Những anh hùng thầm lặng ở Uganda
Kể từ khi những cuộc tranh giành quyền lực giữa Lực lượng Phòng vệ nhân dân Uganda (UPDF) và nhóm phiến quân Lực lượng Dân chủ đồng minh (ADF) ở Uganda nổ ra, ngành y tế nước này hầu như sụp đổ. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hơn 2/3 bệnh viện tại Uganda hoạt động trong tình trạng thiếu thốn cả về thuốc men, trang bị lẫn nhân lực.
Tuy nhiên, vẫn có những bác sĩ chấp nhận đối mặt với hiểm nguy chỉ để góp phần xoa dịu nỗi thống khổ của đồng bào mình…
Bác sĩ nhãn khoa Gladys Atto
Nằm ở phía đông bắc Uganda, vùng núi Karamoja là một trong những nơi bất ổn nhất quốc gia này bởi những cuộc giao tranh liên tục nổ ra giữa UPDF và ADF, dẫn đến hàng nghìn người thương vong, chủ yếu là dân thường trong bối cảnh Karamoja chỉ có 2 trung tâm y tế đa khoa, một đặt ở thị trấn Moroto, quận Nabilatuk và một đặt ở thị trấn Rengen, quận Kotido, phục vụ cho 1,2 triệu người.
Vì vậy, sau khi tốt nghiệp bác sĩ tại Đại học quốc tế Kampala ở Ishaka, Uganda rồi lấy bằng Thạc sĩ nhãn khoa tại Đại học Mbarara, Tây Uganda, đầu năm 2018 nữ bác sĩ Gladys Atto tình nguyện về làm việc ở Trung tâm Y tế Moroto, quận Nabilatuk, Karamoja. Đến năm 2023, cô vẫn là bác sĩ nhãn khoa duy nhất trong vùng.
Ngày đầu tiên đến Moroto, bác sĩ Atto đã được chào đón bằng một trận đấu súng giữa UPDF và ADF khi ADF tấn công vào một ngôi làng chỉ cách Trung tâm Y tế khoảng 2km. Atto kể: “Trực thăng quân đội chính phủ UPDF bay sát nóc nhà trung tâm rồi phóng rocket xuống những vị trí của quân phiến loạn. Chưa bao giờ tôi thấy chiến tranh gần với tôi như thế”. Nó đã khiến Atto đặt câu hỏi tại sao cô lại từ chối công việc tại một bệnh viện ở Mbarara, nơi được xem là rất an toàn để đến nơi này?
Atto là một trong 45 bác sĩ chuyên khoa mắt ở khắp đất nước Uganda, nơi có hơn 48 triệu dân nhưng trái ngược với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ bác sĩ nhãn khoa lẽ ra phải là 1/4 trên tổng dân số nhưng ở Uganda, con số này chỉ là 1 phần triệu! Vì thế, chẳng có gì lạ khi Atto phải làm việc 7 ngày 1 tuần. Trung bình mỗi ngày cô khám và điều trị các bệnh về mắt cho 60 bệnh nhân, mổ đục thủy tinh thể cho 10 bệnh nhân, chưa kể những trường hợp cấp cứu.
