Nhà máy xi măng Lafarge: Trung tâm tình báo phương Tây ở Syria

Thứ Ba, 21/09/2021, 15:10

Ngày 6-9 vừa qua, Tòa án tối cao Pháp ở Paris đã ra phán quyết bác bỏ kháng cáo của Công ty Lafarge (nay sáp nhập thành tập đoàn xi măng LafargeHolcim) có nhà máy tại Syria do đã chi trả tiền cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trong thời gian nhóm khủng bố này chiếm đóng miền Đông Syria. Đáng quan tâm là nhà máy này đã từng được các cơ quan tình báo phương Tây sử dụng để thu thập thông tin về các con tin bị IS bắt giữ trong thời gian dài.

Theo phán quyết của tòa án, nhà máy Lafarge vẫn sẽ bị điều tra về tội danh đồng lõa với “tội ác chống lại loài người” trong thời gian hoạt động tại Syria. Phán quyết cũng cho rằng quyết định của một tòa án cấp dưới trước đó nhằm xóa bỏ tội danh cho Công ty Lafarge là một quyết định có thiếu sót. Lafarge đang bị điều tra chính thức do tiếp tục hoạt động làm ăn tại vùng IS chiếm đóng ở Đông Syria trong giai đoạn cao trào của nhóm khủng bố này (2013-2014). Nhà máy Lafarge nằm ở thành phố Jalabiya, trung tâm vùng lãnh thổ do IS chiếm đóng, cách thành phố Aleppo 150km về phía Bắc.

Công ty Lafarge bị cáo buộc đã chi trả 13 triệu euro (tương đương 11,15 triệu bảng Anh) tiền thuế và phí cho IS để được duy trì hoạt động của nhà máy. Công ty Lafarge thừa nhận đã chi trả số tiền nêu trên cho một người trung gian nhưng không biết số tiền đó đã được chuyển đến đâu. Tòa án cho rằng việc chi trả tiền cho IS là hành động tiếp tay khủng bố, có thể đe dọa đến tính mạng của nhiều người, vì thế cần phải bị chế tài.

Nhà máy xi măng Lafarge: Trung tâm tình báo phương Tây ở Syria -0
Nhà máy xi măng Lafarge đặt tại thành phố Jalabiya, Syria.

Cuối tháng 8-2021, Hội đồng xét xử ở Paris đã yêu cầu Lafarge phải giao lại 30 triệu euro (27 triệu bảng Anh) cho nhà chức trách như một khoản tiền bảo đảm trước phiên tòa. 8 cựu quan chức lãnh đạo chi nhánh Lafarge tại Syria, bao gồm cả cựu giám đốc điều hành Bruno Lafont, đã bị buộc tội tài trợ cho khủng bố và gây nguy hiểm đến tính mạng của những người khác do các hoạt động của Lafarge ở Syria từ năm 2011 đến năm 2015. Ông Lafont và các cựu lãnh đạo của chi nhánh Lafarge tại Syria có thể bị tuyên án tù đến 10 năm nếu bị kết tội.

Phán quyết trên đây của tòa án được giới chuyên môn đánh giá là một tiền lệ pháp lý cho việc xử lý các doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế đã chấp nhận chi trả tiền cho các nhóm khủng bố. Lafarge tuyên bố sẽ kháng cáo. Tuy nhiên, kháng cáo đã bị Tòa án Tối cao Pháp bác bỏ vào ngày 6-9.

Sau phiên tòa, còn nhiều câu hỏi được dư luận quan tâm đặt ra xung quanh hoạt động của nhà máy Lafarge không được tòa án công khai đầy đủ do có liên quan đến hoạt động của nhiều cơ quan tình báo của nhiều nước, đặc biệt là phương Tây, tại Syria. Và vai trò của các cơ quan tình báo như thế nào trong việc cho phép nhà máy Lafarge tiếp tục hoạt động bất chấp mối nguy hiểm trực tiếp từ nhóm khủng bố IS.

Ahmad al-Jaloudi, một sĩ quan tình báo người Jordan thuộc biên chế của Tổng cục Tình báo Jordan (GID), đã xác nhận với báo chí rằng nhà máy Lafarge là trung tâm của một chiến dịch tình báo thất bại trong nỗ lực giải cứu hàng chục con tin người nước ngoài bị IS bắt giữ, trong đó có cả một số người Mỹ và châu Âu như nhà báo Mỹ James Foley, nhiếp ảnh gia người Anh John Cantlie và phi công người Jordan Moaz al-Kasasbeh, hai người trong số họ sau đó được xác nhận đã bị sát hại.

Theo các nguồn tin tình báo, Ahmad al-Jaloudi được biết đến là một giám đốc quản lý rủi ro tại nhà máy xi măng Lafarge ở Syria. Nhưng trên thực tế ông ta không có vai trò gì trong hoạt động của nhà máy mà chủ yếu làm công việc của một sĩ quan tình báo, kết nối hoạt động với các cơ quan tình báo nước ngoài tại Syria. Ông ta chính là đầu mối của hoạt động gián điệp giải cứu con tin tại Syria, lấy nhà máy xi măng Lafarge ở Syria làm trung tâm trá hình cho hoạt động này. Mục đích của hoạt động tình báo là tìm kiếm, thu thập thông tin tình báo về các con tin người nước ngoài, nhất là các con tin phương Tây, bị IS bắt giữ, nơi IS giam giữ các con tin để tiến hành các hành động giải cứu.

Trong khoảng thời gian 3 năm, ông Ahmad al-Jaloudi đã liên tục đi lại giữa nhà máy Lafarge và các thành phố bị IS chiếm đóng như Raqqa và Aleppo để tìm kiếm thông tin về các con tin bị IS bắt giữ. Đồng thời ông cũng thường xuyên đi lại qua biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ để giao nhận thông tin tình báo với các cơ quan tình báo phương Tây thông qua Cục Tình báo quốc gia (MIT) của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau đó, ông Ahmad al-Jaloudi quay lại các thành phố của IS để thương lượng, trao đổi tìm cách giải cứu các con tin. Năm 2014, ông Ahmad al-Jaloudi đã giúp phương Tây xác định 3 con tin gồm phi công người Jordan tên Moaz al-Kasasbeh, nhà báo Mỹ James Foley và nhiếp ảnh gia người Anh John Cantlie đang bị giam giữ tại nhà máy lọc dầu al-Akirashi ở ngoại ô thành phố Raqqa.

Cuộc thương lượng của Ahmad al-Jaloudi không thành công. Một chiến dịch quân sự nhằm giải cứu các con tin được triển khai vào tháng 4-2014, nhưng IS đã di chuyển các con tin từ trước đó. Kết cục viên phi công người Jordan đã bị IS thiêu sống, con tin người Mỹ cũng bị IS sát hại không lâu sau đó. IS đã tung hình ảnh hành quyết họ lên mạng Internet để thị uy. Không ai nghe nói về các trường hợp con tin được giải cứu thành công. Vì thế, đây có thể được xem là nỗ lực tình báo thất bại của phương Tây tại Syria.

Nguyên Khang (Tổng hợp)
.
.