George Abramovich Koval - Điệp viên huyền thoại thời Xôviết

Thứ Tư, 14/11/2007, 18:00
Mọi người gọi ông là Delmar, nhưng tên thật là George Abramovich Koval, một điệp viên huyền thoại Xôviết đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tình báo ở "vùng chết" nước Mỹ. Vượt qua mọi hàng rào của Cục Phản gián Liên bang Mỹ, ông đã xâm nhập và được làm việc ở những cơ sở công nghiệp quân sự tuyệt mật để thu thập thông tin về sản xuất vật liệu hạt nhân như plutonium, polonium và những thông tin khác, gửi về Trung tâm ở Moskva.

Sau chuyến công tác đặc biệt kéo dài gần 10 năm ở Mỹ, ông trở về Moskva tiếp tục học tập, bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ và trở thành giáo sư giảng dạy hơn 40 năm tại Trường đại học Kỹ thuật hóa học Moskva mang tên D.I.Mendeleev.

Dự án nguyên tử tuyệt mật

Ngày 8/11/2006, Tổng thống V.Putin và các quan chức cao cấp Nhà nước Nga lần đầu tiên tới thăm trụ sở Tổng cục Tình báo (GRU) thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang. Tại đây, cũng là lần đầu tiên các vị lãnh đạo cao nhất đất nước mới biết đến tên tuổi Delmar, một công dân Nga đã giấu mình làm việc nhiều năm tại các phòng thí nghiệm, nhà máy công nghiệp quân sự Mỹ và là điệp viên Xôviết duy nhất tiếp cận những bí mật của Dự án nguyên tử Mỹ.

Trong thập niên 30, 40 của thế kỷ trước, Dự án nguyên tử trở thành đề tài quan trọng bậc nhất. Thật ra các nhà vật lý Đức và Anh mới là những người đầu tiên phát minh ra vũ khí nguyên tử, thế nhưng sau đó đã bị người Mỹ chiếm dụng.

Vũ khí nguyên tử trở thành mục tiêu tối thượng của chính giới Mỹ. Họ đã không tiếc công tiếc của  để chế tạo bằng được thứ vũ khí này, bởi theo cách nghĩ của họ ai có trong tay vũ khí siêu mạnh này sẽ trở thành bá chủ thế giới.

Tình báo Liên Xô kịp thời nắm được âm mưu của chính giới Mỹ và bằng mọi cách giúp các nhà khoa học Xôviết đẩy nhanh tốc độ chế tạo bom nguyên tử của mình, nhằm cảnh tỉnh chính giới Mỹ. Thế nhưng cũng còn không ít người con Xôviết chiến đấu trên mặt trận thầm lặng mà cho đến nay ít người biết.

Điệp viên Delmar là một trong những trường hợp như thế. Tên thật của ông là George Abramovich Koval sinh ngày 25/12/1913 trong một gia đình thuần Nga, làm nghề mộc, di cư từ Nga đến thành phố nhỏ Sew-City ở miền Trung nước Mỹ từ năm 1910. Năm 1932, gia đình George lại trở về Nga.

Năm 1934, George Koval thi đậu vào Trường đại học Kỹ thuật hóa học Moskva và sau 5 năm học tập, mùa hè năm 1939 George đã bảo vệ xuất sắc luận văn tốt nghiệp đại học về các loại khí hiếm. Bởi vậy George Koval được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh của trường. Thế nhưng, cũng trong năm ấy phát xít Đức gây chiến, đánh chiếm các nước láng giềng và chuẩn bị tấn công Liên Xô.

Hòa cùng dòng thác của hàng triệu thanh niên Liên Xô, chàng kỹ sư hóa học trẻ tuổi George Koval đã nộp đơn tình nguyện phục vụ trong quân ngũ bảo vệ Tổ quốc. Tâm nguyện của George Koval nhanh chóng được thực hiện, trở thành một chiến sĩ Hồng quân, ông được điều về GRU và hướng hoạt động được xác định rõ sẽ là mặt trận thầm lặng ở xa Tổ quốc.

Xung quanh Dự án nguyên tử của Mỹ được dựng lên hàng rào an ninh vô cùng nghiêm ngặt. Tướng Leslie Groves đặc trách công tác bảo vệ Dự án đã thiết lập những “bức tường không thể lọt qua” ngăn cách giữa các phòng thí nghiệm nghiên cứu những vấn đề khác nhau. Mỗi bộ phận chỉ có thể biết được công việc trong phạm vi nghiên cứu của mình, mà không thể hình dung  những gì đang diễn ra ở các bộ phận khác.

