Phi công Trung Quốc đập tan vụ không tặc đầu tiên diễn ra năm 1982

Thứ Hai, 02/06/2008, 10:45
Do nguyên nhân lịch sử nên vụ không tặc xảy ra năm 1982 đến năm 1990 mới có một số thông tin hạn chế đầu tiên được tiết lộ, vén lên phần nào bức màn bí mật.

8h20' sáng ngày 30/7/1982, chiếc chuyên cơ Tử tước (Viscount) màu nhũ sáng mang số hiệu 50258 đậu tại sân bay Hồng Kiều. Chiếc máy bay này sẽ chở phái đoàn quân sự của một quốc gia châu Phi do Tổng tư lệnh quân đội nước này dẫn đầu, thăm Trung Quốc. Phái đoàn này đã kết thúc chuyến thăm Thượng Hải chuẩn bị quay trở về Bắc Kinh tham dự lễ kỷ niệm thành lập Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc được tổ chức vào ngày 1/8.

Chuyên cơ Tử tước là loại máy bay phản lực có cánh quạt với tốc độ tối đa hơn 500km/giờ. Đây là loại máy bay hiện đại nhất của ngành hàng không Trung Quốc hồi đầu thập niên 70, thế kỷ XX.

Cơ trưởng của chiếc chuyên cơ Tử tước mang số hiệu 50258 là Trương Cảnh Hải, phi công phụ là Lan Đinh Thọ và hoa tiêu dẫn đường là Lưu Thiết Quân. Họ đều là sĩ quan ưu tú của lực lượng không quân Trung Quốc. Đúng 9h12', Phòng điều độ sân bay Hồng Kiều thông báo chiếc chuyên cơ Tử tước được phép cất cánh.  

9h20', chiếc chuyên cơ bay vào không phận thành phố Vô Tích thuộc tỉnh Giang Tô. Trong khi các sĩ quan hai bên đang giao lưu vui vẻ tại khoang hành khách thì một người lặng lẽ rời khỏi vị trí ghế ngồi, vào phòng vệ sinh gần buồng lái.

Trong buồng lái, hoa tiêu dẫn đường Lưu Thiết Quân đang tập trung theo dõi, ghi chép các số liệu về độ cao, vị trí, tốc độ bay và sự thay đổi của hướng gió, vào sổ nhật ký bay của chiếc chuyên cơ. Sau đó, Lưu Thiết Quân rời khỏi buồng lái đi đến khoang liên lạc phía sau để thông báo với chỉ huy dưới mặt đất về hành trình và tình trạng của máy bay.

Ngay khi Lưu Thiết Quân vừa rời khỏi buồng lái thì một người đàn ông lặng lẽ bước vào buồng lái và khóa chốt cánh cửa ngăn buồng lái với phần còn lại của chiếc chuyên cơ.

Ngay sau đó một giọng đàn ông ra lệnh cho phi công điều chỉnh hướng bay sang sân bay Đào Viên (Đài Loan) và đe dọa nếu không thực hiện, anh ta sẽ  hủy diệt máy bay và những người trên đó.

Trương Cảnh Hải, Lan Đinh Thọ biết rằng có kẻ đang cướp máy bay. Kẻ không tặc ngay lập tức dứt đứt dây của hệ thống liên lạc nội bộ trên chiếc chuyên cơ khiến trong buồng lái không thể liên lạc hay thông báo tình hình ra bên ngoài.

Trương Cảnh Hải, Lan Đinh Thọ quay đầu lại nhìn kẻ đang uy hiếp họ và không tin vào mắt mình khi nhận ra đó  chính là Trịnh Diên Vũ - một sĩ quan an ninh với nhiệm vụ bảo vệ phái đoàn quân sự nước bạn trong thời gian ở thăm Trung Quốc. Trịnh Diên Vũ chĩa súng về phía hai viên phi công và tiếp tục ra lệnh chuyển hướng bay sang Đài Loan.

Hoa tiêu Lưu Thiết Quân sau khi báo với mặt đất về những thông tin liên quan đến hành trình của chiếc chuyên cơ thì ngay lập tức quay trở về buồng lái. Đột nhiên Lưu Thiết Quân nghe thấy từ trong tai nghe của chiếc mũ bay tiếng của Cơ trưởng Trương Cảnh Hải: “Máy bay bị cướp”.  

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề nhưng với kinh nghiệm bay dày dạn, Lưu Thiết Quân không tỏ vẻ hoang mang mà lặng lẽ rời khỏi khoang liên lạc. Lúc đó, trên máy bay là phái đoàn quân sự nước ngoài và một số lãnh đạo của Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc.

