Chống tham nhũng ở Trung Quốc:

Dọn sạch “rác” trong quân đội, nhưng không làm đổ “thành lũy” quốc gia

Thứ Năm, 18/12/2014, 08:20
Vụ bắt giữ nguyên nữ thiếu tướng Cao Tiểu Yến (Gao Xiaoyan) vào ngày 4/12 vừa qua đã cho thấy hệ thống chính sách chống tham nhũng mà Chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp chỉ đạo không ngần ngại quét và thọc sâu vào "những vùng cấm", trong đó có lực lượng quân đội được coi là "lũy thép, thành đồng", là thử thách lớn nhất đối với lãnh đạo Trung Quốc, bởi núp đằng sau có các nhóm quyền lợi cùng sự phản kháng. Thực sự, một bộ phận lực lượng vũ trang bên trong tư tưởng bè phái đã làm suy mòn đạo đức chính trị tư tưởng ngay từ thời cố Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Bà Cao Tiểu Yến từng giữ chức Phó chính trị viên kiêm Bí thư Ủy ban Giám sát kỷ luật Đại học Kỹ thuật Thông tin Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Cao Tiểu Yến là nữ tướng quân đội đầu tiên có liên quan đến một vụ điều tra tham nhũng kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Đại hội lần thứ 18 vào cuối năm 2012 và ngay sau đó triển khai chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào hàng ngàn quan chức, bao gồm các quan chức cấp cao trong quân đội.

Cao Tiểu Yến gia nhập quân đội khi mới 17 tuổi, sau đó được cử đến công tác tại một trường đại học quân y ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây năm 1984. Năm 1996, Cao Tiểu Yến cùng chồng chuyển đến Bắc Kinh, tại đây bà làm việc tại một cơ sở nghiên cứu trực thuộc Tổng cục Hậu cần Quân đội. Năm 2012, Cao Tiểu Yến được thăng hàm thiếu tướng.
Bà Cao Tiểu Yến.

Cao Tiểu Yến bị bắt vì nhận hối lộ liên quan đến các dự án xây dựng mà bà giám sát khi còn tại nhiệm. Bà ta từng là Ủy viên chính trị Bệnh viện 309 ở Bắc Kinh - một cơ sở y tế trực thuộc Bệnh viện Đa khoa Quân đội Trung Quốc. Cao Tiểu Yến giữ chức vụ đó từ cuối năm 2005 đến 2012. Vào thời điểm đó, một tờ báo quân đội đã ghi nhận "đóng góp" của Cao Tiểu Yến vào việc "hoàn thành sớm hết dự án lớn này đến dự án lớn khác", bao gồm công trình chung cư cao 15 tầng dành cho y bác sĩ, cán bộ bệnh viện, một bãi đỗ xe ngầm rộng 30.000m2, một trung tâm chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cao cấp và một trung tâm nghiên cứu bệnh lao.

Tính cho đến nay, cuộc chiến "đả hổ diệt ruồi" dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt giữ, xử lý hình sự 56 quan chức cấp cao. Trong số "56 con hổ và cáo" sa lưới pháp luật có 3 cán bộ cấp cao trong quân đội gồm Cốc Tuấn Sơn (Gu Junshan), nguyên Phó tổng tư lệnh Tổng cục Hậu cần; Từ Tài Hậu, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Quân ủy trung ương và gần đây, Dương Kim Sơn (Yang Jinshan), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Phó tổng tư lệnh Quân khu Thành Đô.
Ông Tập Cận Bình và các sĩ quan quân đội.

"Ông Tập Cận Bình hoàn toàn khác với các lãnh đạo tiền nhiệm, ông có thẩm quyền và táo bạo hơn khi đối diện với khó khăn. Ông sẵn sàng chấp nhận rủi ro để khẳng định năng lực bản thân và củng cố uy tín cho Đảng Cộng sản Trung Quốc" - Steve Tsang, giáo sư Viện Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc, trực thuộc Đại học Nottingham, Vương quốc Anh nhận xét.

Cảm nhận được phản ứng dữ dội có thể "phát hỏa" từ một số quan chức cấp cao, nhóm lợi ích, đặc biệt trong hàng ngũ quân đội sẽ phê bình, chỉ trích ông Tập Cận Bình dựa vào sách lược chống tham nhũng làm chiến thuật tối ưu nhằm lật đổ các đối thủ chính trị, nói về vấn đề này, Chủ tịch Trung Quốc tỏ rõ ý chí và sự quyết đoán. "Trong cuộc đấu tranh bài trừ tham nhũng của tôi, tôi không màng đến sự sống hoặc chết, hoặc làm băng hoại thanh danh của tôi". Nhờ vậy, ông Tập Cận Bình được một số tờ báo châu Âu, đánh giá là một nhà lãnh đạo thông minh không cần 10 năm mà chỉ sau 2 năm đã tìm ra mối quan hệ giữa cải cách chính trị với phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc gia, ổn định xã hội.

Phạm Anh (tổng hợp)
.
.