Trong suốt quá trình làm việc cũng như cuộc sống hàng ngày mọi nhân viên đều bị giám sát chặt chẽ. Tất cả các cuộc điện thoại của bất kỳ ai và bất kỳ vào thời gian nào đều được ghi âm, mọi thư từ đều bị kiểm duyệt. Ra vào nơi làm việc đều phải qua nhiều cửa kiểm soát...

Có thể nói mạng lưới nhân viên FBI và Cục Phản gián J.2 của quân đội Mỹ với số lượng rất đông, không kém số nhân viên trực tiếp làm việc tại các cơ sở hạt nhân, trong suốt 24/24 giờ hàng ngày phải luôn căng mắt và bằng mọi phương tiện hiện đại nhất theo dõi chặt chẽ từng người làm việc ở các cơ sở liên quan đến Dự án nguyên tử tại các trung tâm khoa học bí mật ở LosAlamos (bang New Mexico), tại các nhà máy làm giàu uranium ở Hanford (bang Washington) và thành phố của những lò phản ứng nguyên tử Oak Ridge (bang Tennessee), cũng như tại các phòng thí nghiệm bí mật ở các Trường đại học Tổng hợp Columbia và Chicago.

Đương nhiên, khi tuyển vào làm việc tại các cơ sở đó, lý lịch của tất cả các nhân viên đều phải được thẩm tra rất kỹ lưỡng.--PageBreak--

Chiến đấu ở xa Tổ quốc

Thật ra George Koval đã lọt vào “mắt xanh” của GRU ngay từ năm 1938, khi ông còn là sinh viên năm cuối. Với một chuyên ngành rất tốt về hóa học, tính tình kín đáo khiêm nhường, là người rất có trách nhiệm trong học tập cũng như với gia đình và bạn bè, có lập trường tư tưởng vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc XHCN, lại có vỏ bọc được sinh ra và học tập tại hai trường College ở Mỹ, rất giỏi tiếng Anh, George Koval hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành một điệp viên.

Sau khóa đào tạo cấp tốc, George Koval được phái sang Mỹ ngay trong năm 1939 dưới bí danh Delmar và được giao nhiệm vụ thu thập thông tin về các loại vũ khí hóa học mới của Mỹ, nghĩa là theo một hướng khác, hoàn toàn độc lập với cơ sở đang hoạt động của Artur Adams (tình báo nguyên tử).

Nằm chờ suốt mấy tháng mà trung tâm chưa thể kiếm được việc làm để Delmar bắt đầu hoạt động. Cuối cùng trung tâm đành chấp thuận đề nghị của Delmar đi một nước cờ mạo hiểm, trở lại là chàng thanh niên George sinh ra, lớn lên và học tập ở thành phố Sew-City, trên đất nước Mỹ. Đương nhiên, phải giấu tiệt việc hồi hương cùng với cả gia đình về Nga năm 1932, phải tránh xa những bạn đồng môn cũ.

Với cái lý lịch ấy George Koval đã nhanh chóng tìm được việc làm, kết bạn với nhiều bạn mới, để có lợi cho công tác sau này.

Năm 1943 xảy ra một sự kiện đặc biệt, đó là bước ngoặt trong sự nghiệp tình báo của ông - việc George Koval được gọi nhập ngũ quân đội Mỹ. Nhờ có bằng tốt nghiệp 2 trường College ở Mỹ, George Koval được Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ cử đi học ở Trường College của thành phố New York, theo những chuyên ngành đặc biệt liên quan tới công việc ở cơ sở sản xuất vật liệu hạt nhân.

Khóa đào tạo đặc biệt đó chỉ có 39 thanh niên Mỹ, nhiều người trong số đó sau này trở thành các nhà khoa học tên tuổi, hay những người quản lý chủ chốt trong ngành sản xuất vũ khí nguyên tử. Kết thúc khóa học, George Koval được điều đến làm việc tại một cơ sở tuyệt mật ở Oak Ridge.

Trước khi tới đó, Delmar đã kịp gặp và xin chỉ thị của cấp trên có bí danh là Faradei. Thật ra lúc đó, cả Delmar và Faradei đều chưa thể biết được “số phận lại may mắn đến thế!”. Ông được làm việc tại một cơ sở chế tạo bom nguyên tử, cụ thể là sản xuất vật liệu phóng xạ.

