Ernst Wollweber – từ thuỷ thủ đến Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia

Thứ Tư, 21/08/2024, 21:27

Trong thời kỳ Đế chế thứ ba, Ernst Wollweber chỉ huy các nhóm chống phát xít thực hiện nhiều vụ phá hoại trên các con tàu thủy của Đức Quốc xã và Đồng minh. Một thời gian dài, người ta biết rất ít về con người này, mặc dù ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức.

Đắm mình vào cuộc đấu tranh

Sinh ra ở Hanover trong một gia đình công nhân, sau khi học xong phổ thông, do mâu thuẫn với bố mẹ, Ernst Wollweber bỏ nhà đến Hamburg làm công nhân bốc vác ở cảng. Trong Thế chiến thứ nhất, ông là thủy thủ trên các tàu chở hàng đi đến Biển Bắc và Biển Baltic. Năm 1916, ông nhập ngũ và trở thành thợ đốt lò trên một thiết giáp hạm của Hải quân Đức. Tháng 11/1918, Ernst Wollweber là một trong những người tham gia tích cực cuộc biểu tình của các thủy thủ Đức ở Kiel, phát triển dần thành phong trào đấu tranh chống chính phủ và đi vào lịch sử với tên gọi cuộc Cách mạng tháng 11/1918 ở Đức.

Ernst Wollweber – từ thuỷ thủ đến Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia -0
Các thủy thủ Đức biểu tình ở Kiel.

Năm 1919, Ernst Wollweber gia nhập Đảng Cộng sản Đức (KPD) và hai năm sau trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo của đảng này. Năm 1922, Ernst Wollweber lần đầu tiên đến Moscow với tư cách là đại biểu của Đảng Cộng sản Đức tham dự Đại hội IV của Quốc tế Cộng sản. Theo một số nguồn tin, chính lúc bấy giờ ông đã được tình báo Liên Xô chú ý. Một năm sau, ông được cử đến Liên Xô học trường tình báo.

Vào giữa những năm 1920, Ernst Wollweber tích cực tham gia các hoạt động chính trị của Đảng Cộng sản Đức. Năm 1926, ông trở thành thư ký công đoàn của Đảng, còn từ đầu năm 1929 - cán bộ lãnh đạo Đảng ở tỉnh Silesia.

Ernst Wollweber – từ thuỷ thủ đến Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia -0
Ernst Wollweber, Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia CHDC Đức (1955-1957).

Tổ chức phá hoại quốc tế của các thủy thủ

Tuy nhiên, chẳng bao lâu ông thay đổi lĩnh vực hoạt động. Năm 1933, khi Đức Quốc xã lên nắm quyền, Ernst Wollweber đến Đan Mạch. Ở Copenhagen, ông trở thành người đứng đầu Hội các thủy thủ và công nhân cảng quốc tế, được thành lập theo sáng kiến của Liên Xô vào năm 1930, thực chất, đây là trung tâm tình báo và phá hoại ngầm, được Comintern tài trợ. Đặt trụ sở chính tại Copenhagen, tổ chức này có các chi nhánh ở nhiều nước châu Âu và hoạt động thông qua các câu lạc bộ thủy thủ rải rác khắp châu Âu như những cơ sở tình báo.

Những câu lạc bộ này là vỏ bọc tốt cho hoạt động bí mật. Chúng có mạng lưới điệp viên ở nhiều cảng lớn của Châu Âu và được tình báo Liên Xô tích cực sử dụng cho những mục đích khác nhau. Các thành viên được huấn luyện đặc biệt của Hội đã tiến hành các vụ phá hoại trên các con tàu và bến cảng. Tại đây, người ta lập kế hoạch các chiến dịch, đào tạo điệp viên, xử lý thông tin tình báo, làm giấy tờ giả, chế tạo mìn và các thiết bị nổ, sau đó chuyển đến các địa điểm cần thiết để tiến hành các vụ phá hoại.

Trước đây, tình báo Liên Xô sử dụng các thủy thủ châu Âu chủ yếu làm công tác tuyên truyền, tổ chức các cuộc đình công và hoạt động phá hoại. Giờ đây, Cục Tình báo Đối ngoại Liên Xô giao cho Ernst Wollweber thành lập các nhóm tác chiến từ những thành viên đặc biệt đáng tin cậy của Hội các thủy thủ và công nhân cảng quốc tế để tiến hành các vụ phá hoại. Được hình thành từ những thủy thủ và công nhân cảng giàu kinh nghiệm ở các nước Scandinavi, Bỉ, Hà Lan, Pháp và Đức, các nhóm  này hoạt động độc lập với nhau. Chỉ một người trong nhóm duy trì liên lạc với Ernst Wollweber.

Ernst Wollweber – từ thuỷ thủ đến Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia -0
Erich Mielke, người  kế nhiệm của Ernst Wollweber.

