Mỹ: Căng thẳng xung quanh vụ rò rỉ tài liệu mật

Thứ Sáu, 22/06/2012, 10:40

Nghi án về chuyện tiết lộ tài liệu mật cho các cơ quan truyền thông đại chúng Mỹ đang tiếp tục là chủ đề tranh cãi gay gắt trên chính trường nước này. Theo đó, các nhân viên trong Văn phòng Tổng thống bị nghi ngờ là thủ phạm làm tiết lộ những thông tin thuộc loại bí mật quốc gia. Hơn thế nữa, nhiều thượng nghị sĩ từ đảng Cộng hòa còn buộc tội Nhà Trắng đã cố tình tuồn những thông tin trên với mục đích nâng cao uy tín cho Tổng thống Obama…

Ngay từ hè năm 2011, các nghị sĩ đảm trách lĩnh vực bảo vệ các bí mật quốc gia đã có được một lý do thực sự để lo lắng - một bài báo được tung ra trên tờ The New York Times, trong có những cảnh trích từ bộ phim của Kathryn Bigelow về chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden.

Bài báo còn khẳng định rằng, các tác giả của bộ phim "đã có được quyền tiếp cận thoải mái đối với một trong những chiến dịch bí mật nhất trong lịch sử". Nguồn tin tiết lộ là một nhân vật nào đó trong Văn phòng của Tổng thống Barack Obama.

Thông tin trên ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý của nghị sĩ đảng Cộng hòa Peter King, đang đứng đầu Ủy ban An ninh quốc gia tại Hạ viện. Sau khi kêu gọi phải điều tra vụ việc, King còn cho rằng Nhà Trắng đã cố tình "hỗ trợ" cho bộ phim về thành công của các cơ quan mật vụ Mỹ, qua đó có một tác động tuyệt vời lên chiến dịch tranh cử của Obama.

Đáp lại, phía Văn phòng Tổng thống đã gọi bài báo trên cùng với những cáo buộc của King là "chuyện nực cười", cho dù cả Lầu Năm Góc và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ngay từ tháng 1/2012 đã bắt đầu kiểm tra vụ việc theo yêu cầu của Peter King.

Nhưng câu chuyện trên chỉ là phần mở đầu của một vụ bê bối quy mô lớn bùng phát vào mùa xuân năm nay. Chỉ trong nửa năm trước cuộc bầu cử tổng thống, báo chí trong một hoàn cảnh đáng ngờ đã liên tục đưa ra những thông tin dựa trên "những nguồn tin" được giới thiệu là "nắm được nhiều chi tiết của các chiến dịch đặc biệt bí mật".

Như tờ Los Angeles Times vào ngày 9/5, và sau đó là Associates Press đã kể về câu chuyện của một điệp viên, người đã xâm nhập thành công vào mạng lưới của Al-Qaeda tại Yemen, giúp ngăn chặn một vụ khủng bố trên máy bay. 

Ngày 29/5, đến lượt The New York Times công bố một bài báo, trong đó cho biết Tổng thống Obama đã đích thân lựa chọn những tên khủng bố là mục tiêu tấn công sau đó của các máy bay không người lái. Đầu tháng 6, tạp chí Newsweek cho đăng một tài liệu tương tự như trên, trong đó giới thiệu là các đoạn trích từ cuốn sách của Daniel Klaidman có nhan đề "Kill or Capture: The War on Terror and the Soul of the Obama Presidency" (Tiêu diệt hay bắt giữ: Cuộc chiến chống khủng bố và tinh thần nhiệm kỳ tổng thống của Obama).

Cuốn sách “Tiêu diệt hay bắt giữ: Cuộc chiến chống khủng bố và tinh thần nhiệm kỳ Tổng thống của Obama” của Daniel Klaidman có một số nội dung được cho là khai thác từ các nguồn tin trong Nhà Trắng.

Một ngày trước công bố của Newsweek, một tài liệu đáng chú ý nữa cũng xuất hiện trên The New York Times, kể về việc Obama ngay từ năm 2009 đã ra lệnh bắt đầu một cuộc chiến tranh điều khiển học với Iran nhằm phá hủy chương trình hạt nhân của nước này.

Tất cả những tiết lộ trên đều được nhìn nhận như một thất bại của các cơ quan chuyên chịu trách nhiệm cho việc bảo vệ bí mật quốc gia. Từ ngày 10/5, CIA bắt đầu thủ tục tìm kiếm kẻ đưa tin cho báo chí trong hàng ngũ của mình.

Mặt khác, các đối thủ của Obama cũng "cạnh khóe" rằng, mỗi một trường hợp như trên (chẳng hạn như trong bộ phim về Bin Laden), Tổng thống Mỹ được tô vẽ như hình mẫu của một người cha dân tộc, luôn tận tụy quên mình bảo vệ đất nước trước những mối đe dọa từ bên ngoài.

Nghị sĩ Cộng hòa Mike Rogers (giữa), người đứng đầu Ủy ban Tình báo Hạ viện, trong cuộc họp báo về vụ bê bối rò rỉ thông tin mật.

Ngày 6/6 vừa qua, các nghị sĩ đảng Cộng hòa có uy tín là John McCain và Saxby Chambliss đã công khai buộc tội Văn phòng Tổng thống cố tình tuồn thông tin ra ngoài. Hai nghị sĩ trên đưa ra nhận xét rằng, Nhà Trắng không hiểu vì sao luôn "đặc biệt kiên nhẫn" trước những vụ rò rỉ tài liệu mật, tương tự như vụ của tay binh nhì Bradley Manning bị cáo buộc hợp tác với WikiLeaks.

Nếu nói thẳng ra, theo lời của các nghị sĩ này, chính quyền đã phê chuẩn việc tuồn tài liệu mật ra ngoài tùy theo yêu cầu của tình hình chính trị. Phe Cộng hòa nhân dịp này đã kêu gọi phải mở một cuộc điều tra chính thức dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Tư pháp.

Cũng vì sự việc này, lãnh đạo các ủy ban chuyên trách tại cả hai viện Quốc hội Mỹ đã có cuộc họp kín với Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia James Clapper và Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) Robert Muller. Kết quả cuộc gặp là cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa cùng tổ chức một cuộc họp báo nhằm thể hiện sự "hiểu biết chung về vấn đề". Theo đó nghị sĩ Cộng hòa Mike Rogers, chỉ nhấn mạnh: tình báo Mỹ đang phải đương đầu với một vụ rò rỉ thông tin có quy mô lớn nhất từ nhiều năm qua.

Theo đánh giá của giới quan sát, chuyện săn lùng "nguồn tin nặc danh của báo chí tại Nhà Trắng" chẳng khác gì chuyện tìm cây kim trong đống cỏ khô. Nhưng từ vụ lùm xùm này, các ủy ban Quốc hội đã bắt tay vào xây dựng một dự thảo luật, trong đó yêu cầu chính quyền phải có trách nhiệm thông báo trước cho các nhà lập pháp khi quyết định tiết lộ những thông tin mật nào đó

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.