Khủng hoảng lòng tin trong cộng đồng tình báo phương Tây

Thứ Bảy, 23/04/2016, 13:45
Giới chính khách châu Âu vẫn thường lập luận rằng, nếu bọn khủng bố tạo lập những mạng lưới ngầm xuyên biên giới thì các chính quyền cũng phải có hành động tương tự để chống lại bọn chúng. Trên thực tế, sự hợp tác tình báo giữa các cơ quan an ninh châu Âu vẫn còn ở giai đoạn đầu, hay nói cách khác là họ có vẻ nghi ngại lẫn nhau.

Sự hợp tác trở nên khó khăn bởi vì Cơ quan Tình báo liên bang Đức (BND) không mấy tin tưởng các đối tác châu Âu của họ.

Những tiết lộ trong quá khứ từ “người thổi còi” Edward Snowden là căn nguyên cho sự mất lòng tin như thế. Ví dụ như thông tin rò rỉ về Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel, hay việc BND gián điệp cựu Ngoại trưởng Pháp Maurent Fabius.

Lãnh đạo BND Gerhard Schindler.

Những vụ bê bối trong cộng đồng tình báo “bạn bè” như thế có lẽ vẫn sẽ tiếp diễn trong tương lai không biết đến bao giờ mới thật sự kết thúc! Trong nhiều tháng qua, chính quyền Đức không ngớt bàn luận về dự luật mới cho phép cải tổ cộng đồng tình báo trong nước nhằm hướng đến sự minh bạch và loại bỏ thái độ nghi ngờ, nhất là đối với các đối tác châu Âu, nhưng sự bất tín vẫn khó có thể thay đổi mà bằng chứng là BND vẫn ngấm ngầm theo dõi hàng ngàn mục tiêu tại những nước láng giềng ở châu  Âu.

Bắt đầu là số điện thoại, địa chỉ email hay con số thiết bị mà BND mong muốn gián điệp, với hàng loạt mật danh cho mỗi mục tiêu – “WPD” là mật danh của hãng sản xuất vũ khí, “LAP” là chính sách nông nghiệp, “TEF” là nguồn tài trợ cho khủng bố, “ISG” là phần tử Hồi giáo đặt ra mối đe dọa cho an toàn xã hội.

Kế đến là mật danh dành cho quốc gia mà BND không muốn chia sẻ thông tin tình báo – Ví dụ như “HORT” là mật danh cho nước Mỹ, “BEGO” cho Đan Mạch. Các đại sứ quán và lãnh sự quán châu Âu ở trên đất Đức hay thậm chí một phái đoàn Vatican cũng nằm trong danh sách gián điệp của BND. Tình báo Đức còn lập ra một danh sách bao gồm số điện thoại của những cơ quan nội vụ ở thành phố Vienna nước Áo và Brussels của Bỉ, cũng như các ngân hàng lớn như HSBC.

Danh sách mục tiêu của BND còn mở đến đến chương trình kiểm soát ma túy của Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức khác trên thế giới - Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington (Mỹ).

Những tổ chức phi chính phủ cũng không là ngoại lệ: Liên minh quốc tế chống đói nghèo và bất công Oxfam, Tổ chức nhân đạo phát triển quốc tế Care International, Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) ở Vienna nước Áo, Tổ chức Y tế quốc tế (IMC) ở Los Angeles (Mỹ) và Trung tâm Hành động Quốc tế (IAC) ở New York. BND cũng nghe lén văn phòng các chính khách như thủ tướng Israel cùng với công ty viễn thông Anh British Telecom và Công ty truyền thông Mỹ MCI Worldcom.

Nhiều công ty nhỏ và vừa ở Áo và Thụy Sĩ cũng bị BND giám sát. Các đối tác châu Âu cũng chỉ trích BND vì hoạt động lén lút thu thập thông tin tình báo về họ cho người Mỹ. Theo một tiết lộ, người Đức nghe lén hai công ty sản xuất máy bay châu Âu Eurocopter và EADS cho NSA gây mối nghi ngại cho các chính quyền Châu Âu về hoạt động gián điệp công nghiệp.

Trạm nghe lén phối hợp BND và NSA ở Bad Aibling, bang Bavaria của Đức.

Chính NSA cung cấp cho đối tác Đức 73 số điện thoại của 2 công ty để giám sát. Năm 2006, BND buộc phải kết thúc chương trình do vi phạm các lợi ích của Đức và châu Âu. Hoạt động gián điệp quá rộng của người Đức khiến cho giới chuyên gia an ninh đặt câu hỏi: Liệu những mục tiêu của BND có thật sự cần thiết để chống khủng bố, rửa tiền, buôn người và buôn lậu vũ khí? Việc xâm phạm dữ liệu cá nhân có cần thiết để bảo đảm an ninh ở Đức? Sự thật cho thấy BND không tin tưởng bất cứ ai.

Năm 2013, lãnh đạo BND Gerhard Schindler đã ra lệnh đình chỉ mọi chiến dịch gián điệp các đối tác bạn bè trong khối liên minh châu Âu (EU) và NATO nhưng một số sĩ quan cơ quan vẫn làm lơ. Gerhard Schindler cũng từng chịu sức ép phải giải thích BND trở thành “người giúp việc” cho NSA như thế nào.

Trong hơn 2 năm qua, một ủy ban điều tra Quốc hội Đức cố gắng làm minh bạch mọi hoạt động trong cộng đồng tình báo Đức, song nỗ lực này luôn vấp phải hết trở ngại  này đến chướng ngại khác. Phần đông nhân viên BND chỉ sẵn sàng tiết lộ thông tin tối thiểu nhất theo yêu cầu để tránh khả năng bị truy tố. Nhiều người tuyên bố không thể nhớ hết các chi tiết, trong khi số khác tự mâu thuẫn với chính mình.

Dễ thấy rằng, BND lo ngại sự ra đời của luật cải cách mới có nguy cơ làm tê liệt hoạt động của họ. BND thừa hiểu những hoạt động gián điệp của họ phần nào chống lại người dân Đức và các lợi ích của châu  Âu, song họ bất chấp tất cả. Thực tế cho thấy, BND cũng gần như công khai ý định không hề muốn chuyển giao bất cứ dữ liệu nhạy cảm nào cho các đối tác châu  Âu nào trong nỗ lực chung chống khủng bố.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.