Nhìn qua lỗ khóa trên cửa buồng lái, Lưu Thiết Quân nhìn thấy một người đàn ông mặc áo ngắn tay màu trắng một tay cầm khẩu súng ngắn còn tay kia cầm một chiếc bật lửa. Từ trong buồng lái bay ra mùi xăng. Bằng kinh nghiệm Lưu Thiết Quân biết rằng, chiếc chuyên cơ chỉ đang bay lòng vòng trên không chứ không thay đổi hướng bay. Điều này cho thấy tổ lái đang trì hoãn thời gian để đợi cơ hội. Nhìn từ phía sau, dựa vào dáng người, Lưu Thiết Quân cũng nhanh chóng nhận ra kẻ đang khống chế tổ lái chính là Trịnh Diên Vũ.

Lo ngại nếu kinh động tên không tặc sẽ dẫn đến hậu quả xấu ảnh hưởng đến an toàn của máy bay và tính mạng của những người đang có mặt trên máy bay nên Lưu Thiết Quân hạ thấp chiếc rìu cứu hỏa trên tay và nhẹ nhàng rời khỏi khu vực buồng lái, quay trở về khoang liên lạc.

Lưu Thiết Quân báo cáo về Sở Chỉ huy mặt đất với nội dung: Chiếc chuyên cơ Tử tước số hiệu 50258 bị không tặc tại không phận Vô Tích, Giang Tô và tên không tặc chính là sĩ quan an ninh Trịnh Diên Vũ.

Thông tin về vụ không tặc lập tức được báo cáo cho Bộ Tư lệnh Không quân và chỉ huy đội bay chuyên phục vụ lãnh đạo Trung Quốc. Ngay lập tức, mọi hoạt động của chiếc chuyên cơ Tử tước được đặt vào tình trạng theo dõi đặc biệt khẩn cấp.    

Tại khoang liên lạc trên chiếc chuyên cơ, Lưu Thiết Quân nhận được lệnh từ Sở Chỉ huy mặt đất: “Bằng mọi cách phải bảo đảm an toàn cho phái đoàn quân sự nước ngoài trên máy bay và báo cáo ngay khi có tình huống phát sinh”.

Ngay lập tức, Lưu Thiết Quân tập trung các nhân viên trên máy bay và thông báo ngắn gọn về việc chiếc máy bay đang bị không tặc khống chế buồng lái cùng mệnh lệnh của Sở Chỉ huy mặt đất.

Những nội dung được thông qua bao gồm: tìm mọi cách để bảo đảm an toàn cho hành khách trên máy bay, không tiết lộ tình hình với phái đoàn nước ngoài, tránh gây động đối với tên không tặc, thông báo tình hình với người chỉ huy cao nhất phía Trung Quốc đang có mặt trên máy bay để phối hợp hành động, các tài liệu và ý kiến hành động của nhân viên trên máy bay được viết thành văn bản và cho vào két sắt, chuẩn bị sẵn sàng để phối hợp hành động với tổ lái.--PageBreak--

Trong khoang lái lúc đó, Trịnh Diên Vũ không hề biết rằng những người ở ngoài đã biết sự việc và đang lên kế hoạch đối phó.

Lưu Thiết Quân thông báo với vị tướng thuộc Bộ Tổng tham mưu đi cùng phái đoàn nước ngoài về tình hình trên máy bay và đề nghị ông chăm lo cho phái đoàn khách quốc tế còn việc đối phó với tên không tặc sẽ do phi hành đoàn thực hiện.

Sắp xếp xong mọi việc, Lưu Thiết Quân quay trở lại khoang lái và mang theo chiếc rìu cứu hỏa.

Sau khi khóa cửa buồng lái, Trịnh Diên Vũ rút ra một khẩu súng ngắn rồi hắn vẩy xăng khắp sàn buồng lái và lấy ra một chiếc bật lửa. Mùi xăng nồng nặc trong buồng lái của chiếc chuyên cơ. Chỉ một tia lửa điện nhỏ cũng sẽ khiến buồng lái thành một biển lửa và hậu quả sẽ rất khủng khiếp.

Cơ trưởng Trương Cảnh Hải dùng ánh mắt giao tiếp với phi công phụ Lan Đinh Thọ và hai người lặng lẽ gật đầu. Tên không tặc Trịnh Diên Vũ không hề biết gì về hành động của họ.

