Nguy cơ bất ổn từ sự trỗi dậy  của ISIS-K ở Afghanistan

Thứ Năm, 24/02/2022, 10:51

Vụ đánh bom liều chết xảy ra sân bay Kabul vào tháng 8-2021 không chỉ gây chấn động thế giới bởi vì đã có hàng trăm người chết hoặc bị thương, mà còn khiến cộng đồng quốc tế tập trung chú ý vào mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (viết tắt là ISIS-K hoặc ISK).

Cuộc tấn công đã đặt ra câu hỏi khẩn cấp về mối đe dọa  của ISK đối với  sự ổn định của Afghanistan do Taliban kiểm soát và an ninh của các nước láng giềng của Afghanistan trong tương lai.

Mối quan hệ của ISK với Nhà nước Hồi giáo Trung ương (ISC)

Năm 2015, trong khi các lực lượng Mỹ và Afghanistan vẫn đang chiến đấu với lực lượng nổi dậy Taliban, thì Nhà nước Hồi giáo-Khorasan, chi nhánh chính thức của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở khu vực Afghanistan bắt đầu tạo lập không gian cho chính mình.

Thông qua việc hợp tác với các nhóm như Lashkar-e-Jhangvi và Phong trào Hồi giáo của Uzbekistan, ISK đã có được những kiến thức chuyên môn về địa lý khu vực cần thiết. Ngoài ra sự khác biệt với các nhóm chiến binh khác, nổi bật là Taliban Afghanistan - và cả với Lashkar-e-Taiba - đã tạo cơ hội để cho ISK thuyết phục các chiến binh chuyển đổi lòng trung thành vì những lý do thuộc ý thức hệ lẫn thực tiễn.

Tháng 3-2014,  9 cựu thành viên của Al-Qaeda đã đào tẩu tới ISK và cam kết công khai trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi và 6 chỉ huy của Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP)  cũng gia nhập Nhà nước Hồi giáo non trẻ Khorasan vào tháng 10-2014. Việc bổ nhiệm Hafiz Saeed Khan (một cựu chỉ huy TTP) vào vị trí lãnh đạo cao nhất của nhóm vào năm 2015 là dấu hiệu cho thấy ISK sẽ thu hút được nhiều các chiến binh ở đến từ các nhóm khác.

Ngay sau khi ISK nổi lên vào năm 2015, hoạt động của nhóm đã mở rộng hầu như khắp các tỉnh ở Afghanistan và Pakistan. Nhưng từ năm 2016, ISK bắt đầu chịu những tổn thất nặng nề bởi những cuộc tấn công từ cả hai phía: Taliban và Liên quân Mỹ-Afghanistan. Taliban huy động tổng lực lực lượng mặt đất để hạn chế sự bành trướng của ISK trong và xung quanh Nangarhar. Những cuộc tấn công trên bộ của liên quân Mỹ và Afghanistan được không quân Mỹ hậu thuẫn đã tiêu diệt hoặc bắt giữ hàng trăm lính và một số lãnh đạo  của ISK. 

Lãnh thổ của ISK ở Nangarhar nhanh chóng bị thu hẹp và các lực lượng còn lại của nhóm này hoặc đồng loạt đầu hàng chính quyền Afghanistan lúc đó hoặc di dời về phía bắc đến tỉnh Kunar lân cận hoặc tản mát vào các khu vực đô thị lớn.

Bất chấp những áp lực nặng nề trong suốt một thời gian dài, các tài liệu nội bộ của ISK cho thấy đây là một tổ chức rất gắn bó và tận tâm với các tôn chỉ cũng như phương pháp của Nhà nước Hồi giáo Trung ương (ISC) tại Iraq và Syria.

ISK dường như luôn tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt về tần suất liên lạc với ISC, đặc biệt là trong việc báo cáo các hoạt động và các thành tích quân sự của họ. Các tài liệu thu được cho thấy rằng ISK thường xuyên báo cáo số liệu về thành viên, các phe phái đã cam kết trung thành, việc bổ nhiệm các nhà lãnh đạo, kết quả của các cuộc đụng độ với Taliban và các hoạt động ở Pakistan. ISK  cũng  thường xuyên báo cáo với ISC về các vấn đề của họ trong những giai đoạn gặp khó khăn, đặc biệt là khi nhóm bị tổn thất hoặc cần tiền. Các tài liệu liên quan cũng cho thấy ISC đã thực sự chuyển tiền cho ISK, ít nhất là trong những năm đầu tiên .

Vào cuối năm 2019, sự suy giảm về lãnh thổ, nhân lực và năng lực tổng thể khiến ISK suy yếu đáng kể và buộc nó phải dừng hầu hết các hoạt động.

h1.jpg -0
Các tay súng ISK ở Afghanistan.

