Cát tặc đe dọa giết chết những con sông khắp hành tinh

Thứ Ba, 12/09/2017, 19:38
Chúng ta không thể có được các khối bêtông nếu như không có cát. Thiên nhiên phải mất đến hàng trăm ngàn năm mới tạo nên được hàng triệu triệu hạt cát nhỏ bé quý giá cho những con sông và đáy biển, thế nhưng, cát đang có nguy cơ biến mất dần khỏi hành tinh trước hành vi khai thác có tính tận diệt của con người.

Theo Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP), ngành công nghiệp khai thác và kinh doanh cát trên toàn cầu trị giá hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Dù không thể tính toán chính xác lượng đất cát khai thác trái phép nhưng loại tài nguyên này chiếm 85% lượng khai thác toàn cầu mỗi năm, tương đương hơn 40 tỷ tấn và là loại tài nguyên được khai thác nhiều nhất thế giới.

Những thị trường nóng bỏng của cuộc đại chiến ngành đất cát

Mọi vật liệu xây dựng then chốt như bê tông, gạch và kính - tất cả đều phải sử dụng cát. Sau nước, cát phục vụ cho nhu cầu sống và phát triển của con người. Hàng tỷ tỷ tấn cát đang được sử dụng trong xây dựng trên toàn cầu. Cát đang trở thành mặt hàng quý giá được khai thác ở châu Á nhằm đáp ứng nhu cầu đô thị hóa không ngừng tăng trưởng hay cát ở châu Phi rất có giá khi được bán sang các quốc gia Arập giàu có.

Thực tế hiển nhiên là cát dùng trong xây dựng chủ yếu có nguồn gốc từ những lòng sông và đại dương. Trong khi đó, cát trong sa mạc lại quá mịn không thích hợp để pha trộn thành những khối bê tông vững chắc.

Khai thác cát trên sông gần Mangalore, Ấn Độ.

Theo một báo cáo đánh giá của Liên Hiệp Quốc (LHQ), số lượng cát trên toàn cầu được sử dụng chỉ riêng trong năm 2012 đủ để xây một bức tường bê tông cao 27m và rộng 27m bao bọc quanh xích đạo. Những lòng sông đầy ắp cát bị khai thác triệt để khắp châu Á, châu Phi phục vụ cho nhu cầu xây dựng đang tăng vọt với mức độ khủng khiếp, điều đó có nghĩa là những con sông đang bị giết chết dần mòn.

Thông thường, các nhà đầu tư công trình không mua cát quá đắt vì chúng không kinh tế mà thường sử dụng nguồn cát từ những nơi gần đó, hoặc từ những nhà môi giới. Tuy nhiên, các quốc gia giàu có như Singapore hay Qatar lại nhập khẩu rất nhiều cát cho xây dựng và lấp biển. Rất nhiều đất cát ở Australia đã được vận chuyển bằng đường biển, qua các vùng sa mạc để xây tòa tháp nổi tiếng Burj Khalifa nổi tiếng của Dubai.

Là thành phố biển được xây dựng trên cát, Dubai hiện đang phải nhập khẩu cát từ Australia. Đặc biệt tại một số quốc gia như Singapore, đất cát còn là tài nguyên chiến lược cần được dự trữ để lấp biển mở rộng đất liền. Kể từ thập niên 1960 tới nay, Singapore đã mở rộng diện tích thêm 20% nhờ phương pháp này và phần lớn cát được nhập từ các nước láng giềng như Campuchia, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan. Trong vòng 20 năm qua, quốc gia này đã nhập khoảng 517 triệu tấn cát.

Với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của nền kinh tế châu Á, nhu cầu đất cát trong trộn bê tông và làm nhựa đường ngày một cao và không có gì đáng ngạc nhiên khi châu Á trở thành thị trường nóng bỏng của cuộc đại chiến ngành đất cát. Nhu cầu sử dụng cát đến mức vô độ của con người đã cướp đi kế sinh nhai của nhiều người, làm mất cân bằng sinh thái và về lâu dài giết chết những con sông.

Ở Ấn Độ, thị trường đen mặt hàng cát xây dựng đang bùng nổ dẫn đến sự hình thành những băng nhóm "mafia cát" cực kỳ bạo lực gây ra cái chết cho hàng chục người và làm bị thương hàng trăm người khác trong những năm gần đây. Phản ánh nạn khai thác cát trái phép là việc làm gặp nhiều nguy hiểm đối với các nhà báo và nhà hoạt động xã hội tại Ấn Độ.

