Báo động về sự bành trướng của IS ở Đông Nam Á

Thứ Bảy, 06/11/2021, 14:15

Tháng 12-2015, Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria, đã bị tiêu diệt tháng 10-2019, kêu gọi người Hồi giáo trên khắp thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh Bangsamoro ở Philippines.

Cuối năm 2017, trước những tổn thất về lãnh thổ ở Trung Đông, IS đã phát hành một video kêu gọi các chiến binh của họ (đặc biệt là những người Hồi giáo ở các nước láng giềng Đông Nam Á) đến Philippines thay vì Iraq và Syria... Những thông điệp như vậy cho thấy nguy cơ Đông Nam Á trở thành nơi IS lựa chọn làm nơi mở rộng sự hiện diện.

Mạng lưới trải rộng của IS ở Philippines, Indonesia và Malaysia

Ở Đông Nam Á, những cam kết trung thành đầu tiên với IS xuất hiện vào giữa năm 2014 đến từ Isnilon Hapilon, thủ lĩnh nổi bật của nhóm Abu Sayyaf có trụ sở tại Philippines (ASG), và Santoso của Mujahideen Đông Indonesia (MIT) .

Tuy nhiên, phải đến năm 2016, IS mới công khai thừa nhận lời thề trung thành của các nhóm này và tuyên bố Hapilon của ASG là tiểu vương khu vực. Một video của IS công bố vào tháng 6-2016  ghi lại hình ảnh các chiến binh Indonesia, Malaysia và Philippines thực hiện nghi thức cam kết trung thành với Isnilon với tư cách là tiểu vương của IS ở khu vực Đông Nam Á. Nhóm Basilan của nhóm Abu Sayyaf đảm nhận việc cung cấp chuyên gia và hỗ trợ hoạt động, nhóm Ansarul Khilafah Philippines nhận được  những sự giúp đỡ của người Indonesia.

Tháng 9-2019, cảnh sát Malaysia đã bắt giữ khoảng 16 cá nhân có liên hệ với IS;  chỉ có 3 người là người Malaysia, 13 người còn lại là người Indonesia. Các nghi phạm bị bắt giữ được cho là đang tích cực cố gắng tuyển mộ những người Indonesia và Malaysia khác và lên kế hoạch tấn công các chính trị gia và các nhóm không theo đạo Hồi.

h1.jpg -0
Một nhóm chiến binh Hồi giáo Đông Nam Á đang thề trung thành với IS (2016).

Cuộc vây hãm để tái chiếm Marawi kéo dài 5 tháng vào năm 2017 ở miền nam Philippines là sự kiện quan trọng nhất liên quan đến hoạt động của IS ở Đông Nam Á. Trận chiến bùng nổ khi một nhóm chiến binh có liên hệ với IS, dẫn đầu bởi phe ASG-Basilan của Isnilon Hapilon và nhóm Maute, đánh chiếm được thành phố Marawi. Được biết, khoảng 600 chiến binh thánh chiến, trong đó có cả người Indonesia và Malaysia, thậm chí là người Ngô Duy Nhĩ đến từ miền Tây xa xôi của Trung Quốc đã tiến hành một trận chiến trong khu vực đô thị phía Nam Mindanao nơi có đa số người Hồi giáo sinh sống. Phải mất 5 tháng bao vây, tấn công, các lực lượng vũ trang Philippines mới đánh bật được nhóm khủng bố, chiếm lại được thành phố.

Các ví dụ trên cho thấy các hoạt động hoặc phong trào của các chiến binh có liên hệ với IS không nhất thiết bị hạn chế bởi ranh giới quốc gia. Tuy nhiên, một điều hiện vẫn chưa rõ ràng là bản chất thật sự của mối liên hệ giữa Nhà nước Hồi giáo Trung ương và các nhóm thân Nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á là như thế nào?