Đến đầu những năm 1930, người của Ernst Wollweber đã thực hiện thành công một số vụ phá hoại. Một trong những vụ đầu tiên là đánh bom hai con tàu Nhật Bản Taimo Maru và Kassi Maru chở vũ khí cho quân đội Nhật Bản ở Mãn Châu từ Rotterdam đến Viễn Đông. Thành công tiếp theo là vụ đốt tàu Phil của Đức ở cảng Konigsberg, khiến con tàu không thể phục hồi được nữa.

Ngoài các nhóm phá hoại, còn có một số đơn vị độc lập khác chuyên thu thập thông tin về lộ trình của các con tàu địch chở hàng quân sự, cũng như tuyển mộ các điệp viên mới cho các hoạt động phá hoại.

Sau một số thất bại đầu tiên, mùa xuân năm 1935, Ernst Wollweber chuyển đến Na Uy, từ đó ông tiếp tục chỉ huy các nhóm tác chiến của trung tâm tình báo và phá hoại hoạt động  ở Hamburg, Bremen, Danzig, Rotterdam, Amsterdam, Copenhagen, Riga và Revel.

Liên đoàn Wollweber

Một năm sau khi Ernst Wollweber đến Na Uy, ở Tây Ban Nha, xảy ra cuộc đảo chính quân sự, kéo đất nước vào cuộc nội chiến đẫm máu. Lúc bấy giờ, Ernst Wollweber nhận được chỉ thị từ Moscow  tăng cường các hoạt động phá hoại của mình. Lợi dụng tình cảm cách mạng của các thủy thủ đối với cuộc đấu tranh của Đảng Cộng hòa Tây Ban Nha chống lại các thế lực của Tướng Francisco Franco, Ernst Wollweber mở rộng mạng lưới của mình, từ đó được gọi là “Liên đoàn Wollweber”. Biên chế của Liên đoàn gồm 25 người, do đích thân ông tuyển mộ.

Nhờ hoạt động tích cực của Liên đoàn, số vụ phá hoại tàu vận chuyển vũ khí cho quân đội Franco ở Tây Ban Nha tăng mạnh. Các vụ đánh bom đã làm cho các con tàu chở hàng Kazu Maru của Nhật Bản, tàu Klaus Bege của Đức và các tàu thủy khác vận chuyển vũ khí tới nước này bị hư hỏng nặng.

Hoạt động của Liên đoàn Wollweber khiến Gestapo hết sức lo lắng. Các lãnh đạo của tổ chức này đã ra lệnh lùng bắt Ernst Wollweber. Và mùa hè năm 1937, khi ông bí mật đến Hamburg để gặp người đứng đầu   nhóm phá hoại ở địa phương, lực lượng Gestapo đã theo dõi ông. Chúng đột kích vào căn hộ bí mật và bắt giữ gần như toàn bộ thành viên của nhóm Hamburg, nhưng Ernst Wollweber đã may mắn trốn thoát, mặc dù bị chúng truy đuổi. Ông đã vượt qua biên giới Đan Mạch một cách an toàn.

Bất chấp thất bại, Ernst Wollweber tiếp tục lãnh đạo các nhóm phá hoại ở các thành phố cảng châu Âu hoạt động hiệu quả cho đến khi Thế chiến thứ hai bùng nổ. Những năm sau đó, ông cộng tác với đại diện của phong trào Kháng chiến chống Hitler ở các nước bị chiếm đóng.

Ernst Wollweber – từ thuỷ thủ đến Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia -0
Karl Schirdewan, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng XHCN Thống nhất Đức (1955-1957).

Mùa xuân năm 1940, Đức Quốc xã tấn công Đan Mạch và Na Uy. Nhiều cán bộ lãnh đạo của “Liên đoàn Wollweber” bị bắt và đưa ra xét xử. Điều này đã giáng một đòn nặng nề vào hoạt động của toàn bộ tổ chức. Ernst Wollweber chuyển đến Thụy Điển trung lập, nơi ông tiếp tục chỉ huy hoạt động phá hoại trên các tàu của Đức Quốc xã và đồng minh của chúng.

Số lượng tàu bị Liên đoàn Wollweber phá hủy và vô hiệu hóa ở các cảng được tính toán khác nhau, do thiếu cơ sở dữ liệu  tin cậy. Con số thực tế nhất là 40-50 tàu. Người ta cho rằng chịu tổn thất lớn nhất là hạm đội Nhật Bản trong thời gian chiếm đóng Mãn Châu và các tàu tiếp tế cho quân đội Franco trong Nội chiến Tây Ban Nha. Các vụ phá hoại lớn nhất được thực hiện trên 16 tàu Đức, 3 tàu Ý và 3 tàu Nhật Bản, một số tàu trong số đó bị đánh chìm hoặc phá hủy hoàn toàn, số khác bị hư hại nghiêm trọng. Không thể tính toán chính xác số lượng các vụ phá hoại nhỏ hơn ở Biển Bắc và Biển Baltic, cũng như ở các thành phố cảng.

