Cơ quan tình báo Hàn Quốc bị cấm tiến hành chiến dịch trong nước

Thứ Ba, 13/06/2017, 21:41
Đầu tháng này, sau khi được tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chỉ định vào vị trí lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS), ông Suh Hoon ngay lập tức ra lệnh chấm dứt mọi hoạt động thu thập thông tin tình báo trong nước, đồng thời cam kết sẽ tiến hành một cuộc cải cách quy mô và toàn diện tổ chức này.

Ông Suh Hoon cũng cam kết giải tán bộ phận gián điệp nội địa của NIS và chuyển giao nhiệm vụ này cho Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (KNPA). Trong lễ tuyên thệ nhậm chức, ông hứa hẹn sẽ làm cho NIS sẽ trở thành một "tổ chức hoàn toàn khác" và không tha thứ cho những sĩ quan tình báo vi phạm luật pháp.

Trong cuộc họp báo, tân Giám đốc NIS Suh Hoon thông báo: Mọi chiến dịch tiến hành trong nước sẽ kết thúc ngay lập tức theo lệnh từ tân Tổng thống Moon Jae in và Cơ quan tình báo sẽ không thu thập bất cứ thông tin nào liên quan đến các tổ chức chính quyền, phương tiện truyền thông hay các tổ chức khác ở Hàn Quốc.

Tổng thống Moon Jae-in (trái) và tân Giám đốc NIS - ông Suh Hoon.

Giám đốc Suh Hoon phát biểu với báo giới: "NIS từng huấn luyện mạng lưới sĩ quan chịu trách nhiệm gián điệp dân thường cũng như can thiệp trái phép những cuộc bầu cử trong nước. Thậm chí, NIS còn xâm nhập sâu vào chính trường trong nước. Tôi sẽ tái tổ chức cơ quan tình báo theo kiểu Cục Tình báo trung ương Mỹ - CIA - với lệnh kết thúc mọi chiến dịch trong nước mà chỉ tập trung mọi hoạt động ra nước ngoài, những vấn đề hải ngoại, an ninh, khủng bố và tội phạm quốc tế".

Theo một cựu sĩ quan NIS, cơ quan tình báo này từng âm thầm do thám các thẩm phán Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc liên quan đến quyết định bãi nhiệm tổng thống Park Geun-hye. Theo luật pháp Hàn Quốc, NIS không được phép thu thập thông tin về những vấn đề trong nước, ngoại trừ những vụ liên quan đến khủng bố, gián điệp hay tội phạm có tổ chức. Đây không phải lần đầu tiên NIS bị chỉ trích mạnh mẽ về những hoạt động bất hợp pháp.

Ngày 8-4-2017, tức trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, Bộ Thống nhất Hàn Quốc bất ngờ tiết lộ việc có 13 người từ Triều Tiên đào thoát đến được Seoul. Các nhóm nhân quyền nghi ngờ NIS đứng sau những vụ đào tẩu này.

Nguyên do là nhóm người đào tẩu này chỉ mất khoảng 2 ngày, trong khi phần lớn vụ bỏ trốn qua đường Trung Quốc cần đến ít nhất 1 tháng. Đảng Dân chủ Hàn Quốc (DPK) cũng bày tỏ công khai mối lo ngại về sự can thiệp chính trường trong nước từ NIS. Ví dụ như trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, một sĩ quan NIS bị phát hiện đang tác động đến người dùng mạng xã hội để ủng hộ nữ ứng cử viên Park Geun-hye.

Trụ sở NIS ở Naegok-dong, phía nam thủ đô Seoul.

Các hoạt động của NIS chống lại giới chính khách theo đường lối tự do có lẽ bắt đầu từ năm 1997. Trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong cùng năm, Kwon Young-hae - lúc đó là lãnh đạo NIS - tiến hành nghe lén với ý đồ chống lại ứng cử viên tổng thống Kim Dae-jung.

Cuối cùng Kim Dae-jung vẫn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và sau đó nổi tiếng với chính sách "Ánh Dương" nhằm hòa giải với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Kwon Young-hae từng ngồi tù 5 năm cũng vì các hoạt động gián điệp trong nước bất hợp pháp của mình.

Về Won Sei-hoon là lãnh đạo NIS từ năm 2008 đến 2013, tức giai đoạn cầm quyền của Tổng thống bảo thủ Lee Myung-bak. Trong năm bầu cử 2012, Won Sei-hoon ra lệnh cho một nhóm sĩ quan NIS "gây ngập lụt" Internet với hàng loạt thông điệp buộc tội các ứng cử viên theo đường lối tự do là "những người có cảm tình với Triều Tiên" và một trong số những chính khách nạn nhân đó là Moon Jae-in (hiện là tân tổng thống Hàn Quốc).

Năm 2015, cựu giám đốc Won Sei-hoon bị ngồi tù chính vì hành động chống phá này. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định NIS tỏ ra cư xử tốt hơn dưới thời nắm quyền của 2 tổng thống ủng hộ tự do Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun.

Trong nhiệm kỳ của ông Kim, NIS được coi là "sứ giả hòa bình" đóng vai trò chủ chốt trong việc hòa giải xung đột với Bình Nhưỡng. Cả 2 tổng thống này cũng không có hành vi ngược đãi NIS. Kim Dang, nhà báo chuyên quan sát NIS, kể câu chuyện thời chính quyền tổng thống Kim Dae-jung (nhiệm kỳ từ tháng 2-1998 đến tháng 2-2003) vào năm 2000: "Chúng tôi thuê một thám tử tư để theo dõi hành động của NIS nhưng cuối cùng chẳng phát hiện được điều gì bất hợp pháp".

Ngay khi nhậm chức, tân tổng thống Moon Jae-in cũng bổ nhiệm thêm 3 phó giám đốc NIS. Đại sứ Hàn Quốc ở Pakistan Suh Dong-gu làm phó giám đốc thứ nhất, Kim Joon-hwan (cựu lãnh đạo văn phòng địa phương của NIS) làm phó giám đốc thứ 2 và Kim Sang-gyung (cựu lãnh đạo bộ phận chiến lược Triều Tiên của NIS) làm phó giám đốc thứ 3.

Phó giám đốc thứ nhất chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo về Triều Tiên và hải ngoại; trong khi phó giám đốc thứ 2 có trách nhiệm chống khủng bố; phó giám đốc thứ 3 của NIS được giao trọng trách quản lý hoạt động tình báo mạng và kiểm soát hoạt động viễn thông.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.