Sĩ quan Đức Quốc xã trở thành cố vấn an ninh ở Ai Cập và Syria như thế nào?

Thứ Năm, 29/12/2022, 20:48

Damascus, năm 1988. Nhân viên an ninh mặc thường phục thường xuyên lượn quanh lối vào chính của một ngôi nhà dân sự. Có những tiếng xì xào rằng “một kiều dân Đức quan trọng” sống ở tầng hai ngôi nhà. Người lạ đang được nhắc đến là Alois Brunner. Brunner chưa bao giờ cười, đó là thực tế mà nhiều người đã biết. Khi ai đó nhìn thấy Brunner, ông ta chạy biến. Có lần bị một quả bóng vô tình đập vào mình, Brunner quay sang chửi bới đám trai trẻ thậm tệ.

Cuối cùng người ta biết Brunner là “người của Hitler” và rằng ông ta “có liên quan đến việc giết người Do Thái trong Thế chiến II”. Một số người khi nhác thấy bóng Bunner từ xa đã giơ tay chào kiểu Đức Quốc xã (ĐQX) và chửi bóng gió “Heil Hitler”.

Con đường trở thành cố vấn an ninh Ai Cập của Brunner

Sinh ra ở Áo, sĩ quan SS Alois Brunner đã gia nhập ĐQX năm 1931 lúc còn ở tuổi thiếu niên. Tháng 1/1943, Brunner được giao phụ trách trại Drancy ở ngoại ô Paris, điểm dừng chân cuối cùng của người Do Thái trước khi họ bị đưa đến các phòng hơi ngạt.

Sĩ quan Đức Quốc xã trở thành cố vấn an ninh ở Ai Cập và Syria như thế nào? -0
Chân dung Alois Brunner (1912-2001). Ảnh nguồn: The Times of Israel.

Brunner là cánh tay phải của Adolf Eichmann, một viên chức ĐQX khét tiếng tàn ác khi là một trong những kẻ đồng tổ chức nên sự kiện tàn sát người Do Thái. Theo một số ước tính, Brunner phải chịu trách nhiệm cho việc bắt giữ và tra tấn 47.000 người Do Thái ở Áo, 44.000 người Do Thái ở Hy Lạp, 23.000 người Do Thái ở Pháp và 14.000 người Do Thái ở Slovakia. Nhưng, bằng cách nào đó, Alois Brunner đã biến mất ngay trước khi Hitler tự vẫn trong tháng 4/1945.

Năm 1985, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Bunte của Tây Đức, Brunner đã mô tả cách mình trốn thoát khỏi sự truy bắt của quân Đồng Minh, họ đã bắt lầm một người mang tên Brunner và nghĩ người này là Brunner thật. Còn có một người cũng tên là Brunner đã đến Vienna (Áo) trong chiến tranh và sau đó bị xử tử vì những tội ác chiến tranh (Đồng Minh nghĩ đó là Brunner thật). Trong khi Brunner thật đã làm tài xế một thời gian ngắn trong quân đội Mỹ bằng cách dùng giấy tờ giả và chạy trốn khỏi nước Đức trong năm 1954 cũng bằng một hộ chiếu được làm giả.

Lần đầu tiên Brunner thật đến Rome và từ đó trực chỉ Ai Cập, nơi ông ta làm khách của Tổng thống Gamal Abdel Nasser. Chi tiết làm thế nào Brunner gặp được Tổng thống Ai Cập vẫn còn mơ hồ song một điều rõ ràng là ông Nasser muốn quay lại phương Tây sau khi Israel đột kích Gaza vào tháng 2/1955 và rời đi sau khi 38 lính Ai Cập bị chết.

Sự ghét bỏ chủ nghĩa phục quốc và người Do Thái đã khiến Brunner ngay lập tức trở thành nhân vật thu hút sự chú ý ngay lập tức của chính quyền Nasser và những người theo chủ nghĩa dân tộc Arab. Cuối cùng Brunner được chế độ quân sự Ai Cập (vốn đã nắm quyền từ năm 1952) thuê làm cố vấn cho bộ máy an ninh, làm việc chặt chẽ với Giám đốc an ninh Salah Nasser.

