Chuyện trong ngày 11-9 chấn động thế giới:

Thị trấn nhỏ và hàng nghìn trái tim lớn

Thứ Hai, 28/09/2015, 14:20
Sáng thứ ba, ngày 11/9/2001, chiếc máy bay Boeing số hiệu 15 của Hãng Hàng không Delta Airlines (Mỹ) cất cánh khỏi sân bay Frankfurt, Đức, khoảng chừng 5 tiếng và đang băng qua Bắc Đại Tây Dương để đến Mỹ thì phi hành đoàn nhận được thông tin chấn động: Bọn khủng bố đã lần lượt lao 2 chiếc máy bay vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở New York. Tình thế buộc họ phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Gander thuộc thị trấn Lewisporte, tỉnh Newfoundland của Canada.

Toàn bộ thị trấn Lewisporte được huy động khẩn cấp để tiếp nhận tất cả những chiếc máy bay quá cảnh bất đắc dĩ. 14 năm sau “cuộc hội ngộ tình thế” này, Quỹ học bổng Delta 15 đã có hơn 1,5 triệu USD và đã tài trợ cho 134 con em của thị trấn Lewisporte theo học đại học.

Hơn 20 máy bay hạ cánh khẩn cấp

Cô tiếp viên Shirley Brooks Jones nhớ lại: "Tôi được gọi lên buồng lái gặp cơ trưởng Swenney. Ngay khi bước vào, tôi đã nhận ra vẻ mặt nghiêm trọng của cả cơ trưởng lẫn cơ phó. Đưa cho tôi một mảnh giấy được gửi đi từ trụ sở Hãng Delta tại bang Atlanta và được in từ chiếc máy in đặt trong buồng lái. Nó có nội dung: "Toàn bộ đường bay ngang qua không phận nước Mỹ đều đã bị đóng cửa. Lệnh đóng cửa này áp dụng cho tất cả các chuyến bay thương mại của tất cả các hãng hàng không trên toàn thế giới. Hãy hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay gần nhất nào đó rồi thông báo địa điểm cho chúng tôi"…

Đọc xong dòng tin, Shirley đưa mắt nhìn cơ trưởng Swenney, chờ đợi một lời giải thích nhưng chẳng ai nói gì. Shirley kể tiếp: "Mặc nhiên tôi hiểu rằng đang xảy ra một chuyện nghiêm trọng và máy bay cần phải đáp xuống ngay lập tức".   

Sân bay Gander ngày 12/9/2001, lúc phải tiếp nhận 53 máy bay hạ cánh khẩn cấp.

Sau vài phút tìm kiếm trên bản đồ, cơ trưởng Swenney đã xác định sân bay gần nhất ở cách chiếc Boeing mang số hiệu 15 khoảng 400 dặm là sân bay Gander thuộc thị trấn Lewisporte, tỉnh Newfoundland của Canada.

Lập trình xong đường bay, cơ trưởng Swenney gửi tới tháp điều khiển không lưu của sân bay Gander một thông báo, đề nghị được hạ cánh xuống nơi này. Chỉ trong vài giây, chiếc Boeing nhận được sự chấp thuận mà không hề có thêm một câu hỏi nào trong lúc theo lệ thường, cơ trưởng Swenney sẽ phải nói rõ lý do vì sao lại "đi đằng Đông, xuống đằng Tây" bởi lẽ nếu máy bay gặp sự cố thì sân bay mới có đủ thời gian để bố trí xe thang, xe cấp cứu, xe chữa cháy cùng đội ngũ nhân viên y tế, an ninh, cứu hỏa…

