R. H. Van Deman: Cha đẻ của thám báo Mỹ

Thứ Ba, 03/05/2022, 09:57

Manila, năm 1901. Nhiều khách sạn, nhà thổ và các ổ cờ bạc mọc lên hối hả cho nhiều người Mỹ đổ xô tới: quan chức, nhà truyền giáo, thương nhân và những kẻ đầu cơ, và lính tráng. Bất chấp chiến thắng chóng vánh trong chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ chỉ 3 năm trước đó, giờ đây Mỹ đang ở giữa cuộc chiến dài hơi ở Châu Á.

Mới vừa hí hửng vì được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Tây Ban Nha, các nhà dân tộc chủ nghĩa Philippines giờ đây đang lờ mờ hiểu rằng người Mỹ đang muốn thiết lập một thuộc địa Mỹ trên nước mình. Cuộc xung đột tàn bạo đã khiến 20 vạn người Philippines bỏ mạng. Thời điểm đó, đại úy Ralph H. Van Deman là một sĩ quan đầy tham vọng khi nhận ra Manila có thứ để mình khẳng định bản thân.

Người đặt nền tảng của trinh sát hiện đại 

Con đường đến với binh nghiệp của Van Deman khá bất thường, bởi vì sau khi học đại học ở Ohio, tiếp đó là Harvard, thì chàng trai trẻ còn học Luật thêm một năm, rồi còn học thêm Y nữa. Những năm tháng sinh viên, Van Deman có mặt trong hàng ngũ của Vệ binh quốc gia Ohio nhằm trấn áp cuộc đình công của công nhân ngành mỏ. Đến năm 1901, Van Deman có 10 năm tại ngũ.

Tháng 2 năm 1901, Van Deman có mặt ở Manila. Thời điểm đó, quân đội Mỹ không cần thiết giáp hạm hay pháo đài mà cần nhất là thông tin tình báo. Ở đó, Van Deman được cấp trên giao nhiệm vụ phụ trách Cục hồ sơ nổi dậy (BIR), chính vị trí này sau đó đã biến ông thành “cha đẻ” của trinh sát Mỹ. Sự nghiệp của Van Deman trải dài nửa thế kỷ và 3 châu lục, và đạt đến đỉnh cao khi phò trợ Tổng thống Mỹ tương lai đến Nhà Trắng. Ở Manila, chính quyền chiếm đóng Mỹ cảnh báo rằng có nhiều người Philipines muốn giành độc lập.

Van Deman đưa hoạt động tình báo quân sự lên cấp độ cao nhất khi hạ lệnh cho 450 sĩ quan triển khai khắp quần đảo để cung cấp dữ liệu “từ mọi nguồn khả thi”. Tiếp đó, Van Deman chuyển đến tổng hành dinh quân đội Mỹ bên bờ sông Pasig. Nhằm tổng hợp thông tin về những đối tượng tình nghi Philippines, Van Deman dùng một hệ thống quản lý thông tin tinh vi nhất thời đó: Thẻ tập tin.

Mỗi tấm thẻ này đề dòng chữ “Thẻ mô tả những người ở chung” và có các ô trống để sĩ quan Mỹ đề vào ngoại hình, tuổi tác, huyết thống cùng tầm quan trọng trong cộng đồng… của cá nhân đó. Đối với dữ liệu trên những chiếc thẻ này, Van Deman không chỉ để mắt tới các sĩ quan quân đội Mỹ mà ngay cả lãnh thổ và cảnh sát Manila cũng thuộc quyền kiểm soát của Mỹ. Chỉ riêng ở thủ đô Manila, BIR đã có 200 mật vụ trong biên chế. 

Trên hàng ngàn chiếc thẻ tập tin phủ đầy bụi của Van Deman còn tồn tại đến ngày nay có một sự thật ít người biết: Một lượng lớn thông tin về người yêu nước Philippines đến từ việc tra tấn. Về cơ bản cũng như nhiều đàn ông da trắng trong thời kỳ đó, Van Deman cảm thấy bất kỳ ai chống lại chủ nghĩa thực dân thì đều là tay sai của những kẻ kích động bên ngoài.

