Bê bối tình báo liên quan phần mềm gián điệp Pegasus

Thứ Ba, 17/05/2022, 22:30

Vụ bê bối cài phần mềm gián điệp theo dõi điện thoại hàng trăm người ở Tây Ban Nha đã khiến cho Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia phải mất chức. Trong khi đó tại Trung Đông, phần mềm gián điệp Pegasus trở thành công cụ theo dõi các nhà báo, các phần tử chống đối chính phủ.

Giám đốc cơ quan tình báo Tây Ban Nha mất chức

Việc sa thải Giám đốc Trung tâm Tình báo Quốc gia (CNI) Paz Esteban đã được chính phủ Tây Ban Nha thông báo hôm 10-5. Người thay thế bà Esteban là Esperanza Casteleiro, một phụ nữ khác cũng có thời gian làm việc rất lâu năm trong CNI.

CNI là cơ quan tình báo trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đầu tháng 5-2022, Giám đốc CNI Esteban đã thừa nhận trước một ủy ban giám sát của Quốc hội Tây Ban Nha rằng, 18 thành viên của phong trào độc lập Catalan, bao gồm cả lãnh đạo vùng Catalan Pere Aragonès, đã bị theo dõi điện thoại với sự đồng thuận về mặt pháp lý của CNI.

Trong cuộc họp báo thông báo việc sa thải nữ Giám đốc CNI Esteban, Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles cho rằng thực chất đây không phải là sa thải mà là một sự thay người nắm cương vị lãnh đạo CNI. Bà Robles khẳng định CNI hoạt động hoàn toàn đúng pháp luật và trong khuôn khổ quản lý của Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, bà Robles cũng không giấu giếm thực tế tại CNI đang tồn tại một số hạn chế, yếu kém dẫn đến những sai sót trong hoạt động tình báo, từ đó làm phát sinh những vụ việc bê bối như vừa xảy ra. Vì vậy, bà Robles cho rằng việc thay người là một động thái nhằm thay đổi lề lối làm việc tại CNI, cải thiện hiệu quả hoạt động và khắc phục những sai sót.

Bê bối tình báo liên quan phần mềm gián điệp Pegasus -0
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez bị theo dõi điện thoại.

Dư luận quan tâm cho rằng việc bà Esteban mất chức có liên quan đến vụ bê bối tình báo làm ảnh hưởng chính trị khá nghiêm trọng xảy ra cách đây vài tuần. Khi đó, hai tờ báo The Guardian của Anh và El Pais của Tây Ban Nha công bố kết quả điều tra do hai tờ báo này phối hợp thực hiện trong gần 2 năm qua.

Cuộc điều tra phát hiện một số lãnh đạo cấp cao của vùng Catalan – một vùng thuộc Tây Ban Nha đang đòi ly khai – bị nhiễm phần mềm gián điệp Pegasus hoặc thường xuyên bị theo dõi trong giai đoạn từ năm 2017-2020. Sau đó, đến lượt các chuyên gia an ninh mạng của tổ chức Citizen Lab thông báo phát hiện 68 người Tây Ban Nha có liên quan đến phong trào ly khai ở Catalan, kể cả lãnh đạo vùng Catalan Pere Aragonès, bị nhiễm phần mềm Pegasus.

Đặc biệt, trong phát hiện mới nhất của Citizen Lab, con số người Tây Ban Nha bị nhiễm phần mềm gián điệp Pegasus lên đến hơn 200 người. Nghiêm trọng hơn, ngay cả điện thoại của Thủ tướng Sanchez, Bộ trưởng Quốc phòng Robles, Bộ trưởng Nội vụ  Fernando Grande -Marlaska và một số quan chức chính phủ khác cũng bị nhiễm phần mềm Pegasus và bị tấn công, theo dõi điện thoại từ một “thực thể” bên ngoài quốc gia Tây Ban Nha.

Thời gian xảy ra vụ việc được xác định là vào khoảng tháng 5, tháng 6-2021, đó là khoảng thời gian “giông bão” trong chính trường Tây Ban Nha. Việc điện thoại Thủ tướng và các bộ trưởng bị cài phần mềm gián điệp theo dõi là vấn đề rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia. Và việc nhiều người dân, các lãnh đạo chính trị khác cũng bị cài phần mềm Pegasus đã khiến cho sự việc thật sự đáng báo động.

