Cái bẫy dịu dàng nhưng khó thoát

Thứ Sáu, 18/03/2022, 21:32

Ngay khi Thế chiến II bùng nổ, Thủ tướng Anh Winston Churchill ra lệnh thành lập Cơ quan điều hành các hoạt động đặc biệt (SOE) với mục đích đào tạo điệp viên để thực hiện những nhiệm vụ bí mật. Tất cả những điệp viên này trong quá trình huấn luyện đều bị kiểm tra bằng nhiều cách, trong đó có mỹ nhân kế. Do không hề hay biết nên hàng chục điệp viên dù có thành tích học tập xuất sắc nhưng vẫn bị loại vì không qua được “ải mỹ nhân”…

Cuộc gặp gỡ ngọt ngào

5 giờ chiều ngày 7-12-1942, một cô gái 22 tuổi với mái tóc nâu huyền bí, khuôn mặt thanh tú và thân hình tuyệt đẹp trong bộ váy áo bó sát bước vào quán cà phê State ở thành phố Liverpool, Anh. Chỉ thoáng liếc qua, cô đã nhận ra “con mồi” của mình: Đó là một anh chàng 26 tuổi, da ngăm đen, ria mép đen, mắt nâu cùng một nốt ruồi nhỏ nằm trên má trái. Chưa hết, cô còn biết anh ta tên là Jose Tinchant, học viên trường huấn luyện điệp viên SOE với thành tích học tập được đánh giá là xuất sắc.

Bước đến gần Jose, cô gái nghiêng người chào rồi kéo ghế ngồi xuống: “Xin lỗi, anh là Tas phải không? Tôi đến hơi muộn. Xe điện lúc này thường chạy không đúng giờ, chắc là vì những trận oanh tạc của quân Đức. May là anh vẫn còn ở đây”.

Nghe cô gái nói, Jose hơi bất ngờ nhưng anh hiểu ngay rằng cô đang nhầm anh với một ai đó tên Tas. Khẽ lắc đầu, Jose cho biết anh không phải là người mà cô cần tìm: “Nhưng không sao. Cô cứ tự nhiên ngồi đây vì biết đâu Tas sẽ đến muộn hơn cô nữa”.

Cô gái nhìn Jose, mắt long lanh tỏ vẻ biết ơn: “Tôi là Christine Collard, người Pháp, phóng viên tự do. Tôi thường viết cho tờ Liberation. Họ đặt tôi một bài nói về tình hình giao thông ở London trong chiến tranh. Một người quen đã giới thiệu tôi với Tas, là chuyên gia trong lĩnh vực này và chúng tôi hẹn gặp nhau ở đây. Nếu anh ấy không đến, có lẽ tôi sẽ không kịp gửi bài về tòa soạn…”.

chris1.jpg -0
Nhan sắc của Christine đã khiến không ít học viên SOE hồn xiêu phách lạc.

Vài phút sau đó, câu chuyện giữa Christine và Jose nổ như pháo rang. Ngoài việc chia sẻ với Christine những gì mình biết về mạng lưới giao thông ở London, Jose còn tiết lộ thêm những chuyện “thâm cung bí sử”, chẳng hạn như quân đội Anh đã cho làm hàng trăm mô hình xe tăng, súng phòng không, xe bồn chở nhiên liệu bằng cao su với hình dáng và kích thước y như thật rồi đặt ở những vị trí không dân cư sinh sống để vừa bẫy máy bay Đức, vừa giúp giảm thiểu những trận oanh tạc nhắm vào thủ đô nước Anh. Jose nói: “Vì thế khi viết bài, em đừng nhắc đến chúng vì chúng không phải là những phương tiện gây cản trở trên đường phố”.

7 giờ tối, Jose ướm lời mời Christine đi xem phim. Sự đồng ý nhanh chóng của cô đã khiến anh phấn khích. Tiếp theo, họ còn đi ăn rồi mới chia tay với lời hẹn “sẽ sớm gặp lại”. Trong báo cáo gửi Đại tá Stanley Woolrych, chỉ huy trường huấn luyện SOE vào sáng hôm sau, ở phần mở đầu, Christine viết: “Tôi đã biết tất cả về Jose Tinchant. Anh ta chỉ đáng được 2 điểm”. Đại tá Stanley nói: “Nếu như bình thường, Josesẽ bị đuổi học nhưng SOE là một trường đặc biệt. Việc loại Jose ra khỏi hàng ngũ có thể khiến anh ta bất mãn, gây nguy hiểm cho những điệp viên khác sau này. Vì thế, chúng tôi lấy cớ rằng SOE sẽ gửi anh ta sang hoạt động ở mặt trận phía Đông nên anh ta cần học thêm ngôn ngữ Slave…”.

Việc “học thêm” của Jose kéo dài cho đến khi quân Mỹ và Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy, Pháp năm 1944 rồi giải phóng phần lớn các quốc gia ở phía Tây châu Âu thì Jose mới chính thức bị kỷ luật bằng hình thức sa thải. Lúc nhận quyết định sa thải, Jose vẫn không biết mình đã phạm lỗi lầm gì. Đến gặp Đại tá Stanley để làm cho ra lẽ, Jose chỉ nhận được câu trả lời vắn tắt: “Anh không đủ năng lực để trở thành một điệp viên theo đúng nghĩa của nó”.

