Mossad và vụ bắt cóc bịt đầu mối

Thứ Hai, 13/12/2021, 15:11

Bất kỳ nhà quan sát quốc tế nào cũng cho rằng Israel sở hữu vũ khí hạt nhân. Chỉ có điều là từ trước đến nay, quốc gia này vẫn giữ thái độ mập mờ. Họ không công nhận hay phủ nhận rằng mình hiện đang sở hữu từ 80 đến 400 đầu đạn hạt nhân. Theo nhiều chuyên gia, đây là một cách hữu hiệu để các nước láng giềng của Israel lúc nào cũng ở trong trạng thái hoang mang.

Tuy vậy, nếu mọi chuyện khác đi, rất có thể thế giới còn không biết rằng Israel đang sở hữu đầu đạn hạt nhân. Kể từ khi những chuyên gia hạt nhân Pháp đầu tiên đến Israel vào đầu thập niên 1950 của thế kỷ trước, Tel Aviv xếp chương trình phát triển vũ khí hạt nhân vào nhóm bí mật quốc gia. Chỉ có nhờ một người đàn ông mà sự thật mới được đưa ra ánh sáng.

Anh hùng hay kẻ phản bội?

Mordechai Vanunu sinh ra tại thành phố Marrakesh, Morocco vào năm 1952. Đến năm 1963, cậu bé Mordechai cùng gia đình chuyển đến sống tại Israel. Mordechai là một học sinh gương mẫu, vậy nên ai cũng bất ngờ khi cậu bỏ đại học và nhập ngũ. Chàng thượng sỹ công binh phục vụ hết cuộc chiến Yom Kippur War (1973) thì rời bỏ quân ngũ để hoàn thành chương trình đại học.

Sau nhiều công việc khác nhau, Mordechai được nhận vào làm tại Trung tâm nghiên cứu Hạt nhân Negev. Đây là cơ sở đầu tiên của Israel sở hữu lò phản ứng hạt nhân nước nặng và được đặt ngay giữa sa mạc Negev. Một cựu nhân viên nghiên cứu của trung tâm kể cho phóng viên đài BBC: “Bên bảo vệ giám sát rất chặt những người làm việc trong trung tâm. Ai ở khu nào thì ở yên khu đấy, không được đi lại tự do khi chưa có sự đồng ý của cấp trên… Thời đó camera theo dõi là thứ rất đắt tiền, vậy mà ở ngóc ngách nào họ cũng lắp camera”.

Israel phải làm vậy vì họ nghiên cứu vũ khí hạt nhân tại trung tâm Negev. Tuy bề ngoài Tel Aviv tuyên bố đang tiến tới xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhưng ngay từ năm 1963, Trung tâm Negev đã chế tạo thành công đầu đạn hạt nhân. Ngay cả đồng minh Mỹ thân thiết của Israel cũng không biết việc này. Mỗi khi sắp có phái đoàn thanh tra Mỹ từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Thế giới (IAEA) đến kiểm tra, toàn bộ trung tâm bị đóng cửa tạm thời để Israel chuyển giấy tờ và vật liệu nghiên cứu đến một địa điểm bí mật khác.

Mossad và vụ bắt cóc bịt đầu mối -0
Mordechai Vanunu và bài báo điều tra về nhà máy chế tạo bom nguyên tử của Israel.

Sau hơn một năm huấn luyện, Mordechai được nhận chức kỹ thuật viên và giám sát viên tại Trung tâm Negev. Theo một số tài liệu được tờ Haaretz (Israel) công bố thì hồ sơ của Mordechai tại Negev chỉ ghi rằng anh ta là một nhân viên gương mẫu và ít nói. Nhờ tiền lương mà Mordechai có cuộc sống dư dả, thậm chí còn du lịch một vòng quanh Châu Âu. Lần duy nhất anh suýt bị phạt cảnh cáo là khi bay từ Mỹ về Israel, máy bay có dừng lại tại sân bay Shannon ở Ireland. Khi đó tổ chức cách mạng IRA tại Cộng hòa Ireland là đồng minh của Palestine. Họ từng nhiều lần tấn công các quan chức ngoại giao Israel ở đó, vì thế mà Tel Aviv cấm bất kỳ nhân vật giữ chức vụ quan trọng đến Ireland mà chưa có phép.