Một trong những trường hợp cấp cứu mà theo Atto, suốt đời cô sẽ chẳng bao giờ quên là cậu bé Mmaba 12 tuổi. Cậu bị một ngạnh tre gai đâm vào mắt trái. Đế đến bệnh viện, Mmaba phải đi bộ cùng người nhà suốt 9 tiếng đồng hồ với mảnh khăn quấn ngang mặt. Atto kể: “Khi tháo cái khăn cáu bẩn ra khỏi mặt cậu, một dòng máu đã khô đen chạy dài trên gò má. Ngạnh gai đã đâm thủng nhãn cầu, chọc vào võng mạc nên cách duy nhất là múc bỏ mắt”. Lúc ca phẫu thuật hoàn tất và khi Mmaba đã tỉnh thuốc mê, câu đầu tiên mà cậu hỏi Atto là: “Cô ơi, cháu có còn nhìn thấy được không?”. Theo Atto, cô đã phải quay đi để giấu dòng nước mắt: “Được, cháu ạ! Cháu vẫn có thể nhìn thấy tất cả vì cháu vẫn còn mắt bên phải”…
Kể từ năm 2018 đến nay, Atto và nhóm y tá của cô đã thực hiện hơn 7.000 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể với sự hỗ trợ của tổ chức viện trợ quốc tế Sightsavers, đồng thời chữa trị cho hơn 21.800 người mắc các bệnh về mắt. Cô nói: “Nhờ vào Sightsavers, chúng tôi có thiết bị chuyên dùng để mổ mắt, có thủy tinh thể nhân tạo cùng thuốc men, bông băng, gòn gạc…”. Khi khu vực Karamoja gặp phải dịch đau mắt đỏ, suốt 3 tuần lễ bác sĩ Atto và các y tá đã di chuyển tổng cộng 600 km trên những con đường, hầu hết là đường đất để đến từng ngôi làng, mang thuốc cho bệnh nhân.
Có lần, một nhóm các tay súng ADF đã chận chiếc xe của Trung tâm Y tế Moroto nhưng khi biết Atto là bác sĩ, họ đã để cô đi. Atto nói: “Thật đáng sợ. Đó là lúc tôi muốn bỏ cuộc khi một họng súng lạnh buốt dí vào trán tôi. Tôi tự hỏi mình đang làm gì và những việc mình làm có đáng để phải trả giá bằng mạng sống hay không? Thế nhưng lúc gặp những bệnh nhân với con mắt sưng húp, đầy ghèn, tôi lại tin rằng mình đi đúng hướng”.
Eric Kiwota, bác sĩ thú y
Tốt nghiệp ngành Y học nhiệt đới, khoa Thú y, Đại học Manchester, Anh quốc, năm 2020 bác sĩ Eric Kiwota tình nguyện về Karamoja làm việc bởi theo anh: “Dân địa phương vẫn lúng túng mỗi khi đàn gia súc của họ gặp dịch bệnh. Thường thì họ chữa trị theo lời truyền khẩu nhưng bạn biết đấy, nếu những con bò bị lở mồm long móng, mọi loại cây củ rễ lá đều vô ích mà thôi”.
Với những người chăn nuôi ở Karamoja, bò, dê, là cả một gia tài nhưng toàn bộ khu vực này không hề có một bác sĩ thú y nào cả. Thế nên khi Eric xuất hiện, họ mừng như bắt được vàng. Eric nói: “Với các bác sĩ khác, phần lớn bệnh nhân tự đến gặp họ còn với tôi, tôi phải đi tìm “bệnh nhân”, lắm khi phải đi vài trăm km”.
Vẫn theo Eric, một trong những nỗi sợ lớn nhất của anh là các cuộc phục kích do phiến quân ADF tiến hành: “Họ xông vào các bãi chăn thả, cướp những con gia súc. Nếu ai có ý chống cự là họ bắn”. Những con gia súc ấy sau đó được đưa ra chợ đen và lắm khi, nông dân phải bỏ tiền ra mua lại tài sản của chính họ.
Tháng 12/2021, Eric đã rơi vào tình huống này. Khi ấy anh đang cưỡi ngựa trở về Trung tâm Y tế Moroto sau chuyến đi tiêm phòng cho đàn bò của nông dân ở làng Kabota. Lúc gần đến chân núi Moroto, Eric vô tình lạc vào một cuộc chạm súng giữa lực lượng UPDF và phiến quân ADF. Trước đó vài tiếng, một nhóm ADF đã tấn công một trang trại và cướp đi khoảng 60 con bò. Eric nói: “Súng nổ loạn xạ, tôi nhảy khỏi lưng ngựa rồi nằm dài trên mặt đất. Khi trận giao tranh lắng xuống, tôi mới biết con ngựa của tôi đã chạy mất. Toàn bộ dụng cụ, thuốc men đặt trên lưng ngựa cũng mất luôn nên tôi phải đi bộ về nhà”.
