Ê chề những phụ nữ Pháp qua lại với Đức Quốc xã

Thứ Hai, 03/04/2023, 09:58

Từ năm 1940 đến 1944, khi Đức Quốc xã kiểm soát nước Pháp, hàng chục nghìn phụ nữ Pháp vì những nhu cầu vật chất đã lấy chồng hoặc trở thành nhân tình của sĩ quan, binh lính Đức. Hậu quả là lúc Đồng Minh giải phóng nước Pháp, những phụ nữ này phải đối mặt với những hình phạt nhục nhã, ê chề…

1. Với Madelene, 19 tuổi (tên đã được thay đổi), một tháng sau ngày gót giày của những người lính Đức in trên đường phố Paris, nỗi sợ hãi của cô dần nguôi ngoai khi cô nhận thấy họ “chẳng đến nỗi nào”. Đóng quân cách nhà Madelene chỉ khoảng 150m, một sĩ quan Đức là Erst Steiner đôi lúc vẫn ghé thăm gia đình cô với những món quà là vài gói bơ, bao bột mì hoặc mấy hộp thịt. Bằng thứ tiếng Pháp “nửa nạc nửa mỡ”, Steiner cho Madelene biết trước lúc chiến tranh nổ ra, anh ta là sinh viên Trường Đại học Hamburg, Đức.

Ê chề những phụ nữ Pháp qua lại với Đức Quốc xã -0
Stephanie bị cạo trọc đầu trong tiếng cười chế nhạo của đám đông vì đã lấy chồng là lính Đức.

Đôi lần, Steiner ngỏ ý muốn cùng ăn tối với gia đình cô và sau bữa ăn, anh ta chơi vài bản nhạc trên cây đàn piano đặt ở phòng khách. Madelen nói: “Dần dà, sự có mặt của Steiner ở nhà tôi trở thành bình thường rồi sau vài tháng, qua lời Steiner và những tin tức trên đài phát thanh, tôi biết rằng cả châu Âu đã thuộc về người Đức nên khi anh ta ngỏ lời muốn cưới tôi, tôi đã đồng ý mà không hề do dự”.

Với Marie, sáu tháng kể từ khi Paris rơi vào tay quân đội Quốc xã thì cô vừa tròn 20 tuổi. Trước đó, cô là sinh viên năm thứ hai ngành sư phạm tại Đại học Nam Paris và để có thể tiếp tục việc học, cũng như gia đình cô được nhận phiếu thực phẩm, Marie nhận lời làm nhân tình với một sĩ quan Quốc xã. Mặc dù thầy cô, bạn bè và hàng xóm chẳng ai nói ra nhưng tất cả đều nhìn cô với cặp mắt e dè. Marie cho biết trong lớp học cũng như trong các sinh hoạt thường ngày, mọi người vẫn chào hỏi cô nhưng chẳng ai tỏ ra thân mật với cô dù rất nhiều lần, cô đã cố chứng tỏ rằng cô không hề có ý làm hại họ. Việc cô trở thành nhân tình của gã sĩ quan Quốc xã chỉ vì thời thế.

Marie nói: “Suốt 4 năm, tôi sống trong cô độc. Tháng 6/1944, Paris được giải phóng, gã sĩ quan nhân tình của tôi bỏ chạy cùng đám lính bại trận, tôi nghĩ mình đã rũ bỏ được gánh nặng nhưng thật không may, những ê chề, nhục nhã mà tôi phải chịu đựng sau đó còn khủng khiếp gấp nghìn lần so với việc tôi bị bạn bè, hàng xóm cô lập”.

Stephanie cũng vậy. Cô cũng bị cộng đồng xa lánh mặc dù cô không chủ động trong việc lấy chồng Đức mà bị ép buộc. Theo lời Stephanie, khi Đức chiếm nước Pháp, cha cô vốn là viên chức trong chính phủ Pháp chạy về miền nam rồi gia nhập hàng ngũ kháng chiến “Pháp tự do”, lãnh đạo bởi tướng De Gaulle.  Stephanie kể: “Một sáng, có 2 nhân viên an ninh Đức đến nhà hỏi về cha tôi. Mẹ tôi trả lời từ ngày ông ấy bỏ đi, gia đình chẳng còn nghe tin gì về ông ấy nữa”.

