Bí mật về sự biến mất của thị trấn Severo-Kurilsk

Thứ Ba, 30/11/2021, 09:35

Đối với Severo-Kurilsk, một địa danh chỉ với 6.000 dân, cái ngày hôm đó đã biến thành ngày tận thế. Tuy vậy, chính quyền cũ đã giữ kín mít mọi bí mật. Những tờ báo hàng đầu đất nước khi ấy đều được lệnh phải yên lặng, còn người sở tại không muốn nhắc lại cảnh tượng kinh hoàng đó trong vài ngày.

Trận động đất năm 1952 xảy ra ở ngoài khơi bán đảo Kamchatka đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trấn Severo-Kurilsk. Thiên tai đã tàn phá nặng nề nhiều khu dân cư trong khu vực Sakhalin và Kamchatka, và tâm điểm thiệt hại nặng nhất vẫn là Severo-Kurilsk. Kể từ năm 1900 thì đây là trận động đất mạnh thứ 5 trên thế giới, cho đến ngày hôm nay nó cũng là trận động đất mạnh nhất trong lịch sử nước Nga.

Thảm họa kép

Tảng sáng ngày 5 tháng 11 năm 1952, lúc đang say sưa giấc nồng thì người dân thị trấn Severo-Kurilsk đột ngột choàng tỉnh giấc bởi những tiếng động mạnh bên dưới lòng đất. Sự lạ diễn ra từ 2 đến 4 phút ngay buổi sáng đó. Tường các ngôi nhà bắt đầu nứt nẻ và lung lay, thạch cao rơi ào ào, đèn trần chao đảo, hàng loạt các món đồ sành sứ và tranh ảnh rơi tung tóe trên sàn nhà.

Hoảng sợ, người dân nhảy khỏi giường và bổ ra khỏi nhà khi chưa kịp mặc quần áo. Núi lửa phun ư? Người ta đang mơ hồ xa xăm: trên đảo Paramushir trong vùng biển Thái Bình Dương, nơi thị trấn Severo-Kurilsk tọa lạc, đang có 23 ngọn núi lửa, trong đó 5 ngọn được cho là đang hoạt động. Ngọn núi gần nhất là Ebeko lại chỉ cách Severo-Kurilsk đúng 7km và thường khiến dân phố thị nhớ đến bởi những đụn khói phun ra từ đỉnh núi.

Bí mật về sự biến mất của thị trấn Severo-Kurilsk -0
Sau khi các con sóng thần rút đi, cả thị trấn Severo-Kurilsk là một đống lộn xộn. Ảnh nguồn: The Saxon.

Tuy nhiên trong sáng hôm đó, các ngọn núi lửa vẫn ngủ im lìm, chả có gì khẳng định chúng là nguồn cơn cho thứ đang xảy ra. Người dân được lệnh có 40 phút để di tản. Những chấn động là do một trận động đất cực mạnh ở đáy biển Thái Bình Dương đo được khoảng 8,3 độ richter. Tâm chấn nằm ở đáy biển tại độ sâu 30 km và 200 km tính từ đất liền.

Rung chấn tiếp tục diễn ra thêm 30 phút nữa và trong suốt thời gian đó, 700 km ven bờ biển đã bị tàn phá tan hoang: từ bán đảo Kronotsky cho đến phía Bắc quần đảo Kuril. Nhà cửa nứt toác, nhưng không có ai bị thương. Sau đó, trong báo cáo của mình về thảm họa, cảnh sát trưởng Severo-Kurilsk, ông P. M. Deryabin viết: “Trên đường đến trụ sở công an huyện, tôi thấy la liệt những mảnh vỡ có bề rộng từ 5 cm đến 20 cm trên đường. Lúc đến trụ sở thì tòa nhà làm việc đã bị bửa làm đôi, những lò sưởi bị bể tanh bành”.

Bí mật về sự biến mất của thị trấn Severo-Kurilsk -0
Một ngọn núi lửa đã tắt trên bán đảo Kamchatka.

Vào thời điểm đó, chấn động có vẻ đã ngừng hẳn và “thời tiết rất êm đềm”. Nhưng  sau sự tĩnh lặng là một tiếng động đinh tai và tiếng đì đùng từ biển cả vọng vào cách đồn cảnh sát chỉ 150 m. Ông Deryabin viết trong tâm trạng hoảng sợ: “Dòm ra ngoài, chúng tôi thấy một bức tường nước nhô cao đang tiến vào đất liền. Tôi móc súng ra, bắn cảnh báo, và hô lớn: “Nước đang tràn vào!”. Trong lúc đó bức tường nước đã dâng sát các ngọn đồi”.

Cùng lúc đó, không ai tin rằng nước đang lao về phía họ. Một số người lại nghe từ “nước” (water) thành “chiến tranh” (war) và khi bức tường nước tràn lên bờ, nạn nhân mới tin rằng hòn đảo của họ đã bị “thủy tặc” xâm lăng. Ai nấy co giò chạy trối chết. Bức tường nước không cao lắm chỉ độ hơn 1m. Đầu tiên nó gây ngập cục bộ và đánh sập những ngôi nhà đầu tiên nằm gần biển. Khoảng 10 đến 15 phút sau đó, nước bắt đầu rút và dân tình lũ lượt quay về nhà để thu dọn đồ đạc, nhưng đó là một sai lầm chết người.

