Người Mỹ từng đối phó với nguy cơ bất an như thế nào?

Thứ Tư, 11/03/2020, 12:00
Thập niên 1955-1965, khi cuộc “Chiến tranh Lạnh” giữa Liên Xô và Mỹ lên đến đỉnh điểm qua các sự kiện “Khủng hoảng kênh đào Suez”, “Khủng hoảng Berlin” và “Khủng hoảng tên lửa Cuba”, đa số người dân Mỹ đều có tâm trạng bất an bởi nỗi lo sợ phía Liên Xô sẽ có những cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ.


Theo ước tính của Cục Phòng vệ dân sự Liên bang Mỹ (FCDA) lúc ấy, đã có khoảng 9 triệu gia đình Mỹ chuẩn bị cho thảm kịch này…

1. Năm 1955, một số phương tiện truyền thông đại chúng Mỹ dự báo nếu xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ từ phía Liên Xô, thủ đô Washington D.C và các thành phố lớn như New York, Atlanta, Seattle, San Francisco…, sẽ bị hủy diệt hoàn toàn. Số người chết ngay lập tức ước tính không dưới 3 triệu còn số chết do thương tật hoặc do nhiễm phóng xạ những ngày, tháng sau đó gấp khoảng 3 lần!

Vận chuyển thực phẩm vào hầm trú ẩn công cộng trong dãy núi Raven Rock, bang Pensylvania.

Thời điểm ấy, FCDA đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm trấn an dân Mỹ: 2,5 triệu thẻ nhận dạng được phát cho học sinh tiểu học ở những khu vực có nguy cơ trở thành mục tiêu ném bom. Dựa vào tấm thẻ này, thân nhân có thể tìm thấy con em mình tại các điểm sơ tán, hoặc trong tình huống xấu nhất thì cũng dễ dàng nhận dạng tử thi.

Nhóm máu của các em được in ở dưới nách bằng loại mực không phai. Trong các trường học, học sinh được dạy cách chui xuống gầm bàn và tránh xa các cửa sổ, cửa ra vào khi bom hạt nhân nổ. Khách bộ hành phải nhanh chóng tìm nơi ẩn nấp trong các cống rãnh ven đường hoặc trong các nhà ga, các đường hầm xe điện ngầm.

Nếu đang lái xe, phải rời khỏi xe ngay lập tức. Chưa hết, FCDA còn đề ra một kế hoạch gọi là “Grandma's Pantry” - tạm dịch: “Bà ngoại luôn sẵn sàng khi có trường hợp khẩn cấp”, nội dung khuyến khích người dân Mỹ tích trữ lương thực, nước uống, đủ dùng cho mỗi gia đình ít nhất 14 ngày.

Nhằm tăng khả năng sống sót nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân, FCDA còn phát hành hàng triệu cuốn sổ tay hướng dẫn các phương pháp sinh tồn, chẳng hạn như cách lấy lửa từ kính đeo mắt, mặt kính đồng hồ, vỏ chai thủy tinh trong suốt, cách nhận biết những loại nấm độc, những loại cây cỏ ăn được, cách câu cá bằng những vật dụng đơn giản, cách sơ cứu khi bị bỏng hạt nhân, cách tạm thời loại bỏ bụi phóng xạ ra khỏi quần áo, đồ vật… 

McKinsley, chuyên gia sinh tồn viết trong sổ tay: “Bạn có thể còn sống sau vụ tấn công hạt nhân nếu bạn có chỗ trú ẩn an toàn nhưng hầu hết các loài động vật thì không. Thịt của chúng khi đó sẽ nhiễm phóng xạ kể cả nếu chúng chưa chết. Vì thế, tuyệt đối không nên ăn chúng mà cách tốt nhất là hãy dự trữ thực phẩm ngay từ bây giờ trước khi quá muộn…”.