Trong lúc máy bay chuyển hướng, một tin nhắn nữa từ Atlanta cho phi hành đoàn của chiếc Boeing 15 biết về vụ khủng bố vừa xảy ra ở WTC. Vài phút sau, tin nhắn tiếp theo nói đến một chiếc máy bay khác đâm vào Lầu Năm Góc và một chiếc đang bị không tặc cưỡng đoạt, chưa rõ sẽ lao vào đâu. Lập tức, cơ trưởng Swenney quyết định "nói dối" hành khách. Qua loa phóng thanh, ông cho biết: "Chiếc máy bay của chúng ta đang gặp một trục trặc nhỏ về hệ thống thủy lực. Nó hoàn toàn không gây nguy hiểm gì cho cuộc hành trình nhưng theo quy định, chúng tôi vẫn phải hạ cánh xuống một sân bay gần nhất - là sân bay Gander ở thị trấn Lewisporte, tỉnh Newfoundland, Canada để kiểm tra. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cụ thể đến tất cả mọi hành khách ngay sau khi tiếp đất".

Nhiều tiếng xì xào vang lên cộng với những khuôn mặt lo âu từ các hành khách nhưng chẳng ai hỏi gì. Tiếp viên Shirley nhớ lại: "Tôi đề nghị hành khách gập bàn ăn phía trước, dựng thẳng lưng ghế và thắt dây an toàn, không đi lại nếu không thật cần thiết. Trong thâm tâm, tôi vẫn chưa rõ chuyện gì đã xảy ra ngoài những thông tin ít ỏi vừa nhận được. Trong giây lát, tôi nghĩ đó chỉ là một tai nạn bởi lẽ lâu nay, khủng bố là chuyện xảy ra tận đẩu tận đâu chứ làm gì có ở ngay trong lòng nước Mỹ".

40 phút sau, chiếc Boeing số hiệu 15 của Hãng Delta Airlines hạ cánh xuống sân bay Gander. Giờ địa phương khi đó là 12 giờ 30 phút trưa, tức 11 giờ trưa  theo giờ Mỹ. Trên đường lăn và các bãi đậu, Shirley nhìn thấy hơn 20 máy bay của nhiều hãng hàng không khác trên thế giới. Hỏi ra mới biết tất cả đều đang trên đường đến Mỹ và đều nhận được lệnh phải hạ cánh xuống nơi gần nhất này.

Khi chiếc Boeing dừng hẳn lại, động cơ đã tắt, trên loa phóng thanh lại vang lên giọng nói của cơ trưởng Swenney: "Thưa quý vị, chắc hẳn quý vị đang thắc mắc có phải những chiếc máy bay kia cũng gặp trục trặc giống như chúng ta không? Nhưng thực tế thì chúng ta phải hạ cánh xuống đây vì một lý do khác". Rồi với những thông tin có được, cơ trưởng Swenney giải thích về 3 vụ khủng bố vừa xảy ra ở Mỹ. Ông nói tiếp: "Chính phủ Canada chịu trách nhiệm về sự an toàn của tất cả chúng ta. Trung tâm điều khiển bay Gander yêu cầu chúng ta vẫn phải sẵn sàng để cất cánh khi được phép nên không ai có quyền tự ý mở cửa ra khỏi máy bay. Họ sẽ cung cấp các dịch vụ về y tế, thức ăn, nước uống. Chúng tôi thành thật cáo lỗi quý vị vì sự bất tiện này".

Từ hàng ghế hành khách, có nhiều tiếng thở mạnh, tiếng tranh cãi và cũng không thiếu những cái nhìn đầy nghi hoặc. Khác hẳn với những chuyến bay khác, lúc máy bay vừa dừng lại là đội ngũ điều khiển xe thang, xe chở hành lý đã áp sát thì bây giờ, không hề thấy ai hay bất cứ một phương tiện nào. Chỉ có lực lượng cảnh sát lên từng chiếc một để  kiểm tra. Pat Tunner - một hành khách trên chiếc Boeing 15 kể: "Họ nhìn chúng tôi một lượt rồi bước xuống, chẳng nói gì cả”.

