Mối quan hệ hợp tác bí mật giữa tình báo Đức và NSA: Môi hở răng lạnh

Thứ Sáu, 16/08/2013, 08:25

Vào cuối tháng 4/2013, Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich và lãnh đạo Cơ quan Liên bang Bảo vệ Hiến pháp Đức (BfV - một cơ quan tình báo nội địa) Hans-Georg Maassen dẫn đầu một nhóm gồm 12 sĩ quan cao cấp của Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức (BND) đáp chuyến bay đến Mỹ tham quan đế chế do thám toàn cầu tuyệt mật của Mỹ - Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) ở Maryland. Mục đích của chuyến đi được thể hiện trong một tài liệu "tuyệt mật" của NSA mà tạp chí Đức Spiegel có được - lãnh đạo BND Gerhard Schindler luôn nhấn mạnh sự "háo hức" để hợp tác chặt chẽ hơn với NSA.

Theo tài liệu, người Đức có những nỗ lực tìm kiếm "sự chỉ đạo và cố vấn" từ người Mỹ. Giới chức trong Ban Đối ngoại (FAD) của NSA chịu trách nhiệm đón tiếp phái đoàn của BND. Sau khi giới thiệu về các phương pháp thu thập dữ liệu của NSA, đến lượt các thành viên cao cấp của một phân ban bên trong cơ quan mang tên Các Chiến dịch nguồn đặc biệt (SSO) làm việc trực tiếp với nhóm sĩ quan BND. SSO - một trong những nhóm bí mật nhất bên trong NSA - là ban có nhiệm vụ liên kết với các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) phục vụ mục đích khai thác dữ liệu.

“Người thổi còi” Edward Snowden từng mô tả đơn vị tinh nhuệ SSO là "tài sản đáng giá nhất" của NSA. Theo tiết lộ của Snowden, sự hợp tác chặt chẽ giữa Berlin và Washington trong kỷ nguyên do thám kỹ thuật số tăng cường đáng kể trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Angela Merkel và được cộng đồng tình báo Đức xác định là cần phải "tăng cường và mở rộng mối quan hệ hợp tác song phương".

Các đối tác chủ chốt của Mỹ trong thế giới tình báo thời kỹ thuật số

Theo tiết lộ của Snowden, các cơ quan tình báo lớn của Đức - BND, BfV và Cơ quan An ninh thông tin Liên bang Đức (BSI) - đóng vai trò chính trong trao đổi thông tin giữa các cơ quan tình báo và được NSA đánh giá là "các đối tác chủ chốt". Mối quan hệ hợp tác giữa NSA và đơn vị "Do thám Kỹ thuật" của BND bắt đầu từ năm 1962 nhưng trong suốt nhiều thập niên, Washington luôn chế giễu những gián điệp Đức luôn viện dẫn những quy định chặt chẽ của pháp luật để từ chối tham gia vào các chiến dịch tình báo đặc biệt nhạy cảm. Do đó, tình báo Đức được coi là nguồn gây... bực mình cho người Mỹ, song vì không có sự lựa chọn nào khác cho nên cuối cùng họ đành phải chấp nhận hợp tác.

Tuy nhiên, theo tiết lộ mới đây của Edward Snowden, mọi chuyện đã thay đổi khi người Đức quan liêu, bảo thủ đã trở thành những gián điệp thực thụ, sẵn sàng tránh né những quy định luật pháp để hành động. Năm 2012, người Đức tỏ ra háo hức cải thiện những khả năng do thám và thậm chí chấp nhận mọi nguy cơ vi phạm pháp luật để có được cơ may hợp tác chặt chẽ hơn với cộng đồng tình báo Mỹ. Sự thay đổi lớn này thật sự giúp cho tình báo Đức hoạt động hiệu quả hơn. Ví dụ, dựa vào thông tin do NSA cung cấp cho BfV, chính quyền Đức phát hiện một âm mưu đánh bom nước này của nhóm Hồi giáo cực đoan Sauerland do Fritz Gelowicz cầm đầu.

Cho đến nay, người Đức vẫn tỏ lòng "biết ơn" người Mỹ vì thông tin tình báo này và cũng từ đó mà niềm tin giữa NSA và BfV được nâng lên tầm cao đáng kể. Từ sau vụ phá vỡ âm mưu khủng bố của nhóm Suerland, sự hợp tác trao đổi thông tin Mỹ - Đức về các mục tiêu cực đoan người Đức cũng như không phải người Đức trở nên chặt chẽ và thường xuyên hơn. Ngoài ra, NSA cũng tổ chức vài chương trình huấn luyện chuyên môn cho điệp viên BfV nhằm mục đích cải thiện khả năng khai thác, sàng lọc và xử lý dữ liệu nội địa của họ.

