lãnh đạo EU đều đã thẳng thừng bày tỏ quan điểm như vậy, trong khi hai quốc gia có liên quan (hay nói đúng hơn là bị liên lụy) là Thụy Điển và Na Uy cũng “phát bực”.

"Chúng ta cần biết đầy đủ mọi vấn đề liên quan đến công dân, các doanh nghiệp và lợi ích của Thụy Điển, và sau đó xem phía Đan Mạch đưa ra câu trả lời thế nào" - Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist nói trên Đài quốc gia SVT, trong khi Jens Holm, thành viên Quốc hội Thụy Điển, cho rằng cần làm rõ những chính trị gia nào bị NSA theo dõi.

Bên cạnh ông, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen cũng tuyên bố sẽ “xem xét nghiêm túc” vấn đề này, và cáo buộc người đồng cấp Đan Mạch đã không thông báo cho các nước láng giềng.

Đến ngày 31-5, cả FE, NSA lẫn Nhà Trắng đều chưa lên tiếng. Dĩ nhiên rồi, họ cần cân nhắc cách “đăng đàn” hợp lý nhất, để đừng khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ thêm nữa.

Ông Joe Biden và bà Kamala Harris đã gặp thách thức đối ngoại lớn nhất kể từ ngày đắc cử.

Nhà Trắng trước “ba mũi giáp công”

Tân Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã, đang và sẽ có rất nhiều việc phải làm, để cứu vãn tình hình, khi đường lối chiến lược đối ngoại của nước Mỹ (mà ông đang là người chịu trách nhiệm thực hiện chính) chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng từ những chấn động hiện tại.

Mỹ sẽ không chỉ phải đối mặt với EU. Cũng trong ngày 31-5,  Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố: Nga sẽ triển khai khoảng 20 đơn vị quân sự mới tại Quân khu miền Tây vào cuối năm nay, nhằm đối phó với các động thái của NATO. 

Đồng thời, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Nga sẽ gửi tới Mỹ những tín hiệu "không dễ chịu" trong những ngày tới. Theo ông, Washington “không sẵn sàng thảo luận tất cả các vấn đề tại cuộc họp thượng đỉnh song phương diễn ra trong tháng 6 tới”.

Phát biểu trên được ông Ryabkov đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ hối thúc người đồng cấp Nga Vladimir Putin tôn trọng nhân quyền trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, đang được tiến hành sắp xếp một cách gấp rút. Nhưng khi sự vụ nghe lén đồng minh EU này bộc phát, thì “nhân quyền” từ quan điểm của Mỹ sẽ chỉ còn là một câu chuyện tầm phào.

Sau tất cả, Chính phủ Mỹ đương nhiệm cũng sẽ không chỉ phải đối diện với EU hay Nga. Họ chắc chắn sẽ còn bị công kích bởi những luồng ý kiến đối lập từ trong nước, nhất là từ phía những người có thiện cảm với cựu Tổng thống Donald Trump.

Đan Mạch – trung tâm của sự vụ.

Cần nhắc lại, đây không phải là một câu chuyện mới. Nó đã bắt đầu được hé lộ từ năm 2013 – về việc NSA nói riêng và nước Mỹ nói chung tiến hành giám sát hoạt động của cả bạn lẫn thù - theo những cách thức mờ ám và bất hợp pháp. 

Edward Snowden, cựu nhân viên NSA, người đưa những thông tin ấy ra ánh sáng công luận thế giới, bị chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama buộc tội phản quốc, hiện đã được Nga cấp quyền lưu trú vô thời hạn, và cũng đã từng được Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump cân nhắc ân xá. 

Nghĩa là, có sự chia rẽ trong chính nội bộ chính trường Mỹ, về câu chuyện “tai vách mạch dừng” này, đủ để bộ đôi nguyên thủ mới đắc cử Joe Biden – Kamala Harris phải đau đầu.

Họ, không nghi ngờ gì nữa, là những người kế thừa một cách trung thành mọi chiến lược đối ngoại (cũng như nội trị) từ Barack Obama, như những đảng viên trung kiên của đảng Dân chủ. 

Và cũng mới trong những ngày cuối tuần, Kamala Harris đang tự gây thêm khó khăn cho mình, khi “hớ hênh” không bày tỏ sự tôn trọng cần thiết với ngày lễ tưởng niệm các Cựu chiến binh Mỹ tử trận (Memorials Day, tức ngày 31-5), làm dấy lên những làn sóng chỉ trích.

Edward Snowden, từ 8 năm trước, đã cho thế giới biết được những nét chính của điều đang gây chấn động châu Âu và cộng đồng quốc tế hôm nay, thông qua cuộc phối hợp điều tra giữa Đài Phát thanh Quốc gia Đan Mạch (DR), Đài Phát thanh NDR (Đức), SVT (Thụy Điển), NRK (Na Uy) và báo Le Monde của Pháp.

Theo đó, hoạt động do thám, nghe lén của NSA chủ yếu được thực hiện qua nghiệp vụ thâm nhập mạng cáp quang truyền thông, do Đan Mạch là điểm tập trung nhiều trạm cáp quang internet trên biển kết nối nhiều nước như Đức, Thụy Điển. 

Nắm được số điện thoại của các lãnh đạo, chính trị gia châu Âu, NSA hoàn toàn có thể truy cập nội dung tin nhắn văn bản, những cuộc điện đàm và truy cập Internet mà người bị nghe lén không hề hay biết.

Đây là câu chuyện làm tổn thương đến chính thể diện của người dân Đan Mạch.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, cùng Ngoại trưởng Đức khi đó là Frank-Walter Steinmeier và lãnh đạo đảng đối lập Peer Steinbruck cũng nằm trong số những người bị NSA theo dõi. NSA có thể truy cập tin nhắn điện thoại, cuộc gọi, lưu lượng truy cập Internet bao gồm các trang tìm kiếm, hội thoại và nhắn tin. 

Vụ theo dõi được trình bày trong báo cáo mật nội bộ của FE có tên "Chiến dịch Dunhammer" và báo cáo cho lãnh đạo cấp cao của FE vào tháng 5-2015. DR tiết lộ: Họ lấy tin từ 9 nguồn là những người có quyền truy cập vào thông tin mật của FE, và một số nguồn độc lập cũng xác nhận những thông tin này.

Vì sao câu chuyện này đã được phủ lên bởi sự im lặng và bóng tối suốt 8 năm, giờ lại trở nên ồn ào? Sẽ chưa thể có câu trả lời xác đáng cho câu hỏi ấy, mà giới quan sát quốc tế, trong khi chờ đợi, chỉ có thể cố gắng tiếp tục tìm kiếm, chắp nối và phác thảo bức tranh toàn cảnh thông qua những khía cạnh xung đột – thỏa hiệp lợi ích. Song, vào thời điểm hiện tại, câu trả lời có lẽ cũng không quá cần thiết. 

Điều thực sự quan trọng bây giờ chỉ còn là: Joe Biden có khả năng khiến các đồng minh châu Âu “nguôi ngoai” hay không? Và EU sẽ cải tổ những lỗ hổng an ninh – tình báo trong nội bộ của chính mình như thế nào? Ai biết được, bao giờ sẽ lại xuất hiện một Edward Snowden nữa, để làm rơi rụng những hào nhoáng bên ngoài của “những giá trị phương Tây”…

Mây Linh
.
.