Khuyến cáo của McKinsley đã khiến gần 9 triệu gia đình Mỹ lao vào cuộc chạy đua để có thể sống sót khi chiến tranh hạt nhân bùng nổ. Không chỉ tích trữ lương thực, nước uống, khoảng 200.000 gia đình còn xây dựng những căn hầm, những nhà trú ẩn trong hang núi, rừng rậm, đầm lầy.

Ở bang Montana, Dan Hutchinson cùng vợ và 3 con thuê máy xúc đào một cái hố sâu 5m, dài 8m, ngang 3m ngay trong vườn nhà rồi đặt xuống một container rỗng, loại 40 feet. Sau khi lắp ống thông gió, trổ cửa ra vào, Dan lấp đất che kín.

Ông nói: “Nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân, tôi cùng vợ và các con sẽ theo lối đi trong nhà xuống container. Tôi đã tích trữ lương thực, nước uống đủ dùng suốt 3 tháng”.

Những chiếc bánh quy vẫn nguyên vẹn sau nửa thế kỷ nằm trong hầm trú ẩn.

Ở bang Florida, gần Cuba, gia đình John Wicker chọn một khu đầm lầy, cách thành phố Miami khoảng 60km làm nơi lánh nạn. Bằng cách dựng một ngôi nhà sàn nằm sát mặt nước, John chất lên đó 20 bao bột mì, mỗi bao 5kg và khoảng 200kg thực phẩm đóng hộp. Để có nguồn điện dùng trong những sinh hoạt tối thiểu, John mua một máy phát điện công suất 2kw/giờ cùng một phuy xăng 200 lít. 

Ông cho biết chất đốt sẽ lấy từ các cây khô trong đầm lầy đồng thời có thể tìm thêm các nguồn thức ăn như tôm, cá. John nói: “Nghe đồn nếu Liên Xô tấn công, họ sẽ phóng tên lửa từ Cuba nhưng Florida có thể không phải là mục tiêu vì nơi này không có những căn cứ quân sự, quốc phòng quan trọng. Tuy vậy, đề phòng thì vẫn hơn…”.

2. Giữa năm 1961, khi cuộc “Khủng hoảng Berlin” nổ ra, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy cho phép mở rộng các chương trình phòng thủ dân sự quốc gia với ngân sách 200 triệu USD để xây dựng các hầm trú ẩn công cộng, phòng chống bụi phóng xạ hạt nhân ở dãy núi Cheyen, bang Colorado, dãy Raven Rock, bang Pensylvania, có thể chứa tổng cộng 800.000 người. Ở bang Hawaii, 28 hang động tạo thành do sự phun trào của núi lửa được cải tạo làm nơi ẩn náu cho cư dân trong bang.

Dân Mỹ chờ mua thực phẩm ở siêu thị Costco đề phòng COVID-19 lan rộng.

Đến cuối năm 1962, toàn nước Mỹ đã có 450 hầm trú ẩn công cộng trong tình trạng sẵn sàng để sử dụng. Nhà báo Tim Morgan mô tả về một hầm trú ẩn trên tờ Reader Digest, xuất bản tháng 12/1961: “Trong một căn hầm ở dãy núi Cheyen, tôi ước lượng nó có thể chứa khoảng 500 người. Vách và trần hầm được chống đỡ bằng những trụ bê tông cốt thép. Dọc theo nền hầm dùng làm chỗ ngủ là những tấm nệm cao su xếp thành từng chồng, khi cần sử dụng thì chỉ việc thổi lên, tương tự như thổi cái phao bơi. Điều hành hầm trú ẩn là ông Daniels Dike cho tôi biết trong hầm có 45 nghìn gói thực phẩm dã chiến, loại dành cho quân đội cùng 5 túi chứa nước bằng nhựa dẻo, dung tích mỗi túi 5 nghìn lít, đủ để nuôi 500 người trong 15 ngày…”.

