Vụ mất tích bí ẩn của "nữ hoàng truyện trinh thám" Agatha Christie

Thứ Tư, 24/05/2017, 07:11
Sau khi biến mất suốt 11 ngày trong năm 1926, nhà văn trinh thám Anh Agatha Christie giải thích bà bị mất trí nhớ. Hiện nay, nhà văn Andrew Wilson tiết lộ giả thuyết mới giải thích về sự mất tích kỳ lạ thực sự là do nhà văn nữ có ý định tự sát. Tuy nhiên, sau tai nạn ô tô, bà bất ngờ nhận thức tự sát là tội lỗi nên từ bỏ ý định giã từ cuộc đời.


"Tự sát là ý định xấu xa"

Nữ hoàng truyện trinh thám" sinh ngày 15-9-1890 tại Torquay Devon, Anh với tên Agatha Mary Clariss Miller.  Cha của bà làm nghề giao dịch chứng khoán, còn mẹ là một người sinh trưởng trong gia đình dòng dõi quý tộc. 16 tuổi, bà được mẹ cho sang Paris (Pháp) học hát và piano nhưng chỉ một năm sau đó Agatha Christie quay trở lại London, Anh, gia nhập thế giới thượng lưu.

Đang độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, với một nhan sắc rực rỡ, tính cách lãng mạn, Agatha Christie như một đóa hoa kiêu kỳ, thu hút sự chú ý của các chàng trai con nhà danh giá, trong đó có Archibald Christie - một phi công thuộc lực lượng Không quân Hoàng gia Anh.

Agatha và người chồng Archibald Christie.

Cuộc tình đắm say của đôi trai tài gái sắc vừa chớm nở thì Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Archibald Christie được điều động sang Pháp chiến đấu. Trong nỗi nhớ mong da diết, hàng ngày, Agatha Christie chỉ còn biết viết thư gửi cho người yêu nơi chiến trường và chờ đợi hồi âm. Rồi trong một kỳ phép ngắn ngủi năm 1914, đôi uyên ương đã làm đám cưới. Khi chàng phi công quay lại quân ngũ, Agatha Christie luôn trong tâm trạng lẻ loi, cô độc.

Để khỏa lấp nỗi nhớ nhung, Agatha Christie bắt đầu viết lách nhưng lúc đó bà chưa biết nên bắt đầu bằng thơ, tiểu thuyết tình cảm hay truyện trinh thám… Mấy cô em họ của Agatha Christie thì bảo rằng, tiểu thuyết trinh thám rất chán, vì chỉ cần xem một vài trang là đã biết ngay ai là thủ phạm rồi. Họ còn nói thêm rằng, bà không thể viết tiểu thuyết trinh thám được vì đó là lĩnh vực của đàn ông. Nghe thấy thế, Agatha Christie bảo rằng: "Chẳng có ai cấm phụ nữ viết truyện trinh thám cả, và  quả quyết rằng bà sẽ viết giỏi hơn đàn ông.

Agatha từ đó lao vào viết truyện trinh thám với một tốc độ phi thường. Trung bình cứ 6 tuần là bà hoàn thành một tiểu thuyết, rồi còn dành nhiều thời gian để sửa chữa tác phẩm - một quá trình khó khăn, đôi khi phải bỏ ra nhiều công sức hơn cả lúc viết tác phẩm đó. Brian Aldiss, một người bạn của Agatha kể: "Cô ấy hoàn thành cuốn sách cho đến chương cuối, sau đó chọn ra kẻ khó ngờ nhất trong số những nghi phạm và quay lại phần đầu viết lại một số chi tiết để định hình nhân vật đó". Điều này khiến cho các tiểu thuyết trinh thám của Agatha luôn hồi hộp và cuốn hút đến tận trang cuối cùng.