Bộ máy an ninh do Van Deman tạo ra đã tồn tại trong vài thập kỷ Mỹ chiếm đóng quần đảo. Khoảng thập niên 1920, lực lượng cảnh sát Manila nắm 200.000 thẻ tập tin tức bao quát 70% dân số hòn đảo. Đội ngũ nhân sự cồng kềnh này tiếp tục là gánh nặng cho Philippines tới khi cuối cùng nước này giành được độc lập vào năm 1946.

R. H. Van Deman: Cha đẻ của thám báo Mỹ -0
Bức ảnh chụp người yêu nước bị giam cầm ở Manila năm 1901. Ảnh nguồn: Library of Congress.

Thành lập nhánh tình báo quân sự Mỹ

Về lại Mỹ vào năm 1903, Van Deman đã kết hôn với một người đàn bà kém ông tận 15 tuổi. Sadie Van Deman là người đầu tiên ở Châu Mỹ bay trên chuyến bay kéo dài 4 phút vào năm 1909 bởi hai anh em Wilbur và Orville (tên thường gọi là anh em nhà Wright). Hôn nhân của Van Deman chỉ kéo dài vài năm ngắn ngủi, rồi ông tiếp tục theo học lớp đầu tiên của Đại học chiến tranh mới thành lập. Đầu năm 1917, Van Deman đi bước nữa.

Tuyên bố chiến tranh Châu Âu của Mỹ vào ngày 6 tháng 4 năm 1917, người ta thấy hình dáng gầy gò của Van Deman bị mắc kẹt trong vị trí nhân viên ở Bộ chiến tranh, tỏ ra bực bội vì quân đội không có cơ quan tình báo. Van Deman đưa đề xuất này trình tham mưu trưởng lục quân, Tướng Hugh Scott, nhưng ông này từ chối. Không bỏ cuộc, Van Deman đã trình bày ý tưởng của mình trước Bộ trưởng Chiến tranh Newton Baker. Nghe lọt tai, Baker đã hạ lệnh cho Van Deman thành lập nhánh tình báo quân đội mới.

Rất nhanh chóng Van Deman được thăng cấp Đại tá, nhân viên của ông lên tới 282 sĩ quan, 29 trung sĩ và hơn 1.000 thường dân mà phần đông là tình nguyện viên. Trong suy nghĩ của Van Deman: Đức và các Đồng Minh không phải là kẻ thù duy nhất. Van Deman tự thấy mình có trách nhiệm bảo vệ trật tự xã hội truyền thống chống lại nổi loạn trong nước và hệ tư tưởng cách mạng nước ngoài.

Năm 1917, một đối tượng bị đơn vị tình báo của Van Deman hoài nghi là Đức cha A. D. Williams (mục sư của Nhà thờ Rửa Tội Ebenezer ở thành phố Atlanta). Williams giúp thành lập Liên đoàn quyền lợi công bằng để chống phân biệt đối xử, cũng như giúp thành lập một nhánh của Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) nhằm đăng ký cử tri da màu. Một báo cáo tình báo của Van Deman dán nhãn Williams “kẻ kích động chống đối” bởi vì ông có ý đồ thành lập một trường trung học da màu. Ngay cả Tiến sĩ Martin Luther King Jr. cũng nằm trong danh sách bị tình báo Mỹ theo dõi.

Rồi thì Van Deman được giao nhiệm vụ đến Châu Âu. Khi Đại chiến kết thúc, Van Deman phụ trách tất cả các dàn xếp an ninh cho hội nghị hòa bình kéo dài ròng rã ở Versailles với đội ngũ nhân viên chỉ 56 người. Sau sự kiện Versailles, Van Deman tiếp tục phục vụ trong quân đội dù rằng nhiều kẻ ganh tỵ với ông đã tìm cách cản ông khỏi các hoạt động tình báo. Khi nghỉ hưu vào năm 1929, Van Deman đeo lon Thiếu tướng.

