Vụ vi phạm đạo đức nghề y chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ:

91 người Mỹ chết mỗi ngày vì “cơn say” opioid

Thứ Sáu, 21/07/2017, 14:47
Ngày 13-7-2017, FBI chính thức cáo buộc 412 bác sĩ, y tá, dược sĩ và các chuyên gia y tế khác ở 20 bang trên toàn nước Mỹ với các tội danh lừa đảo y tế, kê toa thuốc opioid không đúng với yêu cầu điều trị, bán thuốc kê toa opioid ra thị trường chợ đen với số tiền chiếm đoạt từ Quỹ Bảo hiểm Y tế là hơn 1,3 tỉ USD.

Mặc dù y học hiểu rõ các loại dược phẩm có thành phần từ thuốc phiện (opioid) là con dao 2 lưỡi,  nhưng những lợi ích mà nó mang lại trong việc điều trị một số bệnh tật đã khiến các hãng bào chế thuốc không thể loại bỏ nó ra khỏi những sản phẩm của mình. Tuy nhiên, việc lạm dụng những loại thuốc chữa bệnh có gốc opioid đã dẫn đến hậu quả nặng nề.

Kê đơn vô tội vạ

Tháng 1-2017, hệ thống kiểm soát chương trình cấp thuốc cho bệnh nhân trên máy tính tại một bệnh viện ở thành phố Hoston, bang Texas, Mỹ, đã phát hiện những dấu hiệu bất thường: Chỉ riêng trong năm 2016, một bác sĩ ở bệnh viện này đã kê 12.000 toa thuốc, tổng cộng gồm 2 triệu liều thuốc có nguồn gốc opioid như Fentanyl, Oxycodon, Hydrocodon…, nhằm mục đích điều trị giảm đau cho bệnh nhân nhưng 91% trong số những bệnh nhân ấy lại không thật sự cần đến những loại thuốc vừa nói.

Bác sĩ Narendra Nagareddy bị bắt vì kê toa thuốc opioid vô tội vạ.

Tiến hành điều tra, Cơ quan kiểm soát dịch bệnh (CDC), Cơ quan quản lý Dược phẩm và thực phẩm (FDA) và Cục Phòng chống ma túy (DEA) còn phát hiện trong sổ sách của một số trung tâm phục hồi chức năng, đã "điều trị" cho những người nghiện ma túy cũng bằng các loại thuốc gốc opioid  nhưng thực tế thì phần lớn được tuồn ra thị trường chợ đen. Việc ấy dẫn đến hậu quả là đã có 60.000 trường hợp tử vong vì lạm dụng thuốc opioid trong thời gian từ 2006 đến 2016.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số mà CDC và DEA kiểm chứng được, còn số tử vong do uống opioid quá liều nhưng được báo cáo chết vì những nguyên nhân khác, và số người hiện vẫn đang dở sống dở chết vì nghiện opioid thì chưa thể thống kê. Theo tờ The Lancet - là tạp chí chuyên ngành y học uy tín nhất thế giới, mỗi ngày trung bình có khoảng 91 người Mỹ chết - phần lớn đều dưới 50 tuổi - và cái chết của họ có liên quan trực tiếp đến opioid.

Giáo sư Richard Kent, Bệnh viện Đại học Y khoa John Hopkins nói: "Fentanyl chẳng hạn, đây là loại thuốc giảm đau rất mạnh, gấp 100 lần morphine. Nó chủ yếu được dùng để giúp giảm đau sau phẫu thuật nhưng nó chống chỉ định với những người mắc bệnh tim, trầm cảm, nghiện rượu, nghiện ma túy. Liều dùng tối đa được phép của nó là từ 0,7 đến 1,4 microgam/1kg thể trọng bệnh nhân. Thế nhưng một số bác sĩ đã kê toa cho bệnh nhân dùng tới 250 microgam/ngày, gồm thuốc tiêm hoặc miếng dán ngoài da, và bệnh nhân dùng liều này cả tuần lễ chỉ để giảm đau một số bệnh về xương khớp. Hậu quả là người bệnh nếu không chết vì suy tim, suy hô hấp thì cũng trở thành con nghiện…".

Oxycodon cũng vậy. Nó là thuốc giảm đau gây ngủ, gây nghiện gốc opioid, và nó cũng được một số bác sĩ kê toa cho bệnh nhân vô tội vạ. Một báo cáo của Hiệp hội Thuốc gây nghiện Mỹ (ASAM) cho thấy lượng dược phẩm gốc opioid bán theo đơn trong năm 2010 tăng gấp 4 lần so với năm 1999.

