Cơ quan mật vụ thỏa thuận với những tên khủng bố

Thứ Ba, 20/08/2019, 20:23
Quá trình điều tra vụ tấn công khủng bố 37 năm trước tại Paris đã phát hiện ra rằng, Cơ quan Phản gián của Pháp đã có thỏa thuận không tấn công lẫn nhau với những tên khủng bố. Thông tin được tờ Le Parisien tiết lộ mới đây đã gây ra sự phẫn nộ từ phía con cháu các nạn nhân cũng như từ phía Hiệp hội các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố…

Báo chí Pháp có được thông tin bất ngờ trên từ những lời thừa nhận của Yves Bonnet, cựu Giám đốc Cơ quan Phản gián Pháp (DST - Direction de la Surveillance du Territoire), người từng đảm nhiệm cương vị này trong giai đoạn 1982-1985. 

Khi đưa ra lời khai liên quan đến vụ khủng bố tại Paris vào ngày 9-8-1982, ông này đã tiết lộ về những cuộc đàm phán với những tên khủng bố cùng với thỏa thuận đạt được: chúng sẽ không tiếp tục tổ chức khủng bố tại Pháp để đổi lấy việc đảm bảo an toàn cho bản thân trên lãnh thổ nước này.

Nhà hàng Jo Goldenberg, hiện trường vụ khủng bố vào năm 1982.

Còn nhớ vụ khủng bố nói trên từng diễn ra tại phố Rosier, khu Marais (Paris). Ngôi nhà số 7 tại đây hiện vẫn treo một tấm bảng tưởng niệm các nạn nhân của thảm kịch. 

Khi đó, những tên khủng bố gốc Palestine đã ném lựu đạn vào nhà hàng Jo Goldenberg của người Do Thái, sau đó xả đạn vào các khách hàng tại đây. Hậu quả khiến 6 người thiệt mạng và 22 người khác bị thương. Những tên thủ phạm sau đó đã rút chạy thành công trước khi cảnh sát xuất hiện.

Nhà hàng Jo Goldenberg giờ đã đóng cửa từ lâu, khi chủ nhân qua đời từ 5 năm trước. Từ thế kỷ XX, khu quảng trường nhỏ giao với đường Duvall này là trung tâm sinh sống của cộng đồng người Do Thái tới Paris từ Ba Lan, Nga và Áo-Hung. 

Khu phố này đã đông đúc trở lại sau khi Paris được giải phóng, khi dòng người chạy nạn và từ các trại tập trung trở về. Jo Goldenberg trở thành nhà hàng Do Thái nổi tiếng nhất tại đây, là nơi tập trung của nhiều người Do Thái cũng như khách du lịch. Chính vì vậy, nhà hàng đã bị chọn làm mục tiêu tấn công của những tên khủng bố.

Do vào thời điểm tháng 8-1982 khi đó, không có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm trước vụ tấn công, nên danh sách những kẻ tình nghi ban đầu khá nhiều. Có nhiều giả thuyết về sự dính líu của các phần tử cực hữu, phát xít mới hay cả những phần tử khủng bố từ Tổ chức quân đội cộng hòa Ireland (IRA). 

Tên tuổi của những thủ phạm thực sự phải đến năm 2015 mới được xác định, khi thẩm phán Mark Trevidic theo đề nghị của các điều tra viên ký lệnh bắt giữ những phần tử người Palestine thuộc về nhóm Abu Nidal Organization (ANO), một tổ chức chi nhánh của Fatah. 

ANO từ lâu đã nổi tiếng bởi sự cực đoan và tính chất tàn bạo. Kể từ khi được thành lập vào năm 1973, các thành viên nhóm này đã tổ chức không dưới 120 vụ tấn công khủng bố tại 20 quốc gia, với số nạn nhân lên tới hàng trăm người. Chỉ huy và tổ chức ra nhóm này là Abu Nidal về sau đã bị tiêu diệt tại Baghdad vào ngày 16-8-2002.

Những thủ phạm trong vụ khủng bố tại nhà hàng Jo Goldenberg hiện vẫn còn sống. Một trong số này là Mohammed Khalid al-Abbasi (57 tuổi), còn có tên là Amiad Atta, cũng chính là kẻ đã chuẩn bị cho vụ tấn công và cung cấp vũ khí cho những kẻ trực tiếp tham gia. 

Các đồng phạm với hắn còn có Walid Abou Zayed, Mahmoud Khader Abed – những kẻ đã trực tiếp xả súng bắn vào khách hàng tại Jo Goldenberg. Abou Zayed (56 tuổi) hiện đang là công dân Na Uy, sống cùng với gia đình tại làng Siken. Còn Khader Abed (60 tuổi) đang sống tại Ramalla, bờ Tây sông Jordan.

Tất cả những phần tử trên đều không bị bàn giao cho chính quyền Pháp. Riêng Khader Abed từng bị bắt giữ nhưng nhanh chóng được trả tự do vì hết thời hạn truy nã. Cho dù đã có thỏa thuận với Pháp về dẫn độ, nhưng Jordan không muốn trao công dân của mình cho các nước phương Tây. Phía Na Uy cũng có lý do tương tự, cho dù các luật sư hiện đang hy vọng chứng minh được, Abou Zayed có được quốc tịch nước này là nhờ sử dụng giấy tờ giả.

Công chúng giờ đây mới biết được rằng, chỉ một thời gian ngắn sau vụ khủng bố tại phố Rosier, đại diện cơ quan phản gián Pháp đã gặp gỡ với các thành viên ANO, ký kết một thỏa thuận bí mật “không tấn công lẫn nhau”. 

Tờ Le Parisien đã trích dẫn chi tiết lời của Giám đốc DST Yves Bonnet khi đó đã nói với những tên khủng bố: “Tôi không muốn có thêm bất cứ vụ mưu sát nào nữa trên lãnh thổ nước Pháp. Để đổi lại, tôi cho phép các anh được đi lại tại Pháp. Tôi xin đảm bảo sẽ không có chuyện gì xảy ra với các anh”. Còn theo lời của một cựu quan chức cơ quan phản gián đã về hưu, thỏa thuận không công khai trên về cơ bản đều được hai bên tuân thủ.

Khi các phóng viên của tờ The Times of Israel tìm cách liên hệ với Yves Bonnet, ông này cũng thừa nhận chuyện đàm phán với phía ANO, đồng thời khẳng định vẫn cho chiến thuật trên là đúng đắn. “Báo thù không phải là nhiệm vụ của tôi – quan chức nghỉ hưu 83 tuổi này nói – Trong chiến lược của lực lượng đảm bảo an ninh quốc gia có cả giải pháp đàm phán với đối phương hay thậm chí cả kẻ thù. Tôi không cần quan tâm đến những chuyện xảy ra trước đó, vì đây là việc của các điều tra viên. Phần tôi buộc phải suy tính xem điều gì sẽ diễn ra sau này”. 

Về phần mình, gia đình các nạn nhân tại Jo Goldenberg, cũng như Hiệp hội các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố Pháp (Association francaise des victimes du terrorisme) đều khẳng định, họ đã bị sốc trước những lời thừa nhận trên. 

Đồng thời họ còn khẳng định sẽ yêu cầu điều tra cụ thể về những mối quan hệ giữa cơ quan phản gián và những tên khủng bố, từ trước tới giờ vẫn được che giấu dưới tấm màn “bí mật quốc gia”.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.