Nội các Italia khủng hoảng vì dính líu tới các băng đảng mafia

Thứ Bảy, 31/07/2010, 13:45
Việc nghe lén các băng đảng mafia ở Italia đã tình cờ dẫn đến những phát hiện bất ngờ liên quan tới hàng loạt quan chức chính trị trong nội các và đảng phái của Chính phủ Thủ tướng Berlusconi. Nếu như liên minh cầm quyền của ông Berlusconi đang bị chao đảo bởi những phát hiện trên thì điều gây ngạc nhiên hơn cả là phe đối lập tại Italia lại không thể tận dụng cơ hội này để giành quyền lãnh đạo đất nước từ tay Thủ tướng Berlusconi.

Chỉ trong vòng vài tháng gần đây, Chính phủ của Thủ tướng Berlusconi đã phải chứng kiến cảnh từ chức của hàng loạt quan chức chính trị. Đầu tiên là Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Claudio Scajola vì bị tình nghi nhận hối lộ, rồi gần đây nhất, hôm 14/7, Thứ trưởng Kinh tế và Tài chính Italia, Nicola Consentino, đã phải từ chức vì bị tình nghi dính líu tới băng đảng mafia ở vùng Napoli.

Nhưng tệ hại nhất là hồi đầu tháng 7 vừa qua, một vị tân bộ trưởng, ngoài áp lực của phe đối lập, đã bị buộc phải từ chức chỉ sau 18 ngày nhậm chức từ chính áp lực đến từ nội bộ của phe chính phủ.

Lý do là vì quyết định của Thủ tướng Berlusconi bổ nhiệm ông Aldo Brancher vào một bộ mới do chính Thủ tướng nặn ra, gọi là Bộ Chuyên trách về vấn đề liên bang. Lý do thầm kín bên trong là vì vị này đang bị tòa án điều tra về một vụ hối lộ có dính líu tới nhiều tổ chức tài chính, kinh tế của gia đình Thủ tướng Berlusconi. Và một khi được bổ nhiệm vào chức vụ bộ trưởng thì nhân vật này sẽ được miễn hầu tòa vì lý do công vụ, một sắc luật vừa được phe đa số của Thủ tướng Berlusconi thông qua hồi tháng 3/2010.

Quyết định bổ nhiệm vị tân bộ trưởng nói trên đã làm bất bình công luận Italia, thậm chí cả một số nhân vật ngay trong hàng ngũ liên minh của phe chính phủ cũng đã phải phản đối và sau cùng vị tân bộ trưởng phải từ chức.

Những vụ bê bối dồn dập trên đã tác động to lớn lên đời sống chính trị tại Italia. Tất cả những vụ bê bối này đều xuất phát từ các cuộc nghe lén điện thoại mà các tòa án đã chỉ thị cho các cơ quan cảnh sát, tổ chức an ninh và hải quan ghi âm.

Một số vụ việc ban đầu chỉ nhằm điều tra một số nghi phạm các tổ chức mafia trong những vụ rửa tiền, nhưng trong quá trình nghe lén điện đàm, giới điều tra đã phải sửng sốt khi nghe thấy tiếng nói của một số nhân vật chính trị trong hàng ngũ lãnh đạo đảng của Thủ tướng Berlusconi.

Và từ khởi điểm là nhắm vào các băng đảng mafia, các tòa án đã bắt buộc phải nới rộng phạm vi điều tra sang lĩnh vực tham nhũng hối lộ, mua bán quyền chức, áp lực chính trị lên các cơ chế nhà nước. Một trong những nhân vật nổi cộm trong những vụ bê bối này là Trưởng ban tổ chức đảng Nhân dân Tự do của Thủ tướng Berlusconi, Denis Verdini.

Trong tất cả các đảng chính trị, Ban tổ chức đảng là cơ quan tối quan trọng, quyết định mọi cơ chế hoạt động cũng như về nhân sự của đảng. Tất cả những quyết định của Ban tổ chức đảng đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới đời sống chính trị của đảng. Cho nên người có trách nhiệm về tổ chức đảng là nhân vật trọng yếu nhất của đảng và là người phải được chủ tịch hoặc tổng thư ký đảng hoàn toàn tin cậy.

Nếu các vụ bê bối đang nổ ra ở Italia đều xoay vòng chung quanh người chịu trách nhiệm tổ chức đảng Nhân dân Tự do thì câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của người lãnh đạo đảng này là như thế nào?

Kể từ tháng 3/2009, đảng Nhân dân Tự do đã chính thức được kết hợp từ hai đảng chính trong liên minh chính phủ, đó là đảng Liên minh quốc gia của đương kim Chủ tịch Hạ viện, Gianfranco Fini và đảng Forza Italia của Thủ tướng Berlusconi. Về mặt tổ chức đảng thì cả hai vị Gianfranco Fini và Berlusconi được coi là đồng thành viên sáng lập đảng.

Tuy là đồng thành viên sáng lập đảng nhưng cho đến nay, nhân cách chính trị và mục tiêu chính trị của hai người đồng sáng lập này lại không giống nhau, thậm chí còn trái ngược nhau trong một số vấn đề.

Chủ tịch Hạ viện Gianfranco Fini (trái) và Thủ tướng Silvio Berlusconi.

Nếu Thủ tướng Berlusconi vẫn coi Quốc hội và chính phủ như một công cụ chính trị riêng tư thì Chủ tịch Hạ viện Gianfranco, vốn không xuất thân với những nợ nần công lý như Thủ tướng Berlusconi, luôn luôn tìm cách đề cao tính cách pháp lý của nhà nước.

Tất cả những quyết định hiện nay của Chủ tịch Hạ viện đều không dựa hoàn toàn vào lợi ích riêng tư của đảng Nhân dân Tự do mà nhằm củng cố và tôn trọng cơ chế nhà nước.

Dù phê phán những quyết định của nội các Thủ tướng Berlusconi hay của phe đa số của chính phủ trong Quốc hội, nhưng rốt cuộc Chủ tịch Hạ viện Gianfranco cũng đành phải cắn răng tuân thủ theo những quyết định của phe đa số của chính phủ trong Quốc hội để tránh tình trạng căng thẳng trong nội bộ đảng Nhân dân Tự do.

Chính những quan điểm gần như đối kháng trên, quan hệ giữa hai nhân vật sáng lập đảng Nhân dân Tự do đang cực kỳ căng thẳng, điển hình là vấn đề tranh luận về luật giới hạn quyền nghe lén của các tòa án, quyền giới hạn tự do báo chí về việc đưa tin những vụ tham nhũng hối lộ của quan chức chính phủ.

Trước một lực lượng chính trị đang bị tê liệt và trì trệ là phe đa số cầm quyền của Thủ tướng Berlusconi thì điều ngạc nhiên là phe đối lập cũng chẳng khá hơn gì. Sở dĩ là vì phe đối lập tại Italia bao gồm rất nhiều đảng phái thuộc mọi phe cánh khác nhau.

Theo giới phân tích, việc phe đối lập tìm ra một đường lối để hạ bệ phe cầm quyền là chuyện không khó nhưng việc họ ngồi chung với nhau để tìm ra một đường lối kinh tế, chính trị và xã hội chung của cả lực lượng đối lập trung tả là chuyện vá trời lấp biển vì hiện nay mâu thuẫn quyền lợi giữa các đảng phái trong phe trung tả dường như không thể giải quyết được

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.