Bộ Quốc phòng Đức và dự án sử dụng nhà văn để dự báo tương lai

Thứ Bảy, 24/07/2021, 20:57
Bao giờ cũng vậy, các tác phẩm văn học kinh điển nói về hiện tại nhưng đồng thời cũng dự báo tương lai một cách vô cùng chính xác. Đây là điều làm cho các tác phẩm ấy tồn tại lâu dài trong lòng bạn đọc. Bất kỳ độc giả nào cũng có thể đọc những câu chuyện xảy ra cách đây hàng trăm năm mà vẫn có thể nhìn thấy được phần nào hiện thực quanh mình trong trang sách.


Hiểu được điều này, Bộ Quốc phòng Đức đang triển khai một dự án sử dụng tiểu thuyết làm nguồn tư liệu để dự đoán các chuyển biến mang tính chiến lược trong tương lai. Liệu kế hoạch mang nhiều tính phi truyền thống này có mang lại hiệu quả thật sự?

Nơi không ai ngờ

Có thể không nhiều người biết đến Tübingen, nhưng thành phố này lại chiếm một vai trò quan trọng đối với nước Đức. Nhiều thế kỷ qua, Đại học Tübingen là nơi sản sinh ra những bộ óc thiên tài của nước Đức, như nhà thơ Friedrich Holderlin và triết gia Friedrich Hegel. Hàng nghìn sinh viên, giáo sư, tiến sỹ hiện sinh sống và làm việc tại Tübingen. Cũng dễ hiểu thôi khi đây là một trong những khu vực có tư tưởng cấp tiến nhất nước Đức.

Giáo sư Jürgen Wertheimer (giữa) với hai trợ lý.

Vì vậy khi tờ báo địa phương Neckar-Chronik đưa tin về “dự án Cassandra”, cả vùng Tübingen được một phen sững sờ. Họ không hiểu nổi vì sao Jürgen Wertheimer, một vị giáo sư ngành so sánh văn học nổi tiếng, lại nhận lời đề nghị của Bộ Quốc phòng Đức lãnh đạo kế hoạch này. Mà không chỉ có Jürgen và các trợ lý riêng, kể từ năm 2018 đến nay, đã có gần 10 giáo sư, tiến sỹ khác tham gia dự án Cassandra dưới vỏ bọc là thành viên của “Viện Đạo đức Thế giới”, một tổ chức được tu sỹ, nhà thần học người Áo Hans Küng thành lập.

Mục tiêu của dự án Cassandra là phân tích những tác phẩm tiểu thuyết để rút ra các dự báo về tương lai. Isabelle Holz, trợ lý của Giáo sư Jürgen Wertheimer cho biết: “Bất cứ nhà văn nào cũng nói dối. Nhưng giữa những lời nói dối của họ đôi khi cũng có một lời nói thật. Điều quan trọng hơn nữa là khác với nhà phân tích truyền thống, tiểu thuyết gia có thể chỉ ra những sự thật mà không ai ngờ đến. Xảy ra điều đó, đơn giản chỉ vì đầu óc họ chưa bị đè nặng bởi những giáo điều về địa  - chính trị”.

Chuyện các nhà văn dự báo chính xác tương lai không có gì lạ. Tiểu thuyết gia H.G. Wells (Anh) đã viết về thảm cảnh sau một vụ nổ bom nguyên tử trong tác phẩm “The World Set Free” xuất bản 31 năm trước khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Tác phẩm “Stand on Zanzibar” của nhà văn John Brunner (Anh) ra mắt năm 1968 nói về việc Châu Âu thành lập một cộng đồng chung. Rồi chuyện nước Mỹ bầu lên một vị tổng thống da đen. Và, đại văn hào George Orwell (Anh) nằm trong số những người đầu tiên mô tả về hệ thống camera theo dõi dân chúng ở khắp mọi nơi. 71 năm sau có hàng tỷ người Mỹ, Anh và Trung Quốc sống trong thực tại mà George Orwell miêu tả trong sách.