Vài năm trước, 3 nhà báo Ấn Độ đã bị cát tặc giết chết. Một nhà báo khác phản ánh vấn đề khai thác cát trái phép ở Tamil Nadu cũng liên tục bị đe dọa và phải chuyển đến nơi khác sinh sống. Không chỉ nhà báo, một vị tu sĩ phản đối khai thác cát trái phép quanh khu vực Hardwar cũng qua đời một cách bí ẩn.

Các vụ khai thác cát trái phép xảy ra phổ biến nhất tại nhánh thấp nhất của sông Hằng, giữa đập Farakka và nơi tiếp giáp sông Hằng với vịnh Bengal. Tại đây, những cây cầu nổi với những ống hút cát lớn được dựng lên giữa sông, bơm cát và đổ lên bờ sông.

Hậu quả của nạn khai thác cát bừa bãi đã khiến một trong những cây cầu bắc qua sông Ganga bị sập vì cát và bùn quanh chân cầu đã bị khai thác. Cư dân khu vực này phải di chuyển chậm bằng phà hoặc đi đường vòng 50km để qua sông.

Tháng 6 vừa qua, đáp ứng kiến nghị của nhiều nhà hoạt động môi trường, tòa án tối cao bang Uttarakhand đã tuyên bố sông Hằng và Yamuna là các thực thể sống nhằm chặn nạn khai thác cát trái phép quanh khu vực Hardwar. Theo tuyên bố này, tòa án đã ban hành lệnh cấm khai thác cát tại khu vực trong vòng 4 tháng và yêu cầu Chính phủ lên kế hoạch ngăn chặn nạn khai thác trái phép.

Một tàu hút cát hoạt động ngoài khơi Tiwi.

Trung Quốc là quốc gia có nhu cầu về cát cao nhất thế giới để phục vụ quá trình đô thị hóa. Trung Quốc chiếm đến 50% nhu cầu đất cát của toàn thế giới khi đầu tư mạnh tay cho cơ sở vật chất hạ tầng. Tính riêng trong các năm từ 2011 đến 2014, Trung Quốc đã xây 32,3 triệu ngôi nhà cùng 4,5 triệu km đường xá.

Theo Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP), nhu cầu về ximăng ở Trung Quốc tăng 400% trong hai thập kỷ qua. Trong vòng 4 năm qua, Trung Quốc đã sử dụng lượng ximăng nhiều hơn Mỹ sử dụng trong cả thế kỷ XX trong khi sản xuất ximăng cần có cát. Từ cuối thế kỷ XIX, nạn khai thác cát quá mức khiến các cây cầu trên dòng sông Trường Giang không còn kiên cố, cản trở giao thông đường thủy và làm sạt lở các đường bao bờ sông.

Năm 2000, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cấm các hoạt động khai thác cát dọc theo nhánh dưới và giữa của sông. Lệnh cấm này khiến những đội quân "cát tặc" phải di chuyển vùng khai thác sang hồ Bà Dương (Poyang Lake) ở tỉnh Giang Tây - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc chảy vào sông Trường Giang.

Hồ Bà Dương những năm gần đây đang dần khô cạn do cát tặc lộng hành liên tục nạo vét lòng hồ. Theo các nhà nghiên cứu, khai thác cát là nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm nhanh chóng mực nước hồ trong những năm gần đây, giảm chất lượng nước của hồ và nguồn cung cấp nước cho các đầm lầy xung quanh - đầm lầy rộng nhất châu Á, nơi cư ngụ của nhiều loài chim có tên trong Sách Đỏ như sếu Siberian và cò trắng di cư vào mùa đông.

Sông Mê Công là nguồn cung cấp cát tiếp theo phục vụ công nghiệp xây dựng tại Trung Quốc. Dọc theo sông Mê Công, đoạn qua tỉnh Vân Nam, hoạt động nạo vét cát gần như được chính quyền từ tỉnh tới huyện cho phép, trừ các điểm nóng sinh thái. Hiện chưa có đánh giá cụ thể nào về mức độ ảnh hưởng của các hoạt động khai thác cát đến đa dạng sinh học và các quần thể cá sông Mê Kông.