Trong suốt thời gian tồn tại ngắn ngủi của Liên minh Syria – Ai Cập (1958-1961), Brunner được phái tới Damascus để huấn luyện chó nghiệp vụ - một khả năng mà ông ta đã gây dựng từ trong chốn lao tù của ĐQX. Brunner tình cờ có mặt ở Damascus vào ngày 28/9/1961, khi có một cuộc đảo chính đã giải thể nước Cộng hòa Arab thống nhất (UAR). Sân bay Syria bị đóng cửa và chuyến bay đến Cairo bị đình trệ. 

Brunner bị mắc kẹt ở Syria. Những nước láng giềng như Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ đều kết thân đồng minh với phương Tây, khiến Brunner không thể đào thoát đến những nơi đó. Phương Tây vẫn xem Brunner là kẻ trốn chạy, từ Pháp và Anh đến Mỹ và Canada. Cựu quan chức ĐQX nộp đơn xin tị nạn ở Damascus. Syria đã chấp thuận đơn của Brunner ngay tức khắc. Người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Syria tại thời điểm đó là một thanh niên trẻ tên là Sharaf al-Din Zaabalawi.

Sĩ quan Đức Quốc xã trở thành cố vấn an ninh ở Ai Cập và Syria như thế nào? -0
Tưởng nhớ những đứa trẻ người Pháp gốc Do Thái bị đày đến các trại tập trung ngày 31 tháng 7 năm 1944, chỉ vài tuần trước khi quân Đồng Minh giải phóng Paris. Ảnh nguồn: Alain Nogues / Sygma /Sygma via Getty Images.

Zaabalawi được cho là đã đưa ra một lời đề nghị mà Brunner khó lòng từ chối. Để được bảo vệ tại Syria, Brunner phải huấn luyện binh sĩ Syria bằng các phương pháp thẩm vấn, gián điệp... Khi những người theo đảng Baath lên cầm quyền sau một cuộc đảo chính chống lại chính phủ hậu liên minh trong tháng 3/1963, họ đã gia hạn đề nghị này cho Brunner và ông ta một lần nữa buộc phải chấp thuận. Tuy vậy cho đến ngày nay vẫn chưa tỏ tường chi tiết rằng Brunner chính xác đã dạy cho người Syria những gì, cùng với bản chất các nhiệm vụ của ông ta tại Damascus. Cảm tình của Syria đối với ĐQX đã có từ những ngày trước chiến tranh. Tháng 12/1937, Hitler đã phái Nam tước Baldur von Schirach (một thủ lĩnh thanh niên cấp cao trong Đảng Quốc xã) đến Damascus.

Schirach được giao trọng trách chọn ra những đồng minh tiềm năng của Đức trong thế giới Arab – nơi vốn đầy rẫy sự ngờ vực người Anh, Pháp và người Do Thái. ĐQX cho rằng câu ngạn ngữ cổ “Kẻ thù của kẻ thù bạn là bạn bè tôi” sẽ tự tạo ra khuynh hướng ý thức hệ khiến các nhà lãnh đạo Arab bắt tay làm việc với Hitler. Schirach hứa sẽ giải phóng người Syria khỏi sự ủy thác của người Pháp và Anh, mà sự không ưa chuộng của người Arab đã lên tới đỉnh điểm. Đổi lại mọi thứ họ cần phải làm là giúp Đức giành chiến thắng ở châu Âu.

Nam tước Schirach đã gặp gỡ những biểu tượng dân tộc chủ nghĩa Arab như Shukri al-Quwatli và Said Fattah al-Imam, người đã thăm Berlin năm 1936 và hội kiến với Hitler. Ông Quwatli thậm chí còn đề nghị gửi vũ khí Đức cho Thống lĩnh tài phán của Jerusalem là Hajj Amin al-Husseini, nhằm chống lại người Do Thái ở Palestine.  Schirach đặc biệt quan tâm tới một tổ chức quân sự có tên gọi là “Áo sơ mi thép” (vốn lấy nguồn cảm hứng từ các tổ chức “Áo sơ mi nâu” của Ý và “Áo sơ mi đen” của ĐQX).