 Sự hồi sinh của ISK (2020-2022)

Các dấu hiệu đầu tiên cảnh báo về sự hồi sinh của ISK xuất hiện vào giữa năm 2020, khi mà Mỹ bắt đầu tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban. Kể từ tháng 6-2020 đến tháng 6-2021, các cuộc tấn công của ISK ở Afghanistan gia tăng đều đặn, từ số lượng chỉ 3 cuộc tấn công vào tháng 6-2020 lên đến 41 cuộc tấn công vào tháng 6-2021, trong đó có vụ tấn công kinh hoàng nhằm vào một trường nữ sinh Hazara ở Kabul tháng 5- 2021 khiến hơn 200 học sinh và giáo viên thiệt mạng hoặc bị thương.

Cuộc tấn công đẫm máu vào tháng 8-2021 tại sân bay Kabul đã giết chết và làm bị thương hàng trăm thường dân Afghanistan cùng với 13 lính thủy quân lục chiến Mỹ. Dẫu bị cả thế giới lên án, ISK không có dấu hiệu ngừng lại chiến dịch bạo lực. Các cuộc tấn công sau đó nhắm vào các nhà thờ  Hồi giáo ở Kunduz và Kandahar vào tháng 10-2021 khiến hàng trăm người khác thiệt mạng hoặc bị thương, nhiều cuộc đánh bom khủng bố cũng đã diễn ra tại Kabul, gây ra những thiệt hại nặng nề cho chính quyền mới của Taliban.

Trong suốt thời gian diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình và đàm phán nội bộ Afghanistan, ISK liên tiếp mở những cuộc tấn công khủng bố với mục đích tạo ra sự hỗn loạn và nghi kỵ giữa các thực thể chính trị khác nhau, nhằm làm đình trệ những tiến bộ chính trị. Tuy nhiên, sau khi Taliban tiếp quản chính quyền, ISK đã chuyển trọng tâm sang việc làm suy yếu tính hợp pháp của Taliban.

Với nguồn lực hạn chế và không có được sự hỗ trợ từ bên ngoài, Taliban hiện nay thực sự gặp khó khăn trong việc đối phó với ISK, còn về phần mình, ISK nhận thấy chưa bao giờ họ lại có được vị trí tốt như hiện nay để thách thức Taliban và khai thác các cộng đồng dễ bị tổn thương. Nét nổi bật trong chiến lược tấn công của ISK trong những tháng gần đây là tìm cách xóa bỏ sự kiểm soát vốn đã rất yếu kém của Taliban đối với những thành trì cũ của ISK ở tỉnh Nangarhar.

Kể từ giữa tháng 9-2021, ISK đã nhận trách nhiệm về 127 cuộc tấn công ở Afghanistan, gần 100 trong số đó (79%) là nhằm vào Taliban. Mục tiêu của nhóm này là các trạm kiểm soát, đoàn xe an ninh và nhân viên của Taliban, nhưng họ cũng thực hiện các vụ ám sát nhằm các thành viên của chính phủ cũ, nhân viên truyền thông, các nhà hoạt động xã hội dân sự, những người lớn tuổi trong cộng đồng và những tiếng nói nổi bật trong cộng đồng salafi địa phương, những người đã lên tiếng chống lại ISK. Những nỗ lực của ISK nhằm làm mất ổn định sự kiểm soát của Taliban đã buộc phe này phải ra tay hoạt động chống nổi dậy, bao gồm các cuộc đàn áp và trả thù những dân thường địa phương được xem là ủng hộ ISK, điều đó tiếp tục khiến người dân địa phương xa lánh và khoanh tay chứng kiến cuộc xung đột ISK-Taliban tiếp tục kéo dài trong tương lai.

h2.jpg -0
Tiểu vương sáng lập ISK - Hafiz Saeed Khan (thứ hai từ trái sang) đang đọc lời thề trung thành với  Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Trung ương (ISC).

Chiến lược mới của ISK

Thủ lĩnh hiện nay của ISK là Shahab al-Muhajir, người được ghi nhận là có công hồi sinh ISK khi tổ chức này đang vật lộn để tồn tại sau những tổn thất lớn về lãnh thổ, nhân lực và đội ngũ lãnh đạo. Al-Muhajir, tên thật là Sanaullah Ghafari, đến từ quận Shakardara, phía Bắc Kabul và có bằng kỹ sư của Đại học Kabul. Dưới ảnh hưởng của giảng viên và học giả người Afghanistan Abu Obaidullah Mutawakil, Al-Muhajir đã chọn theo tư tưởng salafi (một nhánh cải cách của Hồi giáo Sunni).