Chương trình Fifi

Christine Collard tên thật là Marie Christine Chilver, sinh năm 1920 tại London, Anh. Cha cô là nhà báo người Anh còn mẹ cô là người Latvia. Lớn lên ở Riga, Latvia, ngoài tiếng Anh hấp thụ từ cha, Christine học tiểu học, trung học trong những trường dạy bằng tiếng Đức. Năm 1940, cô đến Paris rồi chọn ngành Ngôn ngữ Pháp tại Đại học Sorbonne.

Khi Đức Quốc xã chiếm Paris, Christine cùng một số sinh viên cũng là người Latvia bị đưa đến trại tập trung Besancon vì bi nghi là Do Thái. Ở trại chưa được 3 tháng, một nhóm tù nhân người Anh lúc trốn trại đã dẫn cô theo vì họ nhận thấy khả năng tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp của cô sẽ có ích về sau này.

Tháng 10-1941, Christine cùng nhóm tù nhân trốn trại về đến London. Một người trong đó là điệp viên SOE giới thiệu Christine với Đại tá Stanley. Trải qua những cuộc kiểm tra gắt gao, các nhà lãnh đạo SOE đều thống nhất với nhận định, “Christine là món quà bất ngờ. Cô ấy không những thông minh, dũng cảm mà còn có khả năng đánh giá chính xác người khác về tính cách…”.

chris2.jpg -0
Anh chàng học viên SOE này tưởng rằng đã chiếm được trái tim của “nhà báo” Christine.

Thời điểm ấy, việc bí mật kiểm tra các điệp viên tương lai của SOE đã được tiến hành, phần lớn bằng những quyến rũ vật chất như tiền, đồ trang sức đắt giá, những chuyến du lịch xa hoa, sang trọng hoặc những loại rượu, thức ăn khó tìm trong bối cảnh các học viên SOE chỉ hưởng tiêu chuẩn 600 gam bánh mì mỗi ngày với bơ thực vật và súp củ cải nấu loãng. Đại tá Stanley Woolrych nói: “Ngay khi gặp Christine, tôi đã nghĩ đến một bài kiểm tra mới. Đó là sắc đẹp”.

Và thế là “Chương trình Fifi” ra đời, trong đó Christine đóng vai chính với bí danh Fifi. Trải qua một khóa huấn luyện ngắn ngày mà nhiều tình huống “mỹ nhân kế” đều do Christine nghĩ ra, cô được tung vào trận. Trung úy Lawrence, người trực tiếp chỉ huy Christine nói: “Hãy xem các học viên là kẻ thù. Đừng một phút giây nào cho rằng họ là đồng đội của cô vì nó sẽ khiến cô yếu đuối nếu cô nghĩ đến việc họ sẽ bị sa thải là do cô”.

Con mồi đầu tiên của Christine trong Chương trình Fifi là học viên Quinaux. Theo lịch thực tập của Trường huấn luyện SOE, chiều 24-9-1942, Quinaux sẽ gặp một điệp viên người Bỉ, bí danh “Trung sĩ” tại một quán cà phê ở London; nhưng anh ta không hề biết “Trung sĩ” này cũng là nhân viên SOE. Trong cuộc gặp ấy, Quinaux sẽ ghi nhận tất cả những thông tin về hoạt động của Cơ quan mật vụ Đức Quốc xã Gestapo tại Bỉ do “Trung sĩ” cung cấp, trong đó có cả tin thật lẫn tin giả. Sau đó, lãnh đạo SOE sẽ dựa vào báo cáo của Quinaux để đánh giá khả năng phân tích tình báo của anh ta.

Tuy nhiên, nhân vật “Trung sĩ” không bao giờ xuất hiện mà thay vào đó là Christine. Trong vai một nhà báo tự do người Pháp, Christine đã thể hiện sự quyến rũ đến nỗi anh chàng điệp viên tương lai Quinaux đã không ngần ngại nửa kín nửa hở rằng anh ta đang “theo học ở một trường đặc biệt để thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt”. Kết quả là Quinaux cũng được SOE cho “đi học” nhưng thay vì học nghiệp vụ thì anh ta chuyển sang học… tiếng Nhật. Sự nghiệp gián điệp của Quinaux kết thúc ngay khi nó chưa được bắt đầu.

Sau này, khi Chương trình Fifi được giải mật vào năm 2019, Cơ quan lưu trữ quốc gia Vương quốc Anh đã cho công bố hơn 240 trang ghi chú vừa viết tay, vừa đánh máy của Christine về các điệp viên tương lai sa vào “mỹ nhân kế”. Những trang ghi chú ấy được SOE tổng hợp để trở thành giáo trình giảng dạy trong trường huấn luyện điệp viên. Jonathan Cole, chuyên gia nghiên cứu thuộc Cơ quan lưu trữ quốc gia nói: “Fifi là một huyền thoại của SOE. Nhờ những báo cáo của cô, SOE đã tránh được những tổn thất to lớn có thể sẽ xảy ra khi tung điệp viên vào hoạt động trong vùng địch. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn 70 năm, công chúng biết về Fifi”.

