Tiết lộ tham vọng hạt nhân của Pháp

Thứ Sáu, 06/08/2021, 22:00

Vào cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thực hiện bài diễn văn được mong đợi từ lâu về chiến lược răn đe và phòng thủ của đất nước mình. Có một thực tế là nhiều người rất mong Pháp tăng cường hạt nhân trong những năm gần đây bao gồm dự định tiến tới thành lập Lực lượng hạt nhân Châu Âu (EUNF). Liệu ông Macron có thực hiện được những kỳ vọng này không?

 

Những tài sản hạt nhân

Theo một số ước tính thận trọng thì Pháp có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới sau Nga và Mỹ, với khoảng 300 đầu đạn hạt nhân (con số thật sự chưa được biết: năm 2015, Tổng thống Pháp khi đó là ông Hollande công bố con số 300, trong khi ông Macron úp mở trên 300). Con số này là thận trọng vì người Pháp lo ngại sự cân đong đo đếm của Trung Quốc. Cần lưu ý rằng trong năm 2019, Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử (Bulletin of the Atomic Scientists)đã hé lộ rằng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc “khoảng 290 đầu đạn hạt nhân”. Vì thế có thể khẳng định rằng Pháp và Trung Quốc trong nhóm quốc gia đứng thứ 2 về số lượng đầu đạn hạt nhân, nhóm đứng đầu là Mỹ và Nga khi bỏ xa phần còn lại của thế giới. FSNF hiện gồm có 2 thành phần: trên không và trên biển. Đã từng có một thành phần trên bộ với 18 tên lửa đạn đạo tầm trung được cất giấu trong các nhà kho ở miền Nam nước Pháp từ năm 1971 đến năm 1996.

Như phần lớn các cường quốc hạt nhân, ban đầu Pháp đã sử dụng các oanh tạc cơ để chở theo đầu đạn hạt nhân, chẳng hạn như loại máy bay Dassault Mirage IV vốn tung ra vào năm 1964 và có thể chở theo 1 quả bom hạt nhân AN-11/22 với đương lượng nổ xấp xỉ 60 kiloton. Tháng 1-1972, tàu ngầm tên lửa đạn đạo Le Redoutableđã thực hiện chuyến tuần tra đầu tiên của nó. Ban đầu Chính phủ Pháp đặt rất nhiều kỳ vọng vào các tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng hạt nhân (SSBNs), nhưng chương trình chế tạo và cấu trúc những hệ thống tối tân này đã bị chậm tiến độ một cách tuyệt vọng. Trong 2 thập niên 1960-1970, Pháp đã tạo ra các SSBN và tên lửa đi kèm với chúng (SLBMs) và điều này được xem là một kỳ tích khi Pháp là quốc gia thứ 3 trên thế giới làm được điều đó. Mãi đến thế kỷ 21, Trung Quốc mới chế tạo được những chiếc SSBNs đầu tiên (tàu ngầm Lớp 094 đã thực hiện chuyến tuần tra răn đe hạt nhân trong tháng 12 năm 2015), trong khi Ấn Độ vẫn đang thử nghiệm chiếc tàu đầu tiên.

Tiết lộ tham vọng hạt nhân của Pháp -0
 Oanh tạc cơ Dassault Mirage IV, một vũ khí cực mạnh trong chiến lược răn đe hạt nhân của Pháp. Ảnh nguồn: Wikipedia .

Thành phần trên không của FSNF hiện bao gồm các chiến cơ 2 chỗ ngồi Rafale B,và nó đã thay thế cho loại chiến cơ Mirage 2000N trong năm 2018 cũng như được trang bị loại tên lửa hành trình siêu thanh ASMP-A (54 đầu đạn nhiệt hạch siêu thanh hoạt động trong phạm vi 500 km và đương lượng nổ xấp xỉ 300 kiloton, một số thứ đang trong thời gian thử nghiệm). Khác với thế hệ chiến cơ trước đó, Rafale không được tinh chỉnh để mang theo đầu đạn hạt nhân mà thay vào đó các sĩ quan của Không lực Pháp sẽ trải qua khóa đào tạo đặc biệt để lái chúng. Cũng phải kể đến 2 phi đội hạt nhân được triển khai tại Căn cứ không quân Saint-Dizier-Robinson: Phi đội chiến cơ 1/4 Gascogne và Phi đội chiến cơ 2/4 La Fayette, với ít nhất 40 chiến cơ đang hoạt động. Ngoài ra Bộ Tư lệnh không quân chiến lược Pháp (FAS) còn đang sở hữu độc quyền Không đoàn tiếp tế 2/91 Bretagne, đó là một trung đoàn tổng hợp gồm chiếc 14 Boeing KC-135 Stratotankers được sản xuất ở Mỹ, từ năm 2018 đang dần dần được thay thế bởi loại máy bay Airbus A330 MRTT Phénix hiện đại của Châu Âu. 