Cuộc chiến Israel - Lebanon xảy ra năm 1982 đã thay đổi suy nghĩ của Mordechai. Anh tỏ ra bất mãn với thái độ cứng rắn, trọng vũ lực của Israel đối với Palestine và các nước láng giềng Arab. Mordechai cũng muốn tìm cách nâng cao vị thế của người Arab sống tại Israel vốn phải chịu sự kỳ thị rất lớn. Anh tham gia những cuộc họp của đảng Cộng sản Israel, rồi tự mình thành lập một tổ chức hoạt động chính trị vì hòa bình có sự tham gia của sinh viên.

Tư tưởng tiến bộ của Mordechai khiến cơ quan tình báo Israel nghi ngờ. Họ đã từng nhiều lần tra hỏi và dọa cách chức anh kỹ thuật viên. Biết rằng mình khó có thể tiếp tục đi làm tại Trung tâm Negev được lâu, Mordechai nộp đơn xin nghỉ việc. Trước khi đó anh đã bí mật chụp 57 bức ảnh chứng minh rằng Israel đang nghiên cứu vũ khí nguyên tử.

Trong suốt mấy năm liền sau đó, Mordechai Vanunu xách ba lô đi du lịch khắp Đông Nam Á và Trung Á. Cuối cùng anh chuyển đến sống tại Australia và cải sang đạo Thiên Chúa. Khi ở Australia, Mordechai gặp nhà báo tự do Oscar Guerrero. Oscar gợi ý cho Mordechai rằng hãy bán câu chuyện và những tấm ảnh cho tờ Sunday Times của Anh vừa để kiếm tiền, vừa để cho thế giới biết được sự thật. Mordechai nhận lời mà không biết mình đã mắc bẫy.

Nhà báo điều tra người Mỹ Louis Toscano viết: “Oscar Guerrero chơi nước đôi. Ông ta đến toà lãnh sự Israel ở Sydney rồi nói rằng sẵn sàng hợp tác với họ để bắt Mordechai. Sau khi biết được từ Guerrero câu chuyện của Vanunu, tình báo Israel bèn cho bắt giữ mấy người anh trai của Mordechai để tra hỏi. Họ muốn ép những người này buộc em mình phải giữ im lặng”.

Mossad và vụ bắt cóc bịt đầu mối -0
Nhiều năm sau khi được thả, ông Vanunu vẫn bị tòa án Israel quấy rầy.

Vụ bắt cóc táo tợn

Tờ Sunday Times sau khi nhận được bằng chứng từ Mordechai bèn mở cuộc điều tra. Họ xác định được rằng Israel đã có thể sản xuất được 30kg Plutonium mỗi năm và hiện sở hữu 150 đầu đạn hạt nhân phân hạch. Biết được rằng Mossad thế nào cũng tìm cách bắt giam Mordechai, toà soạn tờ báo đem anh đi trốn tại vùng quê Hertfordshire. Sau vài tháng bị “cầm tù” trong nhà, Mordechai xin được chuyển đến ở London vài ngày để đi tham quan, tất nhiên là có cải trang và người đi theo để bảo vệ.

Trong khi Mordechai đi dạo trên đường phố London, anh làm bạn với một nữ du khách người Mỹ tên Cindy. Cô này tên thật là Chery Hanin, điệp viên của Mossad. “Cindy” thuyết phục được Mordechai Vanunu cùng bay sang Rome (Ý) với mình để du lịch. Cùng lúc đó, tàu INS Noga của Hải quân Israel bẻ lái đến Ý. Chiếc tàu bề ngoài giả dạng làm tàu chở hàng, nhưng bên trong lại có toàn những thiết bị thông tin điện tử hiện đại nhất.

Ngay sau khi bước vào “căn hộ” của Cindy ở Rome, Mordechai bị ba điệp viên Mossad đánh bất tỉnh và đem lên tàu INS Noga. Mordechai bị thẩm vấn và tra tấn tinh thần gần như liên tục trong khi bị nhốt trên tàu. Khi chiếc INS Noga cập bến Israel, Mordechai được đưa đến nhà tù bí mật Gedera do cơ quan tình báo quản lý.