Phát hiện của hai tờ báo và Citizen Lab và sự thừa nhận của bà Esteban đã khiến cho lãnh đạo vùng Catalan, nhất là đảng Catalan Republican Left nổi giận. Người phát ngôn của đảng Catalan Republican Left yêu cầu Madrid phải có biện pháp khôi phục lòng tin trong người dân cũng như các đảng phái chính trị trong vấn đề bảo đảm an ninh.

Đảng Catalan Republican Left là một đảng đồng minh của Thủ tướng Sanchez, và sự ủng hộ của đảng này có ý nghĩa quan trọng đối với sự cầm quyền của ông và đảng của ông. Lãnh đạo vùng Catalan Pere Aragonès cho rằng vụ việc bê bối này càng cho thấy cần nhanh chóng tìm giải pháp giải quyết vấn đề độc lập, ly khai của vùng Catalan.

Bên cạnh đảng Catalan Republican Left, các đảng nhỏ khác trong liên minh cầm quyền Unidas Podemos cũng đang mất lòng tin vào chính quyền của Thủ tướng Sanchez và yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Robles từ chức. Việc thay thế lãnh đạo CNI dường như chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Và ngay cả việc này cũng đang gây ra sự phản đối từ phía các đảng phái đối lập, cho rằng Thủ tướng Sanchez đang hành động theo chiều hướng có lợi cho phe ly khai ở Catalan.

Bê bối tình báo liên quan phần mềm gián điệp Pegasus -0
Giám đốc CNI, bà Paz Esteban.

Phần mềm Pegasus - lợi bất cập hại

Vụ việc Thủ tướng Sanchez và các bộ trưởng bị cài phần mềm Pegasus và thao dõi điện thoại đã được tòa án hình sự Tây Ban Nha thụ lý điều tra nhằm xác định thủ phạm thực sự đứng đằng sau vụ việc này là ai. Bước đầu chính phủ Tây Ban Nha đã xác định được “thủ phạm” cài phần mềm Pegasus là một “thực thể bên ngoài”, nhưng không công bố “thực thể bên ngoài” đó là ai hay quốc gia nào.

Tuy vậy, dư luận chung đều cho rằng vụ việc có liên quan đến Morocco, quốc gia có nhiều người di cư đến Tây Ban Nha trong thời gian qua. Nếu quả đúng Morocco là “thủ phạm” cài phần mềm Pegasus và theo dõi điện thoại Thủ tướng Tây Ban Nha thì đây là vấn đề khác thường, chưa từng xảy ra liên quan đến phần mềm Pegasus trong vài năm qua. Do vụ việc đang được điều tra nên chính phủ Tây Ban Nha cũng chưa đưa ra ý kiến gì đối với vụ việc nghe lén điện thoại Thủ tướng Sanchez cũng như “thủ phạm” theo dõi điện thoại của ông.

Việc cài phần mềm Pegasus theo dõi điện thoại do Morocco thực hiện đã xảy ra từ cách đây khoảng trên dưới 3 năm, tức là vào khoảng năm 2019. Đối tượng bị theo dõi chủ yếu là những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường và các nhà báo, kể cả một số đối tượng chống đối chính phủ các nước.

Trong tài liệu điều tra của báo chí được công bố, có một số điện thoại di động Tây Ban Nha của một người tên là Aminatou Haidar, một nhà hoạt động nhân quyền đến từ vùng Tây Sahara, bị cài phần mềm Pegasus theo dõi từ năm 2018. Đến tháng 11-2021, Haidar lại tiếp tục bị cài phần mềm Pegasus và theo dõi trên chiếc điện thoại thứ hai. Một trường hợp khác là nhà báo Ignacio Cembrero với mảng thông tin chuyên về vùng Maghreb cũng được phát hiện bị cài phầm mềm theo dõi.

Các chuyên gia về gián điệp cho rằng việc hơn 200 người Tây Ban Nha bị cài phần mềm Pegasus không có nghĩa là tất cả đều bị theo dõi ngay, mà đó chỉ mới là bước đầu tuyển chọn số điện thoại để cài phần mềm, việc nghe lén, theo dõi chỉ thực hiện sau khi đã có sự xác định đối tượng cần theo dõi.

Bê bối tình báo liên quan phần mềm gián điệp Pegasus -0
Nhà báo Jamal Khashoggi.

Tháng 6-2020, một nhà báo Morocco tên là Omar Radi đã bị cảnh sát triệu tập thẩm vấn liên quan đến vấn đề phần mềm Pegasus. Công tố viên vùng Casablanca thông báo rằng Radi bị triệu tập liên quan đến một cuộc điều tra về việc anh ta bị nghi ngờ “nhận tài trợ từ các nguồn nước ngoài có liên quan đến các nhóm gián điệp”.

