Nguy cơ virus HIV xâm nhập trung tâm não bộ

Thứ Tư, 08/04/2015, 12:45
Một nghiên cứu công bố ngày 26/3 vừa qua trên tạp chí trực tuyến PLOS Pathogens tiết lộ virus HIV “hành động âm thầm” hơn trước đây. Nhóm các nhà nghiên cứu Trường Y, Đại học Yale và Đại học Bắc Carolina (UNC) phát hiện HIV có thể xâm lấm đến não bộ sau khi chủ thể bị nhiễm virus chỉ mới 4 tháng.

Sau khi xâm nhập não người, HIV sẽ bắt đầu đột biến gene - khác biệt với loại đang tuần hoàn trong máu - và điều đó có nghĩa là một số loại thuốc đặc trị hiện nay chống virus sẽ không còn hiệu quả đối với hệ thần kinh trung ương cũng như các phần khác của cơ thể. HIV hiện diện trong não nếu không được chữa trị sẽ gây ra những bệnh thần kinh và tâm thần nguy hiểm như là phù não và mất trí nhớ.

Bà Serena Spudich.

Bà Serena Spudich, chuyên gia thần kinh học Đại học Yale, lên tiếng: "Phần đông chúng ta chỉ lưu ý HIV/AIDS là bệnh của hệ miễn dịch, gây tổn hại tế bào miễn dịch trong cơ thể. Nhưng, nghiên cứu của chúng tôi phát hiện HIV còn tồn tại trong não người chứ không chỉ lưu thông đến não qua thông qua máu".

Nhóm các nhà khoa học tiến hành xét nghiệm 72 người ở thành phố San Francisco, bang California (Mỹ) - hầu hết đều là nam giới trưởng thành - mới vừa test dương tính với HIV. Các mẫu máu và dịch não tủy của 70% đối tượng được xét nghiệm cho thấy, HIV đã tấn công hệ thần kinh trung ương chỉ trong vòng vài tháng đầu bị nhiễm virus. Sang đến năm thứ 2 sau khi bị nhiễm HIV, virus bắt đầu tự sao chép chính nó bên trong hệ thần kinh trung ương - một cách độc lập với cộng đồng virus trong máu - ở 25% các đối tượng được nghiên cứu.

Tiến trình này gọi là "ngăn hóa" (hay khoanh vùng) - tức là sau khi lập nên một ô trong phần cơ thể riêng lẻ, virus sẽ bắt đầu tự sinh sôi tại nơi đó. Serena Spudich thừa nhận không dễ nghiên cứu tiến trình "ngăn hóa HIV" bên trong hệ thần kinh trung ương bởi vì các nhà nghiên cứu không thể nào sinh thiết não nơi người còn sống - mà phải thông qua con đường trung gian, tức là chọc ống sống thắt lưng để lấy mẫu dịch não tủy (chất lỏng bao quanh não và tủy sống) phục vụ xét nghiệm. Thủ thuật này còn được gọi là chọc dò tủy sống, chọc dịch não tủy v.v…

Thật ra, trước đây cộng đồng khoa học cũng đã lên tiếng về tác động tiêu cực của HIV đến hệ thần kinh trung ương. Vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ trước, khi liệu pháp kháng retrovirus vừa mới được phát triển, các bệnh nhân nhiễm HIV thường mắc phải chứng rối loạn vận động và nhận thức nặng.

Trong những trường hợp xấu nhất, bệnh nhân có thể bị chứng mất trí nhớ liên quan đến HIV. Trong một nghiên cứu năm 1986, chứng mất trí nhớ có thể thể hiện một loạt các triệu chứng như: lãnh đạm, sống xa cách xã hội, câm lặng, không kiềm chế bản thân, liệt chi hoặc rối loạn tâm thần trong một số trường hợp.

Một nghiên cứu năm 2004 cho biết, HIV có thể khiến cho bệnh nhân gặp khó khăn trong giao tiếp ngôn ngữ. Mặc dù các triệu chứng như thế ngày càng hiếm gặp hơn nhờ sự tiến bộ trong điều trị HIV, song nghiên cứu năm 2010 tiết lộ 52% số đối tượng dương tính với HIV bị suy yếu hệ thần kinh nhận thức. Spudich cho biết: "Cũng có mối lo ngại HIV trong não sẽ di chuyển ngược trở lại vào máu".

Nhóm của nhà nghiên cứu Đại học Yale - UNC chỉ tập trung vào nhóm đối tượng chưa từng trải qua liệu pháp kháng retrovirus (chỉ trừ ra một người) cho nên kết quả vẫn còn hạn chế. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 35 - 40% số bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị bằng liệu pháp kháng retrovirus vào năm 2013. Nếu những người bị nhiễm HIV không sử dụng liệu pháp kháng retrovirus từ sớm, hệ thần kinh trung ương có thể trở thành nơi tích trữ virus dẫn đến tổn hại thần kinh.

Kỹ thuật lấy mẫu dịch não tủy.

Carl Dieffenbach - Giám đốc nghiên cứu HIV/AIDS Viện Quốc gia về Dị ứng và Các bệnh nhiễm trùng (NIAID), một nhánh của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) - nhận định, khi tìm kiếm liệu pháp điều trị HIV, các nhà khoa học nên chú ý đến não bộ và các cơ quan khác có thể trở thành ổ chứa virus. Ông cũng nhấn mạnh, hỗn hợp thuốc điều trị HIV cũng cần được thiết kế cho phép xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương để ngăn chặn virus làm tổ ở đây.

Michael Kaplan, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của AIDS United - tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu chính sách về HIV của Mỹ, cho rằng, mặc dù các biện pháp phòng ngừa HIV đã cải thiện rất lớn từ thế kỷ XX, song một số rào cản cho công tác chăm sóc y tế như giá cả, giáo dục và định kiến về những người nhiễm virus vẫn đặt ra thách thức đáng kể.

Tuy nhiên, với khoảng 30 loại thuốc chữa trị hiện nay, HIV không còn là án tử hình như trước kia. Ví dụ, một người 20 tuổi nhiễm HIV được điều trị ngay bằng liệu pháp kháng retrovirus có thể sống thêm 55 năm nữa - Kaplan cung cấp dữ liệu từ báo cáo năm 2014 của Chương trình phối hợp về HIV/AIDS của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS).

Kaplan cũng cho biết, một nghiên cứu quốc tế công bố năm 2011 được NIAID tài trợ tiết lộ liệu pháp kháng retrovirus được sử dụng sớm giúp giảm thiểu sự lây truyền HIV qua đường tình dục nơi các cặp vợ chồng đến 96%.  Tuy nhiên, theo nghiên cứu Yale - UNC, chúng ta hãy còn nhiều điều chưa biết về HIV/AIDS.

An An (tổng hợp)
.
.