Chiếc A330 MRTT thứ hai được giao vào cuối năm 2019. Hợp đồng đầu tiên giao 12 chiếc máy bay dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023; 3 chiếc máy bay tiếp liệu (nhiên liệu) cũng được đặt hàng. Máy bay tiếp liệu rất quan trọng để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa, khi chiến cơ Rafale không phải là oanh tạc cơ tầm xa. Điều khiến Pháp trở nên đặc biệt là nước này có Lực lượng Hàng không hạt nhân hải quân (FANu) bên cạnh thành phần hàng không hạt nhân trên bộ kể từ cuối thập niên 1970. Hiện tại FANu bao gồm các chiến cơ 1 chỗ ngồi Rafale M có thể trang bị tên lửa hành trình ASMP-A. FANu được thành lập trên cơ sở cần thiết, và toàn bộ các phi đội hải quân đều trải qua khóa huấn luyện vũ khí hạt nhân căn bản. Chiếc tàu sân bay duy nhất của Pháp là R91 Charles de Gaulle không mang theo tên lửa ASMP-A và nó được đặt trong các nhà kho của Không lực Pháp trong thời bình.

Vũ khí hạt nhân được gỡ bỏ khỏi tất cả các tàu sân bay Mỹ vào giữa năm 1992, và các chiến cơ F/A-18E/F và F-35C trên tàu sân bay hiện đại đã không nhằm mục đích như vậy. Việc sử dụng tàu sân bay làm bệ đỡ cho các chiến cơ trang bị tên lửa hành trình hạt nhân là rất phù hợp với cách tiếp cận của Pháp đối với thành phần không quân của FSNF. Ngoài ra tên lửa ASMP-A có khả năng oanh tạc tầm xa và đầu đạn của nó còn mạnh hơn tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) khi có thể hủy diệt những vật thể được gia cố ngầm. Thêm nữa loại tên lửa phóng từ trên không ASN4G hiện đang được phát triển rất hứa hẹn. Người Pháp có kế hoạch loại bỏ ASMP-A vào giữa thập niên 2030 và thay thế chúng bằng ASN4G. Bên cạnh đó, tiềm năng hạt nhân của Pháp lại là một thành phần ẩn trong FSNF đó là hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng hạt nhân Lớp Triomphant, 4 trong số những con tàu này đã đi vào hoạt động từ năm 1997 đến năm 2010, và đã thay thế cho tàu ngầm lớp Le Redoutable.

Tàu ngầm Lớp Triomphant được trang bị tới 16 SLBM. Trong năm 2020, tất cả những tàu ngầm này sẽ được trang bị loại tên lửa mới nhất M51.2 có gắn các đầu đạn hạt nhân mới TNO với đương lượng nổ xấp xỉ 150 kiloton. Mỗi tàu ngầm sở hữu các tên lửa với nhiều loại đầu đạn khác nhau. Theo các tuyên bố chính thức, Hải quân Pháp sở hữu 48 tên lửa và 3 hệ thống vũ khí khác nhau. Theo các ước tính khác nhau, 80–90% số đầu đạn hạt nhân sẽ dùng cho thành phần trên biển của FSNF. Được biết năm 2023, người Pháp sẽ khởi động chế tạo loại tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng hạt nhân đầy hứa hẹn SNLE-3G, và dự kiến vận hành vào nửa đầu thập niên 2030. Một phiên bản tên lửa mới M51.3 dự kiến sẽ trình làng vào giữa thập niên này.

Tiết lộ tham vọng hạt nhân của Pháp -0
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng hạt nhân Lớp Triomphant của Lực lượng hạt nhân chiến lược Pháp (FSNF). Ảnh nguồn: Ships Hub. 

