NAIC - Trung tâm Tình báo không quân Mỹ

Thứ Tư, 21/11/2007, 10:49
Từ trước tới nay, hầu hết mọi người chỉ biết đến Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô (KGB) và Cục tình báo quân sự Anh (MI-6), mà ít người biết về một trung tâm tình báo khá nổi tiếng của Mỹ, đó là Trung tâm tình báo không quân (NAIC - National Air and Space Intelligence Center).

NAIC nằm ở căn cứ không quân Temotesen bang Ohio, Mỹ. Đó là một tòa nhà với kết cấu kiến trúc đặc biệt được xây dựng trên diện tích khoảng 3.250 m2, gồm nhiều phòng với chức năng chính là nghiên cứu, phân tích những thông tin tình báo thu được, bên cạnh đó còn có 8 khu thí nghiệm, 1 phòng thí nghiệm laser và 1 phòng rộng có thể chứa được 4 máy bay chiến đấu.

NAIC được thành lập nhằm thực hiện một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đó là cung cấp cho Bộ Quốc phòng Mỹ những thông tin về tình hình trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại của lực lượng không quân các nước khác, đồng thời gánh vác thêm nhiệm vụ nghiên cứu những thông tin liên quan về hệ thống tên lửa dẫn đường và kiểm soát của máy bay, thu thập những thông tin, tài liệu về các hãng hàng không, tổ chức lực lượng, khả năng tác chiến và những kế hoạch phát triển của hàng không các quốc gia đối địch, đánh giá những thành quả mới nhất của ngành hàng không cũng như sự phát triển trong lĩnh vực hàng không của các nước trên thế giới.

Ngoài ra, các chuyên gia của NAIC còn tham gia vào công tác điều tra về các mặt hạn chế của các trang thiết bị kỹ thuật trong và ngoài nước Mỹ, tiến hành thí nghiệm những thành quả mới nhất trong lĩnh vực trang bị kỹ thuật vũ khí.

Do yêu cầu của nhiệm vụ, Trung tâm tình báo này đã được cung cấp các loại máy bay, tên lửa đối không, hệ thống phòng không, tên lửa đạn đạo vượt đại châu và tên lửa tầm trung để các chuyên gia nghiên cứu, thí nghiệm.

NAIC có mối quan hệ trực tiếp với các cơ quan tình báo Mỹ. Mặc dù Chiến tranh lạnh đã kết thúc, thế nhưng các cuộc xung đột khu vực vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

Đặc biệt là trong thời gian qua, Mỹ liên tục tham gia các hoạt động can thiệp quân sự bên ngoài lãnh thổ của mình, vì vậy nó đòi hỏi tình báo Mỹ phải thu thập và xử lý nhiều hơn những thông tin tình báo liên quan đến các tham số kỹ thuật và tính năng các trang thiết bị kỹ thuật quân sự của các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, có thể thấy rõ tầm quan trọng của NAIC đối với hệ thống tình báo của Mỹ trong giai đoạn hiện nay.

NAIC hiện có khoảng 480 nhóm tình báo, bố trí tại hai nơi, đó là khu căn cứ không quân Out Engeli, bang Virginia và căn cứ không quân Orphoot, bang Nebraska. Nhiệm vụ chủ yếu của hai nhóm là nghiên cứu những thông tin về tình hình phát triển vũ khí hàng không, các trang thiết bị dẫn đường và hệ thống kiểm soát cùng các thông tin liên quan đến việc xây dựng các căn cứ không quân, tình hình phát triển kỹ thuật hàng không và cơ sở quân sự.

Những nhân viên của NAIC sử dụng tất cả mọi phương thức từ nghiệp vụ chuyên môn đến những cách thức “bình dân” nhất như sử dụng mạng Internet để thu thập thông tin về những thành quả nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không cũng như các động thái quân sự của các quốc gia khác trên thế giới, sau đó tiến hành phân tích, đánh giá và chọn lựa những thông tin tình báo có lợi cho sự phát triển kinh tế và quân sự của Mỹ.

Chính phủ Mỹ cho rằng, việc mở rộng công nghệ tên lửa đến các quốc gia phi đồng minh là một mối nguy hiểm cực lớn.

Do hiện nay, các quốc gia có khả năng sản xuất tên lửa đạn đạo trên thế giới ngày càng gia tăng, nên điều đó cũng đồng nghĩa với việc đe dọa đối với nền an ninh quốc gia của Mỹ cũng sẽ nhiều hơn. Vì vậy, những năm gần đây, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu NAIC phải tăng cường hơn nữa việc thu thập và nghiên cứu những thông tin tình báo liên quan.

Bên cạnh đó, trung tâm này còn có một nhóm chuyên gia giám định kỹ thuật ngoài nước, nhóm này có nhiệm vụ giám định thực tế công nghệ kỹ thuật hàng không của các quốc gia khác, sau đó đưa ra các đánh giá nhận xét, xác định tính năng tác chiến. Căn cứ vào những kết quả đánh giá đó nhằm xác định mức độ đe dọa đối với Mỹ trong cuộc chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai.

Theo tiết lộ của giới thạo tin thì những kết quả đánh giá về các trang thiết bị kỹ thuật quân sự của NAIC đã được sử dụng trong các cuộc chiến mà Mỹ tham gia, như cuộc chiến vùng Vịnh năm 1990-1991, cuộc chiến Kosovo và cuộc chiến tranh Iraq cách đây không lâu.

Để nhanh chóng thu thập được các thông tin tình báo liên quan, kịp thời cung cấp cho giới lãnh đạo quân sự của Mỹ, NAIC đã cho thành lập một nhóm phản ứng nhanh gồm 20 người. Nhóm phản ứng nhanh này có thể thu thập được bất kỳ thông tin tình báo cần thiết nào trên thế giới chỉ trong thời gian rất ngắn, trong đó có cả thông tin về tình hình biên chế quân sự và tính năng tác chiến của các thiết bị vũ khí quân sự của các nước.

Cùng với đó, một nhóm chuyên gia về vũ khí cũng được thành lập với nhiệm vụ chính là nghiên cứu các loại vũ khí mới nhất và hiện đại nhất của các quốc gia khác trên thế giới.

Mặc dù lượng công việc mà NAIC phải đảm nhận ngày một nhiều, nhưng giới quân sự Mỹ vẫn cho rằng, trong xu thế phát triển công nghệ thông tin như vũ bão hiện nay, trung tâm phân tích tình báo này rất khó đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của giới lãnh đạo quân sự Mỹ.

Do đó, phía quân đội Mỹ quyết định tăng cường đầu tư hoàn thiện cho trung tâm này về các trang thiết bị chuyên môn, đặc biệt là công nghệ về thông tin và số hóa nhằm thu thập được ngày càng nhiều thông tin tình báo liên quan, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của “bộ máy chiến tranh Mỹ"

Vũ Hạ (theo National Security)
.
.