Năm 2012, đã có 259 triệu đơn thuốc opioid được các bác sĩ kê cho bệnh nhân - trong đó rất nhiều người thật sự không cần sử dụng đến chúng. Theo một nghiên cứu hồi năm 2013 của Cơ quan Quản trị Dịch vụ tinh thần và lạm dụng thuốc, 46% những kẻ nghiện heroin đều bắt nguồn từ việc lạm dụng thuốc giảm đau gốc opioid khi đi khám bệnh nhưng đến nay, con số này đã là 80%. Mối nhân - quả hiển nhiên là sự gia tăng các trường hợp  tử vong do dùng opioid quá liều xảy ra đồng thời với sự gia tăng về số toa thuốc có kê thuốc giảm đau opioid.

Theo Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), 5 bang có tỷ lệ tử vong cao nhất do dùng thuốc opioid quá liều trong năm 2014 là West Virginia, New Mexico, New Hampshire, Kentuky và Ohio, trong đó West Virginia đứng đầu với 35 trường hợp (bình quân toàn quốc là 15/100.000 người). CDC khẳng định opioid là nguyên nhân chính.

Các bang khác có sự gia tăng tử vong do dùng thuốc quá liều từ năm 2013 đến 2014 là Alabama, Georgia, Illinois, Indiana, Maine, Maryland, Massachusetts, Michigan, New Hampshire, New Mexico, North Dakota, Ohio, Pennsylvania và Virginia, trong đó bang North Dakota là nơi có tỷ lệ tử vong tăng cao nhất do dùng thuốc quá liều (125% so với 6,5% của toàn nước Mỹ). Điều nguy hiểm là tất cả những bằng chứng cho thấy vấn đề vẫn tiếp tục xấu đi, ngay cả khi vụ việc đã bị phát hiện.

Mãnh lực đồng tiền

Vậy thì nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng nhiều bác sĩ ở Mỹ kê toa thuốc opioid cho bệnh nhân? Câu trả lời chính là lợi nhuận. Cliff Parker, 24 tuổi, tốt nghiệp Trường trung học Copley và đã nhận được học bổng của Đại học Akron, bang Ohio vì thời trung học, Parker là vận động viên môn đô vật, đã giành được nhiều giải thưởng cấp liên bang. Anh nói: "Giống như một số bạn bè trong đội đô vật của tôi, tôi bắt đầu sử dụng thuốc giảm đau sau mỗi lần tập luyện hoặc thi đấu.

Một trong những loại thuốc gốc opioid được các bác sĩ Mỹ kê toa nhiều nhất.

Dần dà, thuốc giảm đau biến thành heroin, sự nghiệp của tôi cũng chấm dứt".  Bác sĩ Andrew Jason, người đã kê đơn thuốc gốc opioid cho Paker trong suốt 4 năm - và cũng là 1 trong số gần 400 nhân viên y tế bị CDC cáo buộc về việc lạm dụng opioid khi kê đơn cho 162 bệnh nhân - đã kiếm được khoảng 400.000 USD từ Quỹ Bảo hiểm Y tế.

Tại bang Georgia, Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) đã bắt giam bác sĩ tâm lý Narendra Nagareddy khi ông này gây ra cái chết cho 36 người - trong đó có 12 người được xác định là do sử dụng thuốc opioid quá liều.

Trưởng phòng Cảnh sát Hạt Clayton là Mike Register cho biết: "Gần 40 nhân viên CDC, FDA, DEA liên bang và địa phương đã tiến hành bắt Narendra Nagareddy tại văn phòng của ông ta ở thành phố Jonesboro, quận Clayton với cáo buộc "Vi phạm Đạo luật về chất gây nghiện" của bang Georgia. Tại đây, họ đã tìm thấy danh sách của một số bệnh nhân nhưng không có hồ sơ bệnh án, không có các xét nghiệm kèm theo để chứng minh rằng những người bệnh ấy cần điều trị bằng opioid. Tiếp theo, họ khám nhà và niêm phong nhiều tài sản giá trị". 

Audrey Austin (29 tuổi) chết vì dùng thuốc opioid quá liều.

Bà Camelia, mẹ của nạn nhân Audrey Austin, 29 tuổi, cho biết: "Con gái tôi đến gặp ông ta để nhờ sự giúp đỡ về tâm lý nhưng thay vì được giúp đỡ, nó lại lìa đời vì những đơn thuốc của ông ta, bỏ lại cho tôi 2 đứa con vẫn còn quá nhỏ".

Thân nhân của 2 nạn nhân khác là David Robinson, 49 tuổi và Cheryl Pennington 47 - tất cả đều chết vì quá liều opioid sau khi được Narendra Nagareddy điều trị, đã gọi ông ta là "bác sĩ tử thần".

Một nhân viên CDC nói ngay từ năm 1999, văn phòng CDC ở Georgia đã nhận được những khiếu nại về việc bác sĩ Narendra Nagareddy kê toa thuốc có chất ma túy nhưng phải mất 8 năm, cơ quan này mới có đủ bằng chứng về những nạn nhân tử vong vì opioid. Ngoài các cáo buộc hình sự, văn phòng Chưởng lý quận Clayton cũng đã đệ trình một vụ kiện dân sự để thu giữ tài sản của Nagareddy, trị giá hàng triệu USD.