Trước đó, tổ chức Amnesty International và mạng lưới Forbidden Stories (mạng lưới quốc tế chuyên bảo vệ các nhà báo bị quấy rối hay đe dọa, hãm hại) đã công bố thông tin điều tra cho rằng nhà báo Radi bị chính quyền Morocco cài phần mềm Pegasus vào điện thoại di động và theo dõi mọi hoạt động của anh ta vì Radi là nhà báo điều tra với mảng “nhân quyền” hết sức nhạy cảm ở Morocco.

Việc tuyển chọn số điện thoại di động và cài phần mềm Pegasus theo dõi điện thoại không chỉ là việc làm của riêng chính phủ Morocco mà chính phủ nhiều nước trên thế giới cũng đang làm việc này. Theo thống kê từ điều tra của The Guardian và El Pais, có đến trên 50.000 trường hợp điện thoại bị cài phần mềm Pegasus và theo dõi trong những giai đoạn khác nhau.

Tháng 10-2019, WhatsApp – hệ thống nhắn tin đa hệ thống có phạm vi hoạt động toàn cầu – đã nộp đơn lên tòa án ở bang California (Mỹ) kiện công ty NSO của Israel, nhà sản xuất và cung cấp phần mềm Pegasus. WhatsApp cáo buộc NSO đã cung cấp phần mềm gián điệp để sử dụng vào việc theo dõi người dùng điện thoại di động, làm cho 1.400 người dùng của hệ thống WhatsApp tại hơn 20 quốc gia bị nhiễm, bị theo dõi.

Đối tượng bị theo dõi bao gồm các nhà hoạt động nhân quyền, các luật sư, chức sắc tôn giáo nổi bật, nhà báo nổi tiếng và những nhà hoạt động nhân đạo, kể cả một số phụ nữ từng bị bạo hành trên mạng, những người bị đe dọa tính mạng và thân nhân họ.

Đặc biệt, trong số 1.400 nạn nhân bị theo dõi bằng phần mềm Pegasus có Giám mục Benoit Alowonou cùng một số thành viên Giáo hội Thiên Chúa giáo có quan điểm không ủng hộ chính phủ ở nước cộng hòa Togo. Togo cũng là một trong 5 quốc gia châu Phi là khách hàng sử dụng phần mềm Pegasus của công ty NSO.

Bê bối tình báo liên quan phần mềm gián điệp Pegasus -0
Nhà báo Omar Radi ở Morocco.

Trong thư gửi tòa án, công ty NSO than phiền rằng mình đang bị cáo buộc oan, bởi việc theo dõi các đối tượng là vấn đề của chính phủ các nước, công ty chỉ là nhà cung cấp sản phẩm phần mềm phục vụ cho mục đích tốt đẹp. NSO cho biết, khách hàng mua phần mềm Pegasus của công ty chủ yếu là chính phủ các nước, và mục dích sử dụng ban đầu là tốt đẹp.

Ban đầu, các quốc gia chỉ sử dụng phần mềm Pegasus vào việc theo dõi các đối tượng tội phạm, thành phần buôn bán ma túy, buôn người,… Điều này được công ty NSO cho rằng đã góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh chống tội phạm và buôn lậu ma túy, buôn người tại nhiều quốc gia, trong đó có vụ bắt giữ trùm ma túy khét tiếng El Chapo.

Tuy nhiên, về sau việc sử dụng phần mềm tại nhiều quốc gia đã dần dần mở rộng đối tượng. Đương nhiên, nắm trong tay một phần mềm hợp pháp để sử dụng như một công cụ gián điệp hiệu quả thì không gì bằng. Vì vậy, Pegasus dần dần được một số quốc gia, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, sử dụng để theo dõi tất cả những đối tượng có quan điểm chống đối, đi ngược lại đường lối lãnh đạo của mình.

Một trong những vụ việc nổi tiếng ở Trung Đông có liên quan đến phần mềm Pegasus là vụ nhà báo Jamal Khashoggi người Saudi Arabia bị giết chết tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10-2018. Trước khi bị giết, Khashoggi cùng một số đồng nghiệp đã bị cài phần mềm Pegasus theo dõi trong thời gian dài, mọi động thái, lời nói trao đổi công việc và quan điểm của ông đều được theo dõi và ghi lại đầy đủ, từ đó Hoàng gia Saudi Arabia nắm rõ mọi hành động của ông để ra tay.

Nguyên Khang (Tổng hợp)
.
.