Tuy nhiên, việc mất đi toàn bộ lượng cát do nạn khai thác trái phép và bị giữ lại bởi các đập thủy điện đã làm biến đổi cảnh quan sông Mê Công tại Đồng bằng Sông Cửu Long phì nhiêu màu mỡ của Việt Nam, đồng bằng được xem là vựa lúa của khu vực. Theo ước tính của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên, chỉ riêng năm 2011, 50 triệu tấn cát đã bị khai thác ở hạ nguồn sông Mê Công, nơi giáp ranh giữa Lào và Việt Nam, số cát này nhiều hơn lượng cát sông có thể tạo ra trong một năm. Việc khai thác quá mức làm lòng sông sụt giảm hơn 1m từ năm 1998 đến 2008, tạo cơ hội cho nước biển xâm nhập vào các cánh đồng lúa và toàn bộ vùng đồng bằng.

Theo các nhà hoạt động môi trường ở Campuchia, khoảng 500 triệu tấn đất cát đã bị khai thác trái phép tại tỉnh Koh Kong để vận chuyển đến Singapore bất chấp điều này gây ô nhiễm môi trường cũng như làm giảm nguồn cá của ngư dân nơi đây.

Mỗi ngày, hàng trăm chiếc phà khai thác cát trái phép hoạt động trong vùng Koh Kong, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Mặc dù Thủ tướng Hun Sen đã ban hành lệnh cấm khai thác cát vào năm 2009 sau khi 1.500 ngư dân cùng nộp đơn khiếu nại lên chính phủ nhưng quy định này chỉ giới hạn trong các dòng sông cũng như không có nhiều hiệu quả với các băng đảng khai thác trái phép.

Châu Phi đã khô hạn nay thêm phần cháy khát

Ở Kenya, bọn cát tặc hút cát vô tội vạ từ những lòng sông thuộc các vùng nghèo khó như Makueni khiến cho một số cộng đồng dân cư thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Với tương lai dân số sẽ tăng gấp đôi trong vòng 40 năm tới, những dự án hạ tầng cơ sở quy mô như tuyến đường sắt chở khách và vận chuyển hàng hóa nối liền thủ đô Nairobi và thành phố cảng Mombasa dài 472,3km gọi là Standard Gauge Railway (SGR) là rất cần thiết.

Người vợ góa bên di ảnh Geoffrey Kasyoki.

Dĩ nhiên, chính quyền Kenya cần đến hàng triệu tấn cát để phục vụ cho dự án SGR. Những vùng bờ biển và con sông nằm sâu trong nội địa của Kenya bị cát tặc khai thác triệt để trong những năm gần đây và Makueni là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Ví dụ, nhiệt độ trong suốt năm ở Makueni tăng vọt hơn 35ºC.

Theo từng mùa, những con sông đầy cát chảy uốn khúc qua vùng đất khô cằn. Vào mùa mưa, nước thấm vào lớp cát và được trữ lại. Đến mùa khô hạn, dân số gần 1 triệu người ở Makueni đào những cái hố to trên cát để lấy nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, cát tặc đã biến những lòng sông cát thành tầng đá nền và sang mùa mưa thì nước không còn giữ lại được. Không có nước, con sông không còn tồn tại nữa. Đó là trường hợp của con sông Kilome Ikome ở Makueni.

Một người dân địa phương tên là Anthony nói: "Chúng tôi gọi đó là con sông chết. Không ai lấy được nước từ con sông này nữa". Cách đây chừng vài năm, con sông này vẫn đầy nước và cát.

Đối với một số người, cát là sự sống. Đối với số người khác, cát đơn giản là… tiền! Tại vùng nghèo khó như Makueni, người dân phải tự cứu lấy mình. Sĩ quan cảnh sát địa phương Geoffrey Kasyoki nổi tiếng trong cộng đồng của ông là người dũng cảm chiến đấu chống lại bọn cát tặc.

Tháng 2-2011, Kasyoki bị một nhóm thanh niên tấn công  và giết chết ngay giữa ban ngày. Mọi người đều biết hung thủ chính là bọn cát tặc. Người vợ góa Irene cho biết: "Anh ấy bị giết chết vì dám ngăn chặn bọn cát tặc".

Thống đốc bang Makueni, Kivuthu Kibwana thừa nhận, một số sĩ quan cảnh sát còn tham gia kinh doanh cát với bọn cát tặc. Cuộc chiến tranh giành cát còn diễn ra cực kỳ đẫm máu giữa các băng nhóm cát tặc ở Makueni. Cát tặc đã làm biến mất vùng bãi biển cát xinh đẹp Tiwi của Kenya - nơi tiếp đón du khách và cũng là nơi làm tổ của rùa biển.

Quốc Hùng - Duy Minh (tổng hợp)
.
.