Đội quân gián điệp đặc biệt của Israel tung hoành khắp Trung Đông

Chủ Nhật, 30/08/2015, 08:10
Một chú cá heo mang thiết bị do thám vừa bị các biệt kích hải quân của Hamas bắt giữ khi đang thực hiện các hoạt động bơi lặn một cách bất thường tại vùng biển gần Dải Gaza. Vụ việc được tờ Al-Quds của Palestine đăng tải, khiến dư luận quan tâm, và người ta nhớ lại, khắp Trung Đông từng xảy ra nhiều vụ các con vật được Israel huấn luyện làm gián điệp tại nhiều quốc gia.

Theo mô tả của Al-Quds, Hải quân Hamas đã phát hiện chú cá heo có gắn một chiếc camera và một thiết bị dò tìm dưới nước có thể bắn ra một số mũi tên. Một sĩ quan Hamas khẳng định với tờ Al-Quds rằng chú cá heo đó chính là một "điệp viên" của Cơ quan Tình báo MOSSAD của Israel, có thể đang do thám hoạt động huấn luyện hải quân của đơn vị quân sự Eziddin al-Qassam của Hamas.

Chú cá heo mang thiết bị do thám.

Lâu nay, các con vật được huấn luyện và sử dụng như một công cụ gián điệp của Israel thỉnh thoảng vẫn được các quốc gia trong khu vực Trung Đông phát hiện. Từ Ai Cập đến Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, ngay cả trên các ngọn cây ở Sudan, các “gián điệp” loại này thường xuất hiện ở những địa điểm, thời điểm ít ai ngờ.

Sự xuất hiện với tần suất ngày càng gia tăng đã làm nảy sinh những giả thuyết cho rằng Israel đang sở hữu cả một "vườn thú gián điệp" được trang bị các thiết bị công nghệ cao. Cơ quan Tình báo MOSSAD của Israel vốn nổi tiếng là "huyền thoại" trong làng tình báo thế giới với những chiến dịch hoạt động bí mật ly kỳ như phim Hollywood, trải khắp khu vực Trung Đông, vươn sang cả châu Âu, càng khiến cho thế giới kinh ngạc và "kính nể" qua việc xây dựng đội quân điệp viên đặc biệt này.

Đơn cử, từ năm 2007, tại khu vực gần biên giới, các cơ quan chức năng Iran đã bắt giữ 14 chú sóc mang trên mình thiết bị nghe lén do Israel trang bị. Báo chí Iran khi đó đã đăng thông tin khẳng định những chú sóc mang thiết bị gián điệp của các "cơ quan tình báo nước ngoài" đã bị chặn trước khi chúng hành động, nhờ sự cảnh giác của Cơ quan Tình báo nội địa Iran. Năm 2008, phản gián Iran tiếp tục bắt giữ 2 con bồ câu lạ cũng mang thiết bị gián điệp lảng vảng gần các cơ sở làm giàu uranium của Iran.

Tại Ai Cập, năm 2010, một chuyên gia sinh học hải dương Ai Cập đã khiến dư luận quan tâm khi tuyên bố rằng Israel đã cử một chú cá mập gắn thiết bị định vị toàn cầu GPS đến vùng biển ngoài khơi khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng trên bán đảo Sinai của Ai Cập để thực hiện hàng loạt vụ tấn công du khách, khiến một du khách thiệt mạng và một số người bị thương.

Chú chim bồ câu bị bắt tại Ấn Độ tháng 7/2015, bị cho là "gián điệp của Pakistan".

