Liban: Nhiệm vụ khó khăn cho chính phủ mới

Thứ Sáu, 24/09/2021, 13:08

Sau một năm bế tắc xuất phát từ vụ nổ tàu chở hóa chất phân bón ở cảng Beirut, Liban đã có chính phủ mới được thành lập. Đây là chính phủ chuyển tiếp nhằm giúp ổn định tình hình chính trị Liban, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 5-2022.

Lấp đầy khoảng trống quyền lực

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đầu tiên kể từ khi thành lập chính phủ vào trung tuần tháng 9-2021, tân Thủ tướng Liban Najib Mikati cho rằng đã đến lúc “phải có một chính phủ” để đưa ra các quyết định và chấm dứt tình trạng khoảng trống quyền lực đã tồn tại quá lâu.

Ông Mikati là đề cử thứ ba cho đến nay kể từ khi chính phủ của ông Hassan Diab từ chức sau vụ nổ lớn tại cảng Beirut vào tháng 8-2020. Kể từ đó, nội các của ông Diab chỉ hoạt động với tư cách lâm thời, chính quyền tạm, khiến tình hoạt động yếu ớt của hệ thống chính quyền Liban càng thêm trầm trọng.

Trong nỗ lực giải quyết tình trạng “khủng hoảng kép”, vừa khủng hoảng chính trị, vừa khủng hoảng kinh tế, xã hội do đại dịch COVID-19, các đảng phái chính trị Liban đã 2 lần đề cử người đứng ra thành lập chính phủ, đó là các ông Mustafa Adib và Saad Hariri, nhưng cả hai đều không thể thành lập chính phủ do không thuyết phục được các đảng phái đối lập cùng tham gia chính phủ. Sự tín nhiệm của người dành cho giới chính khách cũng xuống rất thấp ngay cả trước khi xảy ra vụ nổ ở cảng Beirut do tình tham nhũng trong hệ thống chính quyền, những cuộc đấu đá chính trị triền miên trong các chính khách, đảng phái dẫn đế tình trạng không ai quan tâm chăm lo đến những khó khăn trong đời sống hàng ngày của người dân.

Liban: Nhiệm vụ khó khăn cho chính phủ mới -0
Tân Thủ tướng Liban Najib Mikati.

Người cũ và những thách thức mới

Năm nay 66 tuổi, Mikati không hề xa lạ trong chính trường Liban, mặc dù trước khi được đề cử thành lập chính phủ mới ông là tỉ phú giàu có nhất Liban. Xuất thân gia đình doanh nhân chuyên ngành xây dựng, Mikati bắt đầu tham gia chính trường khá muộn, nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Giao thông và các công trình công cộng vào năm 1998, hai năm sau (2000) ông được bầu vào nghị viện và tiếp tục đảm nhiệm chức Bộ trưởng Giao thông trong chính phủ mới. Ông cũng là đồng minh quan trọng của Tổng thống khi đó là Emile Lahoud.

Nói về kinh nghiệm thì Mikati được xem là có “bề dày” trong điều hành chính phủ Liban. Ông từng 2 lần làm Thủ tướng Liban, lần thứ nhất từ tháng 4-2005, tại nhiệm được 3 tháng; lần thứ hai từ tháng 6-2011 và kéo dài đến tháng 2-2014.

Tuy nhiên, ông Mikati cũng thừa nhận rằng, xuất phát từ những vấn đề của các chính phủ trong quá khứ, sẽ rất khó khăn để nhiều người dân Liban hiểu và tin tưởng vào chính phủ mới của ông. Ông Mikati cũng hiểu rõ rằng đã từng có nhiều chính khách thất bại trong quá khứ khi đứng ra thành lập chính phủ do không thể tập hợp được sự ủng hộ cần thiết của các chính khách đối lập, của người dân.

Ông Mikati cho biết ông đang bắt tay vào thực hiện nhanh việc sửa chữa những sai lầm của các chính phủ trong quá khứ, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, y tế, giáo dục, công việc và tính minh bạch, để cho người dân Liban thấy rằng họ đang có được một nền quản trị, một sự minh bạch. “Đó là những gì chúng tôi đang làm” - ông Mikati nói. Nhiệm vụ quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất của ông Mikati là làm sao đưa kinh tế Liban quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định, từ đó cải thiện dần đời sống quá khó khăn của người dân do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như những vấn đề của chính phủ trong quá khứ.

Giới quan sát đang đặt ra một số câu hỏi với ông Mikati, đó là liệu chính phủ của ông sẽ kéo dài được bao lâu, liệu ông sẽ “sửa chữa” bằng cách nào đối với những vấn đề quá khó hiện nay của Liban? Làm thế nào để ông Mikati xây dựng được niềm tin, sự ủng hộ chắc chắn trong giới chính trị, người dân Liban cũng như cộng đồng quốc tế khi bản thân ông cũng từng dính vào các cáo buộc tham nhũng trong quá khứ.

Liban bắt đầu lâm vào khủng hoảng kinh tế và tài chính vào cuối năm 2019 và khủng hoảng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Tỉ lệ nghèo đói đã tăng lên trong vài tháng qua khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát, với tình trạng thiếu thuốc men, nhiên liệu và điện cũng trở nên trầm trọng. Việc đồng tiền Lebanon mất giá khoảng 90% so với đồng USD đã dẫn đến tình trạng siêu lạm phát.

Cộng đồng quốc tế do Pháp và EU chủ xướng đã viện trợ hàng tỷ USD có điều kiện để thực hiện các cải cách rộng rãi trên tất cả các mặt điều hành đất nước, đồng thời tìm kiếm một nhà lãnh đạo có thể thúc đẩy các thay đổi cơ bản đối với quản trị, khống chế vấn nạn tham nhũng và cho phép nhà nước phục vụ người dân tốt hơn. Tuy nhiên, theo ông Mikati, khoảng 74% trong hơn 10 tỷ USD tiền viện trợ đã bị các thương nhân, những kẻ tham nhũng lạm dụng ở Liban trong năm qua – vì vậy chương trình viện trợ này là không bền vững.

Khi Lebanon lâm vào khủng hoảng trầm trọng, kinh tế suy sụp, các nhà lãnh đạo đất nước đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng, bị Pháp và EU áp các lệnh trừng phạt. Các nhà lãnh đạo châu Âu không coi sự trở lại của ông Mikati là bước đột phá được yêu cầu. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao châu Âu cho biết họ sẽ bảo lưu phán quyết cho đến khi ông Mikati chỉ định xong các bộ trưởng.

Chuyên gia Mohanad Hage Ali, Giám đốc truyền thông của Trung tâm Carnegie Trung Đông, cho biết các cáo buộc tham nhũng từ thời ông Mikati làm Thủ tướng lần trước vẫn chưa được giải quyết. Ông này cho rằng, nhiều người hiện vẫn xem ông Mikati là “hiện thân của hành vi sai trái” của các chính phủ trong quá khứ. Gia đình ông đã bị nêu tên trong một vụ bê bối cho vay mua nhà. Họ bị cáo buộc sử dụng các khoản vay được trợ cấp được thiết kế để giúp các gia đình có thu nhập thấp mua nhà cho mục đích thương mại. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt các khoản vay mua nhà. Mặt khác, người ta cũng xem ông là đại diện tiêu biểu cho sự chênh lệch giàu nghèo, sự bất bình đẳng ở Liban.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.