Cũng cần nói thêm rằng trong 10 năm - từ 1955 đến 1965 - ngành nông nghiệp Mỹ phát triển rất mạnh. Vì vậy, khi cuộc “khủng hoảng Brelin” nổ ra mà nguyên nhân là do phía Liên Xô, Đông Đức phong tỏa tất cả các tuyến đường bộ dẫn đến Tây Berlin để làm áp lực buộc phía Đồng minh phải thỏa thuận biến Berlin - gồm hai vùng Đông và Tây - thành một đơn vị hành chính tự trị, phi quân sự. 

Do bị phong tỏa, người dân Tây Berlin - lúc ấy nằm dưới sự kiểm soát của Đồng minh - lâm vào cảnh thiếu thốn lương thực trầm trọng nên Chính phủ Anh, Mỹ đã thành lập một cầu hàng không, kéo dài suốt gần 1 năm với hơn 200.000 chuyến bay, vận chuyển mỗi ngày 13.000 tấn thực phẩm cho người dân Tây Berlin.

Và cũng chính vì ngành nông nghiệp Mỹ phát triển rất mạnh, cuộc “khủng hoảng Berlin” đã giúp họ tiêu thụ số nông sản thặng dư nên việc xây dựng các hầm trú ẩn công cộng cũng như cá nhân đã khiến các công ty sản xuất thực phẩm ở Mỹ ăn nên làm ra. Công ty Campbell xưa nay nổi tiếng với các loại súp cà chua đóng hộp thì bây giờ cho ra đời súp mì ống, súp đậu nành, súp đậu răng ngựa nấu chung với xúc xích. 

Để tiện việc hâm nóng, Campbell còn chế ra một chiếc hộp nhỏ đựng cồn khô, gắn liền dưới đáy hộp súp. Mỗi lúc muốn ăn, người ta chỉ việc mở nắp hộp cồn khô rồi châm lửa, đủ để cho súp sôi lên. Chỉ tính riêng năm 1962, Campbell đã bán được 24 triệu hộp súp loại này cho những người dân Mỹ dùng nó làm thực phẩm dự trữ..

Với Công ty Kellogg, ngoài món ngũ cốc trộn sữa tươi - là thức ăn sáng phổ thông của đa số trẻ em Mỹ - thì còn có nhiều loại Kellogg khác làm từ ngô (bắp), lúa mì, lúa mạch nhưng đáng kể hơn cả là Bộ Nông nghiệp Mỹ đã phát triển một loại thực phẩm được gọi là “Doomsday Food - Thức ăn của ngày tận thế”. Nó gồm những thùng bằng thiếc hàn kín, bên trong chứa 5kg bánh quy “Survival Cracker - Bánh sinh tồn” mà nguyên liệu chính là lúa mì với muối. 

Theo lời ông Paul Visher, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đặc trách phòng vệ dân sự, phát biểu trước Quốc hội Mỹ năm 1962: “Loại bánh quy do Bộ Nông nghiệp làm ra có thành phần tương tự như loại bánh tìm thấy trong các Kim tự tháp ở Ai Cập, ra đời từ 3.000 năm trước…”. Điều đó có nghĩa là thời hạn sử dụng của Survival Cracker gần như vô hạn.

Thoạt đầu, bánh Survival Cracker được sản xuất bởi một nhà máy duy nhất đặt ở thành phố Seattle, bang Oregon nhưng sau đó, để có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ cho phép các “ông lớn” trong làng bánh Mỹ tham gia, như các Công ty Sunshine, Kroger, Southern Biscuit, Nabisco và Keebler. Cho đến cuối năm 1964, đã có hơn 200 triệu thùng Survival Cracker được đưa ra thị trường.

Tom Biller, giáo viên ở thành phố Houston, bang Texax nói: “Chỗ chúng tôi có căn cứ của Cơ quan Hàng không, Không gian Mỹ (NASA) nên có thể nó sẽ là mục tiêu của người Nga. Vì vậy, ngoài việc xây hầm trú ẩn, gần như tất cả những gia đình tích trữ lương thực ở Houston đều mua bánh Survival Cracker”.