Chia sẻ hạt nhân với Châu Âu

Lực lượng hạt nhân chiến lược Pháp (FSNF) vẫn là nhỏ bé nếu so với Mỹ và Nga, nhưng chúng hiện đại và thường xuyên được nâng cấp. Không giống như người Anh phải cắt giảm kho vũ khí hạt nhân thì người Pháp lại nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công luận về răn đe hạt nhân. Trong quá khứ, Pháp luôn giữ thế đứng trong những vấn đề liên quan đến lực lượng hạt nhân chiến lược. Thậm chí ngay cả khi được chấp thuận quay trở lại Cấu trúc chỉ huy quân sự NATO vào đầu thế kỷ 21, Paris đã thẳng thắn tuyên bố họ sẽ không tham gia vào Nhóm hoạch định hạt nhân và khước từ việc liên kết chiến lược hạt nhân với các đồng minh. Bây giờ Tổng thống Emmanuel Macron đang sẵn sàng muốn biến nước Pháp thành nhà lãnh đạo vì một Châu Âu thống nhất. Trong bài phát biểu của mình, ông Macron đề cập đến từ “Châu Âu” gấp 2 lần từ Pháp. Trước đó trong bài phát biểu vào năm 2015, Tổng thống Hollande lại đề cập đến “Pháp” gấp 10 lần so với “Châu Âu”.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Macron đề cập đến nhiều khuynh hướng đang phát triển đe dọa đến thách thức an ninh của Châu Âu trong tương lai:

Thứ nhất, sự đối đầu ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thứ hai, Châu Âu cần có quyền tự chủ nhiều hơn Mỹ liên quan đến an ninh ở phía Đông và Nam của lục địa này.

Thứ ba, xóa nhòa ranh giới giữa cạnh tranh và đối đầu. Theo ông Macron, một mối đe dọa tiềm tàng khác là sự xói mòn của chế độ kiểm soát vũ khí. Những đề xuất tái thiết chế độ này có thể được xem là một sự ủng hộ ngầm đối với đề xuất của Nga về việc triển khai tên lửa tầm trung (ông Macron là nhà lãnh đạo duy nhất phương Tây có ý tưởng tích cực với đề xuất này). Ông Macron cũng đặc biệt chú ý đến đề tài khôi phục quan hệ với Nga. Đối với những vấn đề quân sự, Tổng thống Macron lưu ý rằng Châu Âu chỉ có thể đạt được chủ quyền chính trị đầy đủ bằng những lực lượng vũ trang hiện đại, và việc hiện đại hóa phải trả giá đắt. Các lực lượng hạt nhân Pháp có thể là cốt lõi của chủ quyền quân sự Châu Âu độc lập so với Mỹ và ít phải cố thủ với NATO.

Ông Macron đã đưa ra một thông điệp quan trọng mà rất nhiều nhà bình luận đã bỏ qua: “Những lợi ích cốt lõi của Pháp giờ đây đã mang tầm vóc Châu Âu”. Nhưng các nhà bình luận đã chú ý nhiều hơn đến đề xuất cụ thể về việc các đối tác Châu Âu tham gia vào cuộc tập trận chung với FSNF.

Tiết lộ tham vọng hạt nhân của Pháp -0
 Máy bay của Không đoàn tiếp tế 2/91 Bretagne thuộc Bộ tư lệnh không quân chiến lược Pháp. Ảnh nguồn: Military Images .

Việc hợp tác tăng cường trong thành phần không quân có thể mở rộng những khả năng hàng không chiến lược của Pháp dĩ nhiên là trên các chiến cơ. Có 6 quốc gia đã sẵn sàng mua những máy bay tiếp liệu là Bỉ, Cộng hòa Séc, Đức, Luxembourg, Hà Lan và Na Uy. Các máy bay tiếp liệu sẽ hoạt động ở những khu vực nguy hiểm nhằm tạo điều kiện cho chiến cơ Rafale có thể thực hiện các nhiệm vụ tầm xa dễ dàng hơn. Một điểm đáng lưu ý khác là Chương trình hệ thống không chiến tương lai Pháp, Đức và Tây Ban Nha (gọi tắt là FCAS) nhằm phát triển loại chiến cơ thế hệ thứ 6 nhằm thay thế cho các chiến cơ Rafale và Eurofighter Typhoon vào cuối thập niên 2030.

Phía Pháp hé lộ loại chiến cơ thế hệ thứ 6 sẽ được thiết kế như một phương tiện mang hạt nhân. Một tuần sau bài phát biểu của ông Macron tại Paris, Tổng thống Đức, Frank Walter Steinmeier, đã phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, nơi ông bày tỏ sự ủng hộ đối với đồng minh thân cận nhất (Pháp) nhằm phát triển “văn hóa chiến lược chung”. Có một sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo Châu Âu khi cho rằng Mỹ không còn là đối tác đáng tin cậy để bảo vệ lục địa này.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.