Mức độ khác biệt về mối đe dọa ở từng quốc gia

Dù sau khi tuyên thệ trung thành với IS, mối liên hệ xuyên quốc gia của các chiến binh Hồi giáo ở Đông Nam Á đã tăng lên rõ rệt, tuy nhiên trên thực tế mức độ đe dọa của IS ở mỗi quốc gia này hiện vẫn còn có sự chênh lệch lớn. Philippines phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố phức tạp hơn rất nhiều so với Indonesia. Những hoạt động khủng bố tàn bạo trong tình trạng bất ổn diễn ra đã từ lâu ở khu vực phía Nam Philippines, nơi các nhóm như ASG và BIFF quyết liệt đòi độc lập và thực thi luật Sharia.

Nếu như các phiên bản Hồi giáo ở Indonesia và Malaysia là những phiên bản tương đối phổ biến và ôn hòa, Philippines từ lâu đã trải qua những căng thẳng và phẫn nộ ngày càng tăng trong các khu vực có đa số người Hồi giáo sinh sống, những xung đột này đã kích hoạt chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đối với Philippines, mối đe dọa của IS có còn nằm ở tầm trung hay dài hạn hay không phụ thuộc vào sự thành công của nỗ lực tái thiết sau khi tái chiếm lại Marawi, nỗ lực  giảm bớt sự bất bình của những người Hồi giáo và khả năng triệt phá các cơ sở hạ tầng của mạng lưới chiến binh Hồi giáo.

Trong lịch sử, Indonesia đối phó chủ yếu với nhóm chiến binh Jemaah Islamiyah (JI), nhóm có chân rết trải rộng khắp Đông Nam Á. Jemaah Islamiyah thành lập năm 1993 sau khi tách khỏi Hồi giáo Darul, mục tiêu của JI là biến Indonesia thành một Nhà nước Hồi giáo.

Dẫu rằng có nguồn gốc địa phương, JI vẫn được coi là một phong trào xuyên quốc gia có liên kết với Al-Qaeda và với các chi nhánh ở Malaysia và Philippines. JI có liên quan đến chuỗi hoạt động đánh bom vào những năm 2000, bao gồm cả cuộc tấn công ở Bali năm 2002. Tuy nhiên, từ sau vụ Bali, JI đã  chuyển hướng dành sự ưu tiên cho việc tuyên truyền Hồi giáo hơn là bạo lực, nguyên nhân là do những thất bại và những phẫn nộ mà tổ chức này đã  phải hứng chịu sau các vụ đánh bom những năm 2000.

h2.jpg -0
Video do IS tung ra ngày 20-8-2017 kêu gọi các chiến binh đến Philippines thay vì đến Iraq và Syria.

Một nhóm nổi bật khác ở Indonesia là MIT, có bản doanh ngay bên ngoài Poso ở khu vực Trung Sulawesi. Từ năm 2010, MIT đã tiến hành một cuộc thánh chiến chống lại chính quyền và cảnh sát ở khu vực Poso. Lãnh đạo của MIT, Santoso, kẻ đã bị tiêu diệt vào năm 2016, là một trong những người Indonesia đầu tiên cam kết trung thành với Al-Baghdadi của IS.

Hệ tư tưởng của IS nhấn mạnh việc tạo ra một caliphate (vương quốc Hồi giáo), là điều mới mẻ và hấp dẫn đối với khu vực và đã cung cấp một nền tảng chung để thống nhất nhiều tổ chức. Ngoài ra, nếu như trong quá khứ các chiến binh Hồi giáo có liên hệ với Al-Qaeda thường hướng tới các cuộc tấn công nhằm vào các biểu tượng có ảnh hưởng của phương Tây, thì lực lượng chiến binh chịu ảnh hưởng của IS ở Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung lại hướng đến việc khủng bố các nhóm tôn giáo thiểu số khác trong nước.

Tuy nhiên ảnh hưởng của IS tại Indonesia chỉ thực sự rõ nét với sự ra đời của Jemaah Ansharut Daulah (JAD), thành lập năm 2015 và là tác giả của các vụ đánh bom ở Surabaya (Đông Java) vào tháng 5-2018. Sau cái chết của Santoso - thủ lĩnh MIT, JAD đã nổi lên như là nhóm lớn nhất trong mạng lưới của IS ở Indonesia và thường xuyên liên lạc với các thủ lĩnh IS ở Syria để lên kế hoạch các cuộc tấn công trong phạm vi Indonesia.