Tác phẩm đầu tay được Agatha Christie viết năm 1916 khi Archibald Christie đang ở chiến trường còn bà là một trợ lý dược ở một trạm cứu thương. Agatha Christie đã đánh máy tác phẩm của mình cẩn thận, đính kèm một lá thư nhỏ rồi gửi tới một số nhà xuất bản danh tiếng ở London. Tiểu thuyết này bị một vài nhà xuất bản từ chối cho đến khi nó được nhà xuất bản The Bodley Head đồng ý với điều kiện Agatha Christie phải thay đổi cái kết của câu chuyện. Cuốn sách được xuất bản năm 1920 với tựa đề "The Mysterious Affair at Styles" (Vụ án bí ẩn ở Styles).

Chiến tranh kết thúc, chàng phi công của Agatha Christie trở về lành lặn nhưng tâm tính trở nên thất thường. Việc chăm sóc Archibald Christie đã khiến Agatha Christie phải dành rất nhiều thời gian, nhưng bù lại, khi cùng chồng thực thi những chuyến công vụ vòng quanh các nước thuộc địa của Anh, Agatha Christie đã thu lượm được rất nhiều tư liệu để sau này dựng thành các tác phẩm nội dung phong phú và lôi cuốn người đọc. Hai người chỉ có một đứa con gái duy nhất trong vòng 14 năm chung sống. Vào cuối năm 1926, Agatha phát hiện chồng mình ngoại tình với một phụ nữ khác. Nhưng thay vì đánh ghen và trả đũa ông chồng ăn vụng, Agatha Christie lại có cách hành xử khác người.

Ngày 3-12-1926, Agatha Christie (lúc đó 36 tuổi) lái chiếc xe Morris Cowley rời khỏi căn nhà riêng ở Sunningdale thuộc hạt Berkshire miền nam nước Anh để tới hạt Surrey. Đến sáng ngày hôm sau, người ta tìm thấy chiếc xe của bà bị đổ ở ngoài đồng, cửa xe mở toang như thể bà bị kẻ lạ mặt bắt cóc, bên trong xe vẫn còn để lại chiếc áo lông thú và giấy phép lái xe.

Sự biến mất khó hiểu của Christie dẫn đến cuộc tìm kiếm quy mô với sự tham gia của hơn 1.000 sĩ quan cảnh sát cùng với 15.000 người tình nguyện, đồng thời báo chí cũng đăng tin kêu gọi mọi người cung cấp thông tin về nữ nhà văn. Lúc đó, nghi phạm hàng đầu liên quan đến vụ mất tích là chồng bà, đại tá Archibald Christie.

Sau khi mất tích suốt 11 ngày, bất ngờ người ta phát hiện Agatha Christie đang lưu trú trong một khách sạn ở thị trấn Harrogate thuộc tỉnh North Yorkshire tận miền bắc nước Anh và đăng ký thuê phòng dưới tên Nancy Neele, tên người tình mới của đại tá Archibald. Về sau, nữ nhà văn tuyên bố mình bị chứng mất trí nhớ trầm trọng cho nên dẫn đến sự việc ngoài ý muốn và điều này cũng được các bác sĩ tâm thần xác nhận.

Agatha còn trả lời một số tờ báo rằng tinh thần của bà bị suy sụp sau cái chết của người mẹ, đến nỗi mất trí nhớ. Do sự kiện này được đăng tải trên báo chí, nên dĩ nhiên là chồng của bà Agatha khi đọc báo hiểu ngay là vợ ông muốn nói gì khi thuê phòng ở tận North Yorkshire xa xôi dưới cái tên của cô tình nhân. Vào lúc đó, chỉ có những người trong cuộc mới hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện. Hai vợ chồng ly dị đúng hai năm sau.

Giai thoại này cho thấy trí tưởng tượng khác thường của Agatha Christie. Bà thường hay nói là bà bị ám ảnh bởi các nhân vật trong tiểu thuyết, và bà so sánh lối sáng tác của mình "như một cái nồi đang để ở trên bếp đun lửa nhỏ, thức ăn trong nồi không bao giờ bị khét nhưng điều đó luôn buộc tôi phải để mắt canh chừng".