Vị chuyên gia sinh học này đặt câu hỏi: "Tại sao con cá mập này đi một đoạn đường dài 4.000 km mà không gây ra bất kỳ vụ tấn công nào cho đến khi nó đến đây?". Câu chuyện được “nêm thêm gia vị” khi vị thống đốc khu vực Sinai đưa ra giả thuyết: con cá mập ấy là "gián điệp" do MOSSAD cử đến để “đuổi” du khách đi khỏi vùng biển Đỏ. Bộ Ngoại giao Israel khi đó phản bác lại rằng, câu chuyện sặc mùi phim "Hàm cá mập". Vài năm sau vụ "cá mập gián điệp", lại xảy ra chuyện một con chim hạc trắng bị bắt giam do tình nghi được MOSSAD phái đến do thám tình hình Ai Cập. Con hạc được thả ra ngay sau đó, nhưng ít hôm sau đã bị "thịt".

Năm 2012, một ngôi làng nhỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ bỗng dưng lên cơn sốt sau khi phát hiện một chú chim bị chết, trên mình có gắn thẻ ghi mã số kèm với chữ "Israel". Cơ quan Phản gián Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc điều tra và sau cùng kết luận cái thẻ gắn trên mình con chim chỉ nhằm mục đích theo dõi tập quán di trú của loài chim này. Ngôi làng nhờ thế trở lại bình yên. Tuy nhiên, một năm sau, câu chuyện lại rộ lên khi một con chim cắt cũng mang một chiếc thẻ tương tự bị bắt ở một ngôi làng khác của Thổ Nhĩ Kỳ. Lần này, các chuyên gia y tế vào cuộc, chiếu X-quang con chim cắt và kết luận con chim là "gián điệp Israel". Sau đó, các chuyên gia lại cho rằng con chim không gây hại gì, cho nên nó đã được phóng thích.

Khoảng cuối năm 2012, cũng những câu chuyện gián điệp ly kỳ như vậy bùng lên ở Sudan. Giới chức ở vùng Darfur đã phát hiện một con kền kền có gắn thiết bị định vị GPS và thiết bị phát sóng vệ tinh. Chiếc thẻ gắn ở chân con chim giúp xác định con vật thuộc một chương trình nghiên cứu của Trường đại học Hebrew ở Jerusalem. Sau khi hay tin con chim được phát hiện ở Sudan, cơ quan quản lý công viên, vườn thú của Israel khẳng định nó là một trong số 100 con chim "phục vụ nghiên cứu" của nước này chứ "không phải thám báo".

Vụ này khiến người ta nhớ lại vụ xảy ra năm 2011, cũng một con kền kền có gắn các thiết bị tương tự bị phát hiện và bắt giữ ở Arập Xêút. Con kền kền này được gắn thẻ Đại học Tel Aviv. Nó đã được chuyển cho cơ quan an ninh kiểm tra và "mất tích" luôn kể từ đó. Với lộ trình bay và địa bàn "hạ cánh" như thế, liệu các "nhà nghiên cứu" ở Israel muốn nghiên cứu điều gì? Phải chăng họ nghiên cứu khả năng di chuyển theo lộ trình mới, đến địa bàn lạ của các loài chim kể trên và nhằm mục đích gì?

Trên thế giới không hiếm những vụ các loài vật được huấn luyện làm gián điệp, và việc này đã xảy ra từ hàng thế kỷ nay. Chẳng hạn, CIA từng bỏ ra 15 triệu USD cho một chương trình mang tên Acoustic Kitty, biến loài mèo nuôi trong nhà thành những chú mèo gián điệp chuyên nghiệp mang thiết bị nghe lén. Những sai sót trong quá trình thực hiện sau đó khiến cho chương trình thất bại. Rồi vào thập niên 70 thế kỷ XX, Cơ quan Tình báo MI-5 của Anh cũng đã từng huấn luyện những chú chuột nhảy thành gián điệp phản gián, có thể phát hiện gián điệp nước ngoài trong sương mù. Con vật được huấn luyện khả năng ngửi nồng độ adrenalin của người lạ. Tuy nhiên, sau đó chương trình bị hủy vì những hành khách sợ đi máy bay cũng có nồng độ adrenalin cao tương tự như bọn khủng bố...

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.