Một trong những thành công đặc biệt xuất sắc của Christine là phát hiện William Joyce. Nhân vật này sinh ra ở Brooklyn, New York, Mỹ, nhưng lớn lên ở Ireland. Năm 1920, Joyce gia nhập tổ chức phát xít rồi sau khi chuyển đến London, Anh, Joyce đã chiêu mộ được một nhóm người Anh theo chủ nghĩa phát xít.

Năm 1939, chỉ vài ngày trước khi quân đội Quốc xã xâm lược Ba Lan, mở đầu cho Thế chiến II, Joyce trốn sang Đức. Tại đây, anh ta làm việc cho Đài phát thanh Berlin trong chương trình tiếng Anh dưới cái tên “Lord” với những thông tin sai lệch và thổi phồng về sự thiệt hại của quân đội Anh nhằm gây hiệu ứng tâm lý. Trong buổi phát thanh đầu tiên vào ngày 18-9-1939, giọng Joyce sang sảng vang lên: “Nước Đức kêu gọi, nước Đức kêu gọi…”.

Một bản ghi nhớ của Văn phòng chiến tranh Anh quốc vào tháng 12-1939 cho thấy “các chương trình phát sóng của Lord đã trở thành một yếu tố ảnh hưởng đến tinh thần của công chúng ở đất nước này”. Không có nhiều thông tin được SOE tiết lộ vì sao Christine tìm ra “Lord”, nhưng tháng 4-1945, khi Đức Quốc xã đầu hàng, các điệp viên của SOE đã bắt được Joyce lúc đang ẩn náu ở ngoại ô Berlin. Mặc dù có quốc tịch Mỹ và cũng đã trở thành công dân Đức nhưng Joyce vẫn bị xử bắn vì tội phản quốc bởi khi trốn từ Anh sang Đức, Joyce sử dụng hộ chiếu Anh.

chris3.jpg -0
Các học viên trong một lớp đào tạo của SOE.

Sống chết trong bóng tối

Tháng 3-1944, 3 tháng trước ngày quân Mỹ và Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy, Pháp, Christine đề nghị với Đại tá Stanley cho cô sang Pháp vì theo Christine, sự có mặt của cô ở Pháp sẽ mang lại cho SOE những tin tức tình báo quý giá hơn nhiều so với những gì cô đã làm trong chương trình “mỹ nhân kế”. Tuy nhiên Stanley từ chối vì ông không muốn mất đi một nhân viên đặc biệt. Stanley nói: “Fifi phải ở lại vì rằng liệu có mối nguy hiểm tiềm tàng nào gây ra bởi một điệp viên SOE hoạt động trong lòng địch hay không?  Câu hỏi ấy chỉ cô mới có thể trả lời”.

Chiến tranh kết thúc, Christine rời khỏi SOE khi cơ quan này giải tán năm 1946. Bằng số tiền do Liên Xô bồi thường về việc đã tịch thu tài sản của gia đình cô ở Litva hồi Thế chiến II, cô mua một mảnh đất rồi thành lập một trang trại chuyên cứu hộ động vật ở Riga, Latvia. Cho đến năm 2014, danh tính thật của Christine vẫn không được công bố. Chỉ một số quan chức cao cấp nhất trong ngành tình báo Anh mới biết rõ cô.

Những thông tin hiếm hoi về Christine lọt ra ngoài là do một số học viên SOE bị sa thải như Jose, Quinaux, Morton, Gunnar Tingulstad…, sau khi biết đến giáo trình chống mỹ nhân kế, đã cay đắng thốt lên “sao mà giống trường hợp của mình thế”, mặc dù trước đó, họ đều tự hào rằng “đã chinh phục trái tim của cô nhà báo người Pháp xinh đẹp”.

Năm 2019, sau khi xem xét quyền truy cập hồ sơ về “Fifi” dựa theo Đạo luật tự do thông tin, Cơ quan lưu trữ quốc gia Vương quốc Anh đã giải mật hầu hết những họat động của Christine trong suốt thời gian làm việc cho SOE. John Senter, trong Thế chiến II là trưởng bộ phận an ninh của SOE và Maxwell Knight, phát ngôn viên của Cơ quan tình báo đối ngoại Anh quốc MI-6 đều cùng có nhận xét: “Christine đã thể hiện năng lực vượt trội và chắc chắn sẽ là một đặc vụ cao cấp nếu tiếp tục theo nghề gián điệp”.

Christine chưa bao giờ kết hôn. Bà mất ngày 5-11-2007, bên cạnh chỉ có người bạn gái là Jean Felgate, cựu sĩ quan tình báo SOE. Sau khi chồng chết, Jane đã về ở với Christine cho đến khi Christine qua đời.

Vũ Cao (Theo Intelligence History-Fifi Program)
.
.