Khi nhận được tín hiệu bằng mắt của Trương Cảnh Hải, Lan Đinh Thọ đã tắt công tắc chuyển đổi cần lái ngay phía trước mặt anh và lúc đó chiếc chuyên cơ hoàn toàn chỉ do một mình cơ trưởng Trương Cảnh Hải điều khiển.

Trương Cảnh Hải lặng lẽ khởi động công tắc chuyển đổi cần lái bên trái và khi Trịnh Diên Vũ yêu cầu chuyển hướng bay thì Lan Đinh Thọ xoay nhẹ lên đèn chỉ thị của cần điều khiển bên phải lúc đó vốn đã bị đóng lại. Trịnh Diên Vũ thấy Lan Đinh Thọ gạt cần điều khiển theo hướng anh ta yêu cầu thì rất đắc ý.

Tuy nhiên, Trịnh Diên Vũ không thể ngờ rằng lúc đó cần điều khiển bên phải của chiếc chuyên cơ đã không còn tác dụng và trên thực tế chiếc chuyên cơ vẫn tiếp tục hành trình về hướng Nam chứ không phải là chuyển hướng bay sang phía Bắc đến Đài Loan theo mệnh lệnh của hắn.

Khẩu súng của Trịnh Diên Vũ không làm họ lo sợ mà họ sợ chiếc bật lửa trong tay hắn cùng số xăng lúc đó đã lan khắp sàn buồng lái. Trương Cảnh Hải  bí mật ấn công tắc mở lỗ thông khí dưới bụng máy bay để làm nhanh thêm tốc độ bay hơi của xăng.

Lúc này, Trịnh Diên Vũ cảm thấy có gió luồn vào trong máy bay và hỏi Trương Cảnh Hải: “Tại sao lại có gió?”.

Trương Cảnh Hải đã nhanh trí trả lời rằng: “Đó là do sự thay đổi luồng khí trên tuyến bay và điều này là hoàn toàn bình thường”.

Trịnh Diên Vũ tỏ ra không tin lắm nhưng hắn cũng không thể biết chính xác việc gì đang diễn ra nên chỉ nắm chặt súng và bật lửa trong tay đồng thời nhìn hai phi công với ánh mắt đe dọa. 

Trương Cảnh Hải và Lan Đinh Thọ đều là những người cao lớn với chiều cao hơn 1.80m nên cả hai đã kín đáo ấn nút điều khiển ghế lái lùi lại phía sau từng ít một để tiện hành động khi có thời cơ.

Lúc đó, thời tiết có sự thay đổi, những đám mây gây mưa đã tan và không khí bên ngoài đã ổn định. Trương Cảnh Hải bí mật chuyển chiếc chuyên cơ sang chế độ lái tự động để rảnh tay sẵn sàng đối phó với tên không tặc.

Nhân lúc Trịnh Diên Vũ không để ý, Trương Cảnh Hải và Lan Đinh Thọ đã tháo chốt dây an toàn của ghế lái. Đến lúc này, chiếc chuyên cơ Tử tước đã bị không tặc khống chế gần 30 phút. Mùi xăng trong buồng lái cũng đã giảm dần và xăng trên sàn máy bay cũng đã bay gần hết. Nhận thấy thời cơ đã đến, Trương Cảnh Hải và Lan Đinh Thọ trao đổi tín hiệu bằng mắt và chuẩn bị hành động. 

Đột nhiên, Lan Đinh Thọ chỉ ra phía trước mặt và kêu to: “Biển ở ngay trước mặt rồi”. Thực ra họ biết đó chỉ là hồ Thái Bình thuộc khu du lịch nằm giữa núi Hoàng Sơn và núi Cửu Hoa. Trương Cảnh Hải cũng chỉ vào một con tàu đang chạy phía dưới và hỏi xem Trịnh Diên Vũ có nhìn thấy được lá cờ nước ngoài trên con tàu đó không.

Trịnh Diên Vũ vốn đứng phía sau hai viên phi công nên chỉ nhìn thấy cả biển mây trước mặt và để nhìn được xuống phía dưới hắn phải vươn đầu lên phía trước vào đúng khoảng giữa hai phi công. Đây chính là cơ hội mà Trương Cảnh Hải và Lan Đinh Thọ cố gắng tạo ra.

Khi Trịnh Diên Vũ vươn đầu ra đằng trước để nhìn xuống dưới, nhận thấy đã đến thời cơ, Trương Cảnh Hải dùng hết sức vung cánh tay phải lúc đó đang cầm bản đồ lên đánh trúng mặt Trịnh Diên Vũ, còn tay trái vòng sang giữ chặt lấy cổ hắn và bóp mạnh.