Theo báo cáo của Delmar gửi về trung tâm, chỉ riêng ở Oak Ridge đã có mấy chục nghìn nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật và các nhân viên FBI, nhân viên Cục Phản gián quân đội J-2. Chính ở nơi đó sản xuất phần lớn vật liệu phóng xạ để chế tạo vũ khí nguyên tử của Mỹ. Oak-Ridge được phân chia thành 3 khu vực chính là K-25, U-12 và X-10.

Delmar làm việc tại khu X-10, nhỏ hơn nhiều so với K-25 và U-12, chỉ có khoảng 1.500 nhân viên, nhưng chính ở đó lại đảm đương một khâu vô cùng quan trọng là sản xuất plutonium. Toàn bộ uranium và plutonium đã làm giàu được chuyên chở bằng máy bay quân sự đến LosAlamos.

Dựa trên cơ sở những báo cáo rất tỉ mỉ của Delmar, các nhà khoa học Xôviết đã đẩy nhanh tốc độ sản xuất uranium và plutonium đã được làm giàu, thứ vật liệu quan trọng nhất để chế tạo bom nguyên tử.

Kết quả vô cùng quan trọng trong hoạt động tình báo của Delmar ở Mỹ là đã phát hiện rõ một số cơ sở nguyên tử tuyệt mật của Mỹ, cơ cấu của chúng, khối lượng sản xuất vật liệu hạt nhân, số lượng các chuyên gia làm việc ở những cơ sở này, các mối quan hệ với các cơ sở khác trong Dự án nguyên tử của Mỹ.

Cuối năm 1945, ông được ra quân, Giám đốc phòng thí nghiệm đề nghị ông ở lại làm việc theo chế độ dân sự và hứa sẽ cất nhắc ông lên một vị trí cao hơn, lương bổng hậu hĩnh. Nhưng theo chỉ thị của trung tâm ông đã từ chối để chuyển sang một nhiệm vụ khác. Khi ấy các vấn đề nguyên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân đã không còn là bí mật đối với Liên Xô.

Sau chiến tranh tình hình nước Mỹ ngày càng căng thẳng, phái “diều hâu” thấy Liên Xô tổn thất lớn cả về nhân lực và vật lực trong cuộc đối đầu với các thế lực phát xít Đức và Nhật Bản, đã mưu toan dấn bước hạ gục Liên Xô.

Trong khi đó báo chí Mỹ và Canada rùm beng về vụ “gián điệp Liên Xô Guzenko” (đây là một tên phản bội, đã khai báo nhiều điều rất bất lợi cho hệ thống tình báo Xôviết). Các thượng nghị sĩ Mỹ lớn tiếng đòi Tổng thống và các cơ quan hữu trách phải sớm phát hiện và tiêu diệt mọi điệp viên, tình báo Liên Xô.

Rất may mắn Delmar đã trở về Moskva an toàn từ đầu năm 1949, thì vào khoảng tháng 5 năm đó FBI và J.2 mới lần ra đầu mối George Koval. Các nhân viên phản gián lần tìm về thành phố Sew-City, về những Colleges, gạn hỏi từng người bạn học cũ về ông. Nhưng cũng không ai biết toàn thể gia đình Koval đã hồi hương từ năm 1932 và đương nhiên họ càng không thể biết George đã trở lại Mỹ từ khi nào.

Nhưng thật ra, ngay trên quê hương Xôviết của ông cũng đã sơ hở cho đăng trên một tạp chí của nông trường Ikor bức ảnh cả gia đình Koval, trong đó George nổi bật bên cạnh cha mẹ ở giữa bức ảnh.

Nửa thế kỷ sau, mặc dù toàn bộ chuyến công tác đặc biệt 10 năm ở Mỹ của George Koval không hề hé lộ cho ai biết, nhưng mỗi khi đọc cuốn tiểu thuyết của Soljenitsyn, hay xem bộ phim cùng tên “Trong vòng vây số 1”, ông vẫn rất tự hào về những năm tháng chiến đấu ở xa Tổ quốc, mà ông là điệp viên Xôviết duy nhất nắm trong tay nguyên mẫu plutonium do Mỹ sản xuất

Ngô Gia Sơn (theo báo Sao Đỏ)
.
.