Vài ngày sau, một sĩ quan Đức xuất hiện. Tự giới thiệu mình là Carl Elberg nhưng lần này anh ta không đề cập về người cha của Stephanie mà chỉ hỏi hoàn cảnh sống của hai mẹ con. Tiếp theo, tháng nào gia đình cô cũng nhận được phiếu thực phẩm loại 1. Stephanie kể tiếp: “Một hôm, Steiner hỏi tôi có muốn lấy anh ta không nhưng qua những lời lẽ bóng gió, tôi hiểu rằng nếu tôi không đồng ý thì cuộc sống và sinh mạng của mẹ con tôi sẽ gặp khó khăn, nếu không muốn nói là nguy hiểm vì gia đình tôi có người theo kháng chiến”.

Ê chề những phụ nữ Pháp qua lại với Đức Quốc xã -0
Những người lấy chồng Đức bị lùa ra đường chỉ với quần áo lót để người dân sỉ nhục.

Marie, Stephanie, Madelene chỉ là 3 trong số hơn 20.000 phụ nữ Pháp ở Paris buộc phải lấy chồng hoặc tự nguyện trở thành nhân tình của lính Đức và điều này được Bộ chỉ huy quân đội Đức ở Pháp đồng ý, thậm chí khuyến khích. Các tài liệu thu được sau ngày quân Mỹ và Đồng minh giải phóng nước Pháp năm 1944 cho thấy việc khuyến khích lính Đức lấy vợ hoặc có nhân tình người Pháp mang lại 2 lợi ích: Một là họ khó có thể phản bội, nhất là khi đã có con, hai là họ không dám ủng hộ phe kháng chiến và thậm chí nhiều trường hợp, họ còn trở thành điệp viên Đức, cung cấp tin tức về phe kháng chiến cho người Đức.

Theresa chẳng hạn, vốn là vũ công của hộp đêm Đôi giày Đỏ ở Paris. Khi quân Đức tiến vào, Đôi giày Đỏ vẫn được phép mở cửa làm nơi giải trí cho lính Đức. Trẻ, xinh gái, lại biết chút ít tiếng Đức, Theresa nhanh chóng trở thành ngôi sao và có nhiều mối quan hệ với các sĩ quan Đức.  Nắm được yếu tố này, một nhóm kháng chiến ở Paris cử người móc nối cô nhưng họ không ngờ rằng cô là nhân tình của một sĩ quan mật vụ Gestapo.

Vì thế, tất cả những tin tức mà Theresa cung cấp cho kháng chiến đều là tin giả còn ngược lại, những tin tức về nhóm kháng chiến mà cô cung cấp cho người tình của cô lại là tin thật. Đỉnh điểm của việc này là khi 6 thành viên kháng chiến tổ chức ám sát người đứng đầu cơ quan an ninh Đức Quốc xã ở Paris rồi khi vào đến vị trí phục kích, tất cả đều bị Gestapo bắt và bị kết án tử hình.

Theo nhà sử học Jean Belmondo, Đại học Ecole Normale Superieure de Lyon, đau xót nhất là những phụ nữ có chồng là lính trong quân đội Pháp, bị người Đức bắt vào trại tù binh sau những trận giao tranh. Cách duy nhất để có thể sống an toàn, tìm được tiền và thức ăn nuôi gia đình là trở thành nhân tình hoặc vợ lính Đức. Khi nước Pháp giải phóng, nhiều gia đình tan vỡ cũng vì chuyện ấy còn những đứa trẻ cha Đức mẹ Pháp, chúng bị gạt hẳn ra ngoài lề.

Ê chề những phụ nữ Pháp qua lại với Đức Quốc xã -0
Mẹ bị cạo trọc, con vô thừa nhận chỉ vì cha là thành viên Quốc xã.