Tháng 6/2019, khi san ủi mặt bằng để lấy chỗ xây một nhà máy sản xuất vòng bi cho động cơ máy bay, người ta đã phát hiện căn hầm trú ẩn của gia đình Tom Biller, nằm sâu 6 mét dưới mặt đất. Trong hầm, ngoài các loại thịt, cá, đậu, đóng hộp đã hư hỏng hết; hơn 30 thùng bánh Survival Cracker vỏ thiếc đã rỉ sét nhưng khi mở ra, lớp các tông và màng bọc nylon bên trong vẫn còn nguyên, những chiếc bánh quy vẫn ăn được và vẫn có mùi vị bình thường! 

Riêng Công ty Marlynn, họ nêu ra 14 loại thực phẩm dành cho “ngày tận thế”, hoàn toàn có thể ăn được kể cả khi nó đã hết hạn sử dụng 3 năm đến 30 năm, gồm mật ong, gạo, bơ đậu phộng, đậu ván khô, ngũ cốc rang trộn đường ép thành thỏi, kẹo sô cô la đắng, thịt sấy khô, cá ướp muối sấy khô, trái cây đóng hộp, sữa bột…, và cũng chính Marlynn đứng ra bán 14 mặt hàng này trong các chuỗi siêu thị của họ!

Từ cuối năm 1965 trở đi, rất nhiều người Mỹ tin rằng “cuộc tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân từ phía Liên Xô” chỉ là sự thổi phồng. Thay vào đó, chiến tranh Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của họ. Đa số hầm trú ẩn bị chủ nhân bỏ hoang hoặc “để dành sau này nếu cần phải sử dụng”. 

Cho đến nay, khá nhiều những hầm trú ẩn chiến tranh hạt nhân ở Mỹ được tìm thấy một cách tình cờ. Năm 2006, trong quá trình kiểm tra cấu trúc của cây cầu Brooklyn ở thành phố New York theo quy định thường kỳ, một số công nhân đã phát hiện một căn hầm nằm gần chân cầu mà trước đây, ai cũng tưởng nó là một phần của trụ đỡ móng cầu. 

Trong hầm, có khoảng 2 tấn vật tư y tế, các túi đựng nước loại 5 nghìn lít và 350 nghìn thùng bánh Survival Crackers. Một trong những người đã nếm thử loại bánh này là ông Iris Weinshall, Ủy viên giao thông vận tải của thành phố New York thời điểm ấy cho biết: “Nhìn thì nó giống như mảnh bìa các tông nhưng khi nhai, nó vẫn có hương thơm của lúa mì. Nếu không ai nói, chắc chắn tôi sẽ không biết nó được làm từ cách đây 56 năm về trước”.

3. Đầu năm 2020, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus COVID-19 gây ra đã khiến thế giới chao đảo. Ở Mỹ, số người nhiễm tính đến ngày 5/3/2020 là 149 người, trong đó có 9 người chết. Do lo sợ dịch bệnh lan tràn, dân Mỹ đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ. 

Tại thành phố Westminster, bang California hôm thứ bảy cuối tuần vừa rồi, các siêu thị như Walmart, Target, Costco, Walgreens đông nghẹt người. Không chỉ dân Mỹ chính hiệu mà người Mỹ gốc Việt, người Mỹ gốc Mexico, Mỹ gốc Hoa, gốc Nhật, gốc Hàn … cũng đổ xô đi mua gạo, bột mì, bột bắp, thức ăn đóng hộp, mì gói, nước uống đóng chai và đặc biệt là nước rửa tay sát khuẩn.

Phóng viên David Bucker của tờ USA Today cho biết đến 4 giờ chiều, tất cả các quầy nước rửa tay sát khuẩn của 4 siêu thị nêu trên đều sạch trơn. Tuy nhiên khi David Bucker hỏi có cần phải làm hầm trú ẩn như hồi Chiến tranh Lạnh không thì ai nấy cũng đều … lắc đầu!

Vũ Cao (Theo USA Today)
.
.