Bị bắt ở Thụy Điển

Năm 1941, Ernst Wollweber bị cảnh sát Thụy Điển bắt giữ sau khi một trong những nhóm của ông cho nổ tung một con tàu Đức ở cảng Stockholm. Gestapo ngay lập tức yêu cầu dẫn độ Ernst Wollweber về Đức, với lý do ông là công dân Đức. Nhưng tình báo Liên Xô đã kịp thời can thiệp. Đại diện tình báo Liên Xô ở Thụy Điển xin phép đến thăm Ernst Wollweber trong tù và khuyên ông “thú nhận” về hoạt động gián điệp chống Thụy Điển. “Phần còn lại chúng tôi sẽ tự lo” - ông ta nói.

Ernst Wollweber thực hiện lời khuyên của tình báo Liên Xô và khai rằng ông hoạt động gián điệp ở Thụy Điển vì lợi ích của Liên Xô. Đồng thời, Moscow làm thủ tục cấp quốc tịch Liên Xô vắng mặt cho ông. Kết quả là sau một vài cân nhắc, Thụy Điển đã từ chối giao Ernst Wollweber cho Đức, với lý do ông cần được xét xử theo luật pháp Thụy Điển. Ernst Wollweber bị kết án 3 năm tù. Năm 1944, ông được trả tự do và giao cho đại diện Đại sứ quán Liên Xô ở Stockholm.

Sự nghiệp ở Cộng hòa Dân chủ Đức

Trước năm 1946, Ernst Wollweber sống ở Moscow, sau đó trở về Đông Đức và gia nhập Đảng XHCN Thống nhất Đức. Năm 1950, ở CHDC Đức, ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Bước ngoặt tiếp theo trong sự nghiệp của Ernst Wollweber xảy ra vào tháng 7/1953, sau cuộc nổi dậy của quần chúng ở CHDC Đức. Với sự tham gia tích cực của Moscow, ban lãnh đạo Đảng XHCN Thống nhất Đức do Walter Ulbricht đứng đầu đã dập tắt cuộc nổi dậy và quyết định cải tổ các cơ quan an ninh quốc gia.

Ernst Wollweber được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia của CHDC Đức. Bộ này được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động tình báo ở Tây Đức bằng cách cài cắm các điệp viên Đông Đức vào các cơ quan chính phủ của Tây Đức để khai thác các  bí mật quốc gia, kinh tế và quân sự, thực hiện do thám khoa học - kỹ thuật để thu thập thông tin về sự xuất hiện của các loại vũ khí mới nhất ở các nước phương Tây, cũng như tạo điều kiện thuận lợi và cần thiết cho các điệp viên tình báo Liên Xô hoạt động ở các nước phương Tây.

Ernst Wollweber – từ thuỷ thủ đến Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia -0
Walter Ulbricht, Bí thư đầu tiên của Đảng XHCN Thống nhất Đức.

Ernst Wollweber giữ chức Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia đến năm 1957. Sự nghiệp của ông kết thúc đột ngột và liên quan tới chính trị. Người kế nhiệm của ông là Erich Mielke.        

Đến giữa những năm 1950, trong ban lãnh đạo Đảng XHCN Thống nhất Đức xuất hiện hai nhóm. Một nhóm gồm các cán bộ lãnh đạo cũ của Đảng Cộng sản Đức, những người sau khi Đức Quốc xã lên nắm quyền đã chuyển đến Liên Xô và sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc quay trở lại CHDC Đức, họ thấm nhuần phong cách lãnh đạo Stalin. Nhóm thứ hai là những người ở lại Đức sau năm 1933 để hoạt động bí mật hoặc không thể di cư. Họ ủng hộ các phương pháp lãnh đạo dân chủ. Đứng đầu xu hướng thứ hai là Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng XHCN Thống nhất Karl Schirdewan.

Mùa thu năm 1957, cuộc đấu tranh trong giới lãnh đạo Đảng XHCN Thống nhất ngày càng trở nên gay gắt. Tại hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương đảng, “nhóm cơ hội của Shirdevan, Wollweber và những người khác đã bị đánh bại vì tư tưởng bè phái nhằm thay đổi đường lối chính trị của đảng”.

Ernst Wollweber bị cáo buộc “làm suy yếu cuộc đấu tranh chống lại các tổ chức tình báo của kẻ thù và đánh giá sai hoạt động của chúng”. Kết quả là ông bị khai trừ khỏi Ủy ban Trung ương Đảng XHCN Thống nhất Đức, buộc phải từ chức Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia “vì lý do sức khỏe” và về hưu.

Ernst Wollweber qua đời ngày 3 tháng 5 năm 1967 và được an táng ở Đông Berlin.

Kim Thanh Hằng
.
.