JAD đã không ngần ngại sử dụng phụ nữ và trẻ em trong các cuộc đánh bom tự sát ở Surabaya. Trong hàng ngũ của JAD cũng đã xuất hiện các chiến binh nước ngoài là những người Duy Ngô Nhĩ đến từ các vùng phía Tây Trung Quốc, còn một số chiến binh của nhà nước Hồi giáo Indonesia thì lại đến Philippines để tham gia vào trận chiến Marawi vào năm 2017.

Trái ngược với Philippines và Indonesia, từ năm 2014 đến tháng 7-2019, Malaysia chỉ phải hứng chịu một cuộc tấn công có liên quan đến IS: đánh bom ở một hộp đêm gần Kuala Lumpur với hậu quả là 8 người bị thương. Không giống như Philippines và Indonesia, Malaysia không phải trải qua tình trạng bạo lực cực đoan kéo dài, dẫu rằng các nhóm cực đoan trong khu vực đã liên tục sử dụng Malaysia như địa điểm trung chuyển để vận chuyển tiền và vũ khí trong nhiều năm. Kuala Lumpur cũng được biết đến là địa điểm mà các thành viên Al-Qaeda vào tháng 1-2000 đã họp mặt với nhau để lên kế hoạch cho vụ tấn công 11-9.

Mối liên hệ của Malaysia với IS được khởi đầu khá muộn màng vào tháng 11-2014, sau khi có một số người Malaysia gia nhập Katibah Nusantara, đơn vị chiến binh Đông Nam Á của IS ở Syria. Các nghi phạm bị chính quyền Malaysia bắt giữ trong vụ tấn công ở Jakarta vào năm 2016 đều ít nhiều có liên quan đến Katibah Nusantara. Ảnh hưởng chủ yếu của IS ở đây thể hiện thông qua các diễn đàn trực tuyến và các chiến dịch tuyển mộ chiến binh thánh chiến. 75% các chiến binh của IS tại Malaysia được tuyển dụng qua mạng xã hội, đó không chỉ là những thanh niên không có việc làm mà còn có cả các thành phần thuộc tầng lớp trung lưu.

h3.png -0
Biểu đồ hoạt động xuyên biên giới của IS ở Đông Nam Á.

Những biện pháp ứng phó khẩn cấp 

Sự gia tăng phản ứng của Chính phủ Philippines, Indonesia và Malaysia đối với mối đe dọa đến từ IS là dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Philipines, Indonesia và Malaysia đã đồng ý hợp tác, chia sẻ các nguồn lực và thông tin tình báo để ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Nhà nước Hồi giáo và chặn đứng lại dòng chảy của các chiến binh và nguồn tài trợ khủng bố trên khắp khu vực quần đảo.

Cả ba quốc gia đã cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật và đề ra các luật chống khủng bố mới. Indonesia đã thành lập Bộ Chỉ huy Hoạt động đặc biệt (KOOPSSUS) theo luật chống khủng bố sửa đổi năm 2018. Tương tự như vậy, Malaysia đã thành lập lực lượng chống khủng bố liên cơ quan đầu tiên của mình (NSOF), lực lượng này tập hợp các thành viên của Lực lượng Vũ trang Malaysia, Cảnh sát Hoàng gia Malaysia và Cảnh sát hàng hải Malaysia.

Tại Philippines, trọng tâm chống khủng bố chủ yếu là sử dụng các hoạt động quân sự để ngăn chặn các cuộc tấn công từ các chiến binh. Vào năm 2017, bên cạnh các cuộc tuần tra hàng hải chung vẫn đang tồn tại,  Indonesia, Malaysia, Philippines đã đồng ý bổ sung thêm  các cuộc tuần tra trên không để đảm bảo an ninh chung trên vùng biển Sulu có biên giới chung.

Những hành động như vậy nhằm ngăn chặn các chiến binh từ Indonesia và Malaysia đổ bộ vào miền Nam Philippines. Cả ba nước cũng tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài cả về tài chính lẫn kỹ năng chống khủng bố, những nguồn hỗ trợ này chủ yếu do Mỹ và Úc cung cấp.

 Những nỗ lực này phần nào đã bước đầu chặn đứng được tham vọng bành trướng của IS sang Đông Nam Á.

Dương Thắng
.
.