“Áo sơ mi thép” thậm chí còn mặc đồng phục và đeo băng tay có biểu tượng chữ thập ngoặc của ĐQX với tay cầm đuốc. Tình báo Pháp cáo buộc tổ chức này đang kích động thành lập chi nhánh của Đảng Quốc xã ở Syria. Một vài tổ chức chính trị lấy nguồn cảm hứng từ Hitler và ĐQX đang nổi lên khắp Trung Đông, bao gồm Đảng Quốc gia xã hội Syria của Antoun Saadeh và Đảng Kataib của Pierre Gemayel.

Trong thời gian đó có một quan chức ĐQX cao cấp khác được phái tới Syria, một người tên là Walter Beck, người đã trao 70 suất học bổng cho học sinh Syria muốn du học ở Đức. Các tân sinh viên sẽ được vận chuyển, cho ăn ở và giáo dục hoàn toàn bằng ngân sách của chính phủ Đức. Tới tháng 1/1941, Hitler biệt phái quan chức cao cấp nhất trong chính phủ của mình đến Trung Đông. Werner Otto von Hentig là người đứng đầu Bộ phận VII trong Bộ Ngoại giao Đức, sẽ chịu trách nhiệm cho một lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ấn Độ.

Suốt chuyến công du kéo dài 1 tháng của mình, Hentig đã hứa với các nhà lãnh đạo Arab rằng nếu Đức chiến thắng, họ sẽ ngay tức khắc bãi bỏ hệ thống ủy nhiệm và trao độc lập cho Syria. Hnetig không quên nhắc khéo họ rằng nếu người Anh giành chiến thắng, họ sẽ trao Palestine cho người Do Thái và miền Bắc Syria vào tay người Thổ. Ngày 25/1/1941, Hentig đặt chân đến Damascus, và chính quyền Syria đặt thợ may làm các lá cờ ĐQX treo tung bay nhằm chào đón Hentig đến. Hentig ngụ vài ngày trong khách sạn Umayyad, và triệu tập vài nhân vật hứa hẹn sẽ trở thành bạn thân của ĐQX.

Tháng 5/1941, Thiếu tá Alex von Blomberg đã hạ cánh xuống sân bay quân sự Mezzeh (ngoại ô Damascus) và ngụ trong khách sạn Orient Palace tại thủ đô Damascus. Người cuối cùng trong số các phái viên của Hitler đến thăm Syria là công chúa Stephanie von Hohenlohe (thành viên của hoàng gia Áo đã lấy Hoàng tử ngoại giao Friedrich Franz von Hohenlohe-Waldenburg-Schillingsfürst, một thành viên của gia đình Hohenlohe quý tộc, được cho là gián điệp của ĐQX).

Sĩ quan Đức Quốc xã trở thành cố vấn an ninh ở Ai Cập và Syria như thế nào? -0
Điệp viên Israel, Eli Cohen và vợ trong bức ảnh chụp thập niên 1960.
Ảnh nguồn: Jewish News.

Tình báo Israel chống Đức quốc xã ở Syria

Sau chiến tranh, chỉ huy quân đội Syria khi đó là Hosni al-Zaim đã thuê các cựu binh lính Gestapo để canh gác văn phòng của mình tại trụ sở quân đội. Zaim tìm cách để chiêu mộ Walter Rauff (cánh tay phải trước đây của Heinrich Himmler). Theo ông Sami Jumaa (người từng làm việc cho tình báo Syria tại thời điểm đó) thì Walter Rauff đã giúp Zaim chuẩn bị cho cuộc đảo chính, rồi thì cải sang đạo Hồi và lấy cái tên Hồi giáo là Abdul Rahman Raouf.