2.Vài tháng sau ngày nước Pháp được quân Mỹ và Đồng minh giải phóng, số phận của những cô gái Pháp lấy chồng hoặc là nhân tình của lính Đức bắt đầu bị “tính sổ”. Vẫn theo nhà sử học Jean Belmondo, người Pháp gọi sự trả thù này là “épuration sauvage - cuộc thanh trừng hoang dã” vì nó diễn ra tự phát và không chính thức nhưng rất man rợ. Ngoại trừ những người đã từng gây thiệt hại cho các tổ chức kháng chiến phải ra tòa lĩnh án tù nhiều năm, thậm chí bị xử bắn, còn thì tất cả đều bị cạo trọc đầu, bị buộc phải mặc quần áo lót rồi lùa ra đường để người dân chứng kiến. 

Marie kể: “Đám đông đứng thành hàng dài hai bên phố. Họ không đánh đập tôi nhưng họ nhổ nước miếng và chửi tôi thậm tệ”. Còn với Stepanie thì: “Họ gọi tôi là con điếm Đức. Một người đàn bà xông ra, bắt tôi quỳ xuống rồi bôi nhựa đường lên đầu tôi. Tiếp theo bà ta rắc lông vịt lên. Khi được cho về nhà, tôi phải mang cái đầu lông vịt suốt một quãng đường dài trong cái nhìn khinh bỉ của dân phố”.

Một số liệu được công bố hồi cuối năm 1945 cho thấy đã có ít nhất 20.000 phụ nữ Pháp bị cạo trọc đầu và bị lăng nhục, 6.000 phụ nữ khác bị giết vì đã cộng tác với kẻ thù, hơn 200.000 đứa trẻ lai là kết quả của những mối tình chồng Đức vợ Pháp bị hắt hủi. Nhưng theo nhà nhà sử học Anthony Beevor, con số còn có thể cao hơn.

Trong cuốn sách đề cập đến sự trả thù của người Pháp với những phần tử đã cộng tác với Đức Quốc xã, ông Anthony Beevor viết: “Trên thực tế, một số phụ nữ Pháp có quan hệ  với lính Quốc xã là gái mại dâm, số khác bị hãm hiếp nhưng tất cả đều bị đóng khung rồi buộc tội. Có người chỉ vì thù oán cá nhân nên mang họa như một thiếu nữ làm nghề bán vòng hoa cưới hỏi, tang lễ ở Toulouse.

Một sáng nọ, khi cô đứng cạnh cửa sổ thì một lính Đức đến bắt chuyện với cô.Tất cả cuộc trò chuyện của họ diễn ra bên cửa sổ, người lính Đức chưa hề bước chân vào nhà cô nhưng sau tháng 4-1945, một đám đông kéo đến lôi cô ra đường, lột quần áo, cạo trọc đầu rồi kéo lê cô đi khắp thị trấn. Trên cổ cô treo tấm bảng với dòng chữ đậm nét: “Tiếp tay cho kẻ thù”.

Jack Colville, phóng viên của tạp chí Time đã ghi lại những gì ông nhìn thấy hồi tháng 6/1945: “Một chiếc xe tải mui trần chạy qua trước mặt tôi trong tiếng la ó, chửi bới của đám đông người Pháp. Ở thùng xe, có khoảng 30 phụ nữ Pháp đầu cạo trọc, mặt có dấu chữ thập ngoặc Đức Quốc xã viết bằng nhựa đường. Nhiều người trong số đó khóc nức nở, số khác cúi gằm, cam chịu…”.

Và mặc dù Đại tá Henri Rol-Tanguy, người đứng đầu lực lượng kháng chiến Pháp tự do ở Paris  đã cho treo những tấm áp phích cảnh báo về sự trả thù đối với những phụ nữ đã từng lấy chồng hoặc là nhân tình của sĩ quan, binh lính Quốc xã nhưng điều ấy cũng không ngăn cản được sự “lên đồng tập thể” của đám đông đang say máu căm hờn. Jack Colville viết tiếp: “Rất nhiều người bị oan nhưng họ lại không thể chứng minh nỗi oan của họ, chẳng hạn như một cô giáo Pháp tại trường trung học Argentan. Cô bị đám đông đánh đập đến tàn phế vì trong thời gian bị Quốc xã chiếm đóng, cô đã dạy tiếng Đức!”.