Cuốn sách mới của nhà văn Andrew Wilson "A Talent For Murder" xoay quanh câu chuyện về sự biến mất đột ngột hết sức kỳ lạ của "Nữ hoàng truyện trinh thám" vào năm 1926 ấy. Wilson nghiên cứu chi tiết những cuộc phỏng vấn do báo chí thực hiện với nữ nhà văn trong nhiều năm sau vụ mất tích khó hiểu, cũng như phân tích tâm trạng nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết bán tự truyện tựa đề "Unfinished Portrait" (tạm dịch: Bức chân dung chưa hoàn thành) của bà.

Andrew Wilson viết trên tạp chí Event: "Mặc dù Agatha không hề nói gì về vụ biến mất gây xôn xao dư luận năm 1926 song tuyên bố về sự mất trí nhớ của bà là hoàn toàn không đúng sự thật. Sau cái chết của người mẹ, chứng trầm cảm của bà càng trở nên tồi tệ hơn khi những rắc rối trong cuộc sống riêng tư liên quan đến người chồng dồn dập xảy đến. Bà bị chứng mất ngủ hành hạ, ăn ít hơn và cảm thấy hoang mang, cô đơn pha lẫn tuyệt vọng".

Agatha Christie trong căn nhà ở Wallingford.

Trong cuộc phỏng vấn của tờ Daily Mail ngày 3-12-1928, Agatha Christie cho biết: Trên đường trở về - sau khi thăm một người thân - bà lái xe đi qua một mỏ đá và lúc đó trong đầu nảy sinh ý định tự sát. Có thể dòng tư tưởng đen tối khiến nữ văn sĩ bị lạc tay lái khiến xe va vào vật gì đó làm cho đầu bà đập vào tay lái. Giả thuyết mà Wilson đưa ra là cú va đập vào đầu giúp cho Agatha Christie bất ngờ tỉnh táo lại và nhận thức rằng, tự sát không là hành vi chấp nhận được đối với một tín đồ Cơ đốc giáo như bà.

Do đó, để che giấu hành vi đáng hổ thẹn của mình mà Agatha Christie chọn cách nói dối là mình bị mất trí nhớ. Wilson cũng phân tích tâm lý nhân vật nữ Celia trong cuốn tiểu thuyết bán tự truyện "Unfinished Portrait" xuất bản năm 1934 của nữ nhà văn dưới bút hiệu Mary Westmacott. Trong cuốn sách, nhân vật Celia "thừa nhận rằng ý định tự sát là xấu xa".

Năm 1930, Agatha trở thành Lady Mallowan sau khi làm đám cưới với nhà khảo cổ học Max Mallowan. Người ta ước tính khoảng 1 tỷ bản sách của Agatha Christie được bán ra ở Anh và 1 tỷ khác trên thế giới với 103 ngôn ngữ khác. Nữ văn sĩ qua đời năm 1976 ở Cholsey, gần Wallingford thuộc hạt Oxfordshire miền nam nước Anh. Trong cuộc đời, Agatha Christie sáng tác một khối lượng tác phẩm đồ sộ bao gồm: 66 tiểu thuyết, 154 truyện ngắn, 20 vở kịch và nhiều bài thơ, tự truyện… Năm 1995, Agatha Christie là người đầu tiên nhận giải Grand Master Award của Hội Nhà văn trinh thám Mỹ. Phần lớn các tác phẩm của "Nữ hoàng truyện trinh thám" được chuyển thể thành phim điện ảnh.

Agatha Christie là người… không có phương pháp làm việc!