Khi ISK nổi lên ở Afghanistan, al-Muhajir chuyển từ hàng ngũ Taliban sang ISK, được bổ nhiệm là Phó giám đốc mạng lưới Kabul của ISK và được bổ nhiệm làm Thống đốc mới của ISK vào năm 2020.  Al-Muhajir được coi là một chuyên gia về chiến tranh đô thị, người có một mạng lưới xã hội rộng khắp ở thành phố Kabul đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng nhân sự của ISK. Mạng lưới xã hội của Al-Muhajir bao gồm các cá nhân trẻ  xuất thân từ các gia đình làm chính trị và các lãnh chúa có ảnh hưởng, những người đã tạo điều kiện cho các hoạt động của ISK, đôi khi vô tình, giống như trường hợp cựu Phó tổng thống Afghanistan Abdul Rashid Dostum.

Đầu tháng 7-2020, trong lần giao tiếp công khai đầu tiên với các thành viên ISK với tư cách là thủ lĩnh mới, Al-Muhajir đã kêu gọi các thành viên tham gia vào chiến lược mới của ISK: chiến tranh du kích và khủng bố đô thị. Các thành viên trong nhóm đang mòn mỏi trong nhà tù cũng được hứa hẹn sẽ giải cứu. Một tháng sau, ISK đã tiến hành một cuộc tấn công tinh vi vào các nhà tù trung tâm Nangarhar ở thành phố Jalalabad, dẫn đến việc trả tự do cho hơn 1.000 tù nhân, trong đó có 280 tù nhân thuộc ISK.

Tương tự, các cuộc vượt ngục khác diễn ra ngay sau khi chính phủ Afghanistan cũ sụp đổ đã cho phép hàng trăm tù nhân được tự do và  gia nhập lại hàng ngũ của ISK. Theo các ước tính khác nhau, có khoảng 2.000-3.000 tù nhân ISK đã trốn thoát trong và sau khi chính quyền cũ sụp đổ, bao gồm các lãnh đạo cấp cao, chỉ huy và các thành viên làm công việc truyền thông.

Để thu hút những người trước đây đã đầu hàng chính phủ, ISK cũng công bố chính sách ân xá và đã thu hút được hàng trăm chiến binh trở lại ISK. Về vấn đề của hơn 1.400 thành viên ISK đã đầu hàng chính phủ trước đó ở Kunar, theo một sắc lệnh tôn giáo ban hành năm 2020 thì một số chỉ huy ISK đã phản bội các chiến binh của họ và ép buộc họ phải đầu hàng, vì thế ISK khuyến khích những chiến binh đó xuất hiện trước tòa án ISK và tái cam kết trung thành với nhóm.

h3.jpg -0
Cuộc tấn công đẫm máu vào tháng 8-2021 tại sân bay Kabul đã giết chết và làm bị thương hàng trăm thường dân Afghanistan cùng với 13 lính thủy quân lục chiến Mỹ đã gây chấn động thế giới.

Mối liên quan giữa an ninh khu vực và hiện tượng trỗi dậy của ISK

Với việc Taliban nắm quyền ở Afghanistan, câu hỏi được đặt ra là liệu họ có đủ khả năng kiềm chế ISK hay không? Một câu hỏi quan trọng không kém  sẽ những tác động đối với an ninh khu vực một khi Taliban và ISK nhiều khả năng sẽ bị cuốn vào một cuộc nội chiến kéo dài trong nhiều năm .

Một trong những biểu hiện rõ rệt của mối đe dọa  với an ninh của khu vực là khả năng ISK sẽ điều chỉnh chương trình nghị sự của mình cho phù hợp với lợi ích và những định hướng của các nhóm  thánh chiến trong khu vực. ISK giờ đây đã tự định vị mình là lựa chọn khả thi nhất để chống lại các tổ chức nhà nước, vì thế cho dù động cơ chính của các nhóm địa phương là nhằm vào chính phủ Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia Trung Á hoặc các nhóm thiểu số theo đạo Hồi và không theo đạo Hồi, ISK đều có thứ gì đó để cung cấp cho tất cả chúng.

Trong trường hợp này ISK sẽ thu hút thêm được sức mạnh từ khắp khu vực và sự tồn tại của nó có khả năng làm trầm trọng thêm bạo lực trong khu vực và phá vỡ mọi kế hoạch cho sự ổn định của Afghanistan. Nó cũng sẽ đẩy đất nước này vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm mới.

Rõ ràng, sự trỗi dậy hiện nay của ISK tiềm ẩn những rủi ro đáng kể, mà những “tay chơi” trong khu vực sẽ không thể chấp nhận được. Thay vì chứng kiến Taliban tiếp tục xung đột với ISK, các quốc gia trong khu vực cần chủ động phát triển một cơ chế an ninh chung nhằm triệt tiêu các nguồn sức mạnh chính của ISK và phải chủ động bắt tay với Taliban để giúp họ kiềm chế tiến tới xóa sổ nhóm này ở Afghanistan.

Dương Thắng
.
.