Nhiều cách làm hay ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường tại Huế
Những năm gần đây, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại nhiều địa phương của cả nước, trong đó có TP Huế diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, âm thầm len lỏi vào trường học, giảng đường đại học. Do đó, ngoài công tác điều tra, triệt xóa các ổ nhóm, đường dây tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, lực lượng Công an TP Huế còn thực hiện nhiều cách làm hay để tuyên truyền đến học sinh, sinh viên những tác hại của ma túy và biện pháp phòng, chống tội phạm (PCTP) ma túy.
Hiện ở địa bàn TP Huế có khoảng hơn 50.000 sinh viên đang theo học tại các Khoa, Trường thành viên thuộc Đại học (ĐH) Huế. Trong đó chiếm phần lớn là sinh viên đi học xa nhà nên phải thuê nhà trọ giữa các khu dân cư hoặc ở tại ký túc xá đóng tại các phường trung tâm TP Huế. Do bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo, nhiều sinh viên có lối sống buông thả đã trốn học, thường xuyên tụ tập với các hội, nhóm rồi tiếp xúc với các chất gây nghiện, chất kích thích, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.

Hoàng Nguyễn Minh Hằng (SN 1999, trú tại tỉnh Quảng Trị, sinh viên của một trường cao đẳng tại TP Huế) là một trong số những trường hợp như thế. Thay vì tập trung học tập để tốt nghiệp ra trường tìm kiếm việc làm thì Hằng ham chơi, kết bạn với một số đối tượng xấu và nhanh chóng sa vào con đường nghiện ngập. Sau đó, đối tượng Hằng đã móc nối với một số đối tượng để mua ma túy đưa về nhà trọ nằm trên đường Hàn Mặc Tử, TP Huế cất giấu và bán cho các con nghiện.
Sau khi bị bắt giữ, Hoàng Nguyễn Minh Hằng bị TAND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) tuyên phạt 20 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Theo một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Huế, tội phạm ma túy thường nhắm vào những học sinh, sinh viên có thói ăn chơi, đua đòi, thường xuyên tụ tập hội nhóm để rủ rê, lôi kéo sử dụng ma túy. Các biệt có nhiều trường hợp sinh viên do tò mò, muốn thử một lần cho biết nên từ đó nghiện ma túy lúc nào không hay. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên vì thiếu kiến thức, chưa hiểu biết đầy đủ về các loại ma túy, bị rủ rê sử dụng thuốc lá điện tử, shisha, bóng cười, sau đó tìm đến các chất kích thích có cảm giác mạnh, dẫn đến bị nghiện ngập, trở thành nạn nhân của ma túy.
Trước thực trạng trên, xác định công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo ANTT địa bàn nên lãnh đạo Công an TP Huế đã chỉ đạo Phòng CSĐT tội phạm về ma túy cùng các đơn vị nghiệp vụ, Công an các phường, xã tích cực thực hiện các kế hoạch, giải pháp về PCTP ma túy, triển khai nhân rộng các mô hình PCTP ma túy và tệ nạn ma túy ở cơ sở. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền tác hại của ma túy đến cộng đồng, nhất là đối với đoàn viên, sinh viên của ĐH Huế.
Thiếu tá Lê Viết Phương, Trưởng Ban Thanh niên Công an TP Huế cho biết, để tăng cường công tác tuyên truyền, PCTP ma túy và tệ nạn ma túy, vào ngày 25/6 vừa qua, đơn vị đã phối hợp cùng Hội Sinh viên ĐH Huế tổ chức Hội nghị ký kết kế hoạch phối hợp và triển khai các hoạt động phòng, chống ma túy trong đoàn viên, sinh viên. Theo đó, Ban Thanh niên Công an TP Huế và Hội sinh viên ĐH Huế sẽ phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền chuyên đề về tác hại và hậu quả của ma túy trong học đường; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật, diễn đàn đối thoại giữa sinh viên và Công an TP Huế về công tác phòng, chống ma túy; thực hiện chiến dịch truyền thông thông qua mạng xã hội, phát động phong trào “Sinh viên nói không với ma túy” trong toàn ĐH Huế.
Ban Thanh niên Công an TP Huế cũng đã phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy tổ chức chương trình Liên hoan “Huế sắc màu - Vì một thành phố không ma túy”, thu hút hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên cùng đông đảo người dân tham dự. Phối hợp với Thành đoàn Huế tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy cho hàng trăm học sinh, sinh viên.
“Những hoạt động có ý nghĩa này nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, giáo viên, học viên, sinh viên trong các cơ sở giáo dục về tác hại và hậu quả của ma túy. Trang bị những kỹ năng cần thiết giúp học sinh, sinh viên phòng tránh tệ nạn ma túy. Kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, bảo đảm ANTT, tạo môi trường an toàn, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục”, Thiếu tá Lê Viết Phương khẳng định.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hoàn, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Huế nhận định, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn nói chung và trong nhà trường, học sinh, sinh viên nói riêng không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương, nhà trường. Vì thế, ngoài sự nỗ lực của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy và Công an các phường, xã trong công tác đấu tranh, PCTP ma túy, các Khoa, Trường đại học cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy sát với thực tiễn đời sống, học tập của sinh viên.
Cần phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của cán bộ Đoàn, Hội trong tham gia các đội hình tuyên truyền. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng nhận biết, xử lý tình huống liên quan đến ma túy cho sinh viên. “Cần phối hợp xây dựng mô hình “Ký túc xá, lớp học, Chi hội không ma túy”, “Sinh viên gương mẫu - sống khỏe - sống đẹp - sống có ích”… để hình thành môi trường học đường an toàn, không có tệ nạn ma túy. Khi phát hiện sinh viên sử dụng ma túy cần có biện pháp hỗ trợ, động viên để các em cai nghiện, từ bỏ ma túy và trở lại học tập. Từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả công tác PCTP ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn”, Thượng tá Nguyễn Xuân Hoàn thông tin thêm.