Mossad và vụ bắt cóc bịt đầu mối -0
Một bức ảnh hiếm hoi của viện nghiên cứu hạt nhân của Israel tại sa mạc Negev.

Khi Mordechai bị đưa ra tòa án Israel xét xử vào ngày 30 tháng 8 năm 1987, anh đang ở trong trạng thái kiệt quệ về cả tinh thần lẫn thể xác. Mordechai bị giữ nhiều ngày liền biệt giam và thường xuyên phải chịu đói. Anh phải nhờ người đỡ mới lên được vành móng ngựa. Tuy có sự giúp đỡ của hai luật sư nhân quyền nổi tiếng là Amnon Zichroni và Avigdor Feldman, nhưng Mordechai vẫn bị tòa án kết tội phản quốc và chịu 18 năm tù giam. Chính quyền Israel cấm bất kỳ phóng viên nào vào trong phòng xét xử và không chịu cho công bố lời khai của Mordechai trước tòa lên các phương tiện truyền thông.

Những tháng ngày gian khổ

Trong khi bị giam giữ trong nhà tù Shikma ở Askelon, Mordechai liên tục nộp đơn kháng án. Anh nhận được nhiều tiếng nói ủng hộ từ cả trong và ngoài Israel. Nhà vậy lý học nguyên tử Ray Kidder (Mỹ), người từng nhiều lần được đề cử giải thưởng Nobel, viết: “Những thông tin mà Mordechai Vanunu nắm giữ không còn quan trọng với chính phủ Israel vì ai cũng đã biết cả rồi. Lý do duy nhất mà anh ta vẫn bị giam là vì Tel Aviv không muốn bị mất mặt trước cộng đồng quốc tế và bị mất khoản viện trợ 2 tỷ USD mỗi năm từ Washington”.

Cuối cùng nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các lực lượng tiến bộ mà Mordechai Vanunu cũng được trả tự do vào ngày 21 tháng 4 năm 2004. Câu đầu tiên ông nói với các phóng viên là: “Mossad đã tìm cách bẻ gãy tôi. Tôi không gãy.” Sau khi ra tù, Mordechai phải ở lại bệnh viện vài tháng để hồi phục sức khoẻ.

Mossad và vụ bắt cóc bịt đầu mối -0
Những quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân như thế này có thời từng là bí mật lớn nhất của Israel.

Mordechai có ý định rời bỏ Israel và chuyển đến sống tại Mỹ hoặc Châu Âu. Tuy vậy, anh bị Israel cấm rời khỏi đất nước, cấm lại gần biên giới hoặc lãnh sự quán nào, và cấm không được nói chuyện với người nước ngoài trừ khi nhận được sự đồng ý của điệp viên giám sát mình 24/24h. Mordechai đành chuyển đến sống tại thành phố Jaffa, gần nơi ở của những người anh em mình. Cựu thủ tướng Na Uy Kare Willoch từng cố gắng cấp thị thực cho Mordechai, nhưng chính phủ của bà bị Israel gây sức ép đến mức đành phải bỏ cuộc.

Tuy chịu sự giám sát liên tục của Mossad nhưng Mordechai vẫn tiếp tục các hoạt động chính trị - xã hội. Ông trở thành một biểu tượng của cánh tả Israel và phong trào chống vũ khí hạt nhân và đòi hòa bình cho Palestine. Luật sư Avigdor Feldman, người từng nhiều năm cộng tác với Mordechai, miêu tả bạn mình: “Mordechai là một trong những người kiên cường nhất tôi từng gặp. Có một lần bên công tố viên nói trước tòa rằng không thể bỏ lệnh cấm Israel ra nước ngoài vì làm thế thì Mỹ sẽ bỏ Iraq mà xâm lược Israel vì “tội” có vũ khí nguyên tử. Ai ở tòa lúc ấy cũng nóng mặt vì cái lý lẽ vô lý ấy, nhưng Mordechai chỉ cười… Thật đáng tiếc khi xã hội Israel tiếp tục giẫm đạp lên những cá nhân như Mordechai Vanunu. Điều an ủi duy nhất còn lại là anh và những người khác vẫn tiếp tục chiến đấu vì điều mà mình tin tưởng!”

Công Hội (Tổng hợp)
.
.