R. H. Van Deman: Cha đẻ của thám báo Mỹ -0
Công cụ tử hình bằng cách siết cổ tội nhân đến chết ngạt tại nhà ngục Bilibid (Manila). Ảnh nguồn: Library of Congress.

Những điệp viên của Van Deman

Với sự hiện diện đa dạng các căn cứ hải quân, lục quân và thủy quân lục chiến, từ lâu San Diego đã là địa điểm yêu thích cho các lực lượng vũ trang, đó cũng là nơi Van Demans định cư. Chỉ trong vòng vài năm dọn tới San Diego, Van Deman đã chuyển sang giai đoạn mới của hoạt động trinh sát. Với sự giúp đỡ của vợ ông và một người bạn quân nhân đã nghỉ hưu cùng với 2 thư ký được Lục quân trả lương, Van Deman nhanh chóng thành lập ra cục tình báo tư nhân.

Những nỗ lực của ông được bảo trợ tài chính bởi những người đồng cảm giàu có. Ông Athan Theoharis, Giáo sư Sử học danh dự tại Đại học Marquette (Wisconsin, Mỹ) và đồng thời là tác giả của một số đầu sách về đề tài FBI và trinh sát, nhận xét: “Về cơ bản, Van Deman là người cảnh giác cao độ. Ông coi mình là vị cứu tinh của dân tộc. Thật không thể tin nổi khối lượng thông tin mà ông ấy thu thập được và chuyển giao cho những người thực hiện chúng”.

Luôn là một nhà quản lý mạng lưới khéo léo, Van Deman thường xuyên trao đổi thông tin với cảnh sát và các sở cảnh sát cũng như bạn bè cũ trong tình báo quân sự. Sự tàn phá của thời kỳ đại suy thoái đã hình thành các nhóm xã hội chủ nghĩa và cấp tiến. Không nơi nào căng thẳng bằng California, nơi có số đông người di cư tìm đến, nạn đói kém và thất nghiệp trở nên trầm kha.

Đối với Van Deman, trinh sát là bày tỏ lòng ái quốc và chia sẻ thông tin thoải mái mà không đếm xỉa tới tiền bạc, ngay giữa thập niên 1930, chỉ riêng hãng thám tử quốc gia Pinkerton đã tuyển dụng tới 1.200 điệp viên hoạt động trong nhiều ngành khác nhau. Các tổ chức trồng trọt như Hội nông dân California tỏ lòng biết ơn những thông tin hữu ích của Van Deman. Khi San Francisco có một cuộc đình công lớn trong năm 1934, Van Deman đã có sẵn danh sách những kẻ kích động và sớm thảo luận tình hình với Hội công nghiệp của thành phố này.

Hàng nghìn trang tài liệu mật do các điệp viên của Van Deman tạo ra, chúng được viết bằng mực vô hình, còn các điệp viên được xác định danh tính bằng các chữ cái và con số, như B-11. Các trường học và đại học cũng là đấu trường để cảnh giác. Một danh sách dài các giáo sư bị nghi ngờ của Đại học California tại Los Angeles (UCLA) và Đại học Nam California cũng có trong hồ sơ theo dõi của Van Deman.

Người Do Thái cũng là một trong các mục tiêu theo dõi của ông. Một trong các tài liệu mật do điệp viên của Van Deman điều tra khẳng định rằng cả ông Franklin và bà Eleanor Roosevelt đều có tổ tiên Do Thái. Một trong số những điệp viên đắc lực của Van Deman được đánh ký hiệu là B-31, người mà sử gia McCoy nhận diện bà này là một cố vấn ở California, có tên là Mary Oyama Mittwer. Trong những năm tháng ở California, Van Deman có thêm một đệ tử, đó là quý ông trẻ Richard Ellis Combs.

