Kế hoạch phá hủy mặt trăng của NASA

Thứ Sáu, 14/12/2012, 03:55

Kế hoạch công phá mặt trăng được giữ kín trong hơn 4 thập niên, cuối cùng đã bị tiết lộ bởi nhà vật lý hạt nhân Leonard Reiffel, cựu Giám đốc NASA kiêm Giám đốc Dự án A119. Cho đến thời điểm hiện nay Chính phủ Mỹ vẫn chưa chính thức công nhận sự tồn tại của dự án đầy phiêu lưu này.

Cách đây gần 55 năm, một kế hoạch đầy tham vọng của Lầu Năm Góc đã được xúc tiến hòng gây ấn tượng trong cuộc chạy đua chinh phục không gian giữa 2 siêu cường Liên Xô và Mỹ.

Mục tiêu của kế hoạch tuyệt mật này chính là mặt trăng - bạn đồng hành của trái đất, được gọi một cách kín đáo là "Nghiên cứu các khả năng của một chuyến bay đến mặt trăng" và  mang mật danh "Project A119" (Dự án A119).

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan Không gian Hoa Kỳ (NASA), Dự án A119 lần đầu được đề cập đến vào năm 1958. Theo đó Washington sẽ cho nổ một quả bom khinh khí (bom H) trên mặt trăng hòng "dằn mặt" Moskva, sau sự kiện người Nga phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất (Sputnik -1) vào cuối năm 1967.

Dự án A119 được triển khai dưới sự phân tích chủ đạo của nhà vật lý thiên văn nổi tiếng người Mỹ Carl Sagan (1934-1996), qua việc áp dụng vào thực tế lý thuyết cơ bản của ông nhằm đưa con người vượt qua hệ mặt trời để tiếp xúc với các nền văn minh ngoài vũ trụ. Theo đó tên lửa sẽ mang theo vũ khí nguyên tử bay thẳng đến bề mặt của mặt trăng, điểm tiếp xúc sẽ tạo ra một vụ nổ hạch tâm khiến cả trái đất đều quan sát được.

Tuy nhiên, phía Không quân Mỹ lại quả quyết tên lửa đẩy dù mạnh đến đâu đi chăng nữa, cũng không đủ sức mang một vật quá nặng như bom H vượt qua hàng triệu dặm để đến được mặt trăng, do vậy phải tìm thứ vũ khí khác thay thế. Cho đến lúc ấy các dạng vũ khí hạt nhân nhẹ hơn như bom neutron hay bom nhiệt hạch vẫn chưa phát minh ra, nên vấn đề vũ khí tấn công cụ thể vẫn còn để ngỏ...

Hình ảnh mô phỏng điểm nổ trên mặt trăng.

Mặt khác, nhiều nhà khoa học Mỹ hàng đầu được mời tham gia Dự án A119 cũng đưa ra những hệ quả khó khắc phục khi triển khai kế hoạch. Thứ nhất, không loại trừ trường hợp tên lửa đẩy gặp trục trặc, buộc vũ khí mang theo rơi trở lại mặt đất sẽ gây ra vụ nổ nguyên tử đi kèm thảm họa khôn lường.

Thứ hai, hàng triệu mảnh vụn vỡ ra từ điểm va chạm trên mặt trăng sẽ hình thành các cơn bão thiên thạch ồ ạt tấn công trái đất, biến nhiều vùng dân cư thành đống tro tàn đe dọa sự tồn vong của nhân loại.

Cuối cùng là các đám mây phóng xạ nồng độ cao lưu cữu hàng triệu năm ở điều kiện không trọng lượng,  tạo trở ngại lớn lao cho các chuyến bay chinh phục không gian về sau. Bao trùm hết thảy là quan điểm thám hiểm và chinh phục mặt trăng vẫn tốt hơn là phá hủy hành tinh tuyệt đẹp này. Vì những lý do nêu trên, tới đầu năm 1969 Dự án A119 được Washington âm thầm hủy bỏ

Trần Hồng (theo Tuyệt mật)
.
.