Nước Mỹ và mặt trái của giáo dục phổ thông

Thứ Hai, 25/10/2021, 10:20

Thêm một lần nữa nước Mỹ lại rộ lên vì câu chuyện huấn luyện viên trung học có quan hệ tình dục với học sinh của mình. Kẻ gây án, Nathan Jellicoe, là trợ lý huấn luyện viên đội bóng rổ trường trung học Dysart (El Mirage, bang Arizona) đã từng nhiều lần có hành động dụ dỗ và cưỡng ép tình dục nữ sinh.

Theo điều tra của báo chí địa phương, các học sinh khác trong trường đã từng nhiều lần phản ánh với ban giám hiệu về hành vi của Nathan Jellicoe. Nhưng không biết vì lý do gì hắn vẫn được giữ chức đến tận lúc bị bắt giữ bởi cảnh sát?

Những vụ việc tương tự từng xảy ra trong quá khứ, và lần nào kẻ gây án cũng nhởn nhơ ngoài pháp luật một thời gian dài mặc cho các nạn nhân công khai tố cáo. Tại sao những vụ án, những tên tội phạm nghiêm trọng đến vậy lại tránh được sự trừng phạt của công lý? Chuyện gì đang xảy ra bên trong các trường học ở Mỹ?

Nước Mỹ và mặt trái của giáo dục phổ thông -0
Huấn luyện viên Sage Hopkins cùng các học trò của mình.

Sự phản bội

Công chúng Mỹ coi trọng thể thao trường học hơn nhiều quốc gia khác. Không hiếm khi cả một quận hay thị trấn đều đổ ra sân vận động xem đội bóng học sinh địa phương thi đấu, cùng với cả hàng trăm nghìn khán giả theo dõi qua truyền hình. Phần lớn các tờ báo, kênh truyền hình thể thao đều có chuyên mục riêng nói về thể thao trường học. Còn trên bàn đàm phán, ông chủ đội bóng rổ, bóng chày, bóng bầu dục… thương lượng những bản hợp đồng triệu USD dành cho các vận động viên vừa mới rời ghế giảng đường.

Nói vậy để biết ảnh hưởng của những vụ xâm hại tình dục trong thể thao học đường có tác động thế nào đến người Mỹ. Đến bây giờ vụ án hiếp dâm học sinh tại trường đại học Penn State vẫn còn ám ảnh tâm trí nhiều người dân bang Pennsylvania. Vào đầu năm 2011, báo chí bắt đầu đưa tin về những vụ cưỡng ép sinh viên gây ra bởi Jerry Sandusky, trợ lý huấn luyện viên đội bóng bầu dục Nittany Lions.

Cuộc điều tra kéo dài nhiều năm liền và lôi ra ánh sáng không chỉ kẻ phạm tội mà còn những cá nhân đã che giấu hắn nữa. Kết cục là Jerry Sandusky bị kết án 60 năm tù, còn trường Penn State phải nộp phạt 60 triệu USD, bị cấm thi đấu bóng bầu dục 4 năm, và bị tước tất cả các danh hiệu họ giành được trong thời gian bị cáo giữ chức.

Tất cả những điều tai hại này đã có thể tránh được nếu như Penn State đuổi việc Jerry Sandusky ngay từ khi cảnh sát bắt đầu điều tra ông ta từ năm 2008. Ngoài hành vi cưỡng ép các học sinh trong trường, kẻ phạm tội còn qua tổ chức từ thiện Second Mile tìm kiếm nạn nhân là những em trai mồ côi 8-12 tuổi. Vậy nhưng ban giám hiệu trường đã nhiều lần tìm cách che giấu cho kẻ thủ ác và tỏ thái độ bất hợp tác với cơ quan điều tra. Một người đồng nghiệp của Jerry, huấn luyện viên Mike McQueary, khai với cảnh sát: “Vào năm 2002 tôi bắt gặp ông ta hãm hiếp một cậu bé 10 tuổi trong phòng thay đồ. Tôi báo cáo chuyện này với ban giám hiệu, nhưng Jerry không bị làm sao còn tôi bị đuổi việc!”.

Nước Mỹ và mặt trái của giáo dục phổ thông -0
Nhiều vận động viên đội tuyển thể dục dụng cụ Mỹ là nạn nhân bị xâm hại tình dục.