Sự hiện diện của ĐQX phổ biến đến nỗi năm 1962, Israel đã phái điệp viên Eli Cohen đến Syria để theo dõi và báo cáo các hoạt động của ĐQX ở Syria. Cohen thâm nhập vào xã hội thượng lưu Damascus dưới vỏ bọc là một thương gia Argentina giàu có mang cái tên giả Kamel Amin Thabet. Nhưng Cohen nhanh chóng bị tình báo Syria phát giác và bị bắt rồi bị xử tử vào năm 1965, không để lại chút dấu vết nào về việc Cohen từng gặp Brunner.

Có khả năng Cohen đã gặp Brunner tại Câu lạc bộ sĩ quan hưu trí hoặc Câu lạc bộ phương Đông (vốn là một sòng bạc lớn hồi thập niên 1960), hay tại tư gia của chỉ huy quân đội Syria, Abdul Karim Zaher al-Din. Tại thời điểm đó Brunner có bí danh là George Fisher. Brunner dạy tiếng Đức cho con cái các gia đình thượng lưu Syria. Năm 1950, từ tư dinh ở Damascus, Brunner biết được ông chủ cũ Adolf Eichmann trốn thoát thành công sang Argentina dưới cái tên giả do giám mục công giáo Alois Hudal trợ giúp.

Tình báo Israel nắm được tin này và đã ra sức truy lùng Eichmann và tìm thấy y ở Argentina nên dẫn độ về Tel Aviv, ra tòa án rồi bị hành quyết trong tháng 6/1962 – cùng thời gian điệp viên Eli Cohen đến Syria. Một thời gian ngắn sau khi đến Syria, Brunner đã sống sót kỳ diệu sau 2 nỗ lực ám sát bằng bom thư (một quả bom được gửi đi bởi Lực lượng phòng vệ Israel năm 1961, quả kia do Mossad gửi năm 1980). Brunner mất 3 ngón tay và mù 1 mắt nhưng tiếp tục sống những ngày còn lại ở Damascus cho đến ngày qua đời.

Tuy nhiên, năm Brunner qua đời vẫn đang gây tranh cãi: một số người cho là năm 1996, số khác cho là năm 2001. Năm 2017, tạp chí Revue XXI (Pháp) đưa tin Brunner chết năm 2011, là năm diễn ra nội chiến Syria. Theo tờ Revue XXI thì những năm cuối đời Brunner sống trong cảnh bị giam giữ trong một tầng hầm ở Damascus, sống nhờ khẩu phần lương thực ít ỏi do quân đội Syria cung cấp.

Tuyên bố này nghe có vẻ lạ tai vì Brunner đã từng được chính phủ Syria đối đãi như thượng khách. Trước khi qua đời vào năm 1982, Giám đốc tình báo Ai Cập là ông Salah Nasr đã viết một cuốn hồi ký chi tiết nhưng không đề cập đến Brunner. Kể cả Giám đốc tình báo Syria, Abdul Hamid al-Sarraj, cũng không đề cập tới các bí mật của mình kể từ khi rời Syria năm 1961. Ông Sarraj đã gặp Brunner trong nhiều chuyến công tác của mình đến Cairo. Ông Sarraj mất ở Ai Cập vào tháng 9/2013 mà không hé lời nào về Brunner.

Người kế nhiệm ông Sarraj là ông Sharaf al-Din Zaabalawi (đã chết năm 2018) cũng có thể đã gặp Brunner. Ông Ali Douba (Giám đốc Tình báo quân sự Syria từ thập niên 1970 đến thập niên 1990) có lẽ là nhân chứng sống duy nhất biết được chính xác những gì mà Brunner đã cống hiến cho Syria), nhưng cụ ông 90 tuổi lại rất kiệm lời với báo chí trong nước và chưa từng tiếp xúc với truyền thông nước ngoài. Nếu Douba biết gì về Brunner thì có lẽ ông cũng sẽ đem theo bí mật đó xuống mồ.

Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.