Theo Giáo sư Wertheimer, sự nhạy cảm của các nhà văn lớn khiến họ dễ dàng nắm bắt được các xu hướng, biến chuyển trong tư tưởng và tâm lý xã hội. “Các nhà văn tái hiện hiện thực theo cách để làm sao người đọc có thể tưởng tượng ra ngay hiện thực đó và tìm thấy chỗ mình trong đó… Để có thể vừa tái hiện cuộc sống bên ngoài, vừa nói ra tình cảm suy nghĩ bên trong mỗi con người, các nhà văn buộc phải đứng trên cả hai phương diện khách quan và chủ quan, từ đó giúp họ có cái nhìn tổng thể hơn về các sự kiện, nhân vật”.

Dự án Cassandra mong muốn biến tác phẩm văn học thành những “máy đo địa chấn” giúp cho giới chính trị gia và giới lãnh đạo quân sự biết được các mâu thuẫn xã hội nào sắp lên tới “điểm phun trào”, từ đó có thể đưa ra biện pháp đối phó phù hợp. Hiện dự án đang nghiên cứu các “nứt gãy” trong xã hội Nigeria, Algeria và Kosovo thông qua tiểu thuyết của họ. Nước Đức có những lợi ích chiến lược ở cả ba quốc gia này, đặc biệt là ở Nigeria, nơi Bộ Quốc phòng Đức từ lâu đã hỗ trợ quân đội Chính phủ Nigeria chống lại phiến quân Boko Haram.

Nhiều người nghi ngờ

Ngay từ khi dự án Cassandra bị đưa ra trước công luận đã nhận phải vô số lời chỉ trích, nghi ngờ. Giới học thuật Đức nói chung phản đối việc cộng tác với Bộ Quốc phòng. Kể từ khi Đức bị các đồng minh NATO lôi vào những cuộc chiến vô lý ở Iraq, Libya và Syria, không ít người dân Đức đã mất niềm tin vào quân đội nước này. Họ không tin quân đội Đức là một lực lượng bảo vệ hoà bình, dân chủ và tự do trên thế giới.

Những lời chỉ trích khác nhắm vào sự hiệu quả của dự án. Nhà nghiên cứu văn học Mỹ Martin Billheimer đã đưa ra nhận xét: “Mọi biến chuyển lớn trong xã hội từ cách mạng đến chiến tranh đều xuất phát từ các nguyên nhân kinh tế, chính trị, quân sự,… Các nhà văn gần như không bao giờ đề cập trực tiếp đến những nguyên nhân này, vì nếu thế thì chẳng khác gì viết báo cáo cả. Cái mà họ viết là tác động của các nguyên nhân lên từng cá nhân. Tầm nhìn của tác giả và người đọc bị thu hẹp lại rất nhiều, chưa kể còn bị làm sai lệch do hình tượng hoá,… Với nguồn thông tin thu vào như vậy, tôi e rằng, các nhà phân tích khó có thể đưa ra dự đoán chính xác được”.

Nhà báo Jeremy Scahill chuyên viết về cộng đồng tình báo cũng có suy nghĩ tương tự: “Đã từ lâu tôi chỉ trích ngành tình báo NATO về việc dựa quá nhiều vào các nguồn thông tin không trực tiếp như tin nhắn điện thoại, thư điện tử, và nay là tiểu thuyết. Bao giờ những nguồn thông tin này cũng có độ “nhiễu”, độ chậm nhất định… Nếu muốn có nguồn tin tình báo chính xác, các cơ quan tình báo tốt nhất,  hãy cử nhân viên xuống nói chuyện trực tiếp với người dân sở tại và tự mình điều tra hiện trường”.

Trong hơn 20 năm trở lại đây, các nguồn đầu tư vào giáo dục ở Tübingen nói riêng và ở nước Đức nói chung đều dồn vào ngành công nghệ điện tử, thông tin, tài chính,… Các khoa ngành khác như nghiên cứu văn học đều rơi vào tình trạng “chết đói”. Dự án Cassandra giống như hy vọng cuối cùng để thu hút nguồn vốn. Vậy nhưng nhiều kết luận rút ra được từ tác phẩm văn học không  thật sự hữu dụng với giới lãnh đạo. Chúng chỉ đơn giản là những nhận xét về kinh tế, chính trị, xã hội,… mà một nhà báo cũng có thể đưa ra được. Đứng trên quan điểm này, hầu hết các nhà quan sát đang tỏ ra nghi ngờ về tính lâu dài của dự án Cassandra.

Lê Công (Tổng hợp)
.
.