Lãnh đạo BND Gerhard Schindler.

Không chỉ "giúp đỡ" mà người Mỹ còn tăng cường hoạt động trên đất Đức. Ví dụ, một chuyên gia phân tích của NSA đóng vai nhà ngoại giao làm việc trong Đại sứ quán Mỹ ở Berlin để có điều kiện sử dụng một văn phòng trong trụ sở của BfV một lần trong mỗi tuần. Nhiệm vụ của "nhà ngoại giao" là nuôi dưỡng mối quan hệ ngày càng phát triển vững bền giữa NSA và BfV cũng như tạo điều kiện cho những đòi hỏi từ người Mỹ.

Thêm vào đó, người Đức còn lập ra một "kênh giao tiếp viễn thông" với NSA để sự phối hợp hoạt động tình báo Mỹ - Đức hiệu quả hơn. Người Mỹ cung cấp cho BfV một trong những công cụ gián điệp hiệu quả nhất là hệ thống phần mềm thu thập dữ liệu thô gọi là "XKeyScore" (XKS) - chương trình cũng được NSA sử dụng để tiếp nhận 500 triệu gói dữ liệu chia sẻ từ Đức vào mỗi tháng. Lý do chính mà BfV được cung cấp hệ thống XKeyScore là để "mở rộng khả năng hỗ trợ NSA trong phối hợp hoạt động chống khủng bố". Còn BND có trách nhiệm huấn luyện sử dụng chương trình cho các điệp viên Đức.

Hình ảnh trích từ tập sách nhỏ quảng cáo về phần mềm XKeyScore của NSA mà Edward Snowden có được.

Một tài liệu "tuyệt mật" trông giống như tập sách nhỏ quảng cáo mà Edward Snowden có được đề ngày 25/2/2008 tiết lộ mọi thứ mà XKeyScore có thể làm được. Theo tập sách, XKeyScore cho phép do thám mọi luồng dữ liệu thô. Nói khác đi, XKeyScore không chỉ theo dõi những cuộc gọi điện thoại mà còn chiếm giữ được nội dung của chúng.

Ngoài ra, XKeyScore còn cho phép nhận biết những từ khóa mà các mục tiêu nhập vào các cỗ máy tìm kiếm trên Internet cũng như những vị trí được tìm trên Google Maps. Thậm chí, hệ thống của NSA còn có thêm nhiều khả năng vượt trội như là giám sát "hoạt động của người dùng" trong thời gian thực và phát hiện "các sự kiện bất thường" lộ ra trên Internet.

Hình ảnh mới của tình báo Đức dưới mắt người Mỹ

Các tiết lộ mới của Snowden cũng nêu bật vai trò của hai lãnh đạo BND và BfV là Gergard Schindler và Hans-Georg Maassen. Cả hai nhân vật đều tương đối mới trong vị trí của họ, song lãnh đạo Schindler của BND - nhậm chức từ tháng 1/2012 - có phần nổi bật hơn. Gergard Schindler mang lại đường lối mới, năng động hơn cho BND và được NSA ca ngợi không tiếc lời. Theo các tài liệu của NSA, "sự háo hức" của Schindler được người Mỹ "hoan nghênh" từ năm 2012 vì điều đó chứng tỏ BND sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm.

Một trong những trọng trách của BND là bảo vệ binh sĩ Đức và ngăn chặn những cuộc tấn công khủng bố mà muốn hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan tình báo không thể thiếu sự giúp đỡ từ phía Mỹ. Dĩ nhiên, cộng đồng tình báo Mỹ cũng hưởng lợi khi hợp tác chặt chẽ với BND, nhất là khi cơ quan này tỏ ra hữu dụng ở khu vực Kunduz, miền Bắc Afghanistan, nơi quân đội Đức (Bundeswehr) đóng quân.

Trụ sở mới của BND đang được xây dựng ở Berlin.