Đại học Penn State chưa bao giờ nói ra lý do vì sao họ lại tìm cách che giấu cho Jerry. Nhưng theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân gần như chắc chắn là vì thành tích của ông ta. Jerry từng nhiều lần đưa đội bóng bầu dục Nittany Lions đến chức vô địch quốc gia, còn bản thân ông ta nhận rất nhiều các giải thưởng thành tựu và được coi là “thiên tài chiến thuật”. Nhờ vị trợ lý huấn luyện viên mà danh tiếng về thể thao của Penn State mới được củng cố, thu hút rất nhiều nhân tài trẻ đến theo học. Mà càng có nhiều tài năng trẻ cũng đồng nghĩa với việc nhà trường nhận được những hợp đồng triệu USD từ các ông bầu chuyên nghiệp.

Thành tích và lợi nhuận làm mờ mắt không chỉ Penn State. Một vụ scandal tình dục thể thao học đường khác được phát hiện vào năm 2003 tại trường trung học ở thành phố Port Townsend, bang Washington. Huấn luyện viên của đội bóng rổ nữ trường Randy Sheriff đã từng nhiều lần quan hệ tình dục với đội trưởng đội bóng. Khi nạn nhân mới 15 tuổi, ông ta đã tìm cách tiếp cận và gần gũi với cô, rồi một năm sau hai người bắt đầu quan hệ.

Randy Sheriff từ chức, nhưng không biết vì sao sau đó lại được hai trường trung học khác mời huấn luyện cho đội tuyển của họ. Cả hai đội đều giành thành tích cấp quốc gia nhưng cũng đều có khiếu nại về hành vi của huấn luyện viên. Các bậc phụ huynh buộc phải gây áp lực nhiều năm liền mới khiến nhà trường chịu hợp tác với các cơ quan điều tra để đưa Randy ra trước pháp luật.

Một điểm đáng nói là trong những vị phụ huynh gây sức ép lên nhà trường, chỉ lẻ tẻ vài người đến từ Port Townsend. Một người dân địa phương giải thích hiện tượng này như sau: “Đội bóng rổ nữ quan trọng với thành phố này lắm. Bậc cha mẹ nào có con được huấn luyện bởi Randy Sheriff cũng mơ tưởng ngày con mình được chơi bóng chuyên nghiệp. Gần như ai sống ở đây cũng làm việc trong nhà máy. Họ muốn con cái thoát được cái cảnh “đầu tắt mặt tối” như mình.”

Nước Mỹ và mặt trái của giáo dục phổ thông -0
Không biết bao nhiêu cầu thủ trung học đã bị cưỡng ép tình dục ở Mỹ.

Danh dự ở đâu

Đôi khi những vụ  scandal lên đến cả cấp quốc gia. Ngành thể dục dụng cụ Mỹ suýt nữa sụp đổ khi 368 vận động viên cùng đứng lên tố cáo việc họ đã bị các huấn luyện viên, bác sỹ trị liệu… hãm hiếp. Trong số các vận động viên có những người từng giành được huy chương Olympic như, Jamie Dantzscher, Gabby Douglas, Aly Raisman, và McKayla Maroney.

Cách Hiệp hội Thể dục dụng cụ Mỹ che giấu tội danh cho những kẻ gây án là thường xuyên luân chuyển họ. Mỗi khi nhà trường hoặc phụ huynh phát hiện ra chân tướng của kẻ huấn luyện con cháu họ, vị huấn luyện viên sẽ được chuyển qua một ngôi trường  ở bang khác. Với chiêu bài tưởng như đơn giản này đã có tận 54 huấn luyện viên trốn tránh được pháp luật trong vòng hơn 20 năm. Kẻ ghê tởm nhất, huấn luyện viên, bác sỹ tâm lý Larry Nassar đã cưỡng hiếp 22 cô gái trước khi bị đưa ra tòa. Sau khi vụ kiện kết thúc, Larry Nassar phải chịu án chung thân.

Lời biện hộ của ban lãnh đạo Hiệp hội Thể dục dụng cụ Mỹ là họ chỉ đang tìm cách bảo vệ danh dự quốc gia. Đây là điều được nhiều vị có chức quyền khác lặp lại khi được hỏi vì sao họ che giấu tội lỗi của những huấn luyện viên. Chẳng cần nói nhiều về sự độc hại của lối suy nghĩ này. Điều đáng đề cập là việc nhiều vận động viên cũng giữ thái độ tương tự.