Khoảng một tiếng sau, rất nhiều máy bay tiếp tục hạ cánh xuống Gander. Tổng cộng có 53 chiếc đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó 27 chiếc là máy bay thương mại Mỹ. Nhiều người cố gọi di động cho thân nhân để biết thêm tình hình nhưng không liên lạc được vì dải tần số phát sóng của Canada khác hẳn với Mỹ. Tiếp viên Shirley  kể: "Điện thoại của một vài hành khách có dịch vụ chuyển vùng quốc tế. Họ gọi cho tổng đài Canada với hy vọng nối được đường dây với Mỹ nhưng tổng đài trả lời các đường dây đến Mỹ đều bị khóa hoặc nghẽn mạch".

Buổi chiều, mọi hành khách đều hay tin tòa tháp đôi New York đã sụp đổ hoàn toàn, Lầu Năm Góc tan nát một phần còn chiếc máy bay thứ 4 bị cướp bởi một nhóm không tặc đã rơi xuống bang Pennsylvania. Họ chỉ còn biết đưa mắt qua cửa sổ, nhìn những chiếc máy bay nằm ngang dọc để tự an ủi rằng mình không phải là những người duy nhất lâm vào hoàn cảnh khó khăn này trong lúc sân bay Gander cho biết mọi người sẽ được ra khỏi máy bay, nhưng phải lần lượt từng chiếc một.

6 giờ chiều, hành khách trên chiếc Boeing 15 được thông báo là 11 giờ trưa hôm sau mới đến lượt họ xuống đất. Ai nấy lắc đầu ngán ngẩm, chuẩn bị chỗ ngủ. Được sân bay Gander cung cấp thức ăn, nước uống nên họ cũng yên tâm phần nào dù phải ngủ trong tư thế nửa ngồi nửa nằm trên ghế.

Nghìn trái tim nồng hậu

10 giờ 30 phút sáng ngày 12/9, nhiều chiếc xe bus - loại xe chở học sinh xuất hiện. Tất cả phi hành đoàn và hành khách của chiếc Boeing 15 lần lượt xuống thang, vào xe, đến sảnh đón tiếp làm thủ tục hải quan rồi đăng ký tên tuổi với Hội Chữ thập đỏ Canada. Tiếp viên Shirley kể: "Sau đó, toàn bộ phi hành đoàn tách ra rồi được đưa đến một khách sạn nhỏ, còn hành khách đi theo lối khác. Vào đến phòng, chúng tôi sững người vì những hình ảnh của vụ khủng bố xảy ra một ngày trước đó đang được phát đi phát lại liên tục trên tivi. Qua Hội Chữ thập đỏ, chúng tôi biết dân số thị trấn Lewisporte vào khoảng 10.400 người nhưng phải lo cho 10.500 hành khách từ các máy bay đã hạ cánh khẩn cấp!".

Một khu thi đấu thể thao được dùng làm nơi ngủ cho hành khách.

Khi 10.500 hành khách đặt chân xuống đất Lewisporte, chính quyền thị trấn đã đề nghị tất cả các trường trung học, các khu vui chơi, giải trí, sân vận động, khách sạn, nhà nghỉ và tất cả những địa điểm có mặt bằng rộng rãi khác trong bán kính 75 km tạm thời dừng việc kinh doanh, hoạt động. Họ sắp xếp những nơi này thành nơi tạm trú cho khách. Mọi học sinh trung học đều được yêu cầu tình nguyện tham gia phục vụ, chăm sóc khách. Shirley nói: "Người dân thị trấn Lewisporte vô cùng thân thiện. Họ gọi chúng tôi là "plane people" (những người từ máy bay). 218 hành khách trên chiếc Boeing 15 của chúng tôi lưu trú tại một trường trung học, cách sân bay Gander khoảng 45km".