Người Đức hiện nay được coi là đối tác cung cấp thông tin quan trọng hàng thứ 3 về khu vực Kunduz cho Mỹ. Ngoài ra, BND không chỉ chia sẻ thông tin cho NSA mà còn hợp tác với cộng đồng tình báo 13 quốc gia phương Tây khác. Cách đây một thời gian, BND vận chuyển trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến nhất đến Afghanistan, dẫn đến khả năng thu thập thông tin tình báo tốt hơn càng làm vừa lòng người Mỹ. Trong những năm gần đây, BND có khả năng nghe lén ở quy mô lớn những cuộc nói chuyện qua điện thoại ở khu vực miền Bắc Afghanistan dẫn đến việc bắt giữ hơn 20 thành viên Taliban cao cấp bao gồm Mullah Abdul Rahman, người có thời lãnh đạo Kunduz.

Theo tài liệu NSA đề ngày 9/4/2013, tình báo Đức được đánh giá là đối tác cung cấp nhiều thông tin có giá trị nhất cho NSA và một bộ phận quan trọng trong liên minh do thám do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan. Không những thế, tình báo Đức còn có được thành công tương tự ở Bắc Phi, khu vực mà BND cũng có những khả năng kỹ thuật đặc biệt mang lại nhiều lợi ích cho NSA.

Thậm chí, BND còn tiến xa hơn nữa trong nỗ lực làm hài lòng người Mỹ, như là cố gắng tác động đến chính quyền Đức để có những nới lỏng về luật đời tư công dân nhằm có thể tạo thêm nhiều cơ hội cho việc chia sẻ thông tin với cộng đồng tình báo Mỹ. Khi mới lên nắm quyền lãnh đạo BND, Schindler đã quyết định tăng cường hợp tác với Mỹ bất chấp giới chức cơ quan có sự chia rẽ về việc liệu chuyển giao thông tin cho các cơ quan tình báo đối tác khác có vi phạm luật pháp nước Đức hay không. Căn cứ do thám ở Bad Aibling - trạm nghe lén nổi tiếng của Mỹ ở miền Nam nước Đức - là ví dụ cho thấy sự hợp tác ngày càng sâu giữa BND và NSA đến mức nào. Căn cứ là biểu tượng của gián điệp kỹ thuật trong thời Chiến tranh lạnh và NSA đề cập đến trạm bằng tên mã "garlic" (củ tỏi).

Mặc dù, những bộ phận cuối cùng của căn cứ được chính thức chuyển giao cho BND vào tháng 5/2012, song các điệp viên NSA vẫn còn lui tới trạm này. Và, trưởng trạm NSA ở Đức vẫn còn có mặt ở doanh trại Mangall ở địa phương. Khoảng 18 người Mỹ còn tiếp tục làm việc tại căn cứ do thám Bad Aibling vào đầu năm 2013, trong đó 12 người của NSA và 6 người khác thuộc tư nhân.

Dự kiến trong năm nay, số nhân viên NSA ở lại căn cứ sẽ rút xuống chỉ còn 6 người. Theo tiết lộ của Edward Snowden, công việc của những người Mỹ là "tạo ra những cơ hội hợp tác mới với người Đức".

Trụ sở NSA ở Fort Meade, Maryland.

Vụ bê bối nghe lén của NSA liên quan đến tình báo Đức đã làm lung lay niềm tin của người dân vào chính quyền nước này cũng như Thủ tướng Angela Merkel - thậm chí có thể tác động xấu đến khả năng tái cử của Merkel. Dĩ nhiên, những tiết lộ về chương trình do thám nước ngoài của NSA đang làm xấu đi hình ảnh một lãnh đạo đáng tin cậy của Merkel. Khoảng 69% người dân Đức - một con số đáng quan ngại - bày tỏ sự bất mãn đối với nỗ lực làm sáng tỏ vấn đề do thám của Merkel. Trong khi đó, Merkel cố gắng để không gây ấn tượng rằng bà không hành động gì trước sự thèm khát thông tin tình báo của người Mỹ.

Mới đây nhất, BND một lần nữa nhấn mạnh rằng không biết gì về chương trình PRISM của NSA, nhưng những tiết lộ cho thấy, thật sự tình báo Đức rất quen thuộc với chương trình, hưởng lợi từ nó và càng muốn hợp tác nhiều hơn nữa với NSA. Trước tuyên bố không biết gì về chương trình gián điệp của người Mỹ, người ta đặt vấn đề liệu như thế thì chính quyền Đức có còn kiểm soát được các cơ quan tìn báo của mình hay không. Luật pháp đòi hỏi chính quyền Đức phải thường xuyên thông tin cho 11 thành viên Ban Kiểm soát Nghị viện của Quốc hội Đức về mọi hoạt động của BND và BfV. Nhưng, vấn đề là nhiều thành viên của ban này không có đủ thời gian hay chuyên môn để hiểu được các hoạt động của tình báo Đức

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.