Cũng sau khi thanh lọc những cô gái Pháp có quan hệ với lính Đức, người ta còn phát hiện hơn 200.000 đứa trẻ là kết quả của mối tình chồng Đức, vợ Pháp. Suốt 4 năm sau đó, những đứa trẻ ấy không được đi học và thậm chí cũng không được hưởng những phúc lợi an sinh xã hội. Madelene có đứa con trai lai Đức nói trong nghẹn ngào: “Con tôi bị lũ trẻ hàng xóm tẩy chay, thỉnh thoảng nó còn bị đánh. Trường học không nhận nó…”, Pierre cũng lai Đức, mới 4 tuổi nhưng đã được mẹ dặn phải che giấu thân phận mình dù họ đã dọn nhà từ Paris về Cote Dazur.

Khi có ai hỏi đến cha, Pierre chỉ ngập ngừng: “Cha chết”. Theo nhà sử học Jean Belmondo, nhiều trẻ khi lớn lên vẫn không biết nguồn gốc thật của mình vì mẹ họ đã qua đời. Rousseux chẳng hạn, mãi 17 tuổi anh mới tìm thấy cuốn nhật ký của mẹ và mới biết cha anh là người Đức. Sự thật ấy đã khiến anh sang Đức tìm cha ruột mình. Rousseux nói: “Mặc dù cha tôi cũng đã chết nhưng điều đáng buồn là những anh chị em cùng cha khác mẹ với tôi lại không nhìn nhận tôi. Họ nói rằng việc tôi xuất hiện đã phá vỡ sự bình lặng và lòng kính trọng đối với người cha của gia đình họ”.

Với Josiane Kruger, lớn lên tại một ngôi làng ở miền đông nước Pháp, cô luôn cảm thấy có sự khác biệt so với những đứa trẻ khác.Cô không có cha, chỉ có mẹ và bà ngoại.Trong cuốn tự truyện phát hành năm 2001 tại Pháp, Kruger cho biết các bạn học thường gọi cô là “boche”, một cách chửi thề trong tiếng Pháp dành cho người Đức.

Kruger nói: “18 tuổi, tôi mới được bà ngoại cho biết cha tôi là lính Đức.Trước khi tôi ra đời, đơn vị của cha tôi từ Pháp chuyển đến mặt trận Nga và không ai nghe được tin tức gì về ông nữa”. Sau ngày nước Pháp giải phóng, phần lớn làng nơi Kruger sinh sống tẩy chay cô nhưng may mắn là cô không bị cạo trọc đầu và bị đem ra bêu riếu. Mãi đến năm 1948, Tổng thống Pháp De Gaule mới ban bố sắc lệnh cấm phân biệt đối xử nhưng nhiều đứa trẻ lai vẫn phải chịu sự ngược đãi và xa lánh suốt thời gian dài.

Năm 1956, như một phần của việc chuộc lại lỗi lầm vì đã chiếm đóng nước Pháp, chính phủ Tây Đức đồng ý cho tất cả những người lai Đức được nhập quốc tịch Đức, và được hưởng mọi quyền lợi như những công dân Đức nếu họ muốn. Về phía Pháp, quốc gia này cũng công nhận những phụ nữ đã lấy chồng lính Đức là những cuộc hôn nhân thật sự.

Vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày quân đội Đồng Minh đổ bộ lên bờ biển Normandy, giải phóng nước Pháp và toàn bộ châu Âu, Kruger viết thư cho Claude Chirac, con gái của Tổng thống Pháp Jacques Chirac, khi ấy là Giám đốc văn phòng quan hệ công chúng trực thuộc Phủ Tổng thống. Trong thư Kruger đề nghị Claude Chirac tận dụng vị trí này để phục hồi danh dự cho “những đứa trẻ bị nguyền rủa bởi chiến tranh” vì cũng như cô, “chẳng đứa trẻ nào được quyền chọn cách ra đời của chúng”…

Vũ Cao (Theo Warhistory)
.
.