Suốt 2 thập kỷ, Ellis Combs coi Van Deman như thầy mình và sống chung nhà với hai vợ chồng ông ở San Diego. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi nhiều năm sau đó, ông Ellis Combs nhớ lại: “Thầy tôi dạy tôi về kỹ năng lật đổ, phải biết cách tóm tắt các tình huống, phải tự mình làm mà không thể chia việc cho bất kỳ ai. Sau một thời gian khi đã khá lên thì sẽ nắm quyền chỉ huy thực địa”.

Năm 1941, Ellis Combs trở thành điều tra chính của Ủy ban các hoạt động Mỹ ở California (CUAC) chuyên tróc nã những người chống lại nước Mỹ.  Trong nhiều năm với sự hậu thuẫn của Van Deman, cuối cùng CUAC đã thu thập một lượng thông tin khổng lồ gồm hơn 125.000 cá nhân và các tổ chức. Cả 2 ông đã dùng cái chết bí ẩn của một sinh viên UCLA sau khi tham gia một cuộc họp chính trị vào năm 1948 để thổi bùng ngọn lửa chống Cộng, dẫn đến Đại học California yêu cầu mọi nhân viên phải ký lời thề trung thành.

R. H. Van Deman: Cha đẻ của thám báo Mỹ -0
Van Deman trong bức ảnh hiếm hoi tại Hội nghị hòa bình Paris năm 1919. Ảnh nguồn: Ralph H. Deman papers / Hoover Institution Archives.

Mối quan hệ với trùm FBI J. Edgar Hoover

Van Deman thật sự có quen biết J. Edgar Hoover. Năm 1922, Van Deman đã giật dây để Hoover tiếp quản Ủy ban dự bị quân đội, khi đó người này là một viên chức Bộ Tư pháp mới 27 tuổi. Một thập niên sau đó, vị tướng đã nối lại liên lạc với Hoover, đó là khi giám đốc FBI tổ chức sự kiện tham dự của Mỹ trong Thế chiến 2. Ngày 31 tháng 5 năm 1940, Hoover tập hợp các tai to mặt lớn của Lục quân, Hải quân và Bộ Ngoại giao trong văn phòng của mình nhằm phân chia lãnh thổ thu thập tình báo.

GS McCoy giải thích: “FBI hoạt động phản gián nội địa, cũng như có các hoạt động ở Mỹ Latin. Tình báo quân sự (đầu tiên là OSS và sau đó là CIA) nắm giữ phần còn lại của thế giới”. Trong cuộc họp đó, Hoover đã yêu cầu một đặc vụ FBI ở San Diego tiếp cận các hồ sơ của Tướng Van Deman và khai thác mọi thông tin giá trị cho FBI”.

Văn phòng FBI tại San Diego báo cáo với Hoover rằng các điệp viên thường xuyên liên lạc với Van Deman mỗi ngày. Khi Van Deman cao tuổi, ông bắt đầu lo lắng về số phận các tệp tin quý giá của mình. Tuy nhiên FBI bắt đầu nảy sinh sự nghi ngờ về độ tin cậy của những tệp tin này, cũng như gặp rắc rối nhằm hợp nhất các tệp tin của Van Deman với tài liệu nội bộ của FBI.  Cuối cùng, các tệp tin này được nhiều cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng trong hơn một thập kỷ, và chủ yếu là lục quân và một thư viện mật do bạn bè của ông Van Deman thuộc Vệ binh quốc gia California quản lý.

Ngoài ra trong các tài liệu đầy đủ của Van Deman còn tiết lộ một bí mật khác: sự giúp đỡ của ông khiến Richard Nixon đắc cử Tổng thống. Nixon không hề xa lạ với Van Deman: có mối quan hệ với Ellis Combs, và từng làm diễn giả tại một hội nghị mà 2 ông Ellis Combs và Van Deman giúp đỡ tổ chức vào năm 1948 của cơ quan lập pháp tiểu bang.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.