Võ sỹ MMA nổi tiếng Mark Coleman từng phải hứng chịu nhiều hành động dâm ô của huấn luyện viên khi anh vẫn còn thi đấu cho đội tuyển của trường đại học Ohio State. Nhà cựu vô địch UFC đã trả lời tờ Sport Illustrated: “Ai trong đội cũng bị huấn luyện viên sờ soạng. Chúng tôi thoải mái nói với nhau về chuyện này. Thứ nhất, mọi người không nghĩ rằng huấn luận viên đã làm điều không đúng. Thứ hai, cả đội cho rằng nếu để chuyện này lộ ra ngoài thì sẽ chẳng khác gì “xấu chàng hổ ai”, chỉ tổ làm tổn hại thanh danh của trường”.

Mặt khác cũng phải nói đến cách những kẻ dâm ô tìm kiếm nạn nhân. Mẫu số chung của những kẻ như Jerry Sandusky và Randy Sheriff là  nhắm đến các học sinh dễ bị dụ dỗ nhất. Một nạn nhân của Randy Sheriff kể lại: “Tôi mồ côi cha và trong nhiều năm liền Randy giống như người cha thứ hai của tôi. Ông ta tặng quà cho tôi, chở tôi đi chơi, cho tôi lời khuyên không khác gì một người cha thật sự. Khi Randy làm những điều không phải với mình, tôi cũng chẳng phản ứng gì vì cho rằng đã là người nhà thì thân mật với nhau không còn gì lạ!”.

Nước Mỹ và mặt trái của giáo dục phổ thông -0
Jerry Sandusky bị áp giải ra khỏi nhà tù.

Sau khi một loạt những vụ scandal quấy rối tình dục trường học bị đưa ra ánh sáng, chính quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton đã buộc các trường học ở Mỹ phải dạy học sinh nhận biết và xử lý tình huống bị cưỡng ép bởi người lớn. Chính sách này tuy chứng minh được sự hiệu quả của mình nhưng trong nhiều trường hợp điều tra thành công vẫn xảy ra tình trạng nạn nhân giữ im lặng trong nhiều năm liền. Áp lực phải giữ im lặng từ nhà trường và gia đình là một lý do, nhưng đối với nhiều vận động viên, các em thực sự lo lắng về tương lai của mình.

Sage Hopkins từng nhiều năm liền là huấn luyện viên của đội tuyển bơi trường đại học San Jose State. Sau khi Sage báo cáo ban giám hiệu về việc trợ lý huấn luyện viên thể lực có hành vi dâm ô với các thành viên trong đội, ông ta bị đuổi việc. Mãi đến hơn 10 năm sau lời khai của các nạn nhân mới được tòa án xử thắng kiện. Nhìn nhận lại sự việc, Sage Hopkins nói với báo chí: “Số tiền bồi thường mà các em nhận được chẳng là gì cả. Tôi hiểu tường tận tài năng của các em. Có những em đáng lẽ ra đã được đi thi đấu Olympic rồi, nhưng vì dính vào vụ scandal này mà không được. Các em đã mất cả tương lai vì theo đuổi vụ kiện này!”.

Có một sự khập khiễng trong cách công luận Mỹ xử lý những vụ án tình dục thể thao học đường. Một mặt họ “giơ cao đánh khẽ” với những kẻ phạm tội nhằm “bảo vệ” danh dự của đội tuyển, trường học. Mặt khác họ coi những nạn nhân như con hủi và tìm mọi cách để làm họ “biến mất”. Tựu trung lại, các em học sinh  -  sinh viên đang bị người lớn coi như thứ có thể thay thế được như con ốc trong cỗ máy.

Phong trào #MeToo lẫn sự thức tỉnh của công luận trước vấn nạn xâm hại tình dục đã có tác dụng rất tốt đối với ngành thể thao. Các vận động viên trẻ ngày nay đã dũng cảm hơn những thế hệ đi trước và sẵn sàng nói ra sự thật. Vậy nhưng họ vẫn đang phải chiến đấu một mình. Đứng ở bên kia chiến tuyến là các nhóm lợi ích, định kiến của xã hội, và mối đe dọa trực tiếp đến tương lai của họ. Trừ khi người Mỹ sớm tìm được cách hóa giải  những thế lực bảo trợ cho kẻ phạm tội, các vụ cưỡng hiếp tình dục sẽ tiếp tục xảy ra trong trường học và gây tổn hại cho tương lai ngành thể thao nước này.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.