Một trường hợp khác: 6 bác sĩ ở bang Michigan đã cùng tham gia điều trị và cung cấp cho bệnh nhân các toa thuốc có opioid không cần thiết. Sau đó, họ được Quỹ Bảo hiểm Y tế thanh toán 164 triệu USD. Cục Phòng chống ma túy Mỹ DEA cho biết, những loại thuốc ấy được đem ra bán lại trên đường phố cho những con nghiện và số tiền mà bọn mua bán ma túy thu về nhiều gấp 4 lần.

Theo Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), chỉ riêng bang Michigan, có 32 nghi can bị bắt với cáo buộc "rửa tiền thông qua việc phân phối thuốc có nguồn gốc ma túy", tổng trị giá khoảng 218 triệu USD nhưng đây mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Ở bang Florida, 77 người bị kết tội gian lận dược phẩm để thu về 141 triệu USD bằng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Gần một nửa trong số những hóa đơn tìm được tại một một trung tâm điều trị cai nghiện ở Florida cho thấy trung tâm này có hẳn một kế hoạch "tuyển dụng" người nghiện vào cai nghiện sau khi đã móc nối với một số công ty bảo hiểm. Kết quả là hàng triệu viên thuốc "giảm đau" opioid đã được sử dụng nhưng thực tế là khi người nghiện vào trung tâm, ngoài việc ăn ở miễn phí, họ còn được tặng quà, đi du lịch bằng máy bay!.

Tương lai u ám

Ngày 13-7-2017, FBI chính thức cáo buộc 412 bác sĩ, y tá, dược sĩ và các chuyên gia y tế khác ở 20 bang trên toàn nước Mỹ với các tội danh lừa đảo y tế, kê toa thuốc opioid không đúng với yêu cầu điều trị, bán thuốc kê toa opioid ra thị trường chợ đen với số tiền chiếm đoạt từ Quỹ Bảo hiểm Y tế là hơn 1,3 tỉ USD. Trong số 142 người này, có 56 bác sĩ.

Ông Jeff Sessions, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Mỹ, nói: "Có quá nhiều chuyên gia y tế với tay nghề chuyên môn đáng tin cậy nhưng lại vi phạm lời tuyên thệ của họ vì lòng tham. Thật đáng kinh ngạc, những người này đã thực hiện chức năng chuyên môn của họ để kiếm hàng triệu USD phi pháp…". Ông Andrew McCabe, Giám đốc FBI cho biết: "Nước Mỹ đang ở trong tình trạng khủng hoảng vì sự lạm dụng ma túy đã dẫn đến việc hủy hoại cuộc sống".

Vẫn theo ông Andrew McCabe, các bác sĩ, dược sĩ và y tá đã vi phạm sự tin tưởng của bệnh nhân cũng như thân nhân người bệnh: "Những người này đã gây ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Các nhà  điều tra của chúng tôi đã có đủ bằng chứng để chứng minh rằng, nhiều người nghiện ma túy đã ngồi chờ tại các phòng khám bệnh để được các bác sĩ kê toa cung cấp thuốc "giảm đau" - nhưng thực chất là để thỏa mãn cơn nghiện. Một số bác sĩ đã kê toa thuốc opioid nhiều hơn cả tổng số toa của các bệnh viện có loại thuốc này…".

Một sĩ quan FBI nói thêm rằng, đội điều tra của ông đang thu thập chứng cứ về các đường dây ở bên ngoài, câu kết với một số bác sĩ để có được những loại thuốc gốc opioid hợp pháp. Ông nói: "Khi một con nghiện mang trong người những viên thuốc như hydrocodone, hydromorphone, levorphanol, meperidine… chẳng hạn, và có toa thuốc của bác sĩ thì cúng tôi chẳng thể làm gì họ mặc dù biết rõ họ nghiện ma túy. Đây là vụ vi phạm đạo đức nghề y chưa từng có trong lịch sử của nước Mỹ, xảy ra ở khoảng 20 bang trên tổng số 52 bang ở đất nước này".

Vào những năm 90, các tập đoàn dược phẩm đã giới thiệu các loại thuốc  opioid cho các bác sĩ với lời khẳng định nó không gây nghiện thuốc. Điều này đã khiến các bác sĩ ngày càng mạnh tay kê toa. Phát biểu tại Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ hôm 13-7-2017, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang là bà Yellen nói: "Lạm dụng ma túy có liên quan đến sự sụt giảm số người lao động trong độ tuổi lao động. Tỉ lệ tử vong gia tăng nơi những người ít học đã phản ánh cho việc sử dụng opioid mà hiện nay, 44,5% ngườI dân Mỹ đang dùng những loại thuốc này…".

Cao Trí (theo The Lancet)
.
.