Holmes S. Fairry, một nữ hành khách kể: "Ban ngày, chúng tôi được mời đi thăm thị trấn trên những con thuyền chạy dọc bờ sông hoặc đi dạo trên các đường phố, trong các khu rừng. Các tiệm bánh luôn mở cửa với bánh mì tươi và những loại bánh ngọt. Chúng tôi được tự do ra vào những gia đình có máy tính nối mạng Internet để truy cập tin tức hoặc gửi email hay điện thoại cho người thân. Thức ăn được người dân nấu tại nhà rồi mang đến trường. Ai cũng có thể bước vào các nhà hàng, quán ăn mà họ thích. Dĩ nhiên tất cả đều miễn phí. Buổi tối, người dân Lewisporte đến từng phòng gặp gỡ, trò chuyện và an ủi chúng tôi. Một nhóm học sinh mang theo cả đàn guitar để hát cho chúng tôi nghe. Phiếu giặt quần áo được phát tận tay từng người. Nếu không có cái cảm giác nôn nóng chờ đợi để bay về thì rõ ràng đây là một kỳ nghỉ tuyệt vời nhất".

Ngày 14/9, phi hành đoàn của chiếc Boeing 15 được đưa ra sân bay Gander. Trên máy bay, tiếp viên Shirley gặp lại hành khách và nghe họ kể về những gì đã xảy ra với họ trong 2 ngày qua. Nhiều người vừa nói vừa khóc, rằng họ không hề nghĩ rằng những gì mà cư dân thị trấn Lewisporte đã đối xử với họ lại nồng nhiệt và ấm áp như vậy.

Hai ngày đủ để cho mọi người có mặt  trong cú hạ cánh bất đắc dĩ gắn bó với nhau. Họ gọi tên nhau một cách thân mật như thể đã quen nhau từ lâu lắm. Lúc máy bay cất cánh, một hành khách đến gặp tiếp viên Shirley, đề nghị xin mượn hệ thống phát thanh để nói một đôi điều.

Bình thường, chuyện này là không được phép. Shirley kể: "Tuy nhiên hôm đó, tôi có cảm giác như chiếc Boeing 15 là một chuyến bay thuê bao nên tôi thông báo với cơ trưởng rồi trao micro cho khách". 

Cầm chiếc micro, ông khách nhắc lại sự đón tiếp nồng hậu của những người xa lạ và sự trải nghiệm của tất cả mọi người trên máy bay trong 2 ngày qua. Tiếp theo, ông nói rằng bản thân mình muốn làm một điều gì đó để đáp lại lòng tốt của những người dân Lewisporte: "Tôi sẽ thành lập một quỹ lấy tên là Quỹ Delta 15, là số hiệu chuyến bay của chúng ta. Mục đích của quỹ này là cấp học bổng cho các học sinh trung học ở Lewisporte. Tôi kêu gọi các khoản quyên góp dù lớn hay nhỏ từ tất cả mọi quý vị có mặt trong chuyến bay này".

Chỉ vài mươi phút sau, số tiền thu được đã hơn 14.000 USD.

Người đàn ông đó là một bác sĩ ở bang Virginia. Ông nói khi về đến Mỹ, ông sẽ lập tức bắt tay vào việc làm các thủ tục hành chính cho Quỹ học bổng Delta 15. Ông cũng cho biết sẽ gửi bản đề xuất đến Hãng Hàng không Delta Airlines để mời họ đóng góp.

Cho đến giờ, 14 năm sau vụ khủng bố cũng như sau khi chiếc Boeing 15 buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Garder, Quỹ học bổng Delta 15 đã có hơn 1,5 triệu USD và đã tài trợ cho 134 sinh viên, là con em của thị trấn Lewisporte theo học đại học. Gần như tất cả hành khách trên chiếc máy bay số hiệu 15 đều coi Lewisporte là quê hương thứ hai của mình. Mỗi năm, cứ đến ngày 12/9, nhiều người trong số họ lại trở về đây, dẫn theo vợ con, anh em, bè bạn, gặp gỡ những người đã cưu mang họ dù vỏn vẹn chỉ có 2 ngày…

Cao Trí (tổng hợp)
.
.