May mắn là không lâu sau đó, tổ chức phi chính phủ Vétérinaires Sans Frontières, Vương quốc Bỉ, đã tái trang bị cho anh. Eric nói: “Mất gần 1 tháng, tôi mới có thể quay lại các bãi chăn thả. Sự vui mừng thể hiện trên khuôn mặt của những nông dân là động lực giúp tôi đứng vững đến giờ phút này”.
Sau sự cố ấy, mỗi lúc chuẩn bị đi “khám bệnh”, Eric luôn được người chỉ huy UPDF ở địa phương cho biết về tình hình hoạt động của phiến quân ADF tại những nơi anh sẽ đến. Trên lưng con ngựa do một nông dân trao tặng, Eric rong ruổi qua những thảo nguyên khô cằn hoặc những sườn đồi lởm chởm đá. Bữa ăn của anh chỉ là mấy cái bánh bột ngô nướng cùng vài mẩu pho mai. Khi đêm xuống, trên tấm chăn trải dưới đất, Eric nằm co quắp để chống lại cái lạnh. Không ít lần lúc về đến nhà, Eric cảm thấy mình chẳng còn chút sức lực nào. Anh nói: “Rất nhiều hôm, tôi chỉ muốn nghỉ ngơi vài bữa nhưng nếu tôi nghỉ, việc chữa trị cho vật nuôi sẽ phải dừng lại. Làm sao mà tôi có thể chịu đựng khi đối diện với những nông dân và nghe họ nói “phải chi bác sĩ đến sớm hơn thì những con bò của chúng tôi đâu có chết”.
Trong suốt 3 năm làm việc ở Karamoja, ngoài việc sợ tên bay đạn lạc, sợ ADF bắt, nỗi ám ảnh triền miên của Eric là bệnh bò điên. Anh nói: “Khi con bò đã sùi bọt mép, mắt đỏ ngầu và trở nên hung hăng thì nông dân chỉ còn cách giết nó rồi đem chôn vì chẳng ai dám làm thịt”. Hình ảnh những nông dân khốn khổ ngồi khóc cạnh xác bò đã khiến Eric không cầm lòng nên bằng nhiều cách, anh đã xin được một số thuốc men từ các nhà tài trợ. Anh nói tiếp: “Có thuốc đồng nghĩa với việc tôi phải đi dài ngày hơn, công việc cũng nhiều hơn nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc”.
Grace Apio Okello, bác sĩ sản khoa
Tốt nghiệp Đại học Y khoa Campala năm 2015 rồi thêm 1 năm nâng cao nghề nghiệp, bác sĩ sản khoa Grace Apio Okello tình nguyện về làm việc tại Trung tâm y tế Rengen, quận Kotido thuộc vùng Karamoja. Grace nói: “Karamoja là vùng đất khô cằn, phần lớn người dân sống trong cảnh nghèo đói. Hạn hán, thất nghiệp đã khiến tỉ lệ suy dinh dưỡng rất cao, đa số trẻ em không được đến trường nhưng đáng sợ nhất vẫn là phiến quân ADF”.
Tháng 11 năm ngoái, khi Grace đang đỡ đẻ cho một sản phụ thì đột ngột tiếng súng vang lên ở phía sau Trung tâm y tế, cách đó chưa đầy 1km, nơi lực lượng UPDF cố gắng đánh bật nhóm ADF vừa đột nhập để thu thuế. Nói với trang tin Africa Today, cô cho biết: “Lúc ấy tôi sợ lắm. Tôi chỉ muốn chạy về nhà. Tôi không biết mình có sống được đến sáng mai hay không nhưng trên bàn sinh, phần đầu đứa bé đã thò ra. Tôi không thể bỏ mặc hai mẹ con vì thai nhi sẽ chết ngạt”.