Cho đến nay, dường như chưa có tác giả nào soán ngôi Agatha Christie trong lĩnh vực tiểu thuyết trinh thám. Nhà văn này được xem như là một hiện tượng văn học và được giới chuyên gia dày công nghiên cứu không kém gì tác giả Arthur Conan Doyle, cha đẻ của thám tử tài ba Sherlock Holmes. Vào lúc mà mọi người tưởng chừng như đã biết hết mọi chuyện về bà, thì bất ngờ vào năm 2004, Matthew Prichard-người cháu ngoại của bà- phát hiện ra các quyển sổ tay bị bỏ quên trong một chiếc rương tại ngôi nhà của bà ở vùng Devon.

Cả thảy có đến 73 quyển tập, trong đó nữ văn sĩ ghi chép tất cả những chi tiết trong cuộc sống thường ngày, những ý tưởng vừa nảy sinh, cách phác họa một câu chuyện, lối tạo dựng các nhân vật hư cấu. Do là sổ chép tay, cho nên có những đoạn rất khó đọc, khi thì bị gạch xóa, lúc thì viết tắt, đánh dấu hay chú thích bằng ký hiệu.

Cuốn sách của Andrew Wilson.

Điều đó cũng có nghĩa là tất cả những quyển sổ tay này không có mục đích được phổ biến cho người đọc. Nhà nghiên cứu John Curran đã mất khá nhiều thời gian để giải mã tất cả các quyển sổ tay, rồi chắt lọc tập hợp lại thành một quyển sách dày hơn 500 trang. Sau khi được phát hành bằng tiếng Anh dưới tựa đề "Agatha Christie's Secret Notebooks", quyển sách này mới được dịch sang tiếng Pháp và một số ngôn ngữ khác.

Bà Marie Caroline Aubert, Giám đốc nhà xuất bản Editions du Masque cho biết cảm nhận của mình về "Những quyển sổ tay bí mật của Agatha Christie" như sau: "Khi đọc quyển sách này, tôi khám phá nữ văn sĩ Agatha Christie dưới một góc độ mới. Người ta thường nói các nhà văn ít nhiều đưa mình vào trong các nhân vật mà họ tạo dựng. Đằng này, nét cá tính của các nhân vật chính trong tiểu thuyết rất khác với bà ở ngoài đời.

Ở trong truyện, thám tử người Bỉ Hercule Poirot luôn luôn tuyên bố: ông làm việc có trật tự và phương pháp, mọi cuộc điều tra phải được tiến hành đúng theo quy trình. Đọc sổ tay của Agatha Christie, tôi mới nhận thấy là bà không có phương pháp làm việc, một nhà văn dồi dào tư tưởng sáng tạo, nhưng lại không biết thế nào là trật tự ngăn nắp. Do hay quên, cho nên bà ghi chép tất cả những gì cần phải nhớ vào sổ tay, từ chuyện đi chợ cần mua những gì, cho đến ngày sinh nhật của một người bạn, những chi tiết đôi khi nhỏ nhặt, nhưng bà sợ quên nên vẫn ghi.

Vấn đề ở đây là bà không chỉ có một quyển sổ tay, mà lại có đến hàng chục quyển khác nhau. Có quyển thì để ở trong phòng khách, một quyển khác ở trong nhà bếp, rồi phòng ngủ, phòng tắm, hay ở ngoài vườn. Khi cần phải ghi chép thì bà lấy ngay quyển sổ tay nào gần nhất, nằm ngay ở trước mắt chứ không hề có ghi ngày tháng, hay đi theo một trình tự nhất định nào cả.

Do đó, nhà nghiên cứu John Curran buộc phải sàng lọc lại, sắp xếp các lời ghi chép theo chủ đề và giữ lại những gì quan trọng nhất đối với người đọc, chẳng hạn như các ý tưởng liên quan đến diễn tiến hay bối cảnh của một câu chuyện, tâm lý cũng như cá tính của từng nhân vật mà Agatha Christie đang xây dựng trong tiểu thuyết của bà.

An An - Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.