Bí mật về sự biến mất của thị trấn Severo-Kurilsk -0
Một số ít dân thị trấn sống sót là nhờ bám vào các thùng gỗ. Ảnh nguồn: Hostel-bereg.ru.

Ngày tận thế ở Severo-Kurilsk

Đợt sóng đầu rút đi nhưng chẳng mấy chốc con sóng thứ 2 lại ập vào, lần này là bức tường nước cao tới 10m. Do không còn lực cản nào trên đường nên con sóng lao cực mạnh vào sâu trong đất liền. Sáng đó, ngoài con sóng thần ở Severo-Kurilsk thì còn có một bức tường sóng lớn khác đã tấn công vịnh Mussel thuộc đảo Onekotan (sóng cao từ 9,5 đến 10 m), vịnh Piratkov (sóng cao từ 10 đến 15 m) và vịnh Olga (sóng cao từ 10 đến 13 m) thuộc Kamchatka. Nhưng Severo-Kurilsk mới là nạn nhân chính: chỉ trong vòng vài phút, toàn bộ thị trấn với 6.000 dân đã bị cuốn trôi.

Rồi đợt sóng thứ 3 lại tràn vào, suy yếu hơn đợt 2 nhưng nó cũng kịp lôi sạch mọi thứ trên đất liền quẳng ra biển. Cảnh sát trưởng Deryabin rùng mình nhớ lại: “Trong vòng 20, 30 phút, âm thanh ớn lạnh phát ra từ việc sóng biển nghiền nát nhà cửa. Nhiều nhà cửa, mái nhà bị quẳng như những bao diêm và cuốn ra biển”.

Bí mật về sự biến mất của thị trấn Severo-Kurilsk -0
Bức tường khắc tên người dân Severo-Kurilsk tử nạn trong thảm họa kép. Ảnh nguồn: The Saxon.

Sau đó, ông B. E. Piip, người đứng đầu trạm nghiên cứu núi lửa Kamchatka thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã viết trong nhật ký của mình: “Chỉ một phần nhỏ của thị trấn Severo-Kurilsk là còn tồn tại, cũng như trạm điện và trạm liên lạc vô tuyến vì nằm trên các điểm cao. Trạm vô tuyến đã phát đi một tín hiệu SOS nhưng chất lượng kém đến nỗi bộ phận nhận ở thành phố Petropavlovsk-Kamchatsky còn không hiểu  nổi nó là gì”.

Thời điểm đó hệ thống cảnh báo sóng thần chưa ra đời ở Liên Xô. Sau thảm họa, ông Piip lên thuyền chạy dọc bờ biển để ghi lại độ cao của sóng thần cho một ủy ban điều tra đặc biệt. Ông muốn kể những câu chuyện bi kịch ở những nơi khác nhau: “Suốt một thời gian dài, mặt biển liên tục xuất hiện các tử thi, chúng trôi dạt lên bờ”. 

Bí mật về sự biến mất của thị trấn Severo-Kurilsk -0
Hình ảnh ngọn núi lửa Ebeko phun trào năm 2018 được chụp từ tàu nghiên cứu.

Bi kịch bị giấu kín

Buổi bình minh, một máy bay ở Paramushir đã phát hiện ra cả thị trấn Severo-Kurilsk đã bị cuốn trôi. Cả một vịnh biển ngập ngụa rác từ mảnh vỡ nhà cửa và những cái thùng mà những người sống sót đã bám vào. Một cuộc sơ tán trên bộ và trên không đã được phát ra.

Theo các nhà nghiên cứu thì chính việc sơ tán lính biên phòng và các đơn vị quân đội đồn trú tại thị trấn Severo-Kurilsk đã khiến cho bi kịch ở nơi đây bị bưng bít. Tờ Pravda, nhật báo của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô không hề in bất kỳ từ nào về thảm họa tại khu vực Viễn Đông vào ngày sau đó và thậm chí các ngày kế tiếp đó. Tờ Izvestiya cũng nín thinh.

Tờ báo địa phương Kamchatskaya Pravda cũng không đăng tin về đề tài này suốt trong 3 ngày 8, 9 và 10 của tháng 11 năm đó. Đến ngày 11 tháng 11 tờ này có đăng tin nhưng lại là một mẩu tin không hề liên quan: “Với sự phấn khởi cao độ, người Xô Viết tưng bừng kỷ niệm 35 năm Cuộc cách mạng tháng 10 Xô Viết vĩ đại”.

Cho mãi đến đầu thập niên 2000 thì sự thật của thảm họa mới được giải mật một phần, khi chính quyền Nga cho phép tiếp cận các hồ sơ hải quân (Các hồ sơ của Bộ Quốc phòng hãy còn sơ sài). Theo những hồ sơ này thì tổng cộng có 2.336 người đã bị thiệt mạng trong thảm họa ở Bắc Kuril. Cùng lúc, giới sử gia tin rằng trận sóng thần xảy ra ngày 5 tháng 11 năm 1952 đã đoạt mạng ít nhất 8.000 người, trong đó có khoảng 2.000 trẻ em và thiếu niên.

Năm 1956, Liên Xô thành lập Cục Khí tượng và Địa chấn chuyên phát hiện động đất ngoài biển, cùng các hệ thống cảnh báo sớm sóng thần.Thị trấn Severo-Kurilsk được tái xây dựng sau thảm họa kép, lần này là dọn tới các ngọn đồi  cách mực nước biển khoảng hơn 20 m. Ngày nay dân số Severo-Kurilsk khoảng 2.691 người.  

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.