Cải thiện môi trường làng nghề còn rất chậm chạp

Thứ Tư, 07/01/2015, 19:15
Sau khi nhóm phóng viên Chuyên đề ANTG phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề ở TP Hà Nội và một số địa phương, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ các cơ quan chức năng. Theo đó, do nhiều "nguyên nhân khách quan" mà việc xử lý vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề dường như còn khá chậm chạp.

Người dân thực sự mong chờ những biện pháp quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan chức năng và cộng đồng.

1. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cả nước hiện có hơn 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng có nghề. Tuy nhiên, các làng nghề phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền. Có đến 60% số các làng nghề tập trung ở khu vực phía Bắc, chủ yếu ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Ðịnh…; khu vực miền Trung chiếm khoảng 23,6% và khu vực miền Nam chiếm khoảng 16,6% số làng nghề.

Các làng nghề chủ yếu tập trung sản xuất các lĩnh vực như: thủ công mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm; chăn nuôi, giết mổ; dệt nhuộm, thuộc da; vật liệu xây dựng; tái chế phế liệu...

Do sự phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch của nhiều làng nghề ở khu vực nông thôn, cùng sự phát triển thiếu cân bằng giữa nhu cầu phát triển sản xuất và khả năng đáp ứng của các cơ sở vật chất; sự quản lý còn khá lỏng lẻo của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý môi trường tại khu vực này, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra khá trầm trọng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Bùi Cách Tuyến.

Báo cáo Môi trường quốc gia, do Bộ TN&MT công bố mới đây cho thấy: Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề có nguồn gốc chủ yếu từ đốt nhiên liệu và sử dụng các nguyên vật liệu, hóa chất trong dây chuyền sản xuất. Tại hầu hết các làng nghề, ô nhiễm nguồn nước diễn ra đặc biệt nghiêm trọng, do khối lượng nước thải rất lớn, nhưng lại chưa qua hệ thống xử lý nước thải tập trung, thường được xả thẳng ra hệ thống sông ngòi, kênh rạch quanh khu vực.

Trong khi đó, chất thải rắn ở hầu hết các làng nghề chưa được thu gom, xử lý triệt để, gây tác động xấu tới cảnh quan môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất. Đây chính là nguyên nhân gây ra các dịch bệnh cho người dân đang lao động và sinh sống tại các làng nghề và quanh khu vực làng nghề.

Nghiên cứu từ các đơn vị của Bộ Y tế thực hiện cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh tại các làng nghề đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây và tập trung vào một số bệnh như các bệnh ngoài da, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, bệnh phụ khoa, ung thư... Tuổi thọ trung bình của người dân sống trong các làng nghề ngày càng giảm, thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình cả nước và thấp hơn từ 5-10 năm so với làng không làm nghề.

Trả lời báo chí, ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định, trước tình trạng báo động về môi trường làng nghề trong những năm gần đây, nhiều Bộ, ngành và địa phương đã và đang nỗ lực đẩy mạnh công tác quản lý môi trường và xử lý ô nhiễm nhằm khắc phục những hậu quả do hoạt động sản xuất gây ra.

Rác thải tại một làng nghề ở Hưng Yên.

Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp này chỉ mới mang tính mô hình thí điểm và tập trung cục bộ tại một số làng nghề, chưa được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc và chưa mang lại hiệu quả triệt để trong công tác khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người dân còn hạn chế, trong khi đó vấn đề quản lý, xử lý về môi trường đối với làng nghề chưa được thực hiện thống nhất và triệt để; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng.

Vì vậy, để có thể đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền có địa phương và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân làng nghề.

2. Theo phản hồi từ Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hà Nội, hiện thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 286 làng được công nhận làng nghề truyền thống, đã thu hút được gần 750.000 người tham gia sản xuất với trên 175.000 hộ gia đình, 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty TNHH, 1.466 doanh nghiệp tư nhân, 164 hợp tác xã và 50 hội, hiệp hội.

Số làng có nghề phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các huyện: Phú Xuyên (124 làng), Thường Tín (125 làng), Chương Mỹ (174 làng), Ứng Hòa (113 làng), Thanh Oai (101 làng), Ba Vì (91 làng),… một số huyện có số lượng làng có nghề ít như: Thanh Trì (24 làng), Gia Lâm (22 làng), Từ Liêm (11 làng)…

Rác thải tại một làng nghề

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tập trung ở hai dạng. Thứ nhất là ô nhiễm về nguồn nước do lượng thải từ sản xuất lớn (bao gồm nước thải và chất thải rắn) tại các làng nghề: dệt nhuộm, chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí, chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm. Thứ hai là ô nhiễm bụi, tiếng ồn và chất thải rắn tại các làng nghề chế biến lâm sản, cơ khí, dệt may, tái chế, gốm sứ…

Theo một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hà Nội, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu vực làng nghề vốn tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa thể giải quyết được trong một thời gian ngắn do nhiều nguyên nhân khách quan. Các hộ sản xuất làm nghề phân tán; các hộ có quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, diện tích chật hẹp; việc sản xuất xen lẫn sinh hoạt gây nhiều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường. Do nằm xen lẫn trong khu dân cư, hầu hết các chất thải sản xuất đều được thải chung với đường cống thoát nước thải sinh hoạt của làng không qua xử lý.

Bên cạnh đó trình độ công nghệ tại các làng nghề là công nghệ sản xuất thủ công, cần nhiều sức lao động với kỹ thuật thấp và ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng chủ yếu đang chuyển từ giai đoạn sản xuất thủ công sang sản xuất bán cơ giới. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư cho xử lý môi trường tại các làng nghề rất hạn chế do đặc thù của sản xuất làng nghề nguồn vốn nhỏ. Do vậy các hộ sản xuất trong làng nghề không đủ kinh phí để đầu tư các hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng của làng nghề.

Hạ tầng làng nghề còn chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thoát nước thải; trong khi việc nâng cấp của cơ sở hạ tầng đều theo hướng tự phát nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất tại các làng nghề như hệ thống điện, đường giao thông… chưa chú trọng đến việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.

Rác thải tại một làng nghề

Qua khảo sát của chúng tôi, mặc dù TP Hà Nội đã có những biện pháp cụ thể để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề. Tuy nhiên dù đã được triển khai, song còn rất chậm chạp. Đặc biệt là môi trường của các làng nghề dường như chưa được cải thiện là bao.

Từ nhiều năm qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai các dự án quy mô lớn nhằm xử lý nước thải tại làng nghề, cụ thể: Dự án xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức để xử lý nước thải cho 3 xã có làng nghề ở đầu nguồn sông Nhuệ gồm Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu, huyện Hoài Đức; Dự án xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức; Dự án xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức; Dự án xây dựng thử nghiệm mô hình xử lý bụi làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh; Dự án Thí điểm xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai;...

Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có dự án nào hoàn thành mà vẫn chỉ đang trong giai đoạn xây dựng hoặc… giải phóng mặt bằng!

Minh Tiến
.
.