Trương Cảnh Hải nhanh nhẹn rời khỏi ghế lái và Lan Đinh Thọ cũng nhảy qua bàn điểu khiển xông vào khống chế Trịnh Diên Vũ lúc đó đang bị Trương Cảnh Hải kẹp chặt trong cánh tay.

Trịnh Diên Vũ không thể ngờ đến hành động chớp nhoáng của  hai viên phi công. Trong lúc tuyệt vọng hắn bóp cò súng và ba tiếng nổ vang lên nhưng bị tiếng động cơ của chiếc máy bay át mất.

Cả hai viên phi công cố gắng khống chế tên không tặc nhưng Trịnh Diên Vũ là một người cao lớn và đã từng được huấn luyện kỹ năng giao chiến của nhân viên đặc nhiệm nên việc khống chế hắn là rất khó khăn. Cả ba người vật lộn trong khoang lái chật hẹp của chiếc chuyên cơ Tử tước. Cuộc vật lộn khốc liệt đã đẩy bật mở cánh cửa buồng lái.

Lúc đó, Lưu Thiết Quân và một số nhân viên phi hành đoàn đã đứng sẵn bên ngoài nhưng do ánh sáng yếu ớt bên trong máy bay và cả ba đều mặc quần áo giống nhau nên họ không thể nhận ra ai là kẻ không tặc.

Trương Cảnh Hải kêu to để báo với những người đang vây quanh: “Kẻ ở dưới cùng” và cả hai cùng né đầu sang bên cạnh. Ngay lập tức, Lưu Thiết Quân vung chiếc rìu cứu hỏa lên và nhằm đầu Trịnh Diên Vũ giáng xuống. Trịnh Diên Vũ bị đánh trúng đầu lập tức bất động và khẩu súng cũng rời khỏi tay...

Trương Cảnh Hải và Lan Đinh Thọ nhanh chóng quay lại buồng lái kiểm tra mức độ hư hỏng của thiết bị máy bay. May mắn là những viên đạn chỉ tạo ra các lỗ nhỏ trên sàn máy bay còn các thiết bị điều khiển cùng động cơ không hề bị hư hại. Tuy nhiên, Trương Cảnh Hải đã bị thương nặng ở chân phải và nhiệm vụ lái được giao cho Lan Đinh Thọ. 

Tại Bắc Kinh, không khí sở chỉ huy mặt đất đang hết sức căng thẳng vì chờ đợi tin tức từ chiếc chuyên cơ Tử tước. Đúng lúc đó, thông tin từ chiếc chuyên cơ báo về cho biết: Tổ lái và phi hành đoàn đã tiêu diệt được tên không tặc. Máy bay cùng toàn bộ hành khách đều an toàn và đang bay trên không phận Nam Kinh.

Sở chỉ huy mặt đất ra lệnh cho chiếc chuyên cơ hạ cánh xuống sân bay Nam Kinh đồng thời yêu cầu Bệnh viện Lục quân Nam Kinh triển khai phương tiện cấp cứu. Một chiếc chuyên cơ khác đã được phái đi Nam Kinh để đón đoàn đại biểu quốc tế. Mười phút sau, chiếc chuyên cơ Tử tước mang số hiệu 50258 đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Nam Kinh.

Lúc đó, phái đoàn quân sự nước ngoài lấy làm lạ và hỏi rằng, tại sao họ đã bay được hơn một tiếng mà mới chỉ đến Nam Kinh. Họ chỉ nhận được câu trả lời đơn giản rằng: “Máy bay gặp sự cố kỹ thuật và phải đổi máy bay khác”.

Ba ngày sau, một chuyến bay đặc biệt của lực lượng không quân Trung Quốc đã đón các nhân viên thuộc phi hành đoàn của chiếc chuyên cơ Tử tước số hiệu 50258 từ Nam Kinh về Bắc Kinh.

Sau đó, đích thân Chủ tịch Quân ủy trung ương đã ký lệnh phong tặng toàn bộ phi hành đoàn trên chiếc chuyên cơ Tử tước số hiệu 50258 danh hiệu “Tổ lái anh hùng”, 2 phi công là Trương Cảnh Hải và Lan Đinh Thọ cũng được phong tặng danh hiệu “Anh hùng chống không tặc”.

Vụ không tặc này được ghi nhận là vụ không tặc đầu tiên trong lịch sử hàng không Trung Quốc và chiếc chuyên cơ Tử tước hiện được trưng bày tại Viện Bảo tàng hàng không tại Bắc Kinh

T.V. (theo Youth Reference)
.
.