Tại Trung tâm y tế Rengen, ngoài bác sĩ Grace thì còn có 2 nữ hộ sinh. Trung bình hàng tháng họ phải đỡ đẻ từ 50 đến 60 sản phụ đồng thời khám và điều trị các bệnh phụ khoa cho khoảng 25 người khác mỗi ngày. Ngoài ra còn có các chương trình tiêm chủng mở rộng, các buổi tập huấn phòng chống HIV, bạo lực tình dục và mang thai ở trẻ vị thành niên. Nó đã khiến một ngày làm việc của Grace lắm khi kéo dài đến 18 tiếng. Grace nói: “Nhiều hôm về nhà, tôi không còn đủ sức để nấu ăn. Lúc ấy, một hộp đậu trắng sốt cà chua là bữa tối”.
Việc Grace theo học ngành sản phụ bắt nguồn từ niềm cảm hứng của cô với người dì là nữ hộ sinh: “Năm 18 tuổi, tôi lần đầu chứng kiến dì tôi một mình trong phòng sinh với một sản phụ vì không có bác sĩ và cũng không ai phụ giúp. Thế nên lúc tốt nghiệp trung học, tôi quyết định thi vào Đại học Y khoa Campala. Sau 6 năm miệt mài trên giảng đường, tôi nhận bằng tốt nghiệp. Tiếp theo, tôi ghi danh học thêm 1 năm nâng cao về sản phụ khoa rồi tình nguyện về Karamoja”. Khi được Africa Today hỏi động cơ nào đã kiến cô tới vùng nước sôi lửa bỏng này, Grace trả lời: “Tôi chỉ muốn góp một phần nhỏ của mình vào việc chăm sóc những trẻ sơ sinh, những sản phụ đang chịu thiệt thòi về mặt sức khỏe”.
Những ngày đầu tiên làm việc ở Trung tâm Y tế Rengen, quận Kotido, bác sĩ Grace đã cảm thấy sốc khi chứng kiến nhiều bà mẹ đến sinh con mà Khoa Sản phụ không có gạc, bông băng, chăn mền, tã lót cho em bé. Thậm chí giường nằm cho sản phụ chỉ có tấm nệm bọc nhựa nhưng không có vải trải giường. Họ quá nghèo nên không thể mua được những thứ cần thiết cho cuộc vượt cạn. Grace nói: “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mẹ tròn con vuông nhưng cũng rất đau đớn lúc nhìn thấy một sản phụ với cái bụng vượt mặt, đi bộ đến Trung tâm Y tế. Trong quá trình thăm khám, tôi phát hiện thai có dấu hiệu chết lưu nhưng tôi chẳng làm gì được để cứu sống đứa bé. Rất nhiều lần trên các mạng xã hội, tôi thấy cơ sở sản phụ khoa ở một số nước giống như thiên đường. Phải chi chúng tôi có được một nửa của họ…”.
Ngày 18/9 hàng năm là ngày mà Liên hợp quốc gọi là “Ngày Nhân đạo thế giới”, cả 3 bác sĩ Grace, Atto và Eric đều được vinh danh vì “những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc chăm sóc sức khỏe cho những người yếu thế cùng đàn gia súc ở Karamoja” đồng thời họ còn được trao tặng giải thưởng “Bác sĩ của năm”. Grace nói: “Chẳng gì vui bằng khi những đứa trẻ khoanh tay chào tôi vì chúng hiểu rằng tôi đã giúp chúng chào đời…”. Còn với Atto thì: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là sau phẫu thuật thay thủy tinh thể, bệnh nhân mở mắt nhìn tôi và nói